Chúng ta

Hành trình tìm lại đôi môi lành lặn của các bé bị dị tật

Thứ hai, 25/8/2014 | 17:14 GMT+7

“Cả nhà khóc trong hạnh phúc bởi đứa cháu gái cuối cùng cũng có được cơ hội để tìm lại đôi môi lành lặn”, bà Võ Thị Kim Nhung, An Giang, chia sẻ trước ánh mắt quan tâm của những người xung quanh tại buổi khám sàng lọc ngày 24/8 ở TP HCM.
> 'Hồi hộp như chuẩn bị sinh cháu'

Nhìn cô con gái hơn 8 tháng tuổi với khuyết tật hiện ngay trên gương mặt, chị Trương Thị Kiều và anh Võ Văn Lộng, cùng quê Thanh Hóa, hiện làm công nhân ở Bình Dương, không khỏi xót xa. Ngay từ khi mới lọt lòng, bé Võ Ngọc Kim Chi đã bị sứt môi, hở hàm ếch nên bú sữa mẹ cũng khó khăn. “Cháu phải ăn sữa ngoài vì cứ bú là bị sặc”, chị Kiều vừa nhìn con vừa cho biết do bị dị tật nên cháu thường xuyên bị viêm mũi họng, viêm phổi khiến cả nhà hay bồng bế nhau đi viện. “Cháu thở khò khè to như người trưởng thành. Đêm đến, các bệnh nhân cùng phòng cứ la sao bố cháu ngáy to thế làm không ai ngủ được. Nhưng thực ra đó là Kim Chi thở”.

s

Kim Chi rất dễ thương và hay cười. Niềm vui của gia đình chị Kiều sẽ trọn vẹn hơn khi cả mổ thành công.

Hiểu được tầm quan trọng của siêu âm trong thai kỳ nên dù cùng làm công nhân, cuộc sống ở trọ khó khăn nhưng vợ chồng chị Kiều vẫn khám thai đều đặn. Một đến hai tháng một lần, cả 3 lẫn 4 chiều “nhưng lần nào Kim Chi cũng úp mặt vào nên đến khi sinh cả nhà mới biết. Tôi xỉu ngay trên bàn sinh còn bố cháu khóc ròng vì quá bất ngờ”. Khi bình tâm trở lại, gọi điện thoại báo tin về nội ngoại ngoài quê, ai cũng sững sờ và không tin vào tai mình. Tình mẫu tử, sự động viên của các bác sĩ và người thân đã giúp anh Lộng, chị Kiều vượt qua nỗi đau để chăm con.

“Về khu trọ, khi người thân, bạn bè tới thăm cháu là tôi lại khóc và thấy thương con nhiều hơn”, những giọt nước mắt lăn dài trên má khi chị Kiều nhớ lại quãng thời gian không thể nào quên. “Giờ thì người thân hay hàng xóm ai cũng thương vì con vui tươi, cười đùa suốt”.

Hai vợ chồng ngược xuôi tìm thông tin các đợt mổ miễn phí để chữa trị cho cháu nhưng Kim Chi bị bệnh suốt hoặc số cân nhẹ, hoặc khi có đợt cháu lại đang nằm viện. Anh chị đăng ký với nhiều nơi mà đợi mãi chưa thấy gọi. Người chồng cũng xin nghỉ việc để ở nhà chăm con. “Bé khó ăn uống, hay bị bệnh nên bố cháu ở nhà chăm luôn vì gửi trẻ cũng khó”, chị Kiều kể.

Hai đồng lương đã khó khăn, nay chỉ còn một người đi làm nên chị xoay thêm nghề cắt tóc buổi chiều và cuối tuần để kiếm thêm thu nhập. “Nhờ một chị khách quen mách là mới đổi điện thoại, thấy FPT Shop Thủ Dầu Một đang có chương trình đăng ký phẫu thuật nên tôi mới biết thông tin”, người mẹ cười và cho biết mấy ngày nay hồi hộp đến mất ngủ. Sáng thứ Bảy vừa qua, nhờ thêm anh ruột chồng, cả nhà đèo nhau trên hai xe máy từ 5h sáng cho kịp. “Giờ tôi mới tin sắp hoàn thành giấc mơ”, chị Kiều mong mỏi.

Đưa cháu ngoại là bé K’Quý, 6 tuổi, người dân tộc K’Ho từ Lâm Hà, Lâm Đồng, đến khám, bà K’Yến không cầm được nước mắt. Bà K’Yến kể, hoàn cảnh gia đình khó khăn, cả nhà chỉ trông vào ruộng lúa ít ỏi ở vùng núi Lâm Hà nên đứa cháu ngoại chưa có tiền để phẫu thuật.

“Hắn (K’Quý) lớn rồi nên biết mặc cảm. Có lần bạn bè trêu chọc, hắn bỏ ăn uống hai ngày liền khiến gia đình cũng mất ăn mất ngủ”, bà K’Yến vừa nói vừa chỉ vào đứa cháu chuẩn bị vào lớp 1 nhưng nhỏ như cậu bé 3-4 tuổi. Ngồi nhìn K’Quý khó nhọc ăn phần cơm trưa vì vòm miệng bị thiếu một khoảng lớn, bà K’Yến không khỏi chạnh lòng.

s

K'Quý cùng bà ngoại chờ thực hiện các công đoạn khám và xét nghiệm.

Bà ngoại bé nhớ lại, do hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ cháu chỉ đi siêu âm một lần trong thai kỳ nên không phát hiện được khuyết tật. Ngày K’Quý chào đời, mỗi lần nhìn chiếc môi khuyết sâu của cháu là bà khóc, bố mẹ bé mắt cũng đỏ hoe. Gia đình khác có con nít thì hay bế thong dong quanh ấp khoe, còn nhà bà mỗi lần thấy có người đến chơi thăm bé là luôn tìm cách lẩn tránh.

Đăng ký nhiều lần nhưng chưa được gọi, hy vọng lóe lên khi một bà sơ trong nhà thờ gần nhà biết thông tin FPT sắp tài trợ đợt khám tại TP HCM. “Mẹ cháu không rành tiếng Kinh, ít giao tiếp bên ngoài nên tôi đi cùng để hỗ trợ. May quá, xuống đây có các tình nguyện viên FPT hỗ trợ hết, tôi chỉ phải ký giấy và đưa cháu vào khám thôi”, bà K’Yến vừa nói vừa chỉ những tình nguyện viên đang bận rộn xung quanh.

Cũng đưa cháu ngoại đi khám nhưng bà Võ Thị Kim Nhung từ xã Mỹ Phú, huyện Châu Đốc, An Giang, không có sự đồng hành của con. Bố mẹ Hoàng Thị Yến Linh, 2 tuổi, còn bận đi làm mướn kiếm kế sinh nhai và phó thác cho bà. “Cũng may có chú Quốc cùng quê giới thiệu và giúp đỡ chỗ ăn, ngủ”, vừa nói bà Nhung ngước nhìn anh Trương Phú Quốc, FPT Software, cũng đang trợ giúp các trường hợp khác. Hai bà cháu lên Sài Gòn từ hôm 23/8, được anh Quốc đón từ bến xe về nhà, sáng ngày 24/8 chở qua Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM sớm.

d

Bà Võ Thị Kim Nhung từ xã Mỹ Phú, huyện Châu Đốc, An Giang, bế cháu ngoại là Hoàng Thị Yến Linh, 2 tuổi, được các tình nguyện viên FPT trợ giúp hoàn tất các thủ tục.

Bằng giọng đặc trưng miền Tây, bà Nhung kể, năm 2012, niềm vui con gái có thai chưa được bao lâu thì cả nhà bà gần như suy sụp tinh thần khi kết quả chẩn đoán thai nhi cho thấy bé mắc dị tật sứt môi. Không nỡ bỏ con, mẹ bé mang thai trong tâm trạng buồn chán, bố bé động viên vợ nhưng mỗi khi nhắc đến con cũng buông tiếng thở dài. “Cả nhà dành hết tình thương cho người mang bầu và đứa cháu khi sinh”.

“Do đã chuẩn bị tinh thần rồi nên khi cháu được sinh ra, cả nhà không sốc lắm khi thấy cháu bị sứt một bên môi. Tuy rằng vết sứt không quá lớn, cháu vẫn sinh hoạt, ăn uống bình thường, nhưng mỗi lần nhìn thấy đôi môi không lành lặn của con gái, thương con, bố mẹ cháu chỉ muốn che đi để không ai nhìn thấy vết sứt ấy”, bà Nhung thở dài.

Cả nhà chạy vạy tìm cách chữa trị cho cháu. Đi khám ở các chương trình khác lúc thì chưa đủ tháng (6 tháng mới đủ điều kiện phẫu thuật) lúc thì quá đông không đến lượt, quay về quê đăng ký, con số đã là 360 người chờ. “Trong xã cũng có nhiều trường hợp tương tự. Đăng ký với tỉnh thì đông quá, không biết khi nào mới đến lượt”, bà Nhung cho biết. “Thật may là cháu được phẫu thuật sớm để ít ảnh hưởng đến thẩm mỹ và giọng nói".

Cách đây vài ngày, nhờ anh Quốc báo tin về quê rằng FPT sắp có chương trình phẫu thuật, cả nhà sắp xếp công việc để bà cho cháu lên TP HCM ngay. Sau quá trình khám sàng lọc, bé Linh được xếp lịch mổ trong đợt sớm nhất (chiều ngày 25/8).

Nhận phòng xong, ôm cháu vào lòng trên chiếc giường tinh tươm của bệnh viện, người bà lần giở tìm điện thoại cũ trong chiếc túi đã sờn gọi điện thông báo cho gia đình ở quê. Những tiếng nấc nghẹn phát lên từ cả hai đầu do di động bà dùng để chế độ loa ngoài.

s

Ngoài việc tài trợ thuốc men, viện phí, đi lại và ăn uống, người FPT còn tặng các phần quà cho bệnh nhân.

“Cả nhà cùng khóc trong hạnh phúc bởi đứa cháu gái cuối cùng cũng có được cơ hội để tìm lại đôi môi lành lặn”, bà Nhung phân bua khi các giường xung quanh đều im bặt và nhìn sang hai bà cháu. “Chúng tôi cùng chờ phép màu mà các y bác sĩ sắp mang lại”.

Ngày 24/8, qũy " Người FPT Vì cộng đồng" phối hợp với tổ chức Operation Smile Vietnam (OSV) tổ chức khám sàng lọc cho 79 trường hợp dị tật sứt môi, hở hàm ếch phía Nam tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. Đồng hành với FPT còn có Công ty Densu Aegis Network và chi nhánh Bank of China TP HCM. Theo lịch, các bé sẽ được xếp lịch mổ bắt đầu từ ngày 25 đến 29/8.

Chương trình phẫu thuật nụ cười năm nay diễn ra hai đợt gồm: 25-29/8 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM và 17-21/11 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, Hà Nội.

Từ năm 2010, FPT đã chọn 13/3 là Ngày Vì cộng đồng để mỗi CBNV tham gia đóng góp một phần nhỏ bé cho xã hội bằng những hành động cụ thể. Năm 2013, FPT đã trao tặng 25 tủ sách, mang cơ hội tiếp cận tri thức tới 7.000 học sinh nghèo; Hỗ trợ hàng trăm người FPT và gia đình có hoàn cảnh khó khăn; Trao gần 1,7 tỷ đồng tới những người dân bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 11; Hàng nghìn suất học bổng cho các tài năng trẻ, trẻ em nghèo vượt khó; Hàng trăm suất học bổng cho trẻ em nhiễm chất độc da cam... Năm 2012, với chủ đề "Chia sẻ nỗi đau, mang lại nụ cười", người FPT đã tổ chức 15 chương trình, chia sẻ 1.700 phần quà tới hơn 2.000 bệnh nhân ung thư.

Năm 2014, với thông điệp "Tặng nụ cười, trao hạnh phúc", người FPT sẽ tài trợ phẫu thuật cho 100 trẻ em bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch. Cùng với đó, tập đoàn tiếp tục triển khai chương trình tặng tủ sách cho những trường học khó khăn, ở vùng sâu trên cả nước.

Theo thống kê của Ban quản lý quỹ "Người FPT vì cộng đồng", tính đến hết tháng 6, CBNV tập đoàn mọi miền đã ủng hộ tổng số tiền lên tới hơn 2,3 tỷ đồng. FPT Software là đơn vị quyên góp được nhiều nhất - gần 900 triệu đồng. Tiếp đó là FPT IS với 332 triệu đồng và FPT Retail được 291 triệu đồng. Các đơn vị FHO, FPT Telecom, FPT Trading, FPT Online cũng đã chuyển số tiền "một ngày lương" ủng hộ của các CBNV về tài khoản chung của quỹ.

Nguyên Văn

Ý kiến

()