Chúng ta

'Hôi của’ và hành động của chúng ta

Thứ hai, 16/12/2013 | 12:40 GMT+7

Chúng ta lên án điều gì, khi mà hằng ngày, mỗi người vẫn tặc lưỡi cho qua những hành động “hôi của”, chiếm dụng của công mà ta cho là “nhỏ”: In tài liệu cá nhân ở cơ quan, tiện tay cầm món đồ người khác để quên hay lấy vài vật phẩm quảng cáo, tiếp thị về làm đồ lưu niệm cho riêng mình…

Các nhà xã hội ở Mỹ tiến hành một cuộc thử nghiệm: Họ để hai chiếc ôtô giống hệt nhau trên cùng một con phố, trong đó một chiếc xe được mở tung nắp capô và cửa kính lái, còn chiếc kia thì được giữ nguyên. Ba ngày sau, chiếc xe để mở nắp capô bị người ta phá hoại tới mức không còn nhận ra hình dáng, trong khi chiếc xe kia không hề hấn gì. Khi đó, các nhà điều tra xã hội mới đập vỡ một mảng trên kính chiếc xe này. Chỉ một ngày sau, tất cả kính của chiếc xe đều bị đập tan nát, nội thất bên trong bị lấy cắp hết không còn thứ gì.

Tiếp tục một cuộc thử nghiệm thứ hai, người ta mang rác vứt bừa bãi lên một con phố. Chỉ vài ngày sau, con phố đó đã ngập rác rưởi. Người ta đồng thời quét dọn một con phố khác tới mức sạch bong. Nhiều ngày sau đó, không hề có ai vứt rác, thậm chí nếu thấy rác rơi trên phố, còn tự nhặt cho vào thùng hay nhắc nhở khi có ai đó từ xa đến mà lỡ tay vứt rác.

Hiệu ứng đó được các nhà xã hội học gọi là “hiệu ứng tiện tay”. Kết luận được đưa ra: Theo tâm lý của con người, những thứ đã hỏng thì có phá hỏng thêm một chút nữa cũng không sao, còn đối với những thứ vẫn đang nguyên vẹn, đẹp đẽ, thế nào người ta cũng giữ gìn nó một cách rất tự nhiên.

Áp dụng lý thuyết này vào vụ “hôi bia” gần đây đang gây xôn xao dư luận ở Đồng Nai, thì thật dễ hiểu tại sao anh tài xế tội nghiệp dù đã khóc lóc van xin, nhưng tất cả những người tham gia đều gạt qua bên tai sự can ngan mà lao vào với tâm lý “người ta lấy được thì mình cũng lấy được” và “của trời cho tội gì không hưởng”. Có người thậm chí chẳng biết lấy về làm gì, nhưng thấy đám đông bu vào nhặt, thì cũng “kém miếng khó chịu” với tâm lý hơn thua, rằng “không nhanh tay là hết”, như trả lời của một người phụ nữ tham gia “hôi bia” trên VnExpress.

d

Niềm vui của những người "hôi bia".

Không thể đổ lỗi rằng, những người “hôi của” là những người khó khăn, vì cái nghèo mà phải đi “cướp” (theo đúng nghĩa). Bởi theo lập luận của nhiều người, trong đám đông vẫn có những người đi xe xịn, ăn mặc đẹp, nhưng vẫn “tranh thủ” nhặt bia vương vãi. Thậm chí, có người còn mang cả xe ra chở, hoặc xếp 5-7 thùng lên xe và nhanh chân bỏ đi. Chỉ với 15 phút, đám đông đã “dọn sạch” hiện trường và tản ra, trước khi công an và bảo hiểm có mặt, để lại anh tài xế lúc này chỉ còn biết khóc khi 90% số bia đã bị người ta lấy hết. Chính cái lợi trước mắt và sự vô cảm của mỗi người đã gộp lại thành một thảm họa ập lên đầu một người xấu số.

Thực ra, đây cũng không phải là vụ “hôi của” đầu tiên được phản ánh qua các phương tiện truyền thông. Ít nhất là trong năm 2013 đã có ít nhất 5 vụ được báo chí đưa tin: Vụ một giám đốc (quận 10, TP HCM) bị móc túi, đánh rơi xấp tiền gồm hai mệnh giá 100.000 và 50.000 đồng với tổng giá trị 50 triệu đồng, bị người đi đường tranh nhau nhặt. Vụ chiếc xe chở dầu khi đi trên quốc lộ 1A đoạn Ngã ba Vũng Tàu, Đồng Nai, bị lật, tài xế phải phá cửa thoát ra ngoài, còn người dân thì lấy cả thùng ra hứng dầu hoặc lấy những téc dầu còn nguyên vẹn. Vụ xe chở 60 két bia bị lật ở quận 12, TP HCM, dù đường còn đang trong tình trạng đông đúc và kẹt xe, nhiều người vẫn dừng lại giành nhau từng chai bia nguyên vẹn, với lý do “đã rơi xuống đường thì là của chung”...

Tất nhiên, đó chỉ là những tin tức được báo chí khai thác. Còn “nạn hôi của” thì ở đâu cũng có và người nào cũng có thể tham gia. Sự việc ở Biên Hòa đã được báo chí nhắc đến rất nhiều trong những ngày gần đây, dưới mỗi bài viết đều có rất nhiều bình luận bày tỏ sự phẫn nộ. Nhưng liệu mỗi người có chắc rằng trong đời chúng ta chưa hề có một sự vụ lợi dù là nhỏ nhặt nào? Chúng ta lên án điều gì, khi mà hằng ngày, mỗi người vẫn tặc lưỡi cho qua những hành động “hôi của”, chiếm dụng của công mà ta cho là “nhỏ”: Tiện tay in tài liệu cá nhân ở cơ quan, tiện tay cầm món đồ người khác để quên, tiện tay lấy vài vật phẩm POSM (point of sales material - hay còn gọi là vật phẩm để quảng cáo, tiếp thị) về làm đồ lưu niệm cho riêng mình…

d

Nỗi buồn của tài xế Hồ Kim Hậu khi phải đối mặt với khoản nợ lớn.

Một người làm việc xấu, chúng ta cho đó là "tiện tay". Đến khi cái "tiện tay" xảy ra cùng lúc, dư luận mới ngã ngửa và đồng loạt lên án.

Cũng theo lý giải của các nhà khoa học, sự “tiện tay” này là một loại “bệnh tâm lý”. Nếu như nó đã thành một thói quen tâm lý của con người, thì chúng ta không thể nào thay đổi mà chỉ có thể áp dụng linh hoạt vào cuộc sống của chính mình. Thay vì ngồi lên án, chỉ trích hành động của những người tham gia “hôi bia” trong suốt những ngày vừa qua, chúng ta nên suy ngẫm, rút ra bài học hoặc hành động một cái gì đó thiết thực hơn.

Sự việc đã xảy ra, các phương tiện truyền thông không nhất thiết phải khai thác theo hướng tạo phẫn nộ cho dư luận và làm mất niềm tin ở xã hội (như đăng tải hình những gương mặt “hạnh phúc” của người “hôi bia”, chuyện một kênh truyền hình của Nga phát lại clip quay cảnh người Việt Nam hôi của…). Và chúng ta cũng không cần nhân rộng, hay kích động dư luận thêm bằng cách “share” hay bình luận thêm về vụ việc này trên các mạng xã hội, diễn đàn nữa.

Thay vào đó, hãy cùng báo chí chuyển sang giáo dục cộng đồng bằng việc chia sẻ những tin tức về sự hối lỗi của người tham gia hôi bia, vận động mang bia đi trả… hay thông tin kêu gọi quyên góp cho anh tài xế, đang trong tâm lý hoảng loạn vì bảo hiểm không chịu thanh toán, công ty chỉ hỗ trợ một phần và có khả năng phải đi tù vì khoản nợ lên tới 270 triệu đồng.

Tất nhiên, thật vui là không đợi tôi hay bất cứ ai lên tiếng về những điều đó, thì đã có người lập quỹ kêu gọi ủng hộ anh tài xế đáng thương, đến gặp anh trao quà, động viên. Có cô sinh viên năm thứ hai Đại học FPT còn làm hẳn chiếc băng-rôn để bày tỏ sự bức xúc của mình. Những chuyện ấy, khiến tôi tin rằng xã hội vẫn còn nhiều người tốt. Vẫn có những vụ tai nạn xảy ra mà nạn nhân không bị tổn thương thêm vì “nạn hôi của”.

Và hy vọng rằng, chính chúng ta đủ bản lĩnh, lý trí để không bị lòng tham, tâm lý “tiện tay” hay đám đông làm ảnh hưởng, mà góp phần vào làm hại người khác, đánh mất đi liêm sỉ của mình. Đó mới là cách để chúng ta góp phần triệt tiêu những vấn nạn xã hội (trong đó có “hôi của”) chứ không phải chỉ nghe, đọc thông tin và làm “anh hùng bàn phím”.

Thu Hiền

Ý kiến

()