Chúng ta

Vệ tinh F-1 đã được phóng lên quỹ đạo

Thứ bảy, 21/7/2012 | 09:08 GMT+7

Đúng 9h06 phút, tàu vận tải HTV-3 đã được phóng lên bầu trời, mang theo vệ tinh F-1 do FPT chế tạo. Chúng ta tường thuật trực tiếp.
> F-1 bay vào không gian theo cách mới / Tường thuật trực tiếp quá trình phóng vệ tinh F-1

f1002-476843-1412981737.jpg

Tàu vận tải HTV-3 mang vệ tinh F-1 đã được phóng lên vũ trụ thành công sáng ngày 21/7. Ảnh chụp qua màn hình truyền hình trực tiếp của JAXA.

Cùng với các chuyên viên đang làm việc tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), các CBNV theo dõi truyền hình trực tiếp vụ phóng vệ tinh tại tầng 13 tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội cũng bắt đầu đếm ngược thời khắc vệ tinh F-1 bay lên quỹ đạo. Tất cả đều đón chờ với tâm trạng hồi hộp. 

Tại TP HCM, 1.000 CBNV FPT Software HCM tham dự lễ sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm của đơn vị cũng hồi hộp theo dõi trực tiệp vụ phóng vệ tinh F-1 qua màn hình.

"5...4...3...2...1", tất cả cùng hô vang và tên lửa đẩy đã được kích hoạt. Tàu vũ trụ HTV-3 bắt đầu rời bệ phóng ở Trung tâm Vũ trụ Tsukuba.

CTO

CTO FPT Nguyễn Lâm Phương (trái) và TS. Trần Thế Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ, ĐH FPT (phải) cùng các CBNV FPT hồi hộp chờ đợi thời khắc tên lửa HTV-3 rời bệ phóng. Ảnh: Tiên Long.

Tên lửa đẩy đã vượt qua vận tốc âm thanh, để lại những lùm khói xuất hiện dưới phần đuôi. Tên lửa bay theo hướng Đông Nam, hướng biển của Nhật Bản. Hôm nay trời nhiều mây.

Toàn bộ quá trình phóng diễn ra trong vòng 15 phút. Theo kế hoạch, sau khi tên lửa phóng lên không trung khoảng 15 phút mà không có vấn đề gì xảy ra thì vụ phóng mới thành công hoàn toàn. 

Bốn tên lửa chứa nguyên liệu rắn lần lượt được tách ra. Vận tốc của tên lửa đạt 3,6 km/s.

Hàng trăm người có mặt tại tòa nhà FPT Cầu Giấy cùng hơn 1.000 CBNV FPT Software HCM cùng "nín thở" theo dõi hành trình đến bầu trời của vệ tinh F-1.

Vào lúc 9h13, độ cao tên lửa đạt là 200 km. 8 phút sau khi phóng, tên lửa vẫn đang hoạt động tốt.

Tên lửa tiếp tục tăng vận tốc. Khi tên lửa đạt vận tốc 7,9 km/s thì tàu vận tải sẽ không bị rơi xuống đất.

Tên lửa đẩy có tổng khối lượng 560 tấn và tàu vận tải HTV-3 có trọng lượng 16 tấn, chở 5 tấn đồ tiếp viện cho Trạm vũ trụ Quốc tế ISS, trong hành lý đó có vệ tinh F-1, hình lập phương mỗi chiều dài 10 cm, trọng lượng 1 kg.

Nguyễn Bích Ngọc, Ban Nhân sự FPT, đang chăm chú xem hành trình lên không trung của vệ tinh F-1. Cô không thể rời mắt khỏi màn hình để dõi theo đường bay của tên lửa trên màn hình.

Lúc 9h21, tàu HTV-3 đã tách thành công khỏi tên lửa đẩy và chạy bằng năng lượng của chính mình. Vệ tinh F-1 chính thức bay vào vụ trụ thành công.

Clip phóng thành công tàu vận tải HTV-3 mang vệ tinh F-1. Nguồn: JAXA

Phó Giáo sư Hugo Nguyễn (Nguyễn Minh Hùng), một chuyên gia vi hệ cơ điện tử của trường ĐH Uppsala, Thụy Điển cho biết: “Tôi rất hãnh diện vì các bạn đã thành công về mặt công nghệ khi đưa được F-1 vào vũ trụ. Các kỹ sư FPT đã đi đúng đường. Cảm ơn FPT và các thành viên đã theo đuổi hướng công nghệ vũ trụ thế giới".

Tiếng cụng ly, hô vang: “F-1, F-1” hòa cùng nền nhạc trầm hùng của ca khúc “Quỹ đạo Việt Nam”, do nhạc sĩ Trương Quý Hải vừa sáng tác dành tặng FSpace, được chính các thành viên FSpace thể hiện, khiến bầu không khí của tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy thêm sôi động.

Giáo

Phó Giáo sư Hugo Nguyễn, ĐH Uppsala, Thụy Điển, chúc mừng thành tựu bước đầu của FSpace. Ảnh: Tiên Long.

“Bay lên theo nụ cười. Bay lên cao như cồn cào. Ta về trong mơ, về trong mơ”, lời hát ca khúc "Bay" do các thành viên Đoàn Văn công FPT biểu diễn cũng chính là những tiếng hát tự hào của người FPT khi tên của tập đoàn đã được đặt lên bản đồ vũ trụ.

Giám đốc Công nghệ FPT Nguyễn Lâm Phương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT Trần Thế Trung, Phó Hiệu trưởng ĐH FPT Nguyễn Xuân Phong, Thượng tá Nguyễn Huy Hoàng - Khoa Vô tuyến Điện tử, Học viện Kỹ thuật Quân sự, cùng theo dõi buổi tường thuật này, đã chúc mừng thành công của vệ tinh F-1 và FSpace.

Phó Hiệu trưởng ĐH FPT, Nguyễn Xuân Phong, không giấu nổi niềm vui mừng cho biết, anh rất “tự hào khi FPT là đơn vị đầu tiên đã chế tạo và có vệ tinh bay lên vũ trụ”.

Bạn bè, đồng nghiệp và gia đình

Bạn bè, đồng nghiệp và gia đình chúc mừng Trưởng Phòng Nghiên cứu không gian FPT Vũ Trọng Thư sau khi vệ tinh F-1 đã lên quỹ đạo thành công. Ảnh: Tiên Long.

Gần 100 người đã có mặt tại tòa nhà FPT Cầu Giấy trong buổi sáng nay để theo dõi khoảnh khắc lịch sử và chia sẻ niềm vui với nhóm FSpace.

Có người bạn là thành viên của nhóm chế tạo vệ tinh F-1, nên Minh Cường, FPT Software, càng cảm thấy tự hào hơn. Suốt buổi tường thuật trực tiếp, Cường không thể rời mắt khỏi màn chiếu lớn. Khuôn mặt cậu rạng rỡ khi Trưởng nhóm FSpace Vũ Trọng Thư thông báo, vệ tinh F-1 đã được phóng thành công lên quỹ đạo.

Nguyễn Hải Thanh, FPT IS ITC, vừa nựng con vừa dán mắt vào hai màn hình lớn để theo dõi hành trình của F-1. Ban đầu, dự định của anh là đi xem cùng nhóm bạn ở cơ quan. Nhưng vì con gái không có ai trông, nên đưa bé đi cùng. “Tôi không thể bỏ lỡ thời khắc lịch sử này được”, anh cho biết.

Phu quân chị Phùng Thu Trang, Phó Ban Văn hóa - Đoàn thể, anh Quốc Thanh, biết thông tin FPT sẽ phóng vệ tinh vào ngày hôm nay và càng háo hức khi được vợ kể chuyện, nên quyết định đến tầng 13 để theo dõi.

Anh chia sẻ cảm giác rất vui khi được hòa mình trong khí này và rất đỗi tự hào về vệ tinh đầu tiên do người Việt Nam chế tạo đã bay lên vũ trụ.

Trong hơn 1 giờ đồng hồ, người FPT đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc lo lắng, hồi hộp và vỡ òa hạnh phúc khi vệ tinh nhỏ đầu tiên “made by FPT” đã được phóng lên và chinh phục thành công bầu trời.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) phóng tàu vận tải Kounotori (HTV-3) lên quỹ đạo từ trung tâm Tanegashima trên tên lửa đẩy HII-B. Trên tàu HTV-3 sẽ đi kèm 5 vệ tinh nhỏ, trong đó có vệ tinh F-1 do FSpace chế tạo.

Vệ tinh F-1 được chế tạo từ cuối năm 2008. Mục tiêu của vệ tinh F-1 là phải “sống” được trong không gian và phát tín hiệu về trái đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640x480) của trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh về trái đất đạt 1.200 bit/giây.

Theo kế hoạch, ngày 27/7, tàu HVT-3 sẽ được lắp ghép với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và chuyển vệ tinh F-1 sang đó. Dự kiến đến tháng 9, F-1 cùng 4 vệ tinh khác sẽ được phóng từ trạm ISS vào không gian.

Xem clip mô tả quá trình phóng vệ tinh F-1 từ trạm ISS tại đây.

Lâm Thao

Ý kiến

()