Chúng ta

‘Con bài tẩy’ của các công ty công nghệ

Thứ năm, 27/9/2012 | 11:36 GMT+7

Phát minh, bằng sáng chế là sự sống của một công ty công nghệ. Nhờ đó, nhiều công ty nhanh chóng giàu lên, nhưng không ít doanh nghiệp bị “rỗng túi”, vì lỗi vi phạm bản quyền sáng chế.
> FPT bắt nhịp xu thế công nghệ thế giới

Samsung vừa phải cay đắng móc ví trả cho Apple 1 tỷ USD, do vi phạm bằng sáng chế của “táo cắn dở”. Phán quyết của tòa án buộc Samsung phải chỉnh sửa các mẫu mã smartphone và máy tính bảng của mình nếu muốn sống sót tại thị trường Mỹ. Điều này đã kìm chân đại gia xứ “củ sâm”, khiến kế hoạch của họ chậm lại trong khi “nhà táo” tha hồ tung hoành ngang dọc.

Cuộc chiến pháp lý giữa Apple với Samsung là “thế chiến” của làng công nghệ toàn cầu. Hai bên kiện tụng nhau từ châu Á sang châu Âu đến châu Mỹ trong hàng năm trời chỉ vì 7 bằng sáng chế.

Có thể nói, bằng sáng chế là vũ khí quan trọng của công ty công nghệ. Các đại gia trong giới đã mạnh tay đầu tư, thậm chí dành tiền tỷ để mua cho được thứ tài sản ghi trên giấy.

Samsum và Apple kiện nhau từ châu Á sang châu Âu, đến châu Mỹ chỉ vì bằng sáng chế. Ảnh: S.T.

Samsum và Apple kiện nhau từ châu Á sang châu Âu, đến châu Mỹ chỉ vì bằng sáng chế. Ảnh: S.T.

“Vị thế của FPT sẽ được thể hiện bằng nguồn nhân lực công nghệ có trình độ cao và một tài sản bằng sáng chế giúp tập đoàn có lợi thế cạnh tranh lâu dài”.

Giám đốc Công nghệ FPT Nguyễn Lâm Phương

Không ít người đã nghi ngờ về động cơ mua lại Motorola Mobility, với giá 12,5 tỷ USD của Google. Họ cho rằng Google đang muốn chen chân vào thị trường phần cứng.

Nhưng hãng tìm kiếm số 1 thế giới chỉ muốn mua tài sản trí tuệ của Motorola, hơn bất cứ thứ gì khác mà công ty này đang có. Theo đó, Google trả chưa tới 1 tỷ USD cho “các mối quan hệ khách hàng” và tài sản khác. Phần còn lại được dành cho các bằng sáng chế mà Motorola nắm giữ.

Không kém cạnh, Micrsoft đồng ý trả hơn 1 tỷ USD để sở hữu 800 bằng sáng chế và giành giấy phép sử dụng toàn bộ số bằng sáng chế AOL nắm giữ. Facebook chi 550 triệu USD mua lại 650 bằng sáng chế công nghệ web của Microsoft. Đại gia sản xuất chip Intel cũng bỏ ra 375 triệu USD để “tậu” 1.700 bằng sáng chế của InterDigital.

Trong khi hoạt động này đang rất sôi nổi trên thế giới thì Việt Nam lại tụt hạng trên bảng chỉ số đổi mới toàn cầu (Global Innovation Index), xếp thứ 76/141, theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Organization - WIPO) thuộc Liên Hợp Quốc.

  Từ năm 2006 đến 2010, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ. Năm 2011, Việt Nam với 80 triệu dân không có bằng sáng chế nào được đăng ký. Trong khi tại Singapore là 647 bằng trên 4,8 triệu dân, Malaysia là 161 trên 27,9 triệu dân…

Để thay đổi việc này, các doanh nghiệp ở Việt Nam phải học cách mà nhiều công ty lớn trên thế giới đang làm.

Whirlpool - công ty gia dụng hàng đầu châu Âu - bắt đầu sự nghiệp với các sản phẩm hàng hóa và hầu như không có hàm lượng sáng tạo. Từ năm 1999, Whirlpool đã biến đổi mình thành công ty có lợi nhuận cao từ các sản phẩm chứa hàm lượng sáng tạo lớn.

Phương pháp của Whirlpool là “nhúng sáng tạo vào hoạt động cốt lõi của công ty”. Nhân viên được tham gia khóa học sáng tạo trong kinh doanh và 1/3 thu nhập của các nhà quản lý được gắn với tính sáng tạo.

Mạng nội bộ i-Pipe được lập ra để thành viên cập nhật thông tin và kết quả nghiên cứu mới nhất; đồng thời là nơi ghi lại các ý tưởng, đóng góp và hỗ trợ nhau trong quá trình sáng tạo. Nhờ đó, những người có ý tưởng, dự án mới được các nhóm quản lý quỹ tài trợ sáng tạo nhận tài trợ.

Thành công của Whirlpool nằm ở kỹ năng của các quản lý cao cấp đã nuôi dưỡng, kích thích sáng tạo, trao đổi và thuyết phục thành viên rằng: Công ty luôn sẵn sàng biến các ý tưởng tốt và được chứng minh thành mô hình kinh doanh thực sự.

Công ty sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất nước Mỹ là IBM đã sử dụng một công cụ web 2.0, gọi là IBM Jam. Đây là nơi để nhân viên thảo luận ý kiến giúp cải thiện kinh doanh. Khi các ý tưởng chiến lược được hình thành và cần thảo luận sâu, các thành viên gặp mặt nhau tại những hội thảo online, cũng gọi là Jam. Sau hội thảo năm 2006, IBM đầu tư 100 triệu USD cho 10 ý tưởng thu hoạch được từ hội thảo.

HP và Qualcomm lại huy động sức sáng tạo nội bộ thông qua các cuộc thi định kỳ. Khoảng 20% các kế hoạch dự cuộc thi Venture Fest của Qualcomm đã được hiện thực hóa. Điều này tạo ra văn hóa và thái độ sáng tạo trong nhân viên.

Triệu Mẫn

Ý kiến

()