Chúng ta

Tín hiệu tích cực từ BPO

Thứ năm, 30/8/2012 | 12:01 GMT+7

Dịch vụ Gia công Quy trình Doanh nghiệp (Business Process Outsourcing – BPO), đặc biệt là các dịch vụ về CNTT, kế toán, quản lý lương, kiểm toán nội bộ, call center, data center… đang và sẽ trở thành xu thế đối với các tổ chức, doanh nghiệp.
> FPT Software lần đầu vào Top 100 Nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu / Năm 2011 dịch vụ BPO sẽ tăng trưởng 3 lần

Trong xu thế hiện nay, từ áp lực giảm giá và tăng hiệu quả của lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, ở các nước phát triển đã hình thành trào lưu thuê gia công phần mềm và dịch vụ nước ngoài của các công ty, tập đoàn CNTT đa quốc gia và những doanh nghiệp lớn.

Theo số liệu của tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới, năm 2011, thị trường BPO tại Mỹ đạt 93 tỷ đô la, tăng trưởng 17%/năm; với châu Âu, số liệu tương ứng lần lượt là 48,5 tỷ và tăng trưởng 8%/năm.

Trong lĩnh vực BPO, ngân hàng và dịch vụ tài chính chiếm 44%, viễn thông và công nghệ chiếm 26%, thị phần còn lại dành cho bán lẻ, nhân sự, sản xuất…

Trong 5 phân nhóm chức năng của thị trường BPO tại Mỹ thì dịch vụ tài chính – kế toán hiện chiếm 37,5% (châu Âu là 44%), dịch vụ khách hàng 43% (châu Âu là 35%).

d

Dịch vụ BPO có xu hướng chuyển sang các nước đang phát triển như Việt Nam. Ảnh: S.T.

Trong khi báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất phần mềm Ấn Độ (Nasscom) và công ty nghiên cứu Everest, cho biết, ngành công nghiệp BPO của Ấn Độ có thể sẽ đạt doanh thu đến 30 tỷ USD từ việc xuất khẩu dịch vụ trong năm 2012. Tuy nhiên, trong sáu năm trở lại đây, hợp đồng BPO mà Ấn Độ giành được ước tính đã giảm một nửa, theo trang tin www.Intoday.in.

Với tiêu đề “Cơ hội thị trường lớn trong tương lai”, báo cáo cũng dự đoán ngành công nghiệp này có thể thiết lập cho nó một mục tiêu lâu dài lên đến 50 tỷ USD.

Hiện, BPO của Ấn Độ cung cấp trực tiếp việc làm cho khoảng 880.000 người, theo đánh giá chiến lược năm 2012 của Nasscom.

Trong khi thế mạnh về BPO của Ấn Độ dần bị giảm đi, thì sự nổi lên của Philippines đang được dư luận rất quan tâm. Năm ngoái, nước này đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ (voice-supported services) lớn nhất thế giới và ngành công nghiệp BPO cũng đã có mức tăng trưởng nhảy vọt lên 21%, đạt 10.9 tỷ USD.

Hơn nữa, một phần đáng kể của hợp đồng dịch vụ hỗ trợ mà Philippines nhận được đã được chuyển từ Ấn Độ sang. Theo dự đoán, trong hai năm trở lại đây, khoảng 75.000 chỗ làm ở các call center tại Ấn Độ đã dịch chuyển sang Philippines.

“Ấn Độ đã ở rất xa Philippines khi nhắc đến các công việc liên quan đến cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, việc di chuyển công việc đến các nước khác là xu hướng tất yếu. Với chúng tôi, đây không phải là một chiến lược mạo hiểm, do chúng ta đang ngày càng toàn cầu hóa, nên chúng tôi cũng muốn mở rộng sự hiện diện trên toàn thế giới”, Keshav Murugesh, Giám đốc điều hành của WNS Global Services (Ấn Độ), nói.

Với sự phát triển nóng, Ấn Độ cũng bắt đầu rơi vào tình trạng thiếu nhân lực và chi phí nhân lực đội lên rất cao.

Nhiều thị trường có nhu cầu ngày càng lớn về BPO đã hình thành ở Nhật Bản, Úc, Canada, Singapore, Mỹ và các nước châu Âu. Cùng với nhu cầu này, sự vượt lên của Ấn Độ, Trung Quốc, Ixrael... đã tạo áp lực cạnh tranh, buộc nhiều doanh nghiệp ở những nước phát triển phải chuyển hướng sử dụng BPO sang những nước đang phát triển khác, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, quy mô nhân lực và thị trường của phần lớn các doanh nghiệp tham gia BPO trong nước còn nhỏ. Đây chính là rào cản đối với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài khi tìm đối tác tại Việt Nam.

Thế mạnh và sự hấp dẫn của CNTT Việt Nam nói chung, BPO nói riêng được thể hiện ở các khía cạnh: Dân số trẻ (trên 60% trong tuổi lao động), nguồn nhân lực có trình độ cao, năng động và ham học hỏi; chi phí hoạt động và giá thuê nhân công rẻ (chỉ bằng 1/3 so với Ấn Độ và chừng ½ so với Trung Quốc).

Trong báo cáo, Công ty nghiên cứu Gartner (Mỹ) đánh giá Việt Nam đứng thứ 4 về tiềm năng BPO của thị trường châu Á – Thái Bình Dương, sau Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Việt Nam có dân số trẻ, độ tuổi trung bình là 27 và hằng năm có khoảng 1 triệu nhân công mới tham gia thị trường lao động.

Internet và viễn thông ở Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh, với 111 triệu thuê bao di động (khoảng 90 triệu dân số), 27 triệu người dùng internet, đứng thứ 21 trên thế giới. Hiện cổng internet ra quốc tế đạt 130 Gbps giúp chuyển dữ liệu được nhanh chóng và đảm bảo.

Theo Institute Economics and Peace, chỉ số an toàn xã hội của Việt Nam đứng thứ 30 trên thế giới, trong khi vị trí của Trung Quốc là 80, Thái Lan 107, Ấn Độ 135, Philippines 136.

Các số liệu trên cho thấy, Việt Nam đang sở hữu những điều kiện rất phù hợp với lĩnh vực BPO toàn cầu.

Tuy nhiên, để có thể cung cấp dịch vụ BPO, doanh nghiệp phải có khả năng thay đổi sáng tạo và hướng tới việc cung cấp dịch vụ với quy mô lớn, có thể chia sẻ mạo hiểm với khách hàng cũng như khả năng cung cấp dịch vụ trọn gói. Đối chiếu những tiêu chí này thì rất ít doanh nghiệp Việt Nam dám “dấn thân” vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ BPO.

d

FPT là một trong những công ty tiên phong trong thị trường BPO tại Việt Nam. Ảnh: V.N

Trong quy trình, nghiệp vụ BPO có nhiều cấp độ khác nhau. Cấp đơn giản như: so sánh, đối chiếu, nhập liệu, call center... Đối với công việc phức tạp, khách hàng sẽ đòi hỏi đối tác đưa ra giải pháp và xử lý dữ liệu đầu vào theo quy trình.

FPT là một trong những công ty Việt Nam tiên phong trong thị trường BPO. Với việc có lợi thế về tiếng Nhật hơn các nước Đông Nam Á, FPT IS đã chọn khách hàng Nhật để thực hiện hợp đồng BPO đầu tiên.

Theo PTGĐ FPT IS Phùng Viết Thắng, đơn vị chọn phân khúc BPO giải pháp để thực hiện công việc và kết quả sẽ được đóng gói hoàn chỉnh chứ không dừng lại ở dữ liệu, từ đó đóng góp giá trị cao hơn vào chuỗi giá trị của khách hàng.

Theo anh Thắng, qua đánh giá về uy tín và năng lực của FPT IS, phía đối tác đã tin tưởng chuyển giao quy trình xử lý kế toán mua – một phần quan trọng trong hệ thống tài chính – kế toán của họ.

Kế toán mua là phần việc khá khó khăn trong quy trình doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tại Nhật. Và yêu cầu đặt ra là khi đối tác chuẩn hóa quy trình đến đâu thì FPT IS cũng phải hoàn thiện công việc đúng thời hạn để phù hợp với hệ thống.

Anh Thắng cho rằng, các công ty của Nhật luôn rất thận trọng trong việc chuyển giao gia công những phần việc quan trọng ra bên ngoài. Tuy nhiên, với xu hướng toàn cầu hóa thì họ cũng đang lựa chọn những thị trường có chuyên môn cao với chi phí hợp lý, như Việt Nam chẳng hạn.

Ngoài kế toán mua, từ đầu năm 2012 đến nay, FPT IS đã tiếp nhận thêm 2 nghiệp vụ kế toán khác trong quy trình doanh nghiệp của đối tác.

Tuy thực hiện với một khách hàng nhưng FPT IS đã đầu tư nhiều công sức để xây dựng đội ngũ hoàn chỉnh nhằm đảm bảo năng lực xử lý công việc luôn ở mức hoàn hảo nhất. Đây cũng là tiền đề để đơn vị mở rộng khách hàng hơn nữa tại thị trường tiềm năng này.

Sau khi đã có kinh nghiệm trong việc thực hiện BPO với khách hàng lớn, FPT IS đang bắt đầu giới thiệu năng lực đến các khách hàng tiềm năng.

“Hiện mảng BPO của FPT IS đã xây dựng được uy tín và thương hiệu nhất định. Rất nhiều khách hàng tìm đến gặp gỡ, tìm hiểu, và đánh giá FPT IS có thể đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực BPO. FPT IS sẽ tiến hành làm việc với nhiều khách hàng tiềm năng của Nhật”, anh Thắng chia sẻ.

BPO được nhìn nhận là chiến lược quan trọng của FPT IS, có tiềm năng đem lại hướng phát triển mới cho đơn vị. Theo anh Thắng, “trình độ chuyên nghiệp của FPT IS hiện đã ngang bằng các công ty cung cấp dịch vụ BPO giải pháp hàng đầu khu vực”.

Mới đây, trao đổi trên Chúng ta, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến đã khẳng định công ty sẽ tham gia thị trường BPO trong thời gian tới.

 Nguyên Văn

Ý kiến

()