Chúng ta

Người nhà F ủng hộ áo dài cách tân

Chủ nhật, 5/2/2017 | 12:43 GMT+7

Áo dài nhưng tà ngắn, mặc với chân váy... được gọi chung là 'áo dài cách tân' đang gây tranh cãi gay gắt, đặc biệt là dịp Tết. Nhiều người FPT đã mặc hay ủng hộ cái mới.

Là tín đồ của áo dài truyền thống nhưng từ giữa năm 2015, chị Hoàng Thuỳ Dương, Trung tâm Dịch vụ sẻ chia (SSC) FPT Software HCM, đã diện những bộ 'áo dài cách tân'. Hình ảnh ấn tượng của Dương, từ ngoài đời đến Facebook, là chiếc áo dài màu xanh đậm kết hợp chân váy màu đen. “Hồi ấy ai cũng khen đẹp hết. Mọi người hay hỏi mua hay may ở đâu”, Dương hào hứng nhớ lại.

Photo-3-12-16-11-37-02-PM-2422-148627046

Dương diện áo dài cách tân trong lễ kỷ niệm 5 năm hợp tác giữa FPT Software và Hitachi Aloka Medical.

Dương lý giải, do gầy quá, mặc áo cách tân với quần không đẹp, sẵn có cái váy, lại vừa chiều dài nên mặc. Đa phần người thân, bạn bè và đồng nghiệp khen đẹp và hợp nên Dương có đến 13 bộ và thường mặc đi làm hay tiếp các đối tác nước ngoài của FPT Software sang Việt Nam công tác.

“Hồi tôi mặc áo dài với váy, hình như người ta vẫn mặc quần và chưa thấy ai mặc váy”, Dương chia sẻ. “Ra đường mọi người nhìn nhiều lắm. Lần nọ tôi dẫn khách đi chơi chợ Bến Thành, có bà cụ bán hàng còn nói là sao con mặc kỳ vậy, áo dài mà mặc với váy. Ở F-Town cũng có người hỏi lạ quá, mặc được với váy hả? Nhưng dễ thương ghê, may đâu vậy?”.

So với năm ngoái, dịp Tết năm nay phong trào diện áo dài cách tân ngày đầu xuân có phần đông đảo hơn. Kiểu áo dài cách tân kết hợp với chân váy phom dáng là trang phục được ưa chuộng nhất. Tuy nhiên, đây cũng là trang phục nhận được nhiều phản ứng trái chiều, kể cả chỉ trích gay gắt. Theo Dương, có người chê là đúng bởi áo dài hơi khó mặc, nhất là với váy.

“Nếu mình thấp quá, mà loại may sẵn thì dài hơn so với chiều dài chân, các bạn cứ theo trào lưu nhưng lại không để ý, sẽ làm cho người mặc bị thô hay hơi cục mịch. Quan trọng nhất là váy không được dài hơn chân áo dài, chỉ nên bằng hoặc nhỉnh hơn một xíu”, người đẹp F-Town tiết lộ bí kíp.

Chia sẻ trên trang cá nhân, anh Duy Khánh, phóng viên mảng Thời trang của Ngoisao.net, cho rằng, gìn giữ nét đẹp truyền thống là việc làm cần thiết. “Nhưng để áo dài phát triển và hòa nhập vào cuộc sống đương đại thì cách tân là phương pháp không thể thiếu. Tuy nhiên, quá trình cải biên cũng phải thật khéo léo để tránh làm biến dạng áo dài”, anh Khánh viết.

Linh-5779-1486270462.jpg

Ảnh chị Trần Việt Linh, FPT Software Thượng Hải, với áo dài cách tân dịp Tết Đinh Dậu.

“Hãy để cho những cái mới có cơ hội. Nhất là nhà thiết kế (designers) là những người luôn cần sự sáng tạo, cách tân không ngừng nhiều nhất. Nếu không, các anh chị cũng chỉ là thợ may lành nghề”, chị Hồng Liên, ban Gia đình VnExpress, bức xúc khi các nhà thiết kế cũng lên tiếng chê bai áo dài cách tân.

Ngay sau đó, chị Liên cũng trích lại lịch sử "áo dài truyền thống" để chứng minh sự cách tân từ gần 90 năm trước. "Trong thập niên 1930, chiếc áo dài Lemur khởi đầu từ Hà Nội đã lan tràn vào Huế rồi tới Sài Gòn. Ông (nhà thiết kế Lemur) đã bị nhóm đồ nho thủ cựu chê trách, cho rằng phụ nữ ta mặc áo Lemur trông lẳng lơ, không kín đáo và tân tiến quá không hợp với phong tục nước ta. Nhưng bất chấp dư luận ông vẫn tiếp tục vẽ rất nhiều kiểu áo khác nhau và còn vẽ cả kiểu quần áo thiếu nhi nữa".

Chiếc áo dài chiết eo ôm sát mà mọi người ngày nay cho là áo dài truyền thống cũng từng là một thứ cách tân và bị lên án. Chỉ những cô gái rất bạo dạn thời xưa mới dám diện áo dài kiểu này. Nhưng gần một thế kỷ qua, áo dài đã đi sâu vào lòng người Việt nhiều thế hệ, được xem là biểu tượng văn hóa dân tộc của người Việt Nam. Cho dù bị ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa từ phương Đông đến phương Tây, chiếc áo dài được cải tiến theo nhiều kiểu lạ và đẹp với nhiều màu sắc khác nhau nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của chiếc áo dài hai tà, chiếc quần dài chấm gót, không thể bị lẫn lộn với kiểu dáng khác.

ha-3-1544-1486270462.jpg

Là fan trung thành của áo dài truyền thống nhưng chị Hồng Hà, phòng Quản lý Chiến lược và Kế hoạch Tập đoàn, luôn ủng hộ những sáng tạo.

Và việc nhìn chiếc áo dài cách tân phối cùng váy ngắn, với nhiều người, họ không thể chấp nhận. Nhiều bình luận quá khích, cho rằng "áo dài váy đụp là mắm tôm pha với ca cao". Trong khi đó nhiều bình luận ủng hộ "áo dài cách tân" cũng sôi động không kém với các ý kiến đưa ra chủ yếu là ủng hộ sự sáng tạo của giới trẻ.

Theo chị Nguyễn Thị Hồng Hà, phòng Quản lý Chiến lược và Kế hoạch, một tín đồ của áo dài truyền thống, không thể cấm các nhà thiết kế sáng tạo hay cấm bán hàng. Có người mặc thì mọi áo đều bán được. “Mỗi cái áo được coi là đẹp hay xấu khi nó được ai đó mặc. Mặc chiếc áo dài một lần đã là sự cố gắng đáng trân trọng. Bạn chưa mặc thì hãy thử, cảm xúc tự hào và thiêng liêng lắm”, chị Hà nhận định.

Chị Hà cho rằng, cần nhiều những thiết kế để ứng dụng áo dài vào cuộc sống như áo đi học, đi làm, lễ hội, cưới, tang, đi chùa, cho nghề đặc biệt như thẩm phán, áo tốt nghiệp, dịch vụ công... “Thay vì bức xúc, hãy sắm cho mình và nguời thân một vài bộ áo dài. Hãy chỉn chu từ đầu đến chân, tác phong và giao tiếp phù hợp mỗi khi mặc áo dài. Vẻ đẹp dân tộc ở đó”.

Photo-4-29-16-3-26-31-PM-5792-1486270462

Hoàng Dương mang áo dài cách tân đến cổng Khải Hoàn Môn, Paris.

Gần hai năm nay vẫn thường mặc ‘áo dài cách tân”, từ văn phòng cho đến tiếp khách ở các sự kiện lớn, từ Việt Nam cho đến kinh đô thời trang Paris nhưng Hoàng Thuỳ Dương, Trung tâm Dịch vụ sẻ chia (SSC) FPT Software HCM, vẫn thích áo dài truyền thống. “Rõ ràng là sang trọng, nữ tính và nền nã hơn cách tân. Cách tân chỉ mặc chơi thôi. Xu hướng (trendy) thì dễ bị thoái trào, năm ngoái mọi người mặc áo dài với quần la liệt, năm nay lại với váy đầy đường, còn áo dài truyền thống thì luôn đẹp và hữu dụng trong mọi trường hợp”, Dương nói.

>> ‘Lên ngôi’ với sáng tạo phần mềm ‘ba giảm’ nhờ… lười

Chi Vy

Ảnh: NVCC

Ý kiến

()