Chúng ta

‘Bản chất của sống thử không xấu’

Thứ sáu, 26/4/2013 | 18:36 GMT+7

“Sống thử có thể có lợi nếu chúng ta có cách nhìn đúng đắn và chuẩn bị kỹ trước khi cả hai sống cùng nhau”, thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu khẳng định.
> Bàn về sống thử cùng sinh viên FPT

Chiều ngày 25/4, hơn 40 sinh viên khóa đầu tiên của Viện Quản trị Kinh doanh FPT (FSB thuộc ĐH FPT) tại TP HCM đã cùng bàn vấn đề “Sống thử” với chuyên gia tư vấn tâm lý - thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu tại sảnh tầng 4, tòa nhà CMC Plaza, 79B, Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình.

Diễn giả và sinh viên FSB HCM đã trao đổi về những quan niệm khác nhau về sống “như vợ chồng” trước hôn nhân hay sống thử. Trong khảo sát tại chỗ, hơn một nửa sinh viên tham gia ủng hộ việc sống thử tuy còn rụt rè chia sẻ về bản thân đã sống thử hay chưa.

a
Theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, việc sống thử có những mặt trái mà người trong cuộc phải lường trước.

“Điều này cho thấy, thế hệ trẻ ngày nay đã mạnh dạn đối mặt với vấn đề sống thử”, thạc sĩ khẳng định.

Theo thạc sĩ, bản chất của việc sống thử không xấu. Nhưng trong suy nghĩ của nhiều người, sống thử chỉ để thỏa mãn nhu cầu của bản thân. “Chính điều này làm cho chúng ta nghĩ nó xấu”, chuyên gia quan niệm.

Vị thạc sĩ trẻ cũng cho rằng, sống thử giúp cả hai có sự chuẩn bị tốt hơn trước hôn nhân. Tuy nhiên, việc này chỉ nên có khi “cả hai đồng thuận, không bên nào bị ép buộc”, thạc sĩ Hiếu khuyên. Bởi theo diễn giả, người nữ có quyền giữ “cái quý giá nhất" đến đêm tân hôn. Chuyên gia ví von qua câu chuyện chiếc bánh kem ngày nào cũng bị lấy đi lớp kem thì đến một ngày chỉ còn chiếc bánh thô ráp.

Ngoài ra, việc sống thử có thể giúp cho cả hai có được trải nghiệm đúng đắn về nhau như những mặt xấu của hai phía, tăng khả năng giải quyết mâu thuẫn và giúp cả hai nâng cao khả năng quản lý tài chính trong việc chi tiêu hằng ngày.

“Nếu cô ấy dâng hiến cho người cô ấy yêu thương và tin tưởng anh ta nhưng lại bị tên ấy chia tay. Vậy cô này đáng thương hay đáng trách?”, thầy Hiếu đặt câu hỏi. Tất cả sinh viên tại buổi nói chuyện đều đồng quan điểm là “đáng thương”.

Thạc sĩ lấy tiếp ví dụ về cây đinh được đóng vào tấm ván, khi dứt ra thì cả hai đều bị hỏng. Điều này tương tự với việc sống thử sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Ngoài ảnh hưởng tâm lý, nếu quan hệ lúc sống thử có thể dẫn tới có thai không mong muốn và nhiều hệ lụy sau này ở nữ giới.

Dẫu là sống chung có quan hệ hay không thì mỗi bên cũng nên tôn trọng và giữ gìn cho nhau. “Khi sống cùng, cả hai nên có những quy ước trong tình yêu”, giảng viên tâm lý khuyên nhủ. Những quy ước này được lập từ ngay lúc tìm hiểu nhau, yêu, sống chung đến lúc chia tay và hai bên cần tuân thủ chúng.

“Trinh tiết không quan trọng bằng vẻ đẹp tâm hồn của người mình yêu”, Nguyễn Tuấn Phương Hoàng, sinh viên lớp GPC0912, khẳng định. Cậu là người duy nhất giơ tay đồng ý “không quan trọng trinh tiết người phụ nữ của mình” trong khảo sát của thầy Hiếu tại buổi nói chuyện.

a
Người tham dự hào hứng với chủ đề và nội dung của buổi nói chuyện.

Diễn giả cũng hướng dẫn nữ sinh cách ứng phó với những người “yêu vì tình dục”. “Khi được yêu cầu, hãy dùng chính những đòi hỏi của anh ta để khôn khéo trả lời lại”, thạc sĩ hướng dẫn.

Buổi nói chuyện này đã khiến nhiều sinh viên thay đổi cách nhìn với sống thử. “Em đã thay đổi quan niệm, suy nghĩ. Sống thử chỉ xấu khi đi với nó là những động cơ xấu”, Nguyễn Thị Hồng Nhung, sinh viên lớp GPC0791, chia sẻ.

Trong hơn một giờ, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đã chia sẻ chân thành, cởi mở về cuộc sống chung trước hôn nhân. "Qua buổi này, tôi có thêm những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong đời sống hôn nhân và cả trong giao tiếp hằng ngày”, Trần Thị Kim Hoàng, giảng viên tiếng Anh, hào hứng chia sẻ sau khi kết thúc buổi nói chuyện.

Dy Khoa

 

Ý kiến

()