Chúng ta

Người FPT tự hào về vệ tinh F-1

Thứ sáu, 20/7/2012 | 14:56 GMT+7

Vệ tinh F-1 sắp được phóng lên quỹ đạo, mang theo niềm tự hào của nhiều người FPT về bước đi táo bạo này.
> Vệ tinh F-1 sẵn sàng bay vào vũ trụ / Vệ tinh F-1 sẽ được phóng lên vũ trụ sớm hơn 12 phút / F-1 bay vào không gian theo cách mới / Tường thuật trực tiếp quá trình phóng vệ tinh F-1

Chỉ còn 1 ngày nữa, vệ tinh F-1 do Phòng Nghiên cứu Không gian (FSpace), Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT, ĐH FPT, chế tạo sẽ được phóng lên vũ trụ. Câu chuyện về chiếc vệ tinh nhỏ, mang hoài bão lớn của FSpace đang được bàn luận sôi nổi trong FPT.

Giám đốc Công nghệ FPT, Nguyễn Lâm Phương, cho rằng: F-1 có công nghệ tương đương so với các sản phẩm cùng loại. Anh đánh giá cao nhóm của Vũ Trọng Thư về năng lực tích hợp, vì hạn chế về kinh phí nên thiết bị chế tạo F-1 được lấy ở nhiều nguồn khác nhau, nhưng vẫn thể lắp ghép để vệ tinh hoạt động được.

Hoàng Phúc Thịnh, FPT IS PFS ví phóng vệ tinh F-1 như sự kiện Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận giải Fields. Ảnh: NVCC.

Hoàng Phúc Thịnh, FPT IS PFS ví phóng vệ tinh F-1 như sự kiện Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận giải Fields. Ảnh: NVCC.

“Đây là nỗ lực rất lớn, dám nghĩ dám làm của nhóm FSpace. Hai năm trước không ai biết F-1 là gì, thì nay vệ tinh đã sẵn sàng phóng lên quỹ đạo”, anh nhận xét. “Tỷ lệ phóng thành công của vệ tinh F-1 là khá lớn”.

Việc lần đầu tiên một vệ tinh được chế tạo bởi nhóm nhà khoa học FPT, một sản phẩm xuất hiện tại đất nước vốn chưa có nhiều kinh nghiệm chế tạo vệ tinh dạng nano-satellite, không chỉ thể hiện khát vọng muốn đi đầu trong lĩnh vực thiên văn học của FPT mà đó còn là khát vọng của người Việt Nam muốn chinh phục vũ trụ.

“Phóng vệ tinh F-1 có ý nghĩa tương tự như GS. Ngô Bảo Châu là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng Fields”, Hoàng Phúc Thịnh, cán bộ công nghệ của FPT IS, ví von.

Theo Thịnh, việc phát triển thành công vệ tinh F-1 này sẽ thúc đẩy việc tạo nên một hệ sinh thái (eco-system) giữa các hệ thống do FPT phát triển trong tương lai không xa. Việc phóng thành công vệ tinh này sẽ góp phần tạo nên cánh hoa "Sản phẩm made by FPT” trong bông hoa OneFPT của Tập đoàn FPT.

Đồng quan điểm với Thịnh, Trần Văn Anh, FPT Trading Hà Nội, cho rằng, việc thử phóng vào vũ trụ vệ tinh siêu nhỏ F-1 của FPT đánh dấu một bước phát triển lớn về công nghệ chế tạo vệ tinh của FPT nói riêng và Việt Nam nói chung.

Hoàng Hà Đức, sinh viên ĐH FPT cho rằng vệ tinh F-1 chính là tinh thần FPT, tinh thần Việt Nam. Ảnh: Phiêu Diêu.

Hoàng Anh Đức, sinh viên ĐH FPT cho rằng vệ tinh F-1 chính là tinh thần FPT, tinh thần Việt Nam. Ảnh: Phiêu Diêu.

“Qua sự kiện này chắc chắn cái tên Việt Nam và FPT sẽ được thế giới biết đến nhiều hơn, đó cũng là cơ hội để chúng ta có thể mở rộng quan hệ hợp tác và kêu gọi đầu tư hơn nữa vào Việt Nam và FPT”, anh kỳ vọng.

Dù không trực tiếp tham gia vào nhóm nghiên cứu và chế tạo F-1 nhưng Văn Anh rất tự hào vì ở FPT đã có những con người làm được điều lớn lao như vậy.

“F-1 không đơn thuần là một khối vật chất bé nhỏ, không đơn thuần là 1 kg vi mạch và kim loại, mà còn chính là tinh thần FPT, tinh thần Việt Nam”, Hoàng Anh Đức, sinh viên ĐH FPT, bày tỏ. Theo Đức, việc này đã khẳng định tiềm năng của người Việt vô cùng to lớn, đặc biệt là giới trẻ, những người có khả năng nắm bắt, làm chủ công nghệ với ước mơ, hoài bão và sự táo bạo.

CTO Nguyễn Lâm Phương cho rằng, kết quả của vệ tinh F-1 vẫn còn khá khiêm tốn nhưng quan trọng, “đã chuyển từ không thành có, mở cơ hội cho FPT làm những việc khác, như hợp tác với các trường đại học trên thế giới. Đây là tiền đề tốt cho các chuyển động về sau”.

“Trong quá trình làm, nhóm Vũ Trọng Thư đã nghĩ ra nhiều sáng kiến cho các vấn đề thực tế như cảnh báo cháy rừng, cứu ngư dân khỏi thảm họa bão… đều có thể đăng ký bằng sáng chế. Đó là những giá trị lớn nhất mà F-1 mang đến”, anh nhận xét.

Anh Phương khẳng định, tập đoàn sẽ tiếp tục tài trợ cho dự án FSpace. Tuy nhiên, theo anh Phương, dự án này cần xã hội hóa từ nhiều nguồn khác nhau, để FSpace tạo ra các sáng kiến khác hiện thực và tốt hơn.

Lâm Thao

Ý kiến

()