Chúng ta

Đố kỵ

Thứ sáu, 11/4/2014 | 11:40 GMT+7

Chúng ta biết rõ rằng mình đang đố kỵ. Ta chỉ nhìn thấy điểm sung sướng của họ. Vì đó là cái ta đang thiếu. Nhưng cả con đường chông gai họ vượt qua, chúng ta đâu có đi cùng để hiểu nỗi đắng cay cơ cực.
> Ích kỷ là nguồn gốc của đố kỵ

Chúng ta biết rõ rằng mình đang đố kỵ. Ta chỉ nhìn thấy điểm sung sướng của họ. Vì đó là cái ta đang thiếu. Nhưng cả con đường chông gai họ vượt qua, chúng ta đâu có đi cùng để hiểu nỗi đắng cay cơ cực.
> Ích kỷ là nguồn gốc của đố kỵ

Tôi đã từng hỏi rất nhiều người: “ Nếu anh chị có rất nhiều tiền hoặc bố mẹ anh chị có tài chính để lại cho thì sẽ làm gì?”. Phần đông số người được hỏi đều chia sẻ họ sẽ đi đây đó du lịch, mua sắm đồ đang thiếu hay những gì người khác có mà mình chưa có... Bất chợt tôi nghĩ, người giàu, khi đã giàu, họ sẽ làm gì? Có thật rằng họ chỉ nghĩ hưởng thụ hay không? Hay là mong muốn giàu thêm?

Chúng tôi sinh ra trong tầng lớp lao động. Ước mơ trở nên giàu có để đổi đời, rạng danh làng xóm là điều hết sức bình thường. Để đổi đời chỉ có một con đường duy nhất, đó là học. Gia đình nào cũng tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể cho con chuyên tâm. Năm thứ hai đại học, một cô giáo đã nói với cả lớp tôi: "Cô luôn thiên vị các bạn nhà giàu mà học giỏi. Bởi vì các bạn ấy có nhiều cám dỗ hơn những ai không có điều kiện. Dù cho có cám dỗ nhưng vẫn vượt qua đạt thành tích cao. Điều đó chứng tỏ sự yêu thích học. Còn các em ở đây, học đôi khi chỉ là sự lựa chọn duy nhất. Chúng ta không thể vui chơi nếu không có tiền”. Ngày ấy lớp có nhiều bạn nghĩ cô không đúng, ai vất vả hơn thì xứng đáng được nâng niu hơn chứ. Càng ngày tôi càng hiểu lời cô nói. Sự cám dỗ của tiền bạc rất đáng sợ. Vì nếu để cám dỗ, bạn không chỉ mất đi một sở thích hay một vật chất, mà là mất đi cả một nhân cách. Và giàu mà giỏi thì càng đáng khâm phục biết bao.

Cách đây một thời gian, dư luận xôn xao việc cô Phó giám đốc 24 tuổi ở Vietinbank. Chi tiết nhấn mạnh nhất đó là bố của cô là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ai nấy chia sẻ thông tin với ý “con vua rồi lại làm vua”. Tất cả đều như đang mong cô gái trẻ, xinh và rất giỏi này giá mà không bấu víu quan hệ để lên chức. Tôi chỉ nghĩ để đến được thành công có nhiều con đường. Quan trọng là kết quả. Chạm tay vào thành công đều phải trả giá. Có người trả giá bằng tuổi trẻ, tiền bạc, nhân phẩm. Và cô Phó giám đốc kia biết đâu có thể sẽ đánh đổi bằng thời gian chăm sóc cho gia đình, bằng sự mạnh mẽ nhiều hơn tuổi 24 trước điều tiếng dư luận...

Chúng ta luôn biết rằng nếu cơ hội đặt trong tay mình, nhất định mình phải nắm lấy. Nếu bạn sinh ra trong hoàn cảnh “nhà mặt phố, bố làm to”, bạn không tận dụng cơ hội phát triển mình thì điều đó rất dại dột.

Chúng ta cũng luôn biết không ai được lựa chọn nơi mình sinh ra.

Chúng ta hiểu việc cha mẹ thì luôn muốn điều tốt nhất cho con cái. Chẳng mấy ai đem của cải cho người dưng cả.

Chúng ta càng biết rõ hơn rằng mình đang đố kỵ. Ta chỉ nhìn thấy điểm sung sướng của họ. Vì đó là cái ta đang thiếu. Nhưng cả con đường chông gai họ vượt qua, chúng ta đâu có đi cùng để hiểu nỗi đắng cay cơ cực.

Chị bạn có đưa link cho tôi Facebook một cô gái xinh xắn, dáng như người mẫu, học tiến sĩ ở Harvard, nấu ăn rất giỏi. Tôi xem qua và thấy rất ngưỡng mộ. Chị bạn bảo cô gái đó hoàn hảo và rất mong ước mình được như vậy. Tôi cười. Giá chị nhận ra chị cũng rất đáng yêu khi cười nói, chị thêu móc khéo tay - thứ mà cô gái kia không có - cũng là điều tôi ao ước sở hữu thì thật tốt biết bao.

Tôi rất thích câu nói: "Mỗi người đi ngang qua ta đều đáng để ta học hỏi”. Đúng vậy, ở một góc nào đó, họ cũng đang học ta và nhìn ta đầy ngưỡng mộ.

Đào Mai Anh

Ý kiến

()