Chúng ta

FPT Software lọt Top ‘100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam’

Thứ bảy, 15/2/2014 | 12:27 GMT+7

FPT Software là đơn vị xếp thứ 2 trong hạng mục các công ty IT - Phần mềm, sau Microsoft, và đứng thứ 21 trong danh sách 100 công ty thuộc mọi ngành nghề ở Việt Nam.
> FPT Software - ngựa chiến 2014

Ngày 14/2, tại TP HCM, Công ty Anphabe tổ chức lễ công bố kết quả khảo sát “100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam” do Anphabe và Neilsen Việt Nam thực hiện. Chị Tạ Kim Ngân, Trưởng phòng Nhân sự FPT Software HCM, đại diện đơn vị tham dự chương trình.

Khảo sát đưa ra kết quả bình chọn 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, được chia ra 3 hạng mục. Đầu tiên là Top 100 công ty được bình chọn là "Nơi làm việc tốt nhất trong tất cả 25 ngành nghề," dẫn đầu là Unilever, P&G, Vinamilk, Nestle, IBM, Abbott, HSBC, Vietcombank, Microsoft, Coca Cola... FPT Software xếp vị trí thứ 21 trong bảng xếp hạng chung các ngành nghề.

vietnam100bestplacestowork-1-431737-1413

Chị Tạ Thị Kim Ngân đại diện FPT Software nhận giải thưởng. Ảnh: Minh Trí.

Trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, có 89 công ty nước ngoài, 11 công ty Việt Nam. Trong 11 công ty Việt Nam thì Vinamilk đứng đầu (xếp thứ 3 trong Top 100), kế tiếp là Vietcombank (8/100), thứ ba là FPT Software (21/100). Tiếp theo lần lượt là Viettel (25/100), Massan (38/100), Hoa Sen Group (47/100), CSC (51/100), Bao Viet (55/100), Techcombank (74/100), VNG (79/100), Vin (95/100).

Kết quả xếp hạng cho thấy, FPT Software xếp trên các "đại gia ngoại" như: HP, Sony, Harvey Nash, Toyota, Deloitte, Nokia, Canon, Honda, Mercedes-Benz, Panasonic, KPMG, Toshiba, Siemens, Gameloft, Ernst & Young, Nike, Novartis, Johnson & Johnson....

Theo bà Nguyễn Thị Việt Thanh, Giám đốc điều hành Anphabe, bộ tiêu chuẩn đánh giá thương hiệu nhà tuyển dụng do Anphabe và Nielsen Việt Nam cùng phối hợp đưa ra bao gồm 46 yếu tố xoay quanh 6 tiêu chí chính là: Lương, thưởng, phúc lợi; Cơ hội phát triển; Văn hóa và giá trị; Đội ngũ lãnh đạo; Chất lượng công việc và cuộc sống; Danh tiếng công ty.

Bảng xếp hạng 20 công ty có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam trong tất cả các nhóm ngành. Nguồn: Anphabe.

Bảng xếp hạng 20 công ty có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam trong tất cả các nhóm ngành. Nguồn: Anphabe.

Sau khi xây dựng bộ tiêu chuẩn, Anphabe đã áp dụng để tiến hành khảo sát diện rộng với sự tham gia chuyên môn của công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu Nielsen. Khảo sát diện rộng được thực hiện bằng hình thức online từ tháng 10 đến 12/2013, với 9.032 người đến từ hơn 1.000 công ty tham gia. 

Khảo sát được triển khai hoàn toàn độc lập, với quy trình chặt chẽ từ phỏng vấn chuyên sâu, khảo sát nhóm với 20 chuyên gia nhân sự và 8 nhóm nhân tài nhằm xây dựng bộ tiêu chuẩn chuyên nghiệp đầu tiên để đánh giá thương hiệu nhà tuyển dụng tại Việt Nam. 

Bà Mai Thị Tuyết Hoa, Giám đốc bộ phận nghiên cứu người tiêu dùng thuộc Công ty Nielsen Việt Nam, nhận định, doanh nghiệp tại Việt Nam đã chú trọng rất nhiều vào thương hiệu sản phẩm nhưng chưa có sự đầu tư đúng mức cho thương hiệu nhà tuyển dụng.

Do đó, đây là dịp để doanh nghiệp nhìn nhận lại sức hấp dẫn của công ty mình trong mắt người đi làm, từ đó có chiến lược xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng phù hợp, giúp thu hút và giữ chân nhân tài hiệu quả và tác động tích cực trở lại kết quả kinh doanh.

d

FPT Software xếp vị trí thứ 21 trong bảng xếp hạng chung các ngành nghề và đứng thứ hai trong lĩnh vực IT - Phần mềm, sau Microsoft. Nguồn: Anphabe.

Trong nhóm các công ty được bình chọn là "Nơi làm việc tốt nhất ở từng ngành nghề", Microsoft đứng đầu ở ngành công nghệ phần mềm, tiếp sau là FPT Software; HSBC đứng đầu về ngành ngân hàng/dịch vụ tài chính; Unilever dẫn đầu ở ngành hàng tiêu dùng nhanh; Samsung dẫn đầu ở ngành điện tử/điện/thiết bị điện; Prudential dẫn đầu ở ngành bảo hiểm...

Ban tổ chức cũng đưa ra 6 giải thưởng dành cho các công ty có "Thương hiệu nhà tuyển dụng tốt nhất theo 6 nhóm tiêu chí", trong đó Unilever được bình chọn là nơi có Cơ hội phát triển và danh tiếng công ty tốt nhất, Vinamilk đứng đầu ở tiêu chí lương, thưởng, phúc lợi và đội ngũ lãnh đạo. Nestle và Microsoft lần lượt được bình chọn là nơi tốt nhất ở tiêu chí văn hóa và giá trị; chất lượng công việc và cuộc sống.

d

FPT Soiftware là một trong 11 doanh nghiệp Việt Nam được vinh danh. Ảnh: Minh Trí.

Theo đại diện FPT Software, bộ tiêu chuẩn khá đầy đủ, phong phú, kết hợp phương pháp đánh giá khách quan với sự tham gia của hầu hết công ty lớn. "FPT Software luôn nỗ lực xây dựng môi trường làm việc theo chuẩn quốc tế nhưng vẫn giữ nét văn hóa Việt Nam và FPT. Giải thưởng như là sự ghi nhận và khẳng định cố gắng của chúng tôi trong việc nâng cao môi trường làm việc và văn hóa công ty”, chị Ngân chia sẻ.

Năm 2013, FPT Software vượt mốc doanh thu 100 triệu USD; Tăng trưởng 300% ở mảng công nghệ mới là Mobility và Cloud; vượt qua con số nhân sự 5.000 người, trong đó đơn vị đã tuyển mới 2.000 người. Nhu cầu về nhân sự tiếp tục là vấn đề “nóng” với FPT Software trong năm tới, để tuyển thêm 2.500 kỹ sư phần mềm đầu quân.

Năm qua, công ty tiếp tục nằm trong  Danh sách Top 100 nhà cung cấp dịch vụ CNTT và BPO toàn cầu (Top 100 Global Services) năm 2013 do Công ty Truyền thông Global Services (Ấn Độ) và Công ty tư vấn NeoGroup (Mỹ) đánh giá. FPT Software cũng là doanh nghiệp CNTT Việt Nam duy nhất có tên trong  danh sách 500 công ty cung cấp dịch vụ và phần mềm lớn nhất thế giới do tạp chí Software Magazine (Mỹ) bình chọn.

10 xu hướng mới về động cơ nghề nghiệp gồm:

1. Lương, thưởng, phúc lợi quan trọng nhất nhưng chưa đủ.

2. Ngoài lương, còn nhiều hình thức tưởng thưởng đa dạng khác.

3. Kỳ vọng về “Cơ hội phát triển” không dừng lại ở thăng tiến nhanh.

4. Kinh nghiệm làm việc quốc tế - Xu hướng nguyện vọng mới của người đi làm.

5. Phương thức lãnh đạo của cả tổ chức quan trọng hơn tài năng của cá nhân lãnh đạo.

6. Công bằng và tôn trọng là văn hóa quan trọng nhất.

7. Công việc không thể tách rời chất lượng sống.

8. Danh tiếng công ty là bảo chứng cho khả năng đáp ứng kỳ vọng của người đi làm.

9. Có nhiều khác biệt lớn trong lý do nhân tài đến và đi.

10. Còn nhiều khoảng cách về khả năng đáp ứng của doanh nghiệp và kỳ vọng thật sự của người đi làm.

Na Vy

Ý kiến

()