Chúng ta

Lòng tham nhất thời

Thứ ba, 17/12/2013 | 18:20 GMT+7

Câu hỏi đặt ra rằng: “Nếu như nhận thức được những hành động của mình có thể đưa một người đến bờ vực tù tội, một công ty sẽ gặp khó khăn thì họ có làm như vừa qua không?". Tôi nghĩ rằng, họ sẽ làm khác và sẽ kìm nén được lòng tham nhất thời.
> 'Hôi của’ và hành động của chúng ta

Mấy ngày vừa qua, cộng đồng xôn xao và có nhiều tranh cãi về vụ việc “Lật xe và hôi của”. Xét ở nhiều góc độ, có người thì thấy thương cảm cho anh tài xế không may, người lại lên án những hành vi bán rẻ lương tâm vì lòng tham nhất thời. Cũng có một số ít người trong cuộc thì thanh minh cho những hành động đó là vì bộc phát, vì tâm lý theo đám đông.

Chúng ta không phán xét góc độ nhìn nhận của đối tượng nào. Chỉ thấy một hiện tượng xã hội đáng suy ngẫm. Người xưa có câu “Ăn của dưng rưng rưng nước mắt!”. Trong xã hội đã gặp những trường hợp “của trên trời tự dưng rơi xuống”, nhưng tùy mỗi nhà, mỗi người có những cách “nhận - trả” khác nhau. Nhìn chung người Việt Nam vẫn còn nghèo và tệ hôi của đâu phải bây giờ mới có. Chỉ có điều, sự việc “hôi bia” vừa qua đã bị dư luận phản ứng mạnh mẽ khiến chúng ta có dịp nhìn trực diện.

Trong số những thành phần tham gia "hôi của" ngày hôm đấy, sẽ có người làm theo bản năng do không kiểm soát được nhận thức, muốn đục nước béo cò kiếm chác. Một phần lớn chỉ vì tâm lý đám đông mà hành động không suy nghĩ. Việc hôi của dường như vẫn diễn ra hằng ngày và trở thành một "nét văn hóa" trong số ít bộ phận nhân dân. Hơn một lần bạn đã được chứng kiến những trường hợp gặp tai nạn trên đường, thay vì giúp đỡ nạn nhân, sẽ có những người lợi dụng để “cướp” tài sản một cách thản nhiên. Hay như chính trường hợp tôi đã chứng kiến, khi tham gia chương trình từ thiện cho trẻ em Hà Giang. Ban tổ chức đến tận các điểm trường phát quần áo, bánh kẹo cho học sinh nghèo. Trong lúc phát quà, thay vì mỗi em một áo, các cô cố gắng mặc hai, ba áo cho các em để rồi khi kết thúc chương trình, những chiếc áo trở thành “chiến lợi phẩm” của cô. Điều đó cho thấy, nhận thức và tư duy của người dân chưa cao. Họ chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không thấy được cái hệ quả trong việc làm của mình.

Câu hỏi đặt ra rằng: “Nếu như nhận thức được những hành động của mình có thể đưa một người đến bờ vực tù tội, một công ty sẽ gặp khó khăn thì họ có làm như vừa qua không?". Tôi nghĩ rằng, họ sẽ làm khác và sẽ kìm nén được lòng tham nhất thời.

Giờ đây, những người trong cuộc chắc hẳn đang đọc những bài báo lên án chính họ và bình luận của độc giả. Rồi những người thân, bạn bè của những người đó cũng đang cảm thấy xấu hổ. Sau đây, họ sẽ hành động như thế nào? Tiếp tục giữ lại những thứ đã lấy, nói lời xin lỗi, tự vấn lương tâm hay sẽ có một hành động cụ thể nào đó?

Điều quan trọng là trong mỗi chúng ta cần cố gắng thay đổi tư duy, suy nghĩ và hành động, chứ không thể viện bất kỳ lý do gì mà làm mất đi những nét đẹp và lối sống văn minh của người Việt.

Nguyễn Thị Phương Thảo

Ý kiến

()