Chúng ta

Từ ‘Oshin’ thành ‘người tình’

Thứ năm, 19/9/2013 | 16:18 GMT+7

Giữa bối cảnh nền công nghiệp outsourcing (gia công phần mềm) toàn cầu ngày càng cạnh tranh khốc liệt, FPT Software lại đang đứng trước cơ hội “hiếm có và khó lặp lại” trong lịch sử 15 năm phát triển của mình.
> FPT trên hành trình chinh phục ¼ thế kỷ

“Thị trường outsourcing của Nhật có giá trị 30 tỷ USD và toàn thế giới là 300 tỷ USD. Trong ba năm tới, FPT Software sẽ phát triển lên mức 10.000 CBNV. Đây là cơ hội vàng cho sự phát triển vượt bậc của FPT Software, đồng thời cũng là cơ hội hiếm có dành cho mỗi người đang và sẽ làm việc cho công ty”, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.

d

Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến trong Hội thao 13/9 tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Thành

Trong bài phân tích mới nhất về ngành công nghiệp phần mềm, tạp chí Forbes của Mỹ khẳng định, Việt Nam sẽ trở thành “nhà cung cấp dịch vụ gia công (outsource) phần mềm đẳng cấp thế giới” và FPT Software đang chiếm khoảng 20% thị trường xuất khẩu phần mềm tại Việt Nam.

Anh Nguyễn Thành Lâm, Tổng Giám đốc FPT Software, nhớ lại, đội ngũ xuất khẩu phần mềm của FPT 14 năm trước chỉ hơn 10 người, thiếu kiến thức, không khách hàng, cơ sở vật chất nhỏ… “Các bậc tiền bối chỉ mang trong mình nhiều khao khát còn những mặt khác kém xa các công ty Việt Nam khác chứ chưa nói gì đến nước ngoài”, anh nói.

Hợp đồng đầu tiên mà FPT Software giành được là với Winsoft (Canada). Ngay với khách hàng đầu tiên, FPT Software đã chứng tỏ dịch vụ phát triển phần mềm cho đối tác không nhất thiết phải được tiến hành tại trụ sở khách hàng mà ngược lại, phần lớn công việc có thể được thực hiện ở Việt Nam, với nguồn nhân lực dồi dào và giá nhân công thấp.

Năm 2001, FPT Software chuyển hướng sang thị trường Nhật khi giành được hợp đồng với NTT-IT. Lập trình viên FPT dần chinh phục những khách hàng lớn và khó tính tại xứ sở Phù tang như Canon, Hitachi… Hiện Nhật Bản chiếm khoảng 55% doanh thu của công ty với mức tăng trưởng trên 50% mỗi năm, trong khi thị trường phần mềm nước này ghi nhận tăng trưởng âm (-11%).

Thành công nối tiếp thành công, FPT Software trở thành sự lựa chọn của Harvey Nash, Proximus, Neopost, Freescable, Microsoft, IBM, Mobiz...

d

Qua hình tượng Minion, đơn vị Phần mềm muốn truyền tải thông điệp: "FPT Software từ 'Oshin' trở thành những chuyên gia công nghệ hàng đầu. Ảnh: V.N.

“Đến nay chúng tôi đã là một công ty lớn, môi trường hiện đại, có hàng trăm khách hàng và đối tác quốc tế. FPT Software đã là công ty hàng đầu Việt Nam, có tầm cỡ trong khu vực nhưng vẫn còn rất nhỏ so với các công ty trên thế giới. Nói theo ngôn ngữ đá bóng thì chúng tôi vô địch V-League, có thể đá AFC Cup, nhưng chưa đến tầm World Cup”, CEO FPT Software ví von.

Anh Lâm chia sẻ, với thị trường rộng mở và mức tăng trưởng cao, Ban lãnh đạo đơn vị đặt kế hoạch dự kiến doanh thu sẽ vượt 200 triệu USD trong ba năm tới: “Mơ ước của chúng tôi là đạt được 1 tỷ USD vào năm 2020. Lúc ấy chúng tôi sẽ nâng tầm lên trình độ World Cup”.

Mấu chốt thành công của công ty chính là con người. Không phải đầu tư quá nhiều vào cơ sở hạ tầng hay vốn, nguồn lực quan trọng nhất của FPT Software “là những chàng trai, cô gái trẻ tuổi nhưng mang trong mình khát vọng chinh phục những thị trường phần mềm khó tính nhất thế giới”.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển và cập nhật công nghệ mới liên tục, công ty cũng đang gặp khó khăn khi nguồn lực đầu vào là sinh viên công nghệ thông tin quá thiếu. “Cái khó ló cái khôn”, FPT Software đã kịp “lập trình” ra “lò đào tạo” với phương châm “Đào tạo liên tục để tìm kiếm và phát huy tài năng”. Với cách làm này, phần lớn CBNV mới gia nhập công ty đều trải qua “lò luyện” từ một đến 3 tháng để trở thành những chú “gà chiến” thực sự, có thể tham gia bất cứ dự án nào.

“Tổng số sinh viên CNTT ra trường hằng năm của Việt Nam chỉ bằng 1/10 số nhân viên một công ty lớn của Ấn Độ. Đây là bài toán xã hội và FPT cũng đang rất tích cực đóng góp để giải bài toán này. Với mục tiêu 10.000 CBNV, trước mắt nguồn cung tạm đủ về số lượng nhưng về lâu dài, FPT Software đang tính nhiều giải pháp như thu hút, đào tạo sinh viên ngoài CNTT, mở thêm trung tâm ngoài Việt Nam”, anh Lâm chia sẻ.

Giám đốc Nhân sự FPT Software Phạm Tú Cường cho biết, trong năm 2013, đơn vị cần tuyển khoảng 2.300-2.500 CBNV. Đơn cử với riêng thị trường Mỹ, công ty liên tục tuyển dụng các vị trí để làm việc trong những dự án lớn cho các khách hàng hàng đầu tại đây.

Việc phát triển đội ngũ hiện tại là yếu tố quyết định để có bộ khung vững vàng. Đội ngũ của FPT Software có ưu điểm là được cọ xát, trải nghiệm thực tiễn nhiều. “Kết hợp đào tạo các kiến thức, lý thuyết hiện đại, chúng tôi đã, đang và sẽ có một đội ngũ rất mạnh. Mảng đào tạo nội bộ sẽ được công ty chú trọng hơn”, anh Lâm khẳng định.

Tham gia sân chơi công nghệ thời toàn cầu hóa, FPT Software sớm nhận ra việc đa dạng hóa dịch vụ là một trong những cách thức để doanh nghiệp có thể đón đầu những trào lưu mới, tạo nên nhiều sản phẩm mới để doanh nghiệp không bị bỏ lại với tốc độ thay đổi chóng mặt hiện nay. Và làn sóng công nghệ mới nhất của thế giới như: Dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Di động (Mobility)… đã và đang là những dịch vụ mà đơn vị có thế mạnh.

“Trong các ngành và lĩnh vực khác, công ty thuộc top đầu thường cách rất xa nhóm thứ hai, nhưng trong lĩnh vực công nghệ, chúng ta luôn có cơ hội để đuổi kịp các ‘ông lớn’. FPT Software đang thực hiện những dự án tiên tiến nhất thế giới, chẳng hạn như nhận diện giọng nói”, anh Tiến tự hào.

Ngày 13/3 vừa qua, FPT Software chính thức khai trương Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Silicon Valley, California, Mỹ. Trước đó, bộ phận nghiên cứu của công ty đã được vận hành tại Việt Nam với khoảng 50 nhân sự.

d

CBNV FPT Software HCM tràn đầy sinh khí tại Lễ kỷ niệm thành lập tập đoàn. Ảnh: V.N.

Trồng cây rồi cũng đến ngày hái quả. Mới đây, FPT Software vừa thông báo giành được quyền triển khai dự án RQ1-Renovation trị giá hơn 1 triệu USD cho khách hàng Mỹ. Đây là dự án điện toán đám mây lớn nhất của FPT Software từ trước tới nay, trên nền tảng SaaS (Software-as-a-Service - Phần mềm dịch vụ). Ở dự án này, lần đầu tiên FPT Software tham gia tất cả giai đoạn từ tư vấn, thiết kế đến triển khai.

Tự tin vào khả năng và thị trường, FPT Software đặt ra những mục tiêu cao thách thức hơn. Theo đó, cơ cấu doanh thu đơn vị cũng sẽ thay đổi qua việc nâng cao chuỗi giá trị, mở rộng phạm vi công việc và vị thế trên thị trường. “Công ty sẽ đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ chiến lược nhằm xây dựng năng lực cốt lõi. Dịch vụ từ công nghệ mới sẽ chiếm 20% doanh thu của FPT Software trong 3 năm tới”, anh Lâm khẳng định.

Các hướng công nghệ của đơn vị cũng tập trung theo định hướng của tập đoàn, tạo ra những giải pháp giúp khách hàng chuyển dịch sang các platform mới như: Cloud, Mobility hoặc ứng dụng liên quan đến Big Data. Ngoài ra, một số hướng theo yêu cầu của khách hàng cũng được đặc biệt chú trọng như: Natural language processing (xử lý ngôn ngữ), image processing (xử lý hình ảnh), machine learning (máy học)…

“Trước mắt đơn vị sẽ tập trung xây dựng các giải pháp liên quan đến Mobility, một số sản phẩm đang được thử nghiệm trong chính công ty”, TGĐ FPT Software tiết lộ.

Song song đó, đơn vị đang triển khai những dự án mới cho Harvey Nash, Toshiba… trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến nhất. “Trong chuyến công tác tại Mỹ gần đây, các kỹ sư trẻ tuổi (dưới 30) của công ty đã tự tin trình bày giải pháp ở lĩnh vực công nghệ mới với khách hàng là những tập đoàn lớn nhất thế giới. Qua công nghệ và bằng công nghệ, vị thế của FPT Software đã và sẽ thay đổi nhanh chóng”, Chủ tịch Hoàng Nam Tiến tự tin.

Kết thúc 2012, FPT Software đã cán đích đạt doanh số hơn 1700 tỷ Đồng và gần 4.800 nhân viên (trong đó có 4.000 nhân viên chính thức và 800 nhân viên thời vụ).

FPT Software đặt kế hạch tổng doanh thu năm 2013 đạt 100 triệu USD. 6 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đặt ra. Cụ thể, đạt 100,91% kế hoạch doanh thu, tăng trưởng 31%.

Nghệ Nguyễn

Ý kiến

()