Chúng ta

Sếp ‘sát thủ’ được nhân viên coi như chị hiền

Thứ sáu, 27/11/2015 | 15:31 GMT+7

Tại Trung tâm Kinh doanh Sài Gòn 2, giám đốc chỉ là chức danh. Người đứng đầu ở đây xem nhân viên như người thân trong gia đình. Và ngược lại, cấp dưới xem chị Trần Thị Ngọc Điều như chị cả trong nhà. 

Một cơn mưa nặng hạt đổ ập xuống Sài Gòn vào một chiều lửng lơ gần cuối năm. Vài salesman Sài Gòn 2 trở về văn phòng với tấm thân ướt át. Nhiều anh em có lẽ đang tạm trú dưới mái hiên nào đấy ở đâu đó. Chạy lên phòng họp gặp giám đốc hình như là động thái quen thuộc của các nhân viên ở đây, cho nên ai cũng thản nhiên bước vào. Cuộc nói chuyện của vị giám đốc lập tức cắt ngang.

“Tụi em về thay đồ ngay đi để bệnh đó”, nữ tướng nhìn nhân viên của mình từ trên xuống dưới như ra lệnh. Những giọt nước mưa lấm tấm trên quần áo người salesman lập tức chuyển cái lạnh của tiết trời thành cái ấm se sắt ở trong lòng. Nghe như người chị la rầy đứa em mới đi học về bị mắc mưa. Có khi sau đó chị sẽ đi nấu nồi cháo cũng không biết chừng.

Đùa thế cũng không phải là quá vì cảm giác của một ngôi nhà hiện hữu trong từng ngõ ngách của văn phòng 5 tầng nằm trên một địa bàn có thể gọi là “vùng sâu vùng xa” của Sài Gòn. Số 227 Hậu Giang là ngôi nhà chung của hơn 100 con người mà đa phần họ ngày nào cũng muốn đến đấy. Không thể tưởng tượng được là hầu như ai cũng tự nhận “một ngày không đến văn phòng thấy thiếu thốn”. Tại sao mọi người lại yêu ngôi nhà này đến thế? Câu trả lời nằm ở người đầu tàu có biệt danh “sát thủ”.

1-2293-1448531640.jpg

Sếp "sát thủ" có gương mặt phúc hậu và tươi tắn. 

Ngay từ tháng đầu tiên gia nhập FPT Telecom năm 2008, tân Trưởng phòng chi nhánh Chợ Lớn lúc bấy giờ lập tức “trảm” 6 trên tổng 13 nhân viên dưới trướng. Hiệu ứng thấy rõ tức thì với số hợp đồng gấp đôi tháng trước từ 200 vọt lên 400. Từ cái đà đó, cứ mỗi 6 tháng, chị Điều lại được thăng cấp cho đến lúc trở thành Giám đốc khi đơn vị chính thức chuyển thành Trung tâm kinh doanh Sài Gòn 2 vào năm 2009.  

Trong những bước chân đầu tiên xây dựng thương hiệu “sát thủ” cho riêng mình, chị Điều luôn chú trọng vào công tác đào tạo. Bao nhiêu năm làm việc cho Viễn thông FPT là ngần ấy năm chị chăm chút cho từng nhân viên trong đơn vị mình. Chị trực tiếp đứng ra đào tạo khi nhân viên mới chân ướt chân ráo vào công ty. Âm thầm quan sát từng bước đi của đội ngũ bên cạnh mình, tạo cho họ cơ hội và cũng không quên kịp thời có mặt trong những lúc cần thiết nhất.

“Khi tôi làm sai, chị Điều vẫn để cho tôi làm. Không phải là chị không quan tâm mà ngược lại, chị muốn tôi nhìn ra được mình vấp ngã chỗ nào. Sau đó chị sẽ giúp tôi gỡ rối”, Phùng Chí Can, Trưởng phòng Kinh doanh số 5, kể.

“Khi tôi gặp khó khăn thì người tôi nghĩ đến luôn là giám đốc của mình. Những lúc như thế tôi cảm thấy rất thoải mái và sẽ tìm được cách giải quyết vấn đề. Không biết từ bao giờ mà cả văn phòng xem nhau như gia đình nhưng có một điều tôi có thể chắc chắn là nó xuất phát từ chị Điều, một người sâu sắc và tận tình”, Nguyễn Ngọc Tình, Trưởng phòng Kinh doanh số 1, chia sẻ.

Ngay cả những salesman dưới các trưởng phòng cũng có thể dễ dàng tìm đến vị nữ giám đốc khi có bất kỳ khó khăn gì. Họ bảo chỉ cần gõ cửa phòng chị hay alô một tiếng là mọi khúc mắc đều được giải đáp. Thỉnh thoảng các salesman bị một phen thót tim khi bất ngờ nhận điện thoại của người đứng đầu văn phòng. Có khi đó là một cuộc điện thoải tán thưởng về thành tích. Cũng có lúc là cuộc hàn huyên tâm sự khi “số má” bị trục trặc. Tât cả đều do chị chủ động lấy tin tức từ các trưởng phòng.

Sáng sáng, ở quán café đối diện văn phòng, thỉnh thoảng xuất hiện bóng dáng “sát thủ”. Nữ giám đốc có thể ngồi đó cả giờ để uống nước với nhân viên của mình. Cái tay đặt trên ly café nhưng đôi mắt, đôi tai của chị tỏa khắp quán. Nó luồn lách trong không gian như thể không chịu để lại một khe hở nào. Nữ tướng không muốn bất cứ tình hình nào lọt ra khỏi mối bận tâm của mình.

2-3242-1448531640.jpg

Chị Trần Thị Ngọc Điều cùng các nhân viên Trung tâm Kinh doanh Sài Gòn 2. 

Từng làm vị trí cao tại một công ty thuốc lá với mức lương mơ ước nhưng mọi thứ không níu kéo chị lâu. Công việc dù mang lại sự thăng tiến và tiền bạc nhưng không làm chị vui trong lòng. Thuốc lá vẫn là nguyên nhân dẫn đến cái chết của biết bao nhiêu người trên thế giới. Nữ giám đốc tìm thấy niềm vui ở FPT, nơi mà bản thân chị thấy được ý nghĩa công việc mình mang lại giúp ích cho sự đi lên của xã hội. Cái niềm vui được đào tạo con người, được nhìn thấy nhân viên của mình bận rộn rồi có thu nhập cao khiến chị lâng lâng mãi trong lòng. Có lẽ vì thế mà mọi áp lực cũng chẳng có chỗ trú ẩn trong chị.

Nghịch lý là giám đốc nhưng lại ăn chay và uống nước suối có phải là trở ngại trong công việc? Chắc chắn là có, trong những ngày đầu tiên. Nhưng dần rồi ai biết chị cũng quen, nó trở thành phong cách và cá tính của Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Sài Gòn 2. Chị nói, ở FPT là thế, mọi người được tự do với cách sống của mình. “Ăn chay và uống nước suối tạo nên thương hiệu cho tôi”, chị cười bảo.

Một điều có thể dễ dàng nhận thấy khi bước vào Trung tâm Kinh doanh Sài Gòn 2, mọi người có những nét gì đó rất giống nhau. Từ sự tận tâm và chu đáo với khách hàng đến cách đối đãi thân tình với nhau. Hỏi ra, tất cả đều đồng thanh, mọi thứ xuất phát từ người đầu tàu. Cuộc nói chuyện của chị lại cắt ngang. Nữ giám đốc nhìn vào màn hình điện thoại khẽ cười rồi nhẹ nhàng khều Trưởng phòng Phùng Chí Can. Màn hình hiện lên một bức ảnh nào đó. Mọi thứ thật tự nhiên như chị em trong gia đình chia sẻ cho nhau những điều hài hước. Một khoảnh khắc minh chứng cho thương hiệu “sát thủ”. Nhưng là “sát thủ đốn tim”.

>> Nữ giám đốc thích phá vỡ giới hạn

Yến Nhi

Ý kiến

()