Chúng ta

Truyền hình FPT - niềm tin chiến thắng

Thứ hai, 24/9/2018 | 11:28 GMT+7

Cuối cùng, chúng tôi đã đến được đích đầu tiên sau gần 2.000 ngày đi trên băng mỏng, đối diện vực sâu và đứng giữa muôn trùng vây. Thành quả hôm nay chỉ là một mốc trong hành trình chinh phục của chiến binh nhà “Cáo”, những người kiên định với con đường mang tên Truyền hình FPT.

Phần 1 - Hình thành tổ chức

Cấp phép

“FPT đang thử nghiệm IPTV (giấy phép thử nghiệm cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền sử dụng công nghệ IP) rồi, xin giấy phép chính thức IPTV đi, xin phép truyền hình cáp làm gì?”, là câu hỏi chúng tôi phải trả lời rất nhiều lần khi xin giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền sử dụng công nghệ cáp đồng trục (còn gọi là truyền hình cáp - Cable Tivi). 

Sự khác nhau giữa truyền hình IPTV và truyền hình cáp đồng trục Cable Tivi là một bên phải dùng bộ giải mã, chỉ xem được một tivi, còn bên kia không cần bộ giải mã và xem được nhiều tivi (đa phần là vậy, ngoại trừ sau này chuyển từ công nghệ tương tự - Analogue sang công nghệ số - Digital thì truyền hình cáp vẫn phải dùng bộ giải mã và chỉ cho một tivi - tương đương IPTV).

Nói đúng ra, FPT Telecom tiên phong và bắt đầu cung cấp dịch vụ IPTV từ cuối 2006, với tên gọi iTV. Ngày đó, mọi thứ đều mới từ giải pháp đến công nghệ, thiết bị đầu cuối đắt đỏ, hạ tầng sử dụng cáp đồng, tốc độ khoảng 2-3Mbps (bằng 1/10 công nghệ cáp quang hiện nay). Sự tiên phong còn mạnh mẽ hơn khi giữa năm 2007, FPT Telecom tung ra gói cước combo 3 trong 1: Internet - Truyền hình - Điện thoại cố định. Nhưng rất tiếc, thời điểm đó còn quá sớm, mọi thứ chưa chín muồi nên chiến lược Triple Play không thành công, kèm theo rất nhiều thứ phải dọn dẹp: thiết bị, hạ tầng, nợ cước (vì khách hàng không dùng được, chất lượng kém nên không trả tiền). Và điều cản trở lớn nhất là sự hoài nghi của khách hàng vào dịch vụ của FPT và chính việc mất niềm tin trong mỗi chúng tôi.

Thế rồi, chúng tôi không còn đặt nhiều sự tập trung cho iTV nữa, cứ để nó ở quy mô nhỏ nhất, duy trì vừa đủ để tiếp tục phục vụ vài nghìn, sau là vài trăm khách hàng sử dụng dịch vụ, có lẽ vì tình yêu FPT hoặc vì không có lựa chọn nào khác để thay thế.

5 năm sau (2012), chúng tôi nhìn thấy thời cơ cho truyền hình trả tiền đã đến, khi mọi dịch vụ bắt đầu chuyển dịch theo xu hướng hội tụ, trong lĩnh vực băng rộng truyền hình và Internet sẽ không thể tách rời nhau. Và chúng tôi nhìn trúng dịch vụ truyền hình cáp (Cable TV). Vì thế mới có giai thoại FPT Telecom đi xin cấp phép dịch vụ truyền hình cáp mà cơ quan chủ quản - Bộ TT&TT, đối tác công nghệ và ngay cả Tập đoàn FPT cũng ngơ ngác, không hiểu vì sao.

onetv-8194-1537763085.jpg

FPT Telecom là đơn vị tiên phong cung cấp dịch vụ IPTV ở Việt Nam. 

Đơn vị iTV lúc đó nhận được lệnh khởi động trở lại, tập trung vào 3 nhiệm vụ: Xin cấp phép, nghiên cứu công nghệ Cable TV, rà soát nội dung. Tuy nhiên, khi ấy, chẳng ai làm 3 nhiệm vụ chính này mà tập trung vào nghiên cứu đổi tên dịch vụ. Sau 2 tháng, với hơn 100 đề cử, chúng tôi chọn cái tên mới thay cho iTV bằng OneTV - bình mới, rượu cũ và tiếp tục loay hoay với tổ chức lâm thời mới gồm các nhân sự: Trang Lan Anh Phương, Bùi Thái Thịnh, Phạm Kim Long.

Anh em bơ vơ mất hơn 6 tháng (từ 1/1/2012 đến tháng 6/2012) cho đến khi chúng tôi tình cờ gặp được đối tác Sigma Design, đến giới thiệu về công nghệ, bộ vi xử lý mới dành cho các thiết bị giải mã truyền hình. Sau đó, anh Phạm Kim Long (tác giả của phần mềm gõ tiếng Việt nổi tiếng Unikey), Giám đốc R&D của FPT Telecom, gặp anh Vũ Anh Tú để thuyết phục: FPT sẽ làm chủ công nghệ và sản xuất luôn bộ giải mã. Anh Tú đồng ý và trình lên cấp cao hơn để phê duyệt.

Người thứ hai tạo ra dấu ấn của Truyền hình FPT là anh Nguyễn Kim Quy. Thông qua Trang Lan Anh Phương, chúng tôi tìm được anh ở... VTC. Sau một hồi thuyết phục, anh Quy quyết định về FPT, nơi có những ý định rất viển vông, thay vì sang Viettel nhận một vị trí mà anh được trang bị tận răng. Cho đến tận sau này, chúng tôi nhiều lần hỏi anh Quy lý do về FPT, nhưng anh chỉ cười, không nói.

Chúng tôi khởi động các thủ tục xin cấp phép dịch vụ truyền hình cáp từ tháng 10/2012. Trong đội ngũ lúc đó, chẳng có ai biết về dịch vụ này, nên tất cả "đè" anh Quy ra bắt làm mọi thứ. Cũng may là anh em nhà “Cáo” sáng dạ, học và tìm hiểu cũng nhanh nên chúng tôi đã sớm có bản đề án xin cấp phép.

Lúc chúng tôi cắp đề án đi xin phép thì thị trường truyền hình cáp đã vô cùng phức tạp. Các ông lớn như SCTV, VTVCab chạy đua vũ trang để mở rộng thị phần, tiến hành các cuộc mua bán, sáp nhập với nhiều công ty truyền hình cáp ở địa phương. Khó khăn chồng chất khi cả Viettel và VNPT cũng xin cấp phép như FPT. Sự việc này được truyền thông quan tâm đặc biệt, đều đặn mỗi tuần có người liên hệ với chúng tôi để hỏi về tình hình, diễn biến triển khai. Vô vàn câu hỏi được báo chí đặt ra: Tại sao các công ty viễn thông, Internet lại “nhảy” sang lĩnh vực truyền hình trả tiền? Thế mạnh là gì, điểm yếu ở đâu? Ai sẽ bị thôn tính? Thị trường có loạn hay không?…

Thời điểm ấy, không bao giờ thấy anh Quy ở công ty. Hóa ra anh mang hết đồ nghề: tài liệu, máy tính, máy ảnh, máy in… sang Bộ TT&TT ngồi để tiện... xin cấp phép. Anh Sơn - Trưởng phòng Cấp phép, Cục Viễn thông - Bộ TT&TT, kể lại, anh Quy còn mang cả ấm, chè mạn, phích đựng nước sôi, kẹo lạc sang Bộ ngồi. Hồi đó, Nguyễn Khoa Diệu Hiền, Lê Ngọc Linh (Văn phòng FPT Telecom) phục vụ anh Quy vô điều kiện, túc trực ở Bộ đến mức từ chị nước chè ở cổng, bảo vệ, chuyên viên và lãnh đạo các cục, vụ trong Bộ TT&TT đều nhẵn mặt.

trao-giai-9560-1537763085.jpg

Anh Nguyễn Hoàng Linh (ngoài cùng bên phải) là người đã lèo lái con tàu Truyền hình FPT từ những ngày đầu.

Ngày 1/7/2013, Viettel được cấp giấy phép truyền hình cáp, chúng tôi biết tin mà như ngồi trên đống lửa. Nhìn vào giấy phép của Viettel với các yêu cầu khắt khe mà chỉ “nhà có điều kiện” mới dám nhận, chúng tôi lại càng hoảng. Phen này chơi lớn thật rồi. Lãnh đạo FPT và FPT Telecom liên tục triệu tập họp, gọi chúng tôi lên giải trình, với chỉ duy nhất một câu hỏi: “Tại sao chưa được cấp phép?”.

Hàng loạt kế hoạch hành động được chúng tôi đưa ra. Anh Quy dẫn đầu một nhóm 3-4 người ngày đêm túc trực ở Bộ để hiệu chỉnh đề án, chỉnh sửa phương pháp kỹ thuật, phương án đầu tư, tài chính…

Ngày 5/8/2013, đó là thứ Hai đầu tuần, chúng tôi nhận được thông tin sẽ được cấp phép. Anh em vỡ òa, ôm chầm lấy nhau mừng khôn xiết, mặt mũi ai cũng rạng ngời. Duy nhất có anh Quy là vẫn thầm lặng và biến đâu đó rất nhanh. Đến chiều, anh báo lại: “Giấy phép đây rồi, giờ đang đợi thời điểm để lấy số giấy phép”. Thật kỳ diệu, số giấy phép của chúng tôi là 313 - có đuôi 13 linh thiêng của FPT. Chúng tôi đoán rằng việc anh Quy biến mất chiều hôm đó là đứng sau vụ số 13 này.

Giấy phép về đến FPT, chúng tôi bắt tay ngay vào thảo luận để tiến hành. Anh Trương Gia Bình yêu cầu cứ 2 tuần FPT Telecom phải họp với anh một lần để xây dựng kế hoạch, đặc biệt là kế hoạch hành động. Trong 3 tháng liên tục, chúng tôi họp miệt mài với hàng trăm ý tưởng, ý kiến của anh Bình và ban lãnh đạo FPT Telecom. Lúc ấy, có cả ý tưởng tiếp tục xin giấy phép truyền hình vệ tinh, ngay trong năm đầu có 1 triệu thuê bao, và để công nghệ phải là số 1 với truyền hình cáp.

Sau hàng chục cuộc họp giữa anh Bình và lãnh đạo FPT Telecom, chúng tôi cơ bản đã xây được kế hoạch cho dịch vụ truyền hình cáp của FPT, với bức tranh vô cùng tươi sáng, đầy mộng mơ. Tuy nhiên, đến thời khắc quan trọng nhất để quyết định, mọi thứ lại đảo lộn 180 độ.

Nhân sự - tổ chức

Chưa bao giờ, ý thức hệ trong chúng tôi lại có thể thay đổi một cách mạnh mẽ như lúc này. Chúng tôi bắt tay vào công việc ngay sau khi xác định xong được hướng đi và công nghệ. 

Theo truyền thống của FPT Telecom, chúng tôi điều động, luân chuyển những nhân sự giỏi nhất vào cuộc. Người đầu tiên chúng tôi nói chuyện là PTGĐ FPT Telecom - anh Nguyễn Hoàng Linh, lúc đó phụ trách kinh doanh Internet băng rộng, quản lý từ Đà Nẵng đổ vào. Rất FPT, anh Linh nhận lời chuyển sang phụ trách mảng Truyền hình FPT. Tiếp theo là anh Phạm Thanh Tuấn - GĐ Ban Dự án đường trục. Chúng tôi tìm anh lúc đang cùng đồng đội chặt cây, băng rừng Tây Nguyên để kéo cáp tuyến trục mạch B. Với phong cách hào sảng, anh Tuấn nhận nhiệm vụ ngay từ xa và hẹn cuối tuần về trao đổi kỹ hơn. Sau này, chúng tôi mới biết, anh Tuấn đã kịp thời bàn giao công việc cho các lãnh đạo Ban đường trục ngay hôm đó để luân chuyển.

1-DSC-0083-4707-1442656894-9581-15377630

Anh Phạm Thanh Tuấn (ngoài cùng bên phải), người không nề hà bất cứ nhiệm vụ nào tổ chức giao phó, ngay lập tức nhận lời sang Truyền hình FPT khi được điều động. Anh đã gắn bó với Truyền hình FPT trong những ngày gian khổ nhất.

Người thứ ba chúng tôi luân chuyển là chị Tô Nam Phương - Chủ tịch công ty Viễn thông quốc tế FTI, đơn vị rất thành công về tăng trưởng, mở rộng thị phần và đặc biệt rất hiệu quả. Chúng tôi mất khá nhiều công để điều động chị. Thuyết phục mãi không được, chúng tôi đành sử dụng phương pháp khác là năn nỉ: “Truyền hình FPT như đứa con mới lọt lòng, nó cần một người mẹ, một người phụ nữ biết vun vén, lo toan từ những bước đi chập chững đầu đời nên chúng tôi cần Phương”. Thế mà hiệu nghiệm, chị đồng ý ngay.

Người thứ tư trong ban lãnh đạo chúng tôi mời về là anh Phạm Anh Tuấn, PĐG Trung tâm Quản lý hạ tầng (INF miền Nam). Anh Tuấn lúc nào cũng vậy, nói ít, không biểu hiện cảm xúc, không màu mè và gật đầu cái rụp - vì anh biết rằng không sang PayTV cũng không được, kiểu gì cũng bị bắt đi.

Lên được bộ khung, tiếp nhận chuyển giao giữa ban điều hành lâm thời lúc đó, anh Linh bắt tay vào xây dựng đội ngũ. Và một lần nữa, chúng tôi đổi tên dịch vụ từ OneTV thành Truyền hình FPT.

Chúng tôi dành mọi sự quan tâm, ưu tiên và những gì tốt nhất cho PayTV, cần ai là có nhân sự đó, cần điều kiện gì là đáp ứng ngay, không nói hai lời.

PayTV đã tận dụng rất tốt cơ hội này để thu hút hiền tài từ khắp nơi tựu về, rất hay là toàn lứa trẻ. Chúng tôi có sự tham gia của "Giáo sư xoay" Đinh Tiến Dũng - người mà sau này chúng tôi vô cùng đau đầu (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) khi chạy theo ý tưởng của anh. Chúng tôi có Nguyễn Tuấn Sơn - "vua" UI/UX, người thiết kế ra bộ giải mã vô cùng đẹp và ấn tượng; có Nguyễn Anh Việt, Nguyễn Tùng, Tuấn "Chelsea", Nguyễn Phú Trung... và rất nhiều anh em khác.

Tinh thần và nỗ lực của chúng tôi ngày đầu và cho đến hôm nay vẫn hừng hực. Một người làm việc bằng 2-3 người khác, không nề hà, không ngại khó, tự nhận cho mình những trọng trách mà đôi lúc nghĩ lại không hiểu vì sao nhận những thứ ngoài tầm thực hiện.

To-Nam-Phuong-9295-1537763085.jpg

Người chị cả của Truyền hình FPT - Tô Nam Phương - đã lo lắng, chăm bẵm cho Truyền hình FPT từ khi còn trong trứng nước, cho đến khi lớn mạnh như hôm nay.

Cho đến cuối cùng, phải nói rằng tinh thần FPT chính là ngọn lửa thắp sáng và đốt cháy toàn bộ anh em PayTV. Ngọn lửa đó vẫn đang cháy mãi đến bây giờ.

Nội dung và bản quyền

Khi chúng tôi chuyển đổi từ OneTV sang Truyền hình FPT đi cùng với một tình cảnh vô cùng khó khăn: hàng loạt hợp đồng, thỏa thuận hợp tác với nhà đài bị hết hạn, không có ai theo dõi; hợp đồng mua nội dung với các kênh truyền hình “đỉnh” của một đối tác thì nợ tiền bản quyền, để xảy ra các vi phạm và hơn cả là chúng tôi bị mất niềm tin.

Anh Nguyễn Kim Quy dẫn chúng tôi đến gặp đối tác nắm giữ bản quyền. Đoạn đầu suýt bị đuổi khéo về. Tuy nhiên, với sự chân thành và vẻ mặt vô cùng thật thà của anh Quy, chúng tôi có điều kiện ở lại để trao đổi kỹ hơn về tình hình quá khứ, hiện tại và tương lại. Thật may mắn, vị chủ tịch của công ty này rất mến lãnh đạo FPT, quý FPT và cho chúng tôi một cơ hội cuối cùng, nếu làm không được, thất tín thì sẽ không bao giờ hợp tác nữa; tiền nợ thì phải trả đầy đủ. Ánh sáng trong đường hầm hé lên rồi, chúng tôi nhắm mắt đưa chân và hứa hẹn một cách chắc nịch: Truyền hình FPT sẽ thành công với một kế hoạch phát triển không thể tốt hơn.

Sau này, có vài lần ăn cơm với vị chủ tịch này, chúng tôi mới biết rằng mọi thứ mình nói, chị tường tận hết, biết cái nào là thật, cái nào chúng tôi "chém" và cái nào mơ mộng. Nhưng lý do cuối cùng vẫn là tình yêu dành cho FPT và chị quý chúng tôi - những con người luôn nỗ lực vì FPT mà quên cả thân mình.

Tiếp theo là bản quyền truyền dẫn, phát sóng các kênh truyền hình truyền thống. Chúng tôi xác định khi mình còn nhỏ thì phải nhanh chóng ký được hợp đồng, bởi sau này cửa rất khó. Tuy nhiên, đến gõ cửa nhà đài nào, chúng tôi cũng bị nhìn bằng một con mắt ngao ngán pha chút thương hại.

Ngay lập tức, tất cả nhân sự ở PayTV đều được đưa vào cuộc. Chúng tôi phân chia trong ban lãnh đạo đến thuyết phục nhà đài xin truyền dẫn các kênh của họ. Nhưng có một vài đài lớn phải 2-3 năm sau chúng tôi mới ký được hợp đồng với họ.

Phần 2: Phim truyện Âu Mỹ - Cơn ác mộng bản quyền

Triệu Mẫn ghi

Ý kiến

()