Chúng ta

Giáo sư Xoay trở lại 'hành nghề'

Thứ bảy, 29/12/2012 | 11:51 GMT+7

Sau khi chia tay vai diễn “Giáo sư Cù Trọng Xoay”, Đinh Tiến Dũng (Phó ban Văn hóa - Đoàn thể FPT) sẽ trở lại với khán giả truyền hình trong vai trò người dẫn chương trình Nhà sáng chế của VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam.
> Giáo sư Xoay làm MC trong 'Xuân phát tài 3'

a

Trong Nhà sáng chế, anh sẽ được gọi bằng kỹ sư Đinh Tiến Dũng. Ảnh: S.T.

- Chào anh Đinh Tiến Dũng, một câu hỏi quen thuộc, dạo này “Giáo sư” cảm thấy thế nào?

- Cảm ơn chị, đúng là lâu lắm tôi mới được nghe thấy câu hỏi này. Tôi dạo này vẫn hừng hực khí thế và vẫn bận rộn với nhiều dự án công việc cả “chân trong” và “chân ngoài”…

Việc “chân trong” thì tôi vẫn đang cùng các đồng nghiệp của mình gấp rút chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập FPT vào năm sau. “Chân ngoài” thì tôi có tham gia một dự án với VTV và nhận những chương trình nhỏ lẻ như đi nói chuyện với các bạn học sinh, sinh viên hoặc đi dẫn chương trình với Đoàn kịch 2 - Nhà hát Tuổi trẻ cho vui.

- Gần đây anh có chia sẻ trên trang cá nhân rằng đã xin rút khỏi ê - kíp kịch bản Táo quân?

- Vâng. Tôi đã tham gia viết kịch bản Táo quân 5 năm rồi, những gì đã làm được cũng đã đủ để cho tôi hài lòng với công việc đầy thách thức và thú vị này. Để hoàn thành một kịch bản như vậy, tôi phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức, hơn nữa vốn liếng chiêu trò của tôi cũng cạn rồi, nên đã đến lúc tôi dành cho mình “quyền lợi” được làm một khán giả, không phải vừa xem vừa kiểm tra diễn viên có quên kịch bản hay không nữa.

- Vậy thì dự án anh đang cộng tác với VTV là gì?

- Tôi tham gia chương trình Nhà sáng chế do VTV2 sản xuất với vai trò là người dẫn chương trình. Đây là một chương trình được mua bản quyền công nghệ sản xuất từ nguyên mẫu là chương trình The new inventors của kênh ABC (Australia). Nó là một cuộc thi giữa các sản phẩm sáng chế theo tuần và theo năm dành cho mọi nhà sáng chế.

- Công chúng vẫn quen với hình ảnh của Cù Trọng Xoay hài hước, trào phúng và gây cười một cách thâm thúy. Vậy vì sao anh quyết định "nghiêm túc hóa" mình trong một vai trò mới của chương trình Nhà sáng chế này?

- Tôi rất yêu thích những sáng tạo mới nên đây là cơ hội cho tôi được gặp gỡ rất nhiều những người yêu sáng tạo. Nó đúng là một cuộc thi nghiêm túc, xong nhiệm vụ của tôi là làm thế nào dẫn dắt chương trình thoải mái và tự nhiên nhất. Công việc này chỉ khác công việc “Giáo sư Xoay” một chút thôi, vì đây là cuộc thi sáng chế nghiêm túc một cách hết sức thoải mái, còn “Giáo sư Xoay” thì lại giải trí thoải mái một cách hết sức… nghiêm túc.

- Theo anh, những fan của Cù Trọng Xoay sẽ phản ứng thế nào trước sự thay đổi này?

- Tôi nghĩ rằng những ai đã yêu hình ảnh “Giáo sư Xoay” thì cũng sẽ yêu hình ảnh của người dẫn chương trình Tiến Dũng. Ở một góc độ nào đó, tôi còn thích chương trình Nhà sáng chế hơn một chút, vì "Hỏi xoáy - Đáp xoay" là chương trình sáng tạo trên bề mặt ngôn ngữ để giải trí, còn Nhà sáng chế là những sáng tạo thực sự bắt nguồn từ chất liệu cuộc sống, có thể áp dụng trực tiếp vào cuộc sống hằng ngày nên nó hữu ích hơn. Tôi đoán là các bạn cũng sẽ thích điều đó hơn.

a

Đây cũng là một phần của lý do anh không tham gia Táo quân năm nay. Ảnh: S.T.

- Trong chương trình này anh sẽ được giới thiệu là gì: “Giáo sư Xoay” hay Đinh Tiến Dũng?

- Chắc chắn là Đinh Tiến Dũng rồi, có lẽ đầy đủ hơn là Kỹ sư Đinh Tiến Dũng. Mà kỹ sư này là kỹ sư được cấp bằng hẳn hoi, chứ không ảo như “Giáo sư Xoay” đâu đấy.

- Tôi nhớ lần đầu tiên khi đạo diễn Đỗ Thanh Hải (VFC) giới thiệu anh trước báo giới trong cuộc họp báo ra mắt phiên bản mới của Thư giãn Cuối tuần, tôi đã không nghĩ rằng anh có thể trở thành một hình tượng Cù Trọng Xoay thành công như vậy. Còn anh thì sao?

- Tôi cũng nghĩ như chị. Tôi chỉ biết nhận việc và cố gắng làm tốt, còn nó thế nào thì tôi không nghĩ đến nhiều. Kể cũng bất ngờ nhỉ?

- Gần một năm sau khi Cù Trọng Xoay chia tay Thư giãn Cuối tuần, anh có thể chia sẻ thẳng thắn về lý do của cuộc chia tay ấy? Thiếu kịch bản hay chính anh cũng cảm thấy "ngán" nhân vật này?

- Tôi chia sẻ thẳng thắn mấy lần rồi mà (cười lớn). Lý do chính xuất phát từ năng lực cá nhân của tôi không thể tiếp tục được nữa. Tôi đã cạn vốn liếng cả về kịch bản lẫn cách thức thể hiện nên tôi cần dừng lại để tự “sạc pin” cho mình. Nhân vật đó phảng phất hình ảnh của tôi, nên chỉ khi nào tôi “ngán” chính bản thân mình thì tôi mới “ngán” nhân vật đó. Mà đến nay thì tôi vẫn chưa thấy “ngán” mình chút nào.

- Nghe nói fanpage của anh có tới 450 ngàn người like. Anh nghĩ sao về con số này?

- Trang này đúng là có tới gần 450 ngàn người like, chưa kể các trang “Xoay giả” do người khác lập, mỗi trang cũng vài ngàn đến vài chục ngàn. Tôi rất hạnh phúc vì điều đó, “Giáo sư Xoay” tuy là một nhân vật ảo, nhưng là một sản phẩm lao động thật của tôi. Nên khi “Giáo sư Xoay” được yêu mến, chứng tỏ những gì tôi nỗ lực đã được nhiều người ghi nhận. Tuy nhiên nó cũng là sức ép, thúc giục tôi phải tìm tòi nhiều hơn, sáng tạo nhiều hơn để chia sẻ với mọi người.

- Theo Đinh Tiến Dũng, các trang cá nhân và những comment trên mạng tuy là ảo nhưng nó có tác động như thế nào đến đời thật? Cuộc sống của anh thế nào, có hài hước như Cù Trọng Xoay trên truyền hình không vậy?

- Giáp mặt nhau còn khó biết ai thật lòng hay không, huống chi qua mạng. Mạng cộng đồng xét ra nó cũng là một loại phương tiện giao tiếp chứ không phải là một cuộc sống mới thay thế cuộc sống thực tế của mỗi người. Do vậy mỗi người phải sống thật cho tốt đã, rồi muốn ảo gì thì ảo.

Cuộc sống của tôi đầy đủ lắm. Nó đầy đủ vì nó cho tôi rất nhiều trải nghiệm từ cảm xúc đến thực tiễn công việc hằng ngày. Có đủ cả lúc vui lúc buồn, lúc khổ đau, lúc hạnh phúc, lúc thành công, lúc thất bại, lúc bình yên, lúc lại giận dữ… Một ngày bận rộn có thể với ai đó là mệt mỏi, nhưng với tôi đó lại là cơ hội để mình được sống nhiều hơn. Nào ai biết trước được ngày mai sẽ ra sao, nên còn sống ngày nào thì tôi luôn muốn mình được sống sao cho nhiều nhất.

Đồng Bằng (Theo TTVH)

Ý kiến

()