Chúng ta

Vệ tinh F-1 sẵn sàng bay vào vũ trụ

Thứ năm, 12/7/2012 | 16:48 GMT+7

Chỉ còn 9 ngày nữa, vệ tinh F-1, do Phòng Nghiên cứu Không gian (FSpace) - Đại học FPT, chế tạo sẽ được phóng vào quỹ đạo, sau gần 4 năm ấp ủ, chờ đợi.
> FPT phóng vệ tinh F-1 trong tháng 7 / Chủ nhiệm UB KHCN-MT Quốc hội tin vệ tinh F1 sẽ thành công

Dự kiến vào lúc 9h18 phút ngày 21/7 (giờ Hà Nội), vệ tinh F-1 sẽ được phóng lên vũ trụ trên tàu vận tải HTV-3, mang theo khát khao, hoài bão của thế hệ trẻ FPT nói riêng và của nhiều người Việt Nam nói chung.

Giữa tháng 6, vệ tinh F-1 đã vượt qua được công đoạn quan trọng nhất đối với tất cả các chuyến bay vũ trụ là đánh giá an toàn bay (flight safety review). Mọi thiết bị đã được xem xét kỹ lưỡng từ nhiều góc độ kỹ thuật (như cơ khí, kết cấu, điện tử, truyền thông, phần mềm…) để đảm bảo không gây ra sự cố có hại nào trong suốt quá trình phóng của tên lửa đẩy (một môi trường không thú vị chút nào với nhiều tiếng ồn, rung động và shock cường độ cao).

Tàu vận tải HTV-3 đã được lắp đặt trong lớp vỏ bảo vệ (fairing) và đang được vận chuyển đến lắp ghép với tên lửa đẩy HII-B tại Trung tâm Vũ trụ Tanegashima (Ảnh JAXA, chụp ngày 10/7/2012)

Tàu vận tải HTV-3 đã được lắp đặt trong lớp vỏ bảo vệ (fairing) và đang được vận chuyển đến lắp ghép với tên lửa đẩy HII-B tại Trung tâm Vũ trụ Tanegashima. Ảnh: JAXA, chụp ngày 10/7.

“Đây là một giai đoạn khó khăn và nhiều thách thức trong quá trình làm vệ tinh F-1 vì các tiêu chuẩn kỹ thuật của Cơ quan Không gian Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) rất chặt chẽ. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên các thành viên trong nhóm FSpace được tiếp xúc với công việc này”, Trưởng Phòng FSpace Vũ Trọng Thư cho biết.

Trong quá trình đánh giá an toàn bay, các thành viên FSpace không được trực tiếp nhìn thấy quả tên lửa mà phải làm việc từ xa với các kỹ sư của đối tác NanoRacks qua e-mail và Skype... “Giờ nhìn lại mới thấy quả thật là thách thức khi phải chế tạo một thiết bị được tạo thành từ nhiều chi tiết nhỏ (mà mỗi chi tiết lại có sai số riêng) để làm sao khi gửi sang nước ngoài chúng được lắp ghép vừa vặn lên một thiết bị khác (ống phóng vệ tinh J-SSOD) mà mình chỉ được thấy qua bản vẽ kỹ thuật, không có cơ hội để chỉnh sửa lại nếu như có sai sót”, anh Thư cho hay.

Từ cuối năm 2011, khi cơ hội phóng đã rõ ràng, phía đối tác bắt đầu gửi tài liệu về an toàn bay cho FSpace nghiên cứu. Đến tháng 6/2012, sau hơn 200 e-mail trao đổi qua lại giữa hai bên, FSpace mới hoàn thành công đoạn này.

“Quy trình thiết kế chế tạo vệ tinh rất ngặt nghèo. Người ta không cho phóng vệ tinh nếu nó không đạt yêu cầu. Việc các nhà khoa học trẻ của FPT chế tạo, thử nghiệm vệ tinh và cuối cùng được phía Nhật Bản chấp nhận, đánh giá đạt yêu cầu và đưa lên vũ trụ, tôi cho đây là một thành công”, Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Khoa Sơn, Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu về Khoa học và Công nghệ Vũ trụ - Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, đánh giá.

Chỉ còn hơn 200 giờ nữa, F-1 cùng với 4 vệ tinh nhỏ đi cùng khác sẽ được lắp ghép lên tàu vận tải HTV-3 và đặt lên trên tên lửa đẩy HII-B để chuẩn bị phóng vào vũ trụ. Trong lúc này, cảm giác hồi hộp đang vây lấy Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT, ĐH FPT, TS. Trần Thế Trung. “Cảm giác đầu tiên là vui sướng, giống như khi bạn làm thí nghiệm, phải trải qua giai đoạn lý thuyết, tính toán, thiết kế để đến được phần triển khai. Tiếp sau là tôi rất hồi hộp vì không biết kết quả như thế nào”, anh xúc động nói.

Không chỉ riêng anh Trung mà các thành viên của FSpace cũng đang cùng chung một cảm xúc hồi hộp xem vệ tinh đầu tay có được như mong đợi hay không. “Khi bắt đầu, ai trong chúng tôi cũng tưởng tưởng về thời điểm vệ tinh F-1 được phóng lên quỹ đạo. Nhưng đến bây giờ, mọi thứ đều hết sức bình thường, vì nó đã trở thành một phần cuộc sống”, anh Trung tâm sự.

“Đó sẽ là giây phút mà các thành viên FSpace ngắm nhìn thành quả nghiên cứu, phát triển của mình bay vào vũ trụ, biến ước mơ chung của cả nhóm cũng như nhiều người Việt Nam khác trở thành hiện thực”, anh Thư chia sẻ.

F-1 và 4 vệ tinh nhỏ đi cùng chuyến bay tại Trung tâm vũ trụ Tsukuba, Nhật Bản (Ảnh JAXA, ngày 25/6/2012)

F-1 và 4 vệ tinh nhỏ đi cùng chuyến bay tại Trung tâm vũ trụ Tsukuba, Nhật Bản. Ảnh: JAXA, ngày 25/6.

Trưởng Phòng Fspace rất tự hào khi lần đầu tiên có một thiết bị do Việt Nam chế tạo được bay vào vũ trụ: “Tôi cũng cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi sắp thực hiện được đúng lời hứa với các nhà tài trợ và những người ủng hộ khi dự án mới bắt đầu gần 4 năm trước”.

Bốn năm trước, việc chế tạo một vệ tinh và phóng lên quỹ đạo thực sự là một ước mơ rất xa xôi, đã có nhiều ý kiến hoài nghi về tính khả thi và quyết tâm của đội dự án. Tuy nhiên, nếu thành công thì vệ tinh F-1 sẽ là một minh chứng cụ thể rằng, người Việt Nam hoàn toàn có thể chế tạo được vệ tinh nhỏ và làm việc được trong lĩnh vực vũ trụ.

Trên thế giới, việc chế tạo vệ tinh không mới. Thế giới đã đi trước Việt Nam hàng chục năm và có rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, chưa kể họ lại có điều kiện tốt hơn nhiều. “Khi chế tạo, chúng tôi chưa tính đến việc làm cho F-1 khác biệt với các vệ tinh của nước ngoài, mà quan trọng hơn cả là để cho F-1 “sống” được trong vũ trụ và phát tín hiệu về trái đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640x480) của Trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh về trái đất đạt 1.200 bit/giây”, anh Thư nhận định.

Nếu các yêu cầu này được hoàn thành, FSpace sẽ tiếp tục thử nghiệm các tính năng phức tạp hơn như thử nghiệm cảm biến từ trường 3 trục SDTM (do Trung tâm công nghệ vũ trụ Ångström, ĐH Uppsala, Thụy Điển chế tạo), thử nghiệm tính năng trung chuyển tin nhắn SMS và một số tính năng phức tạp hơn của phần mềm điều khiển vệ tinh.

F-1 có thể coi là bước đi nhỏ đầu tiên để đào tạo đội ngũ và cung cấp cơ hội cho các kỹ sư trẻ của Việt Nam nắm bắt được đầy đủ quy trình công nghệ chế tạo một vệ tinh nhỏ từ ý tưởng, phân tích thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, thuê phóng và vận hành vệ tinh trên quỹ đạo.

Với những kết quả bước đầu này, kết hợp thông tin về tình hình phát triển vệ tinh nhỏ và tên lửa đẩy cỡ nhỏ trên thế giới như Mỹ, Nhật, châu Âu…, FSpace tin tưởng vào xu hướng phát triển của vệ tinh nhỏ trong tương lai sẽ dần thay thế những vệ tinh cỡ lớn truyền thống và đây là một cơ hội tốt để Việt Nam có thể “đi tắt, đón đầu” làm chủ công nghệ hiện đại.

Anh Thư cho rằng, việc chế tạo các vệ tinh nhỏ (nặng vài kg) là hoàn toàn khả thi trong điều kiện hiện tại của Việt Nam với chi phí thấp (dưới 10 tỷ đồng) và thời gian ngắn (cỡ 2-3 năm). Những vệ tinh nhỏ này có thể có ứng dụng trong công tác giám sát tàu thuyền trên biển Đông, phòng chống nạn xả trộm dầu trên biển, hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn, phát hiện cháy rừng sớm hay phục vụ các nhu cầu viễn thông, viễn thám khác.

Một số mốc phát triển F-1

Ngày 18/6/2009, lần đầu tiên nhóm FSpace mang F-1 từ trong phòng thí nghiệm ra ngoài trời để thử nghiệm liên lạc khoảng cách xa. Tại Hà Nội, F-1 được mang ra cầu Thăng Long (khoảng cách 7 km), sau đó tăng dần khoảng cách đến sân bay Nội Bài (20 km) và cuối cùng là lên đỉnh núi Tam Đảo (50 km). Hoạt động trong môi trường không phải trong phòng thí nghiệm đã giúp nhóm hiểu rõ hơn về sản phẩm của mình và thu được nhiều kinh nghiệm thực tế. F-1 đã phát tín hiệu, liên lạc thành công với hệ thống trung tâm. FSpace đã ra lệnh được từ xa cho F-1 chụp ảnh, đo đạc các thông số về điện áp, nhiệt độ.

F-1 được “xuất ngoại” lần đầu tiên sang Nhật Bản vào ngày 14/3/2011 (đúng một ngày ngay sau trận động đất lịch sử) để thử nghiệm rung động (vibration test). Thời điểm đó, ngay cả thủ đô Tokyo cũng bị cắt điện luân phiên, tuy nhiên, các giáo sư Nhật Bản vân ưu tiên giúp đỡ FSpace thử nghiệm F-1. Chạy máy thử nghiệm rung động rất tốn điện nên họ đã phải tạm dừng những hoạt động khác để ưu tiên cho nhóm. Cuối cùng, F-1 cũng đã trải qua kỳ thử nghiệm rung động thành công.

Tháng 11/2011, F-1 lại trải qua một chuyến đi dài nữa khi được chuyển sang Mỹ cho công ty đối tác là NanoRacks ở Houston, Texas, để chuẩn bị kỳ đánh giá an toàn bay. Trong thời gian ở Mỹ, F-1 đã được di chuyển tới phòng thí nghiệm ở White Sands bang New Mexico để tiến hành những thử nghiệm cuối cùng trước khi trở lại Houston.

Tháng 6/2012, F-1 được chuyển sang Trung tâm Vũ trụ Tsukuba của Nhật Bản để chuẩn bị được lắp lên tàu vận tải HTV-3 cùng với 4 vệ tinh khác.

Lâm Thao

Ý kiến

()