Chúng ta

‘ViOlympic nhắm tới 100.000 lượt thi mỗi ngày’

Thứ năm, 29/12/2011 | 15:15 GMT+7

Sáng 28/12, tại trường THPT Chu Văn An, Hà Nội đã diễn ra lễ phát động cuộc thi giải toán qua internet ViOlympic với việc mở rộng cho học sinh THPT.

Phó trưởng Ban tổ chức anh Nguyễn Xuân Phong đã chia sẻ với Chungta.vn những điểm đổi mới của chương trình trong năm học 2011-2012.

Phí trưởng BTC Nguyễn Xuân Phong chia sẻ:

Anh Nguyễn Xuân Phong chia sẻ: "ĐH FPT sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo tốt nhất nội dung và công nghệ cho cuộc thi, phủ rộng giải đấu tới toàn bộ trường học trên cả nước". Ảnh: C.T.

- Chương trình đã trải qua 4 năm thực hiện. Theo anh, dự án ViOlympic mang lại những ý nghĩa gì?

- Năm 2008 nhằm hưởng ứng phong trào “Năm học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin”, Tập đoàn FPT đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi giải toán trực tuyến Violympic. Đây là sân chơi trí tuệ cho học sinh các trường tiểu học và THCS trong cả nước.

Với mục tiêu vừa trở thành phương tiện học tập, vừa tạo ra một sân chơi trí tuệ hấp dẫn, hiệu quả cho hàng triệu học sinh tiểu học và trung học cơ sở, ViOlympic đã góp phần không nhỏ trong việc xóa bỏ các tiêu cực xã hội (nạn nghiện game online…) và nâng cao chất lượng học tập các bộ môn trong nhà trường phổ thông.

Việc tổ chức thi từ các vòng tự luyện, các kỳ thi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia hàng năm chính là để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tại các trường phổ thông.

Cuộc thi giúp cho học sinh làm quen với internet và đưa internet trở thành một phương thức học tập, đồng thời qua đó phát hiện và bồi dưỡng kịp thời các em có năng khiếu về môn Toán và tin học. Đây là một giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy và học. Cuộc thi vì thế đã nhận được sự tham gia của đông đảo học sinh, sự đồng tình của cán bộ, giáo viên và sự ủng hộ của phụ huynh.

- Trong năm học 2011-2012, cuộc thi có những đổi mới gì, thưa anh?

- Năm nay, Violympic sẽ mở rộng đối tượng tham gia sang khối THPT trong cả nước với nhiều kiểu thi hấp dẫn tạo niềm say mê cho học sinh rèn luyện môn Toán.

Theo đó, hình thức thi cũng được điều chỉnh đa dạng và phù hợp với nhiều đối tượng, lứa tuổi, đặc điểm kiến thức của từng khối học. Nếu trước đây, với mỗi một mã thí sinh đăng nhập vào hệ thống sẽ được yêu cầu hoàn thành một đề thi trong một thời gian cố định. Thì bây giờ, các đề thi sẽ được chia thành nhiều cấp độ từ khó đến dễ, với thời gian làm bài linh hoạt tương ứng.

Hình thức thi sẽ vẫn theo kiểu "vừa thi vừa chơi" nên khá lý thú. Kiến thức tóm gọn cả chương trình vừa căn bản lại có nâng cao. Cũng có những câu rất hóc búa, đòi hỏi người thi phải nắm chắc kiến thức cơ bản.

Trong tương lai không xa, ViOlympic dự kiến sẽ mở rộng thêm cuộc thi với các nội dung Toán bằng tiếng Anh, các dạng toán logic và Tin học, CNTT. Khi mở sang nội dung bằng tiếng Anh, sân chơi sẽ không còn chỉ ở Việt Nam mà còn có thể cho học sinh các nước trong khu vực.

Sau các vòng thi tự do, vòng thi cấp trường, cấp quận (huyện), những thí sinh xuất sắc nhất sẽ được tham gia kỳ thi cấp tỉnh và cấp toàn quốc. Vòng thi cấp quốc gia dành cho học sinh lớp 5, 9, 11 sẽ được tổ chức cùng một thời điểm trong cả nước với hội đồng ra đề riêng được trực tiếp Bộ Giáo dục chỉ đạo.

Bên cạnh đó, hiện cũng đã hoàn thiện giao diện mới, làm phong phú và sinh động các hình thức thi, giải quyết triệt để các bất cập về công nghệ nhằm đáp ứng lưu lượng lớn người dùng.

- Khi thực hiện dự án, Ban tổ chức đã vấp phải những khó khăn gì?

- Khó khăn lớn nhất là bài toán công nghệ. Vì một hệ thống với quy mô đáp ứng được hàng chục nghìn user sử dụng đồng thời, lại bao gồm tương tác liên tục là không hề đơn giản. Việc chuyển giao giữa các đơn vị trong Tập đoàn cũng làm cho hệ thống kém ổn định và khó khăn hơn trong việc kiểm soát.

Khó khăn tiếp theo là việc vận hành đồng bộ và nhịp nhàng ở quy mô toàn quốc, liên quan đến rất nhiều đối tác khác nhau từ Bộ GD&ĐT đến các Sở, các trường và các thầy cô giáo cũng như học sinh. Mỗi địa phương, mỗi đơn vị lại có những đặc thù, những khả năng và nhu cầu rất khác nhau. Việc làm phong phú, chất lượng hơn các nội dung và hình thức thi cũng là những thách thức không nhỏ.

Phó Hiệu trưởng ĐH FPT Nguyễn Xuân Phong trao quà cho những học sinh đầu tiên của cấp THPT dự thi ViOlympic. Ảnh: C.T.

Phó Hiệu trưởng ĐH FPT Nguyễn Xuân Phong trao quà cho những học sinh đầu tiên của cấp THPT dự thi ViOlympic. Ảnh: C.T.

- Từ năm 2008 đến nay, chương trình đã thu được những thành quả gì?

- Khai sinh chính thức vào ngày 15/12/2008, đến nay ViOlympic đã thu hút gần 8 triệu thành viên đăng ký và trở thành sân chơi trí tuệ thú vị, bổ ích lớn nhất cho mọi học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên toàn quốc. Vào giai đoạn "cao điểm" mỗi ngày website có thêm 10.000 thành viên mới mỗi ngày. Đặc biệt có ngày có tới 250.000 máy tính truy cập website, trung bình có khoảng 40-50 nghìn lượt thi mỗi ngày với 100% số tỉnh thành trong cả nước tham dự cuộc thi.

Mục tiêu của chương trình năm nay là nâng tổng số thành viên đăng ký lên 9 triệu người, số lượng thí sinh tham dự thi hằng ngày lên mức 100 nghìn, nâng cao tốc độ truy cập, hỗ trợ người dùng ở mức tốt nhất.

Để ViOlympic đạt được mức độ phổ cập như ngày hôm nay là nhờ sự ủng hộ rất lớn của Bộ GD-ĐT. ViOlympic đã được Bộ GD-ĐT coi như là một dự án trọng điểm trong việc ứng dụng CNTT vào giáo dục, là cuộc thi mang tầm quốc gia và sẽ được tổ chức hằng năm.

Với vị thế là tập đoàn CNTT hàng đầu, cuộc thi là một trong những hoạt động trọng điểm, hỗ trợ cho mục tiêu “Vươn lên trí tuệ Việt Nam” mong muốn mang đến cho học sinh Việt Nam một sân chơi trí tuệ trực tuyến, góp phần đẩy mạnh nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngày 21/10/2008, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển và Chủ tịch HĐQT - TGĐ FPT Trương Gia Bình ký văn bản phối hợp tổ chức cuộc thi Violympic toán học.

Lễ phát động cuộc thi giải toán qua internet ViOlympic được tổ chức sáng 26/12/2008 tại trường TH DL Đoàn Thị Điểm, Hà Nội.

Năm 2008, Violympic đã được nhận giải thưởng Sao Khuê 2009 của Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (VINASA).

Ngày 20/ 3/ 2010, ViOlympic đoạt giải có sản phẩm nội dung số mang tính văn hóa, giáo dục tốt nhất trong buổi lễ trao giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2009 được tổ chức tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội.

Năm 2011, ViOlympic được đề cử nhận giải thưởng trách nhiệm xã hội châu Á (Asian CSR Awards).

Thu Thủy thực hiện

Ý kiến

()