Chúng ta

Người tiên phong

Thứ năm, 28/10/2010 | 06:32 GMT+7

"ĐH FPT xem Vovinam không những là phương tiện để phát triển thể chất mà còn là một nhân tố phát triển nhân cách, rèn luyện cho sinh viên cốt cách, phong thái đường hoàng điềm tĩnh của con nhà võ".

Đó là lời khẳng định của thầy Trần Vũ Quang, Trưởng bộ môn Giáo dục thể chất (GDTC), ĐH FPT.


Chính vì định hướng này mà không cần đợi đến ngày 21/07/2010 khi Vụ công tác Học sinh sinh viên đưa ra công văn khuyến khích các trường đưa Vovinam trở thành môn thể thao ngoại khóa, Đại học FPT đã là một trong những trường đầu tiên đưa Vovinam - Việt Võ Đạo trở thành môn học GDTC, được giảng dạy chính khóa cho tất cả các sinh viên của trường từ năm 2007.

Đến nay, nhà trường đã giảng dạy môn này qua 6 khóa, với khoảng hơn 4.000 sinh viên được nhà trường đào tạo và tập luyện Vovinam.

Đi tiên phong áp dụng môn giáo dục thể chất mới cho sinh viên là một thách thức và khó khăn cho nhà trường. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu, Đại học FPT đã có những kế hoạch đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên rất kỹ lưỡng để có được những thành công hôm nay.

Trong đó, việc tập hợp được đội ngũ giáo viên giỏi, có kinh nghiệm và trách nhiệm là yếu tố quan trọng để nhà trường thành công trong việc đưa Vovinam vào đời sống sinh viên và để nó trở thành môn học phát huy tác dụng trong nhà trường.

Võ thuật không chỉ đơn giản là võ, mà còn là đạo. Theo thầy Trần Vũ Quang, ngày nay hiếm thấy những môn sinh có tài và có tâm theo đúng tinh thần võ đạo như: "Xem đồng môn như thủ túc"; "Đoàn kết, kiên trung"; "Tâm sáng, trí bền"; "Vượt khó lập thân"... Một lý do lớn là do các em không được học và đào tạo bởi những người thầy "lớn", những võ sư thực sự có tài và có tâm, biết truyền đạo cho học trò... Bây giờ, hầu như ai cũng có thể trở thành Võ sư, chỉ cần tập lâu năm là được.

Do vậy ĐH FPT xác định rất rõ việc tuyển chọn giáo viên là tối quan trọng, là phần quyết định niềm đam mê, hăng say học tập của sinh viên.

Đội ngũ giảng viên của trường đảm bảo chuẩn chất lượng chuyên môn Vovinam, được Liên đoàn Vovinam Hà Nội và LĐ Vovinam Việt Nam công nhận. Rất nhiều giảng viên Vovinam của Đại học FPT đã giành được nhiều huy chương cấp quốc gia và quốc tế.

Về kỹ thuật, Giảng viên chính phải đảm bảo 2 yêu cầu: chuyên môn Vovinam tốt và chuyên môn khoa học về GDTC và TDTT ở trình độ Cử nhân. Không những vậy, họ phải là những người tâm huyết, có tác phong và cốt cách điển hình của con nhà võ. Các thầy không chỉ dạy sinh viên những kỹ thuật động tác mà còn truyền dạy đạo nghĩa cho sinh viên.

Tiếp theo vấn đề nguồn lực, cơ sở vật chất cho môn học cũng được ĐH FPT đặc biệt quan tâm. Thầy Quang cho biết, trang bị dụng cụ tập luyện của trường tương đương với trang bị cho đội tuyển thể thao chuyên nghiệp của một tỉnh lớn. Hàng năm nhà trường luôn bổ sung, mua mới các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy.

Giáo trình giảng dạy Vovinam của ĐH FPT tuân thủ quy định của hệ thống kỹ thuật môn phái Vovinam - Việt Võ Đạo Việt Nam. Sinh viên sau khi hoàn thành 3 học kỳ GDTC chính khóa (Vovinam) sẽ có trình độ tương đương Lam đai cấp II.

Giáo trình đạt chuẩn kỹ thuật môn phái Vovinam, nhưng để phù hợp với đặc điểm, tố chất vận động cũng như đặc thù đào tạo tại ĐH FPT, Bộ môn GDTC cũng đã giản lược đồng thời bổ sung những kỹ thuật chuyên môn sao cho phù hợp nhất với từng nhóm đối tượng sinh viên.

Phó Hiệu trưởng ĐH FPT Nguyễn Xuân Phong mong muốn, sinh viên Đại học FPT sẽ kế thừa và phát huy những tinh hoa của Vovinam, từ đó được phát triển không chỉ về mặt thể chất mà còn được rèn luyện tinh thần tôn sư trọng đạo, quan hệ đồng môn, tính kỷ luật, ý chí và đạo đức.

Hứng thú với môn học, em Trần Việt Dũng, sinh viên năm thứ hai nói: "Em đã học được 3 kỳ và thấy rất bổ ích. Tập luyện Vovinam cho em có một thể lực tốt hơn, không những vậy, bây giờ khi ra ngoài em đã tự bảo vệ được bản thân".

Em Lại Quý Dương, sinh viên năm thứ ba chia sẻ, mỗi môn thể thao đều có một ưu thế riêng, nhưng em yêu thích Vovinam hơn. Trước đó, em đã tập qua võ Thiếu lâm nên khi nhà trường đưa Vovinam vào học em rất thích.

Hiện nay, đã có thêm một số trường đại học đưa Vovinam vào giảng dạy như Đại học Sân khấu Điện ảnh, Học viện Ngoại giao...

TrangNTQ

Ý kiến

()