Chúng ta

Sinh viên FPT học đàn nhị để giữ hồn dân tộc

Thứ sáu, 4/4/2014 | 18:42 GMT+7

Hơn một tháng trải nghiệm, cả thầy và trò trong lớp học đàn nhị của ĐH FPT đã có nhiều kỷ niệm vui.
> ĐH FPT mở khóa học về nhạc cụ dân tộc

Giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam Lê Minh đang giảng dạy lớp học đàn nhị tại ĐH FPT. Thầy Minh đã có hơn 20 năm gắn bó với loại nhạc cụ dân tộc này. Khi mới 7 tuổi, thầy đã bắt đầu học cách cầm đàn. Trong gia đình thầy, đàn nhị là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần.

Với tất cả tâm huyết và nỗi lo lắng khi âm nhạc dân tộc bị mai một dần, cứ gặp ai thích, ai yêu đàn là thầy dạy với tất cả tấm lòng và niềm tin. "Cảm ơn ĐH FPT đã tổ chức lớp học về đàn dân tộc. Nhờ thế, tôi đã có điều kiện để cho sinh viên ngoài nhạc viện hiểu hơn về âm nhạc dân tộc, về đàn nhị và những câu chuyện xoay quanh âm nhạc. Cảm ơn sinh viên trong lớp học đã cho tôi thêm động lực và niềm tin về một thế hệ trẻ không quên nguồn cội, mong muốn được học hỏi nhạc cụ truyền thống của dân tộc", thầy Minh xúc động nói.

a

Sinh viên ĐH FPT say mê bên chiếc đàn nhị.

Trong thời gian tham gia khóa học, sinh viên được nghe những câu chuyện về cây đàn nhị, khi là tác dụng của nó trong dàn Nhã Nhạc, phường Bát Âm, ban nhạc Tài Tử, ban nhạc Chầu Văn, dàn nhạc sân khấu Tuồng, Chèo... khi là câu châm ngôn bất hủ 4 loại nhạc cụ quan trọng trong âm nhạc dân tộc khi diễn xướng như: Kìm (đàn nguyệt), Cò (đàn nhị), Tranh (đàn thập lục), Độc (đàn bầu).

Niềm vui nhất của lớp học là những giờ phút ngẫu hứng, khi thầy Nguyễn Khắc Thành (Phó Hiệu trưởng ĐH FPT) cùng học trong lớp cao hứng cùng thầy Minh hát xẩm cho cả lớp nghe.

Nguyễn Phượng Hoa, sinh viên khóa 9, chia sẻ: "Ban đầu học đàn nhị, mình cứ tưởng đơn giản, vì nhìn thầy kéo đàn rất dễ dàng. Học rồi mới biết ngay cả việc kéo đàn cũng thật khó, vì đàn không có nốt. Thầy rất tận tụy dạy dỗ nên thành viên trong lớp ai cũng tiến bộ".

"Sau khóa học, sinh viên FPT có thể hiểu, yêu và tự hào hơn về nhạc cụ dân tộc, cũng như gìn giữ niềm yêu thích với những gì thuộc về văn hóa Việt Nam. Tiếng đàn nhị sẽ có thêm những âm thanh dìu dặt, du dương, nhẹ nhàng và thanh thoát từ những người FPT trẻ", thầy Lê Minh chia sẻ.

Trước đó, khóa học về nhạc cụ dân tộc khai giảng từ ngày 10/2 tại cơ sở Hòa Lạc, Hà Nội. Khóa học được tổ chức với mong muốn sinh viên không chỉ giỏi kiến thức chuyên môn, biết ngoại ngữ mà khi bước ra thế giới sẽ mang theo cả chút hồn dân tộc Việt. Các nước phương Tây tuy hiện đại nhưng cũng rất coi trọng bản sắc dân tộc, vì vậy biết ít nhất một loại nhạc cụ dân tộc sẽ là thế mạnh khi ở xứ người.

Thuộc bộ dây có cung vĩ, do đàn có hai dây nên gọi là đàn nhị. Đàn nhị xuất hiện ở Việt Nam khoảng thế kỷ 10. Ngoài người Kinh, nhiều người dân tộc thiểu số Việt Nam cũng sử dụng rộng rãi nhạc cụ này (Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao, Giấy, H’Mông...).

Tuy phổ biến tên gọi "đàn nhị", nhiều dân tộc tại Việt Nam còn gọi đàn bằng tên khác nhau. Người Kinh gọi là "líu" (hay "nhị líu" để phân biệt với "nhị chính"), người Mường gọi là "Cò ke", người miền Nam gọi là "Đờn cò".

(Theo Cóc Đọc online)

Ý kiến

()