Chúng ta

Agile - bước tiến trong phát triển phần mềm

Thứ sáu, 14/12/2012 | 18:37 GMT+7

Phương pháp quản trị dự án Agile đang được nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt Nam nghiên cứu triển khai.
> Agile Tour lần đầu đến ĐH FPT

Tại ScrumDay Vietnam lần đầu tiên được tổ chức tại ĐH FPT chiều 9/12 vừa qua, anh Dương Trọng Tấn, admin diễn đàn Scrum Hà Nội (Scrum là phương pháp quản lý dự án phần mềm theo Agile), cho biết, phương pháp phát triển phần mềm Agile đã được các công ty trên thế giới áp dụng được hơn 10 năm.

Tại Việt Nam, hai năm gần đây, nhiều công ty phần mềm bắt đầu chú ý tới phương pháp này vì giúp rút ngắn quá trình phát triển một phần mềm, nhanh có sản phẩm đưa ra thị trường, tối ưu hóa đầu tư.

Anh Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch Đại học FPT, nguyên Chủ tịch FPT Software, chia sẻ về quản lý dự án phần mềm theo Agile tại Hanoi Scrum Day 2012. Ảnh: Hải Mỹ.

Anh Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch Đại học FPT, nguyên Chủ tịch FPT Software, chia sẻ về quản lý dự án phần mềm theo Agile tại Hanoi Scrum Day 2012. Ảnh: Hải Mỹ.

Khái niệm phát triển phần mềm linh hoạt (agile software development - gọi tắt là agile) là một nhóm các phương pháp và phương pháp luận phát triển phần mềm dựa trên các nguyên tắc, theo đó nhu cầu và giải pháp thông qua sự hợp tác giữa các nhóm với nhau.

Theo quan niệm truyền thống, một dự án phần mềm được coi là thành công khi sản phẩm được giao đúng hạn, trong ngân sách cho phép và làm đúng yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dự án thỏa mãn tất cả các tiêu chí này nhưng rút cuộc vẫn bị coi là thất bại bởi phần mềm làm ra không được người dùng ưa thích, hoặc không mang lại nhiều lợi ích cho các cá nhân, tổ chức sử dụng chúng.

Phương pháp Agile là phương pháp quản trị dự án linh hoạt, giúp một dự án ngoài việc đạt các yếu tố truyền thống nói trên, còn thỏa mãn ba tiêu chí: Thành công ở mức cá nhân, thành công về mặt kĩ thuật và thành công ở mức công ty.

Triết lí Agile gồm 4 điểm: Cá nhân và các tương tác quan trọng hơn quy trình và công cụ; Tập trung làm cho phần mềm chạy được thay vì viết tài liệu; Cộng tác trực tiếp với khách hàng thay vì dựa trên hợp đồng; Phản ứng với các thay đổi thay vì tuân theo một kế hoạch định sẵn.

Dự án phát triển phần mềm tiêu biểu trên thế giới theo phương pháp Agile là Chrome với khả năng cập nhật phiên bản mới liên tục. Trước năm 2011, Agile ở Việt Nam chưa được quan tâm nhiều.

Các công ty khó tìm kiếm các chuyên gia am hiểu Agile để phát triển các sản phẩm của riêng họ, hoặc đáp ứng yêu cầu của khách hàng về mặt phương pháp luận. Hiện nay, càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng phát triển phần mềm theo phương pháp này.

Với phương pháp phát triển phần mềm truyền thống là “waterfall” hay “RUP”, thời gian hoàn thiện hay nâng cấp một phiên bản phần mềm thường kéo dài gần một năm trời, như Windows hay nhiều phần mềm khác, thường một năm thậm chí hơn, các công ty mới cho ra một bản nâng cấp.

Với phần mềm được phát triển theo Agile tiêu biểu như Chrome, một năm, trình duyệt này cho ra vài ba bản nâng cấp. Thậm chí "chỉ mất một tuần để cho ra sản phẩm đầu tiên rồi một tuần sau lại ra một bản cập nhật, cứ liên tục như vậy", anh Tấn cho biết. “Với xu hướng mobile hóa như hiện nay, phát triển phần mềm/ứng dụng theo Agile là rất phù hợp để nhanh có sản phẩm đưa ra thị trường”.

Theo ông Vũ Trí Nhân, diễn đàn Agile Việt Nam, Agile không chỉ mang lại hiệu quả cho công ty phần mềm mà nhiều khách hàng nước ngoài khi hợp tác với doanh nghiệp trong nước cũng yêu cầu phải làm việc theo phương pháp này. Đó là lý do ngày càng có nhiều doanh nghiệp chuyển sang Agile.

Từ đầu 2011, nhóm cộng đồng Agile đã hình thành và đi vào hoạt động đều đặn hơn để thúc đẩy sự phát triển Agile ở Việt Nam gồm nhóm Hanoi Scrum ở Hà Nội, Agile forum Vietnam ở TP HCM. Hai nhóm này đã thu hút trên 300 thành viên.

Theo ước tính của ông Nhân, mỗi hoạt động offline của Agile Việt Nam đều có đến 50% là thành viên mới, cho thấy số doanh nghiệp quan tâm đến Agile ngày càng đông. Vì vậy, sinh viên CNTT trong nước nên sớm tìm hiểu về Agile cũng như tham gia các hoạt động liên quan đến Agile để tăng cơ hội tìm việc trong ngành phần mềm sau khi ra trường.

Nguyễn Thiện Chính, sinh viên năm cuối Đại học FPT đã tham gia dự án phát triển phần mềm theo Agile, cho biết, phương pháp này giúp anh rất nhanh làm quen với môi trường trong doanh nghiệp vì được lập trình ngay cùng với các kỹ sư lập trình trong nhóm, thậm chí, hai người cùng “code” trên một máy, do đó rất nhanh tiến bộ.

ScrumDay Việt Nam do Đại học FPT là hội thảo về Agile lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo tập trung vào các nội dung phát triển phần mềm từ quản lý phát triển sản phẩm, kỹ thuật, công cụ, quy trình, cho đến chiến lược phát triển sản phẩm dựa trên triết lý Agile.

Nam Anh

Ý kiến

()