Chúng ta

‘FPT là nơi ươm mầm tài năng công nghệ’

Thứ hai, 16/9/2013 | 15:10 GMT+7

“FPT phải tiếp tục dẫn dắt cuộc chơi và cạnh tranh với đối thủ khác để trở thành xương sống của quốc gia trong lĩnh vực CNTT, giống như NCS của Singapore, NTT Data hoặc Fujitsu của Nhật Bản”, Giám đốc Công nghệ FPT Nguyễn Lâm Phương nhìn nhận về chặng đường tiếp theo của tập đoàn.
> ‘Tôi sẽ xây dựng thể chế tốt cho người làm công nghệ’

Chúng ta có cuộc trao đổi với anh Lâm Phương về định hướng công nghệ mới của FPT.

- Xin anh cho biết những thành công nổi bật của công nghệ FPT trong 25 năm qua?

- Gartner chia các doanh nghiệp công nghệ theo hai trục là tầm nhìn và năng lực thực hiện. Những công ty hội tụ cả tầm nhìn và năng lực thực hiện thì được gọi là leader (dẫn đầu). Tôi nghĩ FPT đang là leader tại Việt Nam vì đã đồng hành trong những sự kiện CNTT quan trọng của nước nhà. FPT là đơn vị đầu tiên chớp lấy cơ hội đưa Intetnet về Việt Nam và góp phần tạo ra làn sóng Internet. VnExpress.net là báo điện tử đầu tiên không có phiên bản báo giấy. Là đơn vị tiên phong xuất khẩu phần mềm và sau 15 năm, FPT đã trở thành số một trong lĩnh vực này ở Việt Nam.

g

CTO luôn tin FPT đang dẫn đầu trong lĩnh vực CNTT. Ảnh: Minh Trung.

Tôi cho rằng, thành công nổi bật của công nghệ FPT là sự gắn kết với quá trình phát triển của đất nước và ngành CNTT-VT Việt Nam. FPT đã tham gia tin học hoá và hiện đại hóa các bộ, ngành “xương sống” của Việt Nam như Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán, ngân hàng, viễn thông,…Với tầm nhìn về CNTT như nền tảng của phương thức phát triển mới của đất nước, FPT đang sẵn sàng bước vào giai đoạn mới này với vị thế dẫn đầu.

Một thành công khác của FPT đã là nơi ươm mầm cho nhiều tài năng công nghệ nước nhà. Có thể nói, nhiều chuyên gia công nghệ có tiếng ở Việt Nam hiện nay đã từng làm việc tại FPT hoặc được đào tạo tại CLB Tài năng trẻ FPT.

- Vậy FPT sẽ tiến về đâu sau 25 năm thể hiện vai trò dẫn đầu?

- Công nghệ FPT đang chuyển mình cùng công nghệ thế giới. Tôi tin rằng, các định hướng về sản phẩm, dịch vụ dựa trên Cloud Computing, Big Data, Mobility… sẽ có chỗ đứng trong 10-15 năm nữa. Công nghệ đang ngày càng trợ giúp con người trong việc đưa ra các quyết định hiệu quả hơn và FPT muốn trở thành nhà cung cấp giải pháp thông minh tầm cỡ khu vực. Các tín hiệu ban đầu từ thị trường về sự tăng trưởng của các mảng công nghệ này là rất lạc quan.

- Liệu FPT còn giữ được vị trí số một về CNTT, khi hiện tại có rất nhiều cái tên nổi lên?

- Theo tôi ở mảng thị trường đại chúng FPT chưa có sản phẩm flagship đại diện có thể nhận diện một cách dễ dàng. Đây là lý do ảnh hưởng đến hình ảnh công nghệ của công ty. Thực tế, hoạt động công nghệ chủ yếu của FPT lại ở lĩnh vực B2G, B2B hoặc xuất khẩu nơi chúng ta đang là leader. Không nhiều người biết là hàng chục triệu người nộp thuế tại Việt Nam đang gián tiếp sử dụng hệ thống do FPT tạo ra hoặc các ứng dụng di động thông minh đang được hàng triệu người Mỹ sử dụng được made in FPT.

Tôi luôn tin FPT đang đứng đầu. Nhưng nếu tập đoàn không liên tục đổi mới, duy trì đam mê, sáng tạo trong công nghệ và kinh doanh thì sẽ mất dần vị thế của mình. FPT phải tiếp tục dẫn dắt cuộc chơi và cạnh tranh với đối thủ khác để trở thành xương sống của quốc gia trong lĩnh vực CNTT giống như NCS của Singapore, NTT Data hoặc Fujitsu của Nhật Bản.

- Đẩy mạnh R&D có phải là cách để FPT duy trì vị trí số một về công nghệ ở Việt Nam?

- Có kết quả thế này, trong năm 2012, FPT đầu tư 1 đồng cho R&D thì doanh số thu về là 8 đồng. Đây là chỉ số thu hồi vốn rất cao. Tuy nhiên, chúng ta đang đầu tư vào những thứ rất chắc ăn trong khi đầu tư vào công nghệ phải xác định là chấp nhận mạo hiểm. Khi tham dự ngày công nghệ của Fujitsu, tôi nghe họ chia sẻ là xác suất thành công của các dự án R&D chỉ là 1/70. Con số này ở FPT, tôi mong muốn là 1/10.

v

Anh Lâm Phương trong phần thi về lập trình robot. Ảnh: Lâm Thao.

FPT đang mạnh tay đầu tư vào R&D nhưng hiện vẫn còn một số rào cản. Văn hóa “ăn chắc mặc bền” đã ăn sâu ở FPT, nên khi bảo vệ, đội dự án ở các đơn vị phải khẳng định “có thành công không” và sẽ bị gạt khỏi danh sách đầu tư nếu không trả lời được câu hỏi này.

Chúng ta sẽ ban hành chính sách mới để thúc đẩy hoạt động R&D mạnh hơn nữa. Theo đó, sẽ phân hoạch rõ là tập đoàn chịu trách nhiệm về các đầu tư mạo hiểm và dài hơi, còn các công ty thành viên sẽ nghiên cứu những công nghệ có thể nhanh chóng đưa vào sản phẩm, dịch vụ ảnh hưởng tức thì đến kinh doanh của họ.

Các sản phẩm, dịch vụ mới cũng cần có thời gian để trưởng thành và có doanh thu lợi nhuận ổn định. Tại mỗi thời điểm, FPT cần có một portfolio gồm nhiều dòng sản phẩm khác nhau trong các giai đoạn phát triển khác nhau. Như vậy sẽ đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của công ty.

- Theo anh, liệu FPT có đủ sự kiên nhẫn?

- Tôi nghĩ nếu nói là FPT thì hơi chung chung, mà là lãnh đạo và những người trực tiếp làm dự án có đủ kiên nhẫn không. Có nhiều sản phẩm rất tiềm năng nhưng không thể sau một đêm thành Thánh Gióng, trở thành cỗ máy kiếm tiền khổng lồ cho FPT được. Do đó, phải mất 1-2 năm để phát triển sản phẩm.

- Nhiều người nói FPT không còn là nơi hấp dẫn cho dân công nghệ nữa. Anh nghĩ sao về điều này?

- Không chỉ FPT, các công ty công nghệ khác cũng vậy. Trong vài năm qua khi bối cảnh kinh tế đi xuống, kinh doanh không tăng trưởng, quỹ lương giảm thì không nơi nào là thực sự hấp dẫn cả.

Cái hấp dẫn, theo tôi là FPT có sân chơi cho các bạn trẻ và luôn bám sát các xu thế mới để tạo ra nhiều sân chơi hơn. Giám đốc Công nghệ FPT Online Đinh Lê Đạt, sau chuyến công tác tại Mỹ về, chia sẻ: “Làm việc cho FPT rất thú vị so với những người làm ở Google, Microsoft vì được thử sức trong rất nhiều thứ, trong khi tại những công ty kia thường chỉ được làm một việc thôi”.

Tất nhiên, không phải ai ở FPT cũng có thể được làm tất cả mọi thứ. Nhưng chỉ cần có đam mê thì sẽ có cơ hội được thử sức.

- Anh đánh giá như thế nào về nguồn lực công nghệ của FPT?

- Đội ngũ của chúng ta không thiếu và yếu. Tôi đã phỏng vấn nhiều bạn làm công nghệ tại FPT, thấy họ rất xuất sắc nhưng lại làm những công việc không phát huy hết được năng lực và cũng không có điều kiện chia sẻ thông tin với các bạn khác cùng nghề. Cán bộ công nghệ FPT hiện như làm việc trong hầm phóng tên lửa, chả ai biết ai làm gì.

Để xóa bỏ tình trạng này, tập đoàn đang thực hiện chương trình xếp hạng chuyên gia công nghệ, nhằm đánh giá chất lượng và sắp xếp công việc phù hợp cán bộ, tạo điều kiện để giao lưu chia sẻ hoạt động chuyên môn..

- Anh có thông điệp gì gửi đến các chuyên gia công nghệ khi FPT đang bước vào chặng đường mới?

- FPT đang ở trong điểm xoay chuyển quan trọng khi tập đoàn đã coi công nghệ nằm trong chiến lược của mình và là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng. Các trận đánh mới đang liên tục được mở ra. Đây là cơ hội để mọi người tham gia vào các dự án công nghệ quan trọng và tự hoàn thiện bản thân. Tôi mong muốn các cán bộ công nghệ hãy coi FPT như bệ phóng cho sự nghiệp của mình, chủ động học hỏi không ngừng và tích cực tham gia các hoạt động chung của tập đoàn.

Triệu Mẫn thực hiện

Ý kiến

()