Chúng ta

Nữ biên tập viên mê 'ăn nằm' với thể thao

Thứ hai, 22/6/2015 | 09:12 GMT+7

Không một cái duyên, không một sự đưa đẩy, sự nghiệp của Nguyễn Ngọc Trân dường như đã nằm sẵn trong những kế hoạch được chị vạch ra từ bé. Chỉ có khác ở đường đi và cách để “ăn nằm” với đam mê của đời chị: Làm báo thể thao. 

Với vẻ ngoài “nam tính”, tính cách phóng khoáng, thoạt nhìn là có thể biết ngay cô gái này có ít nhiều dính líu tới thể thao. Sự đam mê, nhiệt huyết ở cái tuổi 24 khiến nguồn năng lượng lúc nào cũng như dư ra và luôn chực trào trong Trân. Nhưng cũng không mấy ai ngờ, đằng sau cái vẻ thẳng thắn và có phần bất cần ấy là một trái tim nóng bỏng, đầy đam mê nhưng cũng vô cùng dịu dàng với sự nghiệp của mình.

Ước mơ được Trân nuôi dưỡng bền bỉ từ những ngày chưa kịp lớn. Từ những trận đấu bóng đá xuyên đêm thức xem cùng cha, từ những lúc “quần đùi áo số” tham gia đội bóng tỉnh Khánh Hòa, đến trở thành một hạt nhân ở câu lạc bộ phóng viên trẻ của tỉnh, và rồi là một nhân tố quan trọng trong đội ngũ làm Truyền hình FPT, mọi thứ có vẻ trơn tru và thuận lợi. Có đâu ngờ, đó là sự tính toán và làm việc có chủ đích của cô gái sinh năm 1991.

Hiện Nguyễn Ngọc Trân là biên tập viên phụ trách mảng thể thao của Truyền hình FPT. Chị gia nhập gia đình họ F một tuần trước ngày tốt nghiệp khoa Văn học - Ngôn ngữ trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM vào cuối năm 2013. Đó cũng là những ngày còn sơ khai của Truyền hình FPT. Lúc ấy ngoài hai sếp là anh Nguyễn Anh Việt - Trưởng phòng, và anh Nguyễn Lê Hoàng Tùng - Phó phòng, Trân là nhân sự duy nhất của Ban Thể thao. Cho đến nay đã gần 2 năm trôi qua, số thành viên của phòng giờ đây lên đến 23 và Trân đã là một thành viên chủ chốt trong đội của mình.

1-3095-1434810535.jpg

Nữ biên tập viên tác nghiệp tại một sự kiện thể thao. Ảnh: NVCC

Trở lại những ngày đầu tiên chập chững đến với thể thao, cô gái Khánh Hòa không quên nhắc đến cha, người đã đưa đam mê này đến với cuộc đời cô. Những lần được cha dẫn đi xem trực tiếp bóng đá ở các sân vận động, rồi chăm chú theo dõi từng đường bóng qua chiếc tivi đã sớm hình thành trong chị những bước đi đầu tiên trong việc hoạch định ước mơ. Tuy nhiên, bước ngoặt phải kể đến là vào những năm 2000, sự nổi lên của các biên tập viên thể thao nữ đã thổi bùng khát vọng trong Trân. Người mà chị ấn tượng nhất trong thời gian ấy là biên tập viên Tiểu Huyền của VTV3.

“Tôi quyết phải làm quen bằng được chị ấy”, cô gái hóm hỉnh kể. Nói là làm. Trân viết ngay một bức thư cho nữ biên tập viên ở tận trời Bắc và nhanh chóng nhận được tin nhắn phản hồi của người truyền cảm hứng. Và cứ thế những dòng hồi âm qua lại đã kết nối hai con người có cùng đam mê ở những phương trời khác nhau. Nhưng đó cũng không phải là điều “Nói là làm” duy nhất trong cuộc đời của Trân.

Để biến ước mơ phóng viên thể thao trở thành hiện thực, cô gái sinh năm 1991 đã tham gia câu lạc bộ “Phóng viên trẻ” của tỉnh Khánh Hòa từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Số tiền kiếm được đầu tiên từ những bài báo tuy ít ỏi nhưng cũng đủ làm một cô bé say mê viết lách phải cười tít mắt cả ngày. Vào Sài Gòn để theo đuổi đam mê, không như bao bạn bè cùng trang lứa làm đủ thứ nghề để kiếm sống và trải nghiệm, Trân đặt ra cho mình một mục tiêu và phấn đấu đến cùng vì mục tiêu đó: Viết thể thao.

“Không làm gì ngoài làm báo là thứ mà tôi đặt ra ngay từ đầu cho bản thân. Tôi tham gia viết cho tất cả các báo, ở tất cả các chuyên mục để tìm xem đâu là nơi dành cho mình”, Trân kể. Và chẳng gì bằng niềm tin mà cô gái trẻ đã vun đắp từ những ngày còn thơ bé. Cuối cùng, chị nghiệm ra thể thao vẫn là con đường mà mình sẽ đi, phải đi và đi đến cùng. Một bước tiến mới trong sự nghiệp lại mở ra với Trân vào năm thứ ba ở mái trường đại học. Quãng thời gian thực tập tại tạp chí “Xe và thể thao” đã đưa cô đến sát ước mơ của mình.

Không ngừng học hỏi từng ngày, trải nghiệm viết lách ở những bộ môn thể thao khác nhau, dần dà cô phóng viên trẻ lại nhận ra một sự say mê mới, tất nhiên cũng thuộc lĩnh vực mà cô yêu thích. Bóng chuyền không biết tự bao giờ đã cuốn cô gái này vào một cuộc hành trình mới, thú vị và cũng đầy mạo hiểm. Tháng 7/2013, Trân quyết định đi viết tại một giải bóng chuyền đầu tiên trong cuộc đời mình. Đó là vòng 2 giải vô địch bóng chuyền nữ quốc gia được tổ chức tại Bắc Ninh và Hà Tĩnh.

Tran-Tran-7197-1435034716.jpg

Nguyễn Ngọc Trân (bên trái) có rất nhiều bạn qua những lần đi tác nghiệp. Ảnh: NVCC

Dù có nhiều kinh nghiệm viết lách, nhưng ở thời điểm ấy, cô gái Khánh Hòa vẫn chỉ là một cộng tác viên tại “Xe và thể thao”. May mắn cùng lắm chỉ là chị có được một tờ giấy giới thiệu để tác nghiệp. Chi phí tự túc. Chẳng sao, vì đã đam mê thì tiền nong có là gì. Thế nhưng Trân phải làm một việc trái với lòng mình là nói dối cha mẹ rằng được tài trợ chi phí cho cả chuyến đi.

“Đó là lần đầu tiên tôi đi máy bay, cũng là lần đầu của rất nhiều thứ, không tránh khỏi sự bỡ ngỡ”, cô gái sinh năm 1991 tâm sự. Nhưng rồi mọi khó khăn và thiếu sót cũng qua đi bằng sự yêu nghề và tận tâm với sự nghiệp. Từ ấy, Trân đã bước vào thế giới của những cô gái chân dài trong giới bóng chuyền, am hiểu không chỉ chuyên môn mà còn cả về đời sống của những nữ vận động viên nổi tiếng xinh đẹp của làng thể thao.

Khi đã gia nhập FPT, Trân vẫn nuôi đam mê viết bóng chuyền bằng việc cộng tác với báo điện tử VnExpress. Không chỉ riêng mảng này, nữ biên tập viên còn tham gia viết ở những bộ môn thể thao khác.

Nói về công việc hiện tại, Trân không nề hà hay kêu ca một chút khó khăn gì. Cho dù đặc thù của biên tập viên Thể thao là phải làm việc ban đêm, giờ giấc không ổn định và có những lúc chương trình gặp sự cố phải đến ngay trung tâm để giải quyết, bất kể là thời điểm nào, thì cô gái vẫn bình thản đón nhận. “Rất bình thường, bởi đó là công việc và đam mê của tôi”, Trân lý giải. Rất ngắn gọn nhưng trong đó là đầy đủ nhiệt huyết và sự hăng say với nghề. Chỉ có đam mê tột bậc mới giúp chị làm việc mà như chơi, mọi khó khăn trở thành động lực để phấn đấu nhiều hơn.

“Trân là một người có chí cầu tiến và làm việc vô cùng trách nhiệm. Những gì Trân đã làm được cho Truyền hình FPT đến thời điểm này đã phản ánh đúng những nỗ lực của cô ấy”, anh Nguyễn Lê Hoàng Tùng, Phó phòng nội dung Thể thao, Truyền hình FPT, nhận định về cấp dưới của mình.

Nông Thị Đoài Phương, đồng nghiệp của Trân, khi được hỏi cũng không ngớt lời đánh giá cao người bạn của mình. “Trân rất đam mê và yêu nghề. Cái tôi của chị luôn thể hiện rõ trước đám đông, điều đó góp phần không nhỏ trong sự phát triển của Truyền hình FPT”, Phương khẳng định.

Tự nhận mình là một người phóng khoáng nên cô gái trẻ này không có quan điểm sống riêng. “Cuộc sống cứ thay đổi liên tục, chẳng biết trước được điều gì. Thay vào đó, cứ tận hưởng mọi thứ”, Trân lý giải. Và đúng như thế, cô gái sinh năm 1991 đang tận hưởng những ngày tuổi trẻ sôi sục với những tầm cao mới mà bản thân đang hướng đến, bằng tất cả lòng tin và yêu đối với nghề.

Yến Nhi

Ý kiến

()