Chúng ta

Tìm ‘chìa khóa vàng’ mở cửa Myanmar

Thứ sáu, 8/3/2013 | 16:38 GMT+7

Thị trường CNTT non trẻ tại Myanmar trong 5 năm tiếp theo sẵn sàng đón nhận tăng trưởng của 2 lĩnh vực chính: Phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông và đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực CNTT. FPT IS sẽ tập trung chủ yếu vào các mảng ưu tiên hàng đầu là Viễn thông, Ngân hàng và Chính phủ…
> FPT thành lập Văn phòng đại diện tại Myanmar / Các hãng viễn thông chờ ‘đổ bộ’ Myanmar / Văn hóa kinh doanh tại Myanmar

Trưởng đại diện FPT IS tại Myanmar Cao Mạnh Cường chia sẻ về cơ hội tại quốc gia Đông Nam Á này.

- Anh đánh giá như thế nào về thị trường và cơ hội của FPT IS ở đây và sẽ tập trung chủ yếu ở các mảng nào?

- Myanmar vừa mở cửa thị trường cũng giống như bối cảnh của đất nước Việt Nam cách đây 15-20 năm. Tất cả đều mới mẻ, hoang sơ và đầy lực thu hút. Myanmar đang thay đổi từng ngày khi Mỹ và châu Âu nới lỏng cấm vận. Cơ hội càng trở nên rõ nét hơn khi các nguồn vốn cam kết đã trở nên hiện thực hơn, World Bank thông qua việc bỏ cấm vận viện trợ, Chính phủ Nhật Bản cam kết nguồn vốn ODA khoảng nửa tỷ USD.

Đất nước này cũng thực hiện đợt cải cách lần thứ hai, tập trung vào kinh tế. Đây là thị trường hơn 60 triệu dân khá năng động, giàu tiềm năng. Thực tế cho thấy số lượng doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài khác sang Myanmar tìm cơ hội đầu tư và kinh doanh gia tăng rất nhanh trong khoảng hai năm trở lại đây. Một số doanh nghiệp đã tìm được đối tác, thành lập văn phòng hoặc mở công ty.

Đặc biệt, mới đây, vào đầu tháng 11/2012, Myanmar đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài mới - một văn bản được trông đợi sẽ thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Myanmar sau hàng thập kỷ bị cô lập. Bước đột phá mới này ​​sẽ là chìa khóa để nước bạn thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Và các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Myanmar cũng sẽ được hưởng lợi từ điều này.

dv

Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Văn phòng đại diện FPT IS tại Myanmar. Ảnh: FPT IS.

Nắm bắt và xem Myanmar như là mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang sang tìm hiểu thị trường, cơ hội kinh doanh đầu tư, làm ăn ở Myanmar, trong đó có FPT IS và một vài công ty thành viên khác của Tập đoàn FPT.

Từ công nghệ cao đến cơ bản ở Myanmar đang còn rất sơ khai. Myanmar hiện có nhu cầu rất lớn đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng CNTT và Viễn thông. Đây có thể vừa là một điểm hạn chế rất lớn của thị trường, song cũng là cơ hội cho FPT IS nếu biết nắm bắt kịp thời. Myanmar sẽ là thị trường màu mỡ cho đầu tư CNTT. Doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào thị trường này sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh khi đã định vị thương hiệu ở quốc gia này. Thị trường công nghệ thông tin non trẻ tại Myanmar trong 5 năm tiếp theo sẵn sàng đón nhận tăng trưởng của 2 lĩnh vực chính: Phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông và đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực CNTT.

Với thế mạnh sẵn có, FPT IS sẽ tập trung chủ yếu vào các mảng ưu tiên hàng đầu là Viễn thông, Ngân hàng và Chính phủ, với các dòng sản phẩm như BCCS, ePOS, ERP, CRM, E-Payment, Core banking, Data center, Call center, E-Government, E-Hospital…

- Theo anh, đâu là thuận lợi và thách thức của FPT IS trong việc tiếp cận thị trường này?

- FPT IS đã có kinh nghiệm triển khai các dự án lớn ở trong và ngoài nước. Đặc biệt là các nước tương đồng về văn hóa trong khối ASEAN. Đó là những tham chiếu để khẳng định FPT IS có đầy đủ năng lực để tham gia bất kỳ thị trường nào.

Bên cạnh đó cũng phải kể đến mối quan hệ thân thiết giữa hai nước Việt Nam và Myanmar. Về cấp chính phủ, hai nước đã ký hợp tác 12 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, cây công nghiệp, thủy sản, tài chính - ngân hàng, hàng không, viễn thông, dầu khí, khai khoáng, sản xuất thiết bị điện, chế tạo và lắp ráp ôtô, xây dựng và hợp tác thương mại.

Tuy nhiên, để nắm bắt và khai thác được các cơ hội tại đây không phải là điều dễ dàng do vẫn còn không ít khó khăn.

Tất cả đều mới mẻ và cần phải có thời gian mới thay đổi hoàn toàn. Nhiều văn bản pháp quy, luật lệ ở Myanmar được ban hành cách đây 50-60 năm giờ vẫn còn áp dụng. Những quy định và chính sách chưa thông cùng với những điều kiện, văn hóa giao tiếp truyền thông qua Internet, điện thoại còn nhiều hạn chế.

Myanmar đang được đánh giá là thị trường tiềm năng. Ảnh: S.T.

Myanmar đang được đánh giá là thị trường tiềm năng. Ảnh: S.T.

Việc chuyển đổi khá đột ngột từ một quốc gia theo chế độ quân sự sang dân chủ nên vẫn còn những xung đột diễn ra trên khắp cả nước. Giá thuê văn phòng và chi phí sinh hoạt tại Yangon đã tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua. Lực lượng lao động của Myanmar trình độ còn thấp.

Đa số các công ty lớn ở Myanmar đều có quan hệ mật thiết với chính quyền hoặc là những nhân vật thân cận của giới quân sự. Chính phủ dân sự hiện nay, mà thực chất lực lượng quân sự vẫn là nòng cốt, còn duy trì sự kiểm soát của nhà nước đối với nhiều lĩnh vực. Giống như nhiều nền kinh tế chuyển đổi trong giai đoạn dầu, chính phủ vẫn bao cấp giá đối với một số mặt hàng thiết yếu như điện, nước sinh hoạt, nhà ở cho công chức, vận tải công cộng…

FPT nói chung và FPT IS nói riêng đang hướng về thị trường Myanmar, nhưng câu hỏi đâu là “chiếc chìa khóa vàng” để mở được cánh cửa này vẫn còn phải kiên nhẫn tìm lời giải.

- Năm 2012, FPT IS đã có 2 hợp đồng trong lĩnh vực phần mềm viễn thông với đối tác ở Myanmar. Anh có thể nói cụ thể hơn về 2 dự án này?

- Trong các điểm sáng về toàn cầu hóa năm 2012 của FPT IS có 2 hợp đồng với đối tác MPT (Myanmar Post and Telecommunications) của Myanmar.

Ngày 7/5, FPT IS đã ký hợp đồng triển khai hệ thống FPT.iSMSGW (SMS Gateway) cho MPT. Theo đó, FPT IS sẽ tiến hành triển khai giải pháp trong thời hạn một tháng kể từ ngày ký hợp đồng. Ngày 16/5, đội dự án đã sang Myanmar để khảo sát, triển khai, cài đặt hệ thống. SMS Gateway là cổng kết nối tới hệ thống tổng đài nhắn tin (SMSC), cho phép nhân viên nhà mạng tương tác với khách hàng sử dụng dịch vụ (CSKH, marketing, quảng cáo...) từ hệ thống máy tính thông thường (PC) qua mạng LAN/WAN. Hệ thống này cũng kết nối với các hệ thống khác như: ngân hàng, các nhà cung cấp trò chơi, cổ phiếu và dịch vụ tiện ích khác.

Hợp đồng thứ hai là triển khai hệ thống tiếp VoIP Media Gateway. Ký hợp đồng ngày 2/7, địa điểm lắp đặt tại Singapore, hãng sản xuất là Dialogic và nhà phân phối là Technomic Singapore. Media Gateway dùng để nối mạng điện thoại cố định PSTN của Myanmar với mạng thoại VoIP (Voice over Internet Protocol) quốc tế cũng của MPT. Mục đích là để chuyển đổi lưu lượng thoại chuyển mạch kênh truyền thống theo công nghệ TDM - Time Division Multiplexing sang công nghệ VoIP để các thuê bao ở Myanmar có thể gọi điện thoại quốc tế với giá cước rẻ hơn cước IDD thông thường.

- Trong năm 2013, FPT IS có kế hoạch kinh doanh ở thị trường Myanmar như thế nào?

- FPT IS sẽ thành lập công ty 100% vốn với mong muốn chiếm thị phần 40% trong lĩnh vực tích hợp hệ thống trong các năm sắp tới.

Trong năm 2013, FPT IS tiếp tục mở rộng các mối quan hệ, hợp tác với các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp hàng đầu tại Myanmar, phối hợp với các đối tác bản địa để hợp tác cùng với FPT IS theo từng giải pháp, sản phẩm cụ thể.

Ngoài ra, FPT IS sẽ tiếp tục tập trung vào các khách hàng theo thứ tự ưu tiên: Viễn thông, Ngân hàng, Chính phủ, Tài chính, Điện lực, Hàng không và các dự án ODA.

Để đạt được những mục tiêu này, FPT IS sẽ xây dựng kế hoạch phát triển thị trường Myanmar 2013-2015 với quyết tâm trở thành công ty tích hợp hệ thống hàng đầu trong 3 năm tới, nhân bản toàn bộ năng lực và giải pháp của FPT IS theo mô hình đã thành công ở Việt Nam.

(Theo FIS Link)

Ý kiến

()