Chúng ta

Việt Nam sẽ là trung tâm gia công phần mềm thế giới

Thứ ba, 19/2/2013 | 10:13 GMT+7

Trong bài phân tích mới nhất về ngành công nghiệp phần mềm, tạp chí Forbes danh tiếng của Mỹ khẳng định, Việt Nam sẽ trở thành “nhà cung cấp dịch vụ gia công (outsource) phần mềm đẳng cấp thế giới”.
> FPT Software - ‘điểm sáng’ FPT năm 2012 / Lý do các lập trình viên thường làm việc ban đêm

Căn cứ trên dữ liệu của "Sách Trắng Công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam 2012", Forbes cho rằng ngành công nghiệp nội dung số và phần mềm của Việt Nam trị giá 2,3 tỷ USD, tăng trưởng ở mức trung bình 20-25% mỗi năm, kể từ năm 2001.

Forbes nhấn mạnh, khi Ấn Độ trở nên phát triển và giàu có hơn, các công ty toàn cầu bắt đầu tìm kiếm những quốc gia có cơ hội làm outsource công nghệ với giá rẻ. Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của NeoIT - hãng chuyên nghiên cứu về outsource có trụ sở tại Mỹ, chi phí lao động CNTT tại Việt Nam rẻ hơn 40% so với tại Trung Quốc và Ấn Độ. Báo cáo Global Services Location Index của hãng tư vấn A.T. Kearney và nghiên cứu của hãng KMPG cũng dự đoán, Việt Nam sẽ là một trong những trung tâm outsource tiếp theo của phát triển phần mềm.

TP HCM được ví với Silicon Valley, Hà Nội là Seattle

Một trong những công ty đi đầu ngành công nghiệp phần mềm tại Việt Nam là TMA ở TP HCM, với 1.200 kỹ sư. Theo Forbes, TMA là một trong số nhỏ những công ty phần mềm của Việt Nam có số lượng nhân viên hơn 1.000 người. Theo ông Nguyễn Hữu Lê, GĐ công ty, TMA đã thu về 22 triệu USD trong năm 2012.

d

Hiện có hàng loạt công ty phần mềm với mọi quy mô doanh nghiệp đang góp phần tạo nên sự lớn mạnh của ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam. Ảnh: Forbes.

Forbes đã ví von: “Nói về sự phát triển công nghệ cao, TP HCM như một Thung lũng Silicon, còn Hà Nội như thành phố Seattle”. Ngoài TMA ở TP HCM, Forbes cũng nhắc đến FPT là một hãng đang thống lĩnh thị trường nhà cung cấp dịch vụ outsource, còn VietSoftware International là “công ty outsource phần mềm thứ hai ở Hà Nội”, vốn là một chi nhánh của Công ty VietSoftware và được thành lập từ năm 2006.

FPT, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn cũng thống trị thị trường gia công phần mềm tại Việt Nam. Đội ngũ gia công phần mềm với khoảng 3.800 người (số liệu Forbes lấy từ Sách Trắng) mang lại tổng doanh thu khoảng 62,5 triệu USD trong năm 2011. Chị Nguyễn Thị Đan Phượng, Giám đốc Marketing FPT Software, cho biết: "Chúng tôi chiếm khoảng 21% tổng thị phần Việt Nam gia công phần mềm cho thị trường toàn cầu".

Cả ba công ty gồm FPT, Vietsoftware và TMA cùng chia sẻ niềm tự hào quốc gia, chứng minh năng lực cung cấp dịch vụ outsource với các khách hàng thế giới, rằng các kỹ sư phần mềm Việt Nam là những kỹ sư giỏi nhất thế giới.

Ngoài ra, tại Việt Nam hiện có hàng loạt công ty phần mềm khác với mọi quy mô doanh nghiệp đang góp phần tạo nên sự lớn mạnh của ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam.

Nhiều thách thức phải vượt qua

Tuy nhiên, Forbes cũng nhận định, các công ty phần mềm Việt Nam dù có quy mô lớn hay nhỏ đều đang phải đối mặt với các thách thức giống nhau. Theo ý kiến của một giảng viên của Đại học RMIT, đầu tiên là sự cạnh tranh từ các công ty của các nước mới nổi khác, đặc biệt là Ấn Độ. Thứ hai là khó khăn trong vấn đề tuyển dụng đủ nhân lực CNTT có khả năng đáp ứng các dự án lớn. Thứ ba, do tỷ suất lợi nhuận đang co hẹp, một số công ty đang xem xét phát triển sản phẩm CNTT riêng của mình. Nhưng họ lại gặp khó khăn trong khâu bán hàng và marketing.

d

Harvey Nash, tập đoàn lớn của châu Âu, bày tỏ sự tin tưởng vào FPT Software khi ký hợp đồng khung mới. Ảnh: V.N.

Mặc dù tiếng Anh đã được học và đào tạo rộng rãi, Việt Nam vẫn thua Ấn Độ trong lĩnh vực này. Trình độ tiếng Anh giao tiếp của các kỹ sư CNTT Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn khoảng cách so với nhu cầu của thương mại quốc tế. Không những thế, về nhân sự, các công ty phải đưa ra những lựa chọn rất cân nhắc, hiệu quả để giữ thế cạnh tranh. Không những cạnh tranh về nhân sự với các công ty trong nước, mà các công ty phần mềm Việt còn phải cạnh tranh nhân sự với các công ty nước ngoài tại Việt Nam.

Ngoài ra, để phục vụ tốt hơn khách hàng quốc tế, các nhà cung cấp dịch vụ outsource phần mềm Việt Nam cần hiểu giá trị của khách hàng và cách họ suy nghĩ, làm việc. Tại châu Á, niềm tin “tố chất lãnh đạo là bẩm sinh” vẫn còn thịnh hành, trong khi ở phương Tây, nhiều người cho rằng “tố chất lãnh đạo là có thể đào tạo được”. Để theo kịp tư duy của các nước phát triển, cả ba công ty phần mềm lớn của Việt Nam đã mở các khoá đào tạo “kỹ năng mềm” cho nhân viên.

Lãnh đạo TMA cho biết, khi khởi nghiệp vào năm 1997, chỉ có một số ít công ty phần mềm Việt Nam làm về mảng outsource. Một trong những thách thức lớn nhất của TMA là “xây dựng một công ty với phong cách quản trị phương Tây để cạnh tranh với thị trường thế giới. Ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam lúc đó thiếu kinh nghiệp quản lý hiện đại”.

Các công ty chuyên làm về dịch vụ outsource phần mềm Việt Nam cũng gặp phải khó khăn trong việc điều hành các kỹ sư theo đúng tiêu chuẩn thế giới, đáp ứng tốt nhu cầu công việc của khách hàng nước ngoài, đồng thời phải khuyến khích và có chính sách để các nhân viên vẫn cảm nhận sự quen thuộc của người Việt Nam. Chẳng hạn, văn hoá Việt Nam đặt giá trị cao vào cộng đồng và gia đình, vì thế các công ty phải có chính sách hỗ trợ cả gia đình đi nghỉ mát, hay có quà cho con em của các nhân viên vào những dịp đặc biệt.

Trong khi đó, xây dựng niềm tin và nhận diện thương hiệu trên toàn cầu là một trong những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam. Các công ty trong ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam vẫn gặp khó khi thu hút khách hàng mới qua chiến dịch marketing và bán hàng. Rất ít công ty phần mềm Việt đầu tư và kinh doanh ở nước ngoài, vì thế các hoạt động bán hàng và marketing chủ yếu xuất phát từ Việt Nam, do đó không hiệu quả, không thu hút được nhiều khách hàng nước ngoài.

FSU15, đơn vị chuyên thực hiện các phần mềm với khách hàng Nhật Bản. Ảnh: V.N.

FSU15, FPT Software, đơn vị chuyên thực hiện các phần mềm với khách hàng Nhật Bản. Ảnh: V.N.

Hiện nay, các hãng phần mềm lớn của Việt Nam như FPT cũng bắt đầu có sự đầu tư ra nước ngoài. Ngay cả các công ty nhỏ hơn cũng đang ấp ủ chiến lược đó.

Theo Forbes, các công ty outsource phần mềm Việt Nam có thể tự tin sẽ phát triển hơn nữa và không bị ảnh hưởng trong bối cảnh nền kinh tế trong nước khó khăn.

Trước đó, CIO, chuyên trang dành cho giới lãnh đạo CNTT toàn cầu, đã chọn ra 6 "điểm đến" lý tưởng cho ngành gia công phần mềm trong năm 2013. Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất vào Top 6 'điểm nóng' của ngành gia công phần mềm thế giới trong năm 2013 bên cạnh các quốc gia: Colombia, Peru, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi.

Đặc biệt, ngày 3/8/2012, FPT Software đã trở thành công ty Việt Nam đầu tiên có tên trong top 100 nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu do Global Services (Ấn Độ) cùng NeoGroup (Mỹ) đánh giá. Top 100 nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu tập hợp các doanh nghiệp có năng lực xuất sắc trong việc cung cấp dịch vụ gia công phần mềm trên thế giới. Góp mặt trong danh sách này là những tên tuổi lớn trong lĩnh vực CNTT đến từ khắp nơi trên thế giới như: Infosys, Unisys, Capgemini, ChinaSoft, CSC, HCL, Neusoft...

Na Vy

Ý kiến

()