Chúng ta

Vận động viên FPT 'bội thu' thành tích

Thứ hai, 16/1/2012 | 15:00 GMT+7

Huỳnh Khắc Nguyên, giảng viên ĐH FPT, đã mang về tấm huy chương Vàng Vovinam cho Việt Nam tại SEA Games 26; Lê Sỹ Hoàng, FPT Software, liên tiếp giành huy chương tại các giải khiêu vũ thể thao uy tín trong nước... đã làm đầy thêm 'bảng vàng' thành tích của vận động viên FPT năm qua.

Không hổ danh là võ đường Vovinam lớn nhất Việt Nam với 6.000 môn sinh, ĐH FPT đã gặt hái được rất nhiều giải thưởng ở cả đấu trường trong nước và quốc tế.

Ghi dấu ấn thành tích lớn nhất ở môn thể thao này chính là vận động viên Huỳnh Khắc Nguyên, giảng viên ĐH FPT. Nguyên là vận động viên sáng giá với bề dày kinh nghiệm 18 năm tập luyện và 8 năm thi đấu Vovinam ở khắp đấu trường trong nước và quốc tế. Anh đạt cấp chuẩn hồng đai, cấp thứ 5 của môn võ này.

Ở các giải Vovinam trong nước, Nguyên đều “thống trị” những giải thưởng cao nhất. SEA Games 26 tổ chức tại Indonesia, cả ba nội dung đăng ký thi đấu, Nguyên đều giành huy chương, trong đó tấm huy chương Vàng ở nội dung Đòn chân tấn công và hai huy chương Bạc Tứ tượng côn pháp và Tứ đấu vũ khí nam. Tuy đây là giải thưởng ở đấu trường khu vực nhưng rất có ý nghĩa khi lần đầu tiên Vovinam được đưa vào thi đấu trong lịch sử hơn 50 năm của SEA Games.

Nguyên thường xuyên được báo đài hẹn phỏng vấn. Gần đây nhất, anh lên chia sẻ ở chương trình “Đồng hành tuổi 20” của VTV6 Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng trong dịp Tết Dương lịch vừa qua. Cũng từ SEA Games, nhiều cơ hội mở ra với Nguyên hơn.

Tháng 7/2011, lần thứ hai Nguyên tiếp tục bảo toàn danh hiệu đương kim vô địch thế giới Vovinam tổ chức tại TP HCM. Giải vô địch thế giới năm nay quy tụ 21 nước đều có phong trào Vovinam phát triển sớm và mạnh. Nguyên xuất sắc giành 3 huy chương Vàng ở nội dung Đòn chân tấn công, Nhật nguyệt đại đao pháp và Ngũ môn quyền.

Tháng 9/2011, anh tiếp tục tham gia giải vô địch quốc gia được tổ chức ngay tại quê nhà - Phú Yên. Với kỹ thuật tốt và lợi thế sân nhà, Nguyên tiếp tục đem về 3 huy chương Vàng tại nội dung như giải vô địch thế giới. Ngay sau đó, tháng 10/2011, anh giành 2 huy chương vàng Đòn chân tấn công và đa luyện vũ khí nam. Cách đó không lâu, anh lại chứng tỏ mình ở giải vô địch Vovinam Đông Nam Á tổ chức ở Campuchia cuối tháng 10 với một tấm huy chương vàng Đòn chân tấn công.

Trở về từ sau đại hội thể thao lớn, Huỳnh Khắc Nguyên vẫn tiếp tục tập luyện chăm chỉ để duy trì phong độ và chuẩn bị cho giải đấu lớn đầu năm. Ban ngày thì đi dạy, còn buổi tối anh dành 2-3 tiếng luyện võ. Cuối tuần, Nguyên dành toàn bộ thời gian và tâm sức vào võ thuật.

2012 hứa hẹn là năm bận rộn với anh. Ngay từ đầu năm, Nguyên đã lên đường sang châu Phi tập huấn cho hơn 1.000 môn sinh Vovinam ở Algeria. Đây là lần thứ hai anh tới đất nước này với vai trò huấn luyện viên.

Nguyên còn dự định sẽ tham gia hai giải đấu lớn, gần nhất là giải vô địch Vovinam châu Á tổ chức tại Iran vào tháng 2. Tháng 9, anh sẽ thi đấu tại giải vô địch quốc gia được tổ chức thường niên tại Đà Nẵng.

Nguyên chia sẻ: “Mục tiêu của mình trong năm tới là giữ vững và phát huy phong độ để giành thành tích cao nhất. Tuy nhiên, mục tiêu cao hơn là biểu diễn bài quyền thi đấu thể hiện rõ tinh hoa, tinh thần dân tộc để quảng bá Vovinam”.

Đồng nghiệp của Nguyên ở ĐH FPT cũng có nhiều thành tích thể thao, điển hình là Nguyễn Hoàng Tùng.

Tùng cho biết: “Học võ không chỉ để thỏa mãn đam mê, mình muốn chia sẻ ích lợi của võ học với nhiều người. Trong năm tới, mình sẽ tham gia huấn luyện kỹ năng cần thiết, lên phương án tập luyện thể lực và hình thành kỹ xảo qua cách thi đấu cho vận động viên”.

Vì vậy, năm 2011, lần đầu tiên Tùng “lấn sân” sang nghiệp huấn luyện viên cho đội tuyển quận 12, TP HCM, đi thi đấu tại giải vô địch Vovinam TP HCM diễn ra hồi tháng 9. Tùng bước đầu giúp vận động viên giành huy chương tại giải lớn nhất TP HCM, trong đó có hai huy chương Bạc và ba huy chương Đồng. Với vai trò là vận động viên, Tùng đã giành hai tấm huy chương Bạc và một huy chương Đồng tại giải này.

a

Hoàng Tùng (áo trắng) thử sức làm huấn luyện viên để chia sẻ lợi ích học võ với nhiều người. Ảnh: C.T.

Từ sự thành công bước đầu, Tùng tiếp tục tham gia huấn luyện cho đội tuyển tham gia giải trẻ TP HCM (tháng 4), giải sinh viên Trung học, Cao đẳng và Đại học khu vực phía Nam (tháng 5) và giải vô địch Vovinam TP HCM tổ chức vào cuối năm.

Trước đó, anh cũng tham gia giải đấu với vai trò vận động viên. Năm 2006, lần đầu tiên Tùng giành được huy chương Vàng tại giải Vovinam - Việt Võ Đạo các trường Trung học chuyên nghiệp và Đại học TP HCM. Từ tấm huy chương Vàng đầu tiên đó, Tùng liên tục giành huy chương tại giải này trong những năm 2006-2009. Đến năm 2010, anh đoạt huy chương Bạc giải Cup các CLB toàn quốc. Hiện, đẳng cấp Vovinam của Tùng là Hoàng đai III. Để đạt được cấp đai này, Tùng phải luyện tập hơn 12 năm.

a

Quách Gia Thắng, sinh viên ĐH FPT giành huy chương Đồng tại Giải vô địch Vovinam toàn quốc. Ảnh: C.T.

Được dìu dắt bởi các giảng viên Vovinam xuất sắc, dù chuyên ngành chính là công nghệ thông tin nhưng nhiều sinh viên ĐH FPT vẫn đạt thành tích ở các sàn đấu Vovinam chuyên nghiệp. Tiêu biểu là sinh viên Quách Gia Thắng, lớp SE 0427 ngành Kỹ nghệ phần mềm, ĐH FPT HCM, giành được tấm huy chương Đồng Vovinam ở nội dung đối kháng tại giải vô địch Vovinam toàn quốc tổ chức ở Quảng Bình tháng 10/2011. Thắng may mắn được thầy Huỳnh Khắc Nguyên dìu dắt theo con đường thể thao chuyên nghiệp. Khi vào đại học, chính thầy Nguyên đã khơi lại đam mê võ thuật ở Thắng. Từ giải thành phố, Thắng tiến xa hơn trên con đường võ thuật chuyên nghiệp với thành công đầu tay ở các giải vô địch toàn quốc.

Ngoài ra, ở giải đấu nhỏ hơn, sinh viên Nguyễn Như Hải (khóa 4) và Dương Thị Hoàng Anh, Tạ Đức Tùng (khóa 5) dưới sự tập huấn của huấn luyện viên ở ĐH FPT giành 3 huy chương Đồng tại giải Vô địch Vovinam TP HCM.

Không chỉ đạt thành tích cao trong võ thuật, người FPT còn có thế mạnh ở nhiều bộ môn thể thao khác. Năm qua, Lê Sỹ Hoàng, lập trình viên Công ty TNHH Nghiên cứu Phát triển Phần mềm FPT (FRD, thuộc FPT Software), cũng đã đạt nhiều thành tích ấn tượng tại các giải Dance sport.

Tháng 7 vừa qua, Hoàng đoạt huy chương Bạc điệu Rumba tại Cup các câu lạc bộ mở rộng ở Đăk Lăk. Bốn tháng sau, anh đoạt chuỗi 3 huy chương Bạc các nội dung Rumba, Chachacha và tổng hợp 2 điệu Rumba và Chachacha tại Cup do Đoàn thanh niên Hà Nội tổ chức.

Theo Hoàng, điểm khác biệt rõ nhất giữa các giải khiêu vũ thể thao trong và ngoài nước là sự chênh lệch trình độ các vận động viên ở Việt Nam lớn. Trải qua các giải đấu, Hoàng bật mí bí quyết đoạt giải: “Vận động viên cần biến kỹ thuật thành động tác rất tự nhiên không gượng ép. Đồng thời, phải thể hiện tình cảm với cả bài nhảy và bạn nhảy qua từng chuyển động cơ thể, chắc chắn sẽ đạt được hiệu quả mong muốn”.

a

Năm đầu thi đấu trong nước, vũ công Sỹ Hoàng cùng bạn nhảy giành được nhiều huy chương. Ảnh: C.T.

Để tự tin trên sàn diễn, Hoàng đã có 7 năm tập luyện môn thể thao này. Trong thời gian du học, anh đã đoạt 6 huy chương Vàng (3 điệu Latin và 3 Standart) tại Cup các câu lạc mở rộng thành phố Siberi, Nga. Năm 2010, tốt nghiệp thạc sĩ Công nghệ thông tin, chuyên ngành Lập trình phần mềm của Đại học Bách khoa Tomsk - Liên bang Nga, Hoàng về nước và đầu quân cho FPT Software.

Với niềm đam mê khiêu vũ thể thao, anh tiếp tục nghề tay trái chinh phục đấu trường trong nước. Mỗi ngày, Hoàng dành hai tiếng buổi tối để luyện tập với bạn nhảy. Hầu hết quỹ thời gian nghỉ cuối tuần, đôi nhảy luyện tập hăng say hơn. Thời gian tới, Hoàng đã lên kế hoạch để tham gia rất nhiều giải. Gần nhất là tháng 3, anh sẽ dự giải do Câu lạc bộ Mùa Xuân Hà Nội tổ chức. Đặc biệt, tháng 10, Hoàng sẽ sang Thái Lan dự giải mở rộng.

Thạch Anh

Ý kiến

()