Chúng ta

Internet - chìa khóa để giáo dục VN toàn cầu hóa

Thứ năm, 6/12/2012 | 18:49 GMT+7

"Quốc tế hóa, toàn cầu hóa đang là xu thế phát triển của các trường ĐH. Mục tiêu quốc tế hóa sẽ giúp người học sau khi ra trường có được những tố chất cần thiết trong thời đại Internet", Hiệu trưởng ĐH FPT Lê Trường Tùng khẳng định.
> Kỷ nguyên giáo dục 2.0

Anh Tùng là người chủ trì buổi tọa đàm "Education 2.0 - Internet đã, đang, và sẽ thay đổi cách dạy và học như thế nào" được tổ chức tại Trung tâm sáng tạo Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội sáng 5/12.

Education 2.0 hiểu nôm na là ứng dụng công nghệ thông tin và các thiết bị hiện đại trong giảng dạy và học tập.

Từ khi xuất hiện ở Việt Nam đến nay, Internet với các công cụ như tra cứu trực tuyến, thư viện mở, các dịch vụ như E-learning… đã góp phần không nhỏ trong việc cung cấp và sẻ chia kiến thức của người dạy và người học. Internet đã mang đến sự hình thành của những hình thức học tập mới như học online, học từ xa…

Buổi tọa đàm tập trung làm rõ tác động của Internet đến việc dạy và học ở khía cạnh nội dung, tổ chức và quản lý; đồng thời xác định đâu là xu thế, hình hài của hệ thống giáo dục mới - hệ thống Giáo dục 2.0. Đó là hệ thống giáo dục bên cạnh việc đào tạo và nghiên cứu, trường học còn phải hướng tới việc làm cho người học, có tính toàn cầu hóa cao…

TS. Lê Trường Tùng chủ trì hội thảo. Ảnh: C.T.

TS. Lê Trường Tùng chủ trì hội thảo. Ảnh: C.T.

Tại buổi tọa đàm, TS.Lê Trường Tùng đã khẳng định, trong 15 năm qua, với việc thu hẹp khoảng cách địa lý, xóa bỏ ranh giới quốc gia, tạo sự bình đẳng cho mọi người trong việc truy cập thông tin, dịch vụ và hình thành các phương thức giao tiếp mới - Internet nói riêng và CNTT-TT nói chung đã tạo nên những thay đổi, chuyển biến mạnh mẽ trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Cùng quan điểm đó, TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) cho rằng, viễn thông - Internet Việt Nam hầu như không thua các nước tiên tiến trên thế giới. Công nghệ của họ như thế nào thì Việt Nam cũng như vậy, từ mạng 3G, 4G cho đến cáp quang, vệ tinh...

Về mặt phổ cập dịch vụ, mật độ sử dụng, chúng ta hoàn toàn tương đương các nước khác. Còn giá cước dịch vụ viễn thông, Internet của Việt Nam thuộc dạng thấp so với các nước khác. Khi đi nước ngoài, bất kỳ ai cũng thấy không có nước nào điểm truy cập Internet, WiFi rẻ và thuận lợi như ở Việt Nam.

Chính vì thế, Internet tác động sâu sắc đến giáo dục và đào tạo, theo anh Tùng, ở 5 khía cạnh, bao gồm: Yêu cầu các tri thức - kỹ năng mới để thích ứng với xã hội mới; Thay đổi trong công nghệ dạy và học; Hình thành các tổ chức đào tạo kiểu mới và các phương thức hợp tác giáo dục mới; Học tập suốt đời ,dẫn đến thay đổi trong tổ chức và quản lý đào tạo; Tài nguyên học tập mở và cơ hội học tập cho mọi người.

Và thay đổi lớn cho thấy sự tác động sâu sắc của Internet tới giáo dục chính là sự xuất hiện những đòi hỏi về tri thức, các kỹ năng mới của công dân để thích ứng với xã hội mới. “Có những tri thức, kỹ năng mà cách đây 10 hay 20 năm chưa đặt ra song đến nay, với sự phát triển của Internet thì chúng lại trở thành những kỹ năng bắt buộc, quyết định thành công của mỗi công dân, đặc biệt là với các thế hệ từ 8x trở lại. Đơn cử như kỹ năng toàn cầu hóa”, anh Tùng nói.

TS. Đinh Hồng Hải, cán bộ Viện Khoa học xã hội Việt Nam, chia sẻ: "Mỗi giờ lên lớp, tôi lại học hỏi được rất nhiều kiến thức từ chính học sinh, sinh viên. Internet khiến người học chủ động trong tìm kiếm và tiếp thu thông tin, mỗi cá nhân sinh viên là một kho kiến thức mới mẻ với những thầy giáo như tôi".

PGS-TS. Vũ Mạnh Lợi, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học - Viện Khoa học xã hội Việt Nam, cũng công bố với cử tọa kết quả nghiên cứu về mối quan hệ của người trẻ và mạng Internet từ những cuộc điều tra về thanh niên.

Theo đó, từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã có hai cuộc điều tra lớn về thanh niên. Kết quả có sự thay đổi hoàn toàn khác biệt về đặc trưng tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin qua mạng Internet của thanh niên Việt Nam.

“Cuộc điều tra năm 2003 cho thấy thanh niên chủ yếu chỉ tải thông tin từ Internet xuống, còn bây giờ thanh niên Việt Nam lại chiếm ưu thế trong việc chuyển thông tin của họ lên mạng”, TS. Lợi phân tích.

Với việc dạy và học kỹ năng toàn cầu hóa, có 3 vấn đề cần phải được chú trọng giải quyết tốt, đó là: Xóa “vùng trũng” tiếng Anh, tuyển sinh quốc tế và các trường đại học làm tốt các sứ mệnh.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu nhận định: Hiệu ứng “Vùng trũng tiếng Anh” là rào cản lớn trong hội nhập quốc tế, chuyển giao công nghệ, xuất/nhập khẩu giáo dục của Việt Nam, là một thước đo thể hiện mức độ yếu kém của nguồn nhân lực Việt.

Cần phải xem việc xóa “vùng trũng tiếng Anh” là một nhiệm vụ chiến lược, là công cụ quan trọng mà không có nó thì không thể hội nhập quốc tế.

Anh Tùng nhấn mạnh: "Hơn 50 năm trước, với phong trào Bình dân học vụ, học vấn bình dân cho dân chúng được hiểu là “biết đọc - viết”. Bình dân học vụ 2.0 sẽ phải bao gồm “3 biết”: Biết đọc - viết, biết Tin học và biết tiếng Anh. Việt Nam đã cơ bản giải quyết xong việc phổ cập “biết đọc - viết”, việc phổ cập “biết Tin học” không phải là công việc quá khó, chỉ cần học một vài tháng, thậm chí không cần trường lớp. Cái biết thứ ba - biết tiếng Anh - khó hơn nhiều, và biết tiếng Anh phải là biết như một công cụ dùng được, chứ không phải biết dưới dạng một môn học từng được học qua như hiện nay".

Cũng theo Hiệu trưởng ĐH FPT, việc xóa mù tiếng Anh phải được giải quyết ở trường phổ thông như một kỹ năng giáo dục phổ cập để nâng cao dân trí, giúp người dân có điều kiện tận hưởng các tiện ích xã hội thông qua tiếng Anh, thể hiện vai trò xã hội đầy đủ hơn, và để đất nước có cơ sở nền tảng hội nhập quốc tế sâu rộng đúng nghĩa.

Việc xóa mù tiếng Anh được giải quyết ở trường phổ thông cũng là tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục sau phổ thông (cao đẳng, đại học), tận dụng được học liệu và giảng viên quốc tế để nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng một nền giáo dục sau đại học mang tính quốc tế hóa, cho phép mơ đến viễn cảnh xuất khẩu giáo dục chứ không chỉ đơn thuần hội nhập theo dạng đi nước ngoài du học như hiện nay. 

Phổ cấp tiếng Anh là con đường Singapore đi cách đây 50 năm, Malaysia cách đây 15 năm và là con đường Indonesia đang đi hiện nay.

Với dân số đứng thứ 13 trên thế giới, Việt Nam cần thực hiện Bình dân học vụ 2.0, đặt mục tiêu chiến lược là xóa “vùng trũng tiếng Anh”, xem đây là nhiệm vụ của giáo dục phổ thông để mau chóng trở thành một trong 10 quốc gia có nhiều người dùng tiếng Anh nhất vào năm 2020.

Bàn về sứ mệnh của trường đại học, lãnh đạo ĐH FPT cũng chia sẻ quan niệm khá mới mẻ. Trong thời đại Internet, sứ mệnh của trường đại học đã tăng từ 2 lên 4, không chỉ có 2 sứ mệnh cơ bản là đào tạo và nghiên cứu như 10 năm trước mà còn có thêm 2 sứ mệnh quan trọng không kém là việc làm cho người học và vấn đề quốc tế hóa, toàn cầu hóa. “Một trường ĐH tốt, có đẳng cấp là trường đào tạo tốt, nghiên cứu tốt, có việc làm cho sinh viên và tính toàn cầu hóa cao”, TS. Lê Trường Tùng nhấn mạnh.

Đối với vấn đề tuyển sinh quốc tế, theo báo cáo của đại diện giáo dục Australia tại Hội nghị lãnh đạo các trường đại học khu vực châu Á tổ chức tại Bali, Indonesia, vào tháng 11 vừa qua, lộ trình phát triển của vấn đề tuyển sinh quốc tế trải qua 3 giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên như là sự giúp đỡ của các nước phát triển cho các nước chậm hoặc đang phát triển. Giai đoạn 2 xem tuyển sinh quốc tế như là một hình thức thương mại, tuyển sinh viên để tăng nguồn thu.

Và giai đoạn cao nhất, hướng tới mục tiêu cốt lõi của giáo dục là để đào tạo kỹ năng toàn cầu hóa cho sinh viên của mình thông qua môi trường sinh viên đa quốc gia và các hoạt động chuyển dịch giảng viên, sinh viên.

Ví dụ, với Australia, doanh thu từ việc sinh viên nước ngoài tới học ở quốc gia này đang chiếm vị trí thứ 3-4 đóng góp vào GDP. Quan trọng hơn, các sinh viên Australia có cơ hội được tiếp xúc với sinh viên nước ngoài, qua đó nâng cao kỹ năng toàn cầu hóa của mình.

TS. Lê Trường Tùng cho biết, các trường đại học tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở liên kết đào tạo quốc tế. Cụ thể, với nhận thức “ngoại” tốt hơn “nội”, nhiều trường ĐH đã và đang triển khai các chương trình tiên tiến, chương trình chuyển giao từ trường đại học nước ngoài để thêm cơ hội học tập, cơ hội thụ hưởng điều kiện, chất lượng giáo dục của nước ngoài cho sinh viên trong nước.

"Quốc tế hóa, toàn cầu hóa đang là xu thế phát triển của các trường đại học. Dù muốn hay không muốn, các trường đều phải đặt mục tiêu quốc tế hóa để làm sao người học sau khi ra trường có được những tố chất cần thiết trong thời đại Internet”, anh Tùng khẳng định.

Ông Nguyễn Bá Quỳnh, Giám đốc Bộ phận Phần mềm, IBM Việt Nam, cho biết thêm, trong thời đại bùng nổ của sự phát triển Internet thì không chỉ có các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam giảng dạy mà thường xuyên xảy ra điều ngược lại. 

Các trường đại học có vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tập đoàn đa quốc gia. Chính nơi đây lại là một mắt xích để kết nối các quốc gia và kết nối toàn cầu.

Buổi tọa đàm chuyên đề “Education 2.0 - Internet đã, đang và sẽ thay đổi cách dạy và học như thế nào” do Đại học FPT phối hợp cùng Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và Tạp chí Tia Sáng thuộc Bộ KH-CN tổ chức ngày 5/12 tại Hà Nội. Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Internet Việt Nam tròn 15 năm (1997 - 2012).

Thu Thủy

Ý kiến

()