Chúng ta

Dành 5% lợi nhuận cho nghiên cứu phát triển

Thứ sáu, 16/12/2011 | 16:02 GMT+7

Theo nội dung Quy chế Đầu tư sắp được ban hành, hằng năm, FPT sẽ dành khoản ngân sách bằng 5% lợi nhuận trước thuế năm liền trước của tập đoàn để chi cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).

“Quy chế này đáng ra phải được ban hành sớm hơn”, Phó TGĐ Công ty TNHH Hệ thống Thông tin viễn thông và dịch vụ công FPT (FPT IS TES) thuộc FPT IS, Lê Anh Tuấn, nhìn nhận, khi Quy chế Đầu tư - R&D của Tập đoàn đang được lên khung.

“FPT là tập đoàn đầu tư phát triển công nghệ hàng đầu Việt Nam mà bây giờ mới có quy chế về nghiên cứu và phát triển là chậm”, anh nói.

Hiện nay, các tập đoàn cung cấp sản phẩm dịch vụ trên thế giới đều có quỹ R&D được trích từ lợi nhuận hằng năm. Các công ty coi đây là sự đầu tư bắt buộc, mang tính sống còn với tương lai của họ.

FPT sẽ dành 5% lợi nhuận cho nghiên cứu phát triển. Ảnh: C.T.

FPT sẽ dành 5% lợi nhuận cho nghiên cứu phát triển. Ảnh: C.T.

Apple dù luôn chi ít tiền cho đầu tư R&D hơn so với các công ty cùng lĩnh vực, nhưng để hoàn thiện và giới thiệu ra thị trường các sản phẩm iPad 2 và iPhone 4, hãng này đã phải trả hơn 1,8 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển. Đổi lại, trong cùng thời kỳ, thu nhập của Apple tăng lên 22,3 tỷ USD.

Thực tế, thời gian qua, FPT đã chú trọng đầu tư vào các ngành, hướng kinh doanh mới, nghiên cứu và phát triển… tuy nhiên, tập đoàn vẫn chưa có quy định cụ thể về hoạt động này. Điều đó khiến nhiều công ty thành viên phải “rón rén” khi nghiên cứu, bởi chưa biết lấy tiền ở nguồn nào đầu tư cho hiệu quả.

“R&D không thể cứ tay không bắt giặc được”, Giám đốc Trung tâm R&D thuộc FPT Telecom Phạm Kim Long bày tỏ.

Anh Long cho biết: “Hiện hoạt động R&D của chúng tôi chỉ nhắm đến các mục tiêu ngắn hạn, cụ thể. Nhân lực của trung tâm được phân bổ rất chặt, chủ yếu để đảm bảo vận hành và cải tiến dịch vụ đang có. Muốn làm cái gì mới, chúng tôi lại phải căng sức ra, vì thế đi rất chậm. Thực tế đã có những dự án mang tính chất nghiên cứu như cloud comput­ing chúng tôi đã phải gác lại để dành ưu tiên phát triển các dịch vụ đang có”.

Ở FPT IS TES, theo Phó TGĐ Lê Anh Tuấn, hằng năm vẫn có những dự án R&D nhưng thường đầu tư không bài bản. “Nếu không có sự đầu tư để nghiên cứu các sản phẩm, công nghệ mới để theo kịp yêu cầu của khách hàng cũng như xu thế phát triển của viễn thông thế giới thì đến lúc FPT sẽ bị tụt hậu, bị khách hàng đào thải, bị đối thủ cạnh tranh thay thế”, anh Tuấn chia sẻ.

Theo dự thảo Quy chế Đầu tư và Phát triển, hằng năm, FPT dành khoản ngân sách bằng 5% lợi nhuận trước thuế năm liền trước của Tập đoàn để chi cho các hoạt động R&D. Các trường hợp đặc biệt phát sinh ngoài ngân sách do HĐQT Công ty phê duyệt riêng từng hoạt động.

Các đơn vị bảo vệ kế hoạch đầu tư cho hoạt động R&D của đơn vị mình cùng đợt bảo vệ kế hoạch kinh doanh.

Các đơn vị khi thực hiện quy chế này được Tập đoàn hỗ trợ 100% kinh phí.

Giám đốc Công ty TNHH Nghiên cứu Phát triển phần mềm FPT (FRD, thuộc FPT Software) Trần Đăng Hòa cũng nhận định: “Trước đây, không có quỹ R&D nên việc đầu tư thường nhỏ giọt. Với quy chế này, việc đầu tư sẽ bài bản hơn nên hiệu quả chắc sẽ lớn hơn”.

Với quy chế này, các đơn vị không phải chia sẻ quỹ lương thưởng từ bộ phận kinh doanh cho các dự án R&D nữa. Điều này khuyến khích cán bộ làm R&D chuyên tâm hơn cho việc nghiên cứu phát triển của mình, khuyến khích các ý tưởng mới trong nhân viên. “Ngoài ra nếu có quy chế rõ ràng, tôi hy vọng sẽ làm ra được những sản phẩm tốt hơn, có quy mô, mang tính đột phá và sáng tạo hơn”, anh Lê Anh Tuấn nói.

Còn anh Phạm Kim Long nhìn nhận: “Quy chế ra đời sẽ là một điều tuyệt vời đối với hoạt động R&D, tôi không mong gì hơn thế. Đó là sự thể hiện một cách rất cụ thể định hướng nâng tầm công nghệ của tập đoàn. Để dành ra 5% lợi nhuận cho công tác R&D, theo tôi rất ít công ty Việt Nam làm được”.

Anh Long mong muốn quy chế này sớm đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, anh cũng đề nghị tập đoàn có một Hội đồng Công nghệ hoặc Hội đồng Khoa học để giúp định hướng, xem xét, thẩm định các dự án R&D.

Cùng với ý kiến đó, anh Tuấn cho rằng nên lập Ban Thẩm định dự án tại các công ty thành viên có sự tham gia của đại diện tập đoàn để việc xem xét và thẩm định dự án sẽ linh hoạt, chủ động hơn.

Lâm Thao

Ý kiến

()