Chúng ta

Bài học cho Việt Nam từ khủng hoảng tài chính toàn cầu

Thứ hai, 21/11/2011 | 12:19 GMT+7

Dưới góc nhìn và phân tích của một chuyên gia tài chính hàng đầu, ông Bùi Kiến Thành đã có buổi trao đổi sôi nổi với CBNV FPT về "Cuộc chiến phố Wall và cơn bão tài chính toàn cầu" tại FPT Cầu Giấy (Hà Nội) chiều 17/11.
> Chuyên gia Bùi Kiến Thành nói về 'Cuộc chiến phố Wall'

Với nhiều năm nghiên cứu và làm việc tại nước ngoài, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đã phân tích tỉ mỉ về nguyên nhân và giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu, khủng hoảng tại Mỹ mà đặc biệt là cuộc “đánh chiếm phố Wall”.

Chương trình thu hút hơn 130 cán bộ nhân viên FPT tham dự trực tiếp tại tầng 13 tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội.
Nhiều lãnh đạo cấp cao đã dự buổi chia sẻ này, trong đó có: Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch HĐQT FPT Bùi Quang Ngọc, Chủ tịch HĐQT TiênPhong Bank Lê Quang Tiến… cùng đông đảo lãnh đạo mảng tài chính trong Tập đoàn.

Theo ông, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu ngày một nghiêm trọng và hiện chưa có một giải pháp nào có thể cứu vãn tình thế. Những lo ngại về hiệu ứng domino từ trường hợp khủng hoảng nợ công của Hy Lạp đang dần trở thành hiện thực. Cơn hỗn loạn tài chính đã lan đến Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và tiếp theo sẽ là Italy. Đây không phải là vấn đề châu lục, Liên minh châu Âu có thể tự mình xử lý mà đã trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu bởi nó ảnh hưởng xấu đến tâm lý của giới đầu tư trên toàn thế giới.

Ông Thành phân tích, đằng sau những khủng hoảng bề nổi như cuộc chiến Phố Wall đang lan rộng, khủng hoảng về nợ công, hạ thấp chỉ số tín nhiệm của một loạt nền kinh tế uy tín… thì bản chất cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa hơn, như áp lực cạnh tranh lao động tại các nước phát triển, các chế độ, thể chế cũng như chính sách xã hội tại các quốc gia phát triển này.

Đặc biệt là mức tín dụng tiêu dùng tại các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới lớn hơn rất nhiều so với tín dụng doanh nghiệp. "Không chỉ chính phủ Mỹ nợ nần chồng chất, mà người dân Mỹ cũng nợ rất nhiều. Tất cả bắt nguồn từ chính sách kích cầu theo kiểu Mỹ: kích thích tiêu xài, mua sắm để từ đó kích thích sản xuất trong nước. Cái giá phải trả đó là, khi hàng hóa trong nước không cạnh tranh được với hàng hóa nhập khẩu, tiền của người Mỹ lại chảy về các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ...", ông nói.

Bên cạnh đó, chi phí nhân công, chi phí sản xuất quá cao, không đủ sức cạnh tranh với các nước đang phát triển. Từ đó, các nước này cũng đang mất dần sức hút vốn đầu tư nước ngoài.

Trả lời câu hỏi “nếu Hy Lạp phá sản, chuyện gì sẽ xảy ra”, ông Thành dự đoán: “Cơn bão tài chính này cũng sẽ khiến Liên minh châu Âu tan rã. Từ đó, hệ thống ngân hàng tài chính của châu Âu cũng sẽ phá sản. Nền tài chính toàn cầu sẽ điêu đứng và đóng băng. Có thể thấy, cơn bão tài chính năm 2008 không là gì so với những hậu quả cuộc khủng hoảng lần này gây ra”.

ông Thành nhấn mạnh Việt Nam có thể rút ra nhiều kinh nghiệm và bài học đắt giá

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhấn mạnh, Việt Nam có thể rút ra nhiều kinh nghiệm và bài học đắt giá. Ảnh: Lâm Thao.

Nền kinh tế châu Á vững vàng hơn các nước công nghiệp châu Âu già nua. Các nước châu Á gần như không mắc nợ, có thặng dư trong ngân sách và trong cán cân thương mại. Không giống như các ngân hàng châu Âu, ngân hàng của những nước này không bị hấp dẫn bởi tín dụng địa ốc nhiều rủi ro và các sản phẩm tài chính hấp dẫn do thị trường tài chính Wall Street cung cấp.

Nhìn lại sự ứng phó của Chính phủ Mỹ và những quốc gia lớn trên thế giới, ông Thành nhấn mạnh, Việt Nam có thể rút ra nhiều kinh nghiệm và bài học đắt giá.

“Về phía Việt Nam, từ trước đến nay, chúng ta đặt ưu tiên xuất khẩu (đến 60% GDP) và bị lệ thuộc vào nó. Nay thị trường xuất khẩu (là các nước phát triển) co lại thì chúng ta phải nghĩ đến việc phát triển thị trường nội địa. Hiện Chính phủ Việt Nam đưa ra giải pháp phát triển nông thôn kiểu mới để đa dạng hóa ngành nghề. Tương lai Việt Nam sẽ không phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu mà vẫn phát triển”, ông Thành chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Thành cũng nhấn mạnh: “Việt Nam - quốc gia trên 80 triệu dân, đứng thứ 14 trên thế giới, dân số trẻ thì phải làm sao khai thác được ưu thế này. Việt Nam có chi phí sản xuất thấp, giá nhân công rẻ, đó là lợi thế cạnh tranh và bí quyết để thu hút vốn đầu tư. Phải phát huy nội lực và tiềm năng thị trường từ thành thị đến nông thôn”.

Ông cũng chỉ ra, Việt Nam có căn bệnh “phong bì”. Chi phí quan hệ khiến chi phí sản xuất tăng thêm 5-10%. Nếu không thay đổi tư duy, thực hiện tốt khâu quản lý thì doanh nghiệp Việt sẽ rất khó khăn khi cạnh tranh trên trường quốc tế.

Thêm nữa, hiện nay, nợ công của Việt Nam là trên 50% GDP. “Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất vẫn là quản lý đầu tư cho hiệu quả nhất. Mục đích không phải là giảm nợ công mà là sử dụng hiệu quả để đất nước phát triển. Mà muốn sử dụng cho tốt thì phải rà soát lại tất cả dự án đầu tư công và phải có những nhân sự cần thiết để quản lý cho hiệu quả. Hệ lụy của nợ công nếu không trả được sẽ dẫn đến lệ thuộc nước ngoài, lệ thuộc các quốc gia hay những tổ chức tài chính nào đó”, ông Thành kết luận.

Chương trình đã thu hút sự quan tâm của đông đảo CBNV FPT. Ảnh: Lâm Thao.

Chương trình đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người FPT, trong đó có nhiều lãnh đạo ở mảng tài chính. Ảnh: Lâm Thao.

Việt Nam cũng nên rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng này để thận trọng hơn trong các hoạt động tài chính, đặc biệt là cho vay kinh doanh bất động sản ở Việt Nam. Bài học quan trọng nhất là các cơ quan quản lý nhà nước phải giám định chặt chẽ hoạt động của các định chế tài chính, tránh "ngủ gục" trên "tay lái" của mình. Giá bất động sản hiện nay là giá ảo, do mua đi bán lại chứ không phải giá thật của hàng hóa. Ngân hàng cần rút kinh nghiệm vỡ bong bóng của thị trường bất động sản Nhật trong những năm 1990. Sự cố này đã dẫn tới sự phá sản của nhiều ngân hàng, và nền kinh tế Nhật đến nay chưa hồi phục hoàn toàn.

Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, chính sách tiền tệ hiện nay đã vô tình gây thêm áp lực cho nền kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính hiệu quả của quản lý nợ công, từ khâu xây dựng chiến lược quản lý nợ công đến khâu thực hiện. Vì thế, nên có định chế nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn trong quản lý tín dụng.

“Khủng hoảng tài chính hiện nay vừa là cơ hội vươn lên vừa là thử thách lớn cho các nước châu Á, trong đó có Việt Nam”, ông Thành chia sẻ.

Thu Thủy

Ý kiến

()