Chúng ta

Đại biểu Quốc hội kiến nghị ĐH FPT thí điểm thu học phí bằng Bitcoin

Thứ tư, 1/11/2017 | 18:22 GMT+7

Trong phiên thảo luận Quốc hội sáng 1/11, đại biểu Lê Công Nhường, tỉnh Bình Định, kiến nghị Chính phủ chấp nhận cho trường ĐH FPT triển khai thí điểm thu học phí bằng Bitcoin đối với sinh viên nước ngoài.

Trước nhiều ý kiến trái chiều về việc ĐH FPT chấp nhận cho sinh viên ngoại và khuyến khích sinh viên nội nộp học phí bằng Bitcoin, đại biểu Lê Công Nhường, tỉnh Bình Định, đã đề cập đến việc này trong phiên thảo luận Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, ông Nhường kiến nghị Chính phủ chấp nhận cho trường ĐH FPT triển khai thí điểm thu học phí bằng Bitcoin đối với sinh viên nước ngoài trong một thời gian nhất định để giúp xây dựng đề án của Thủ tướng một cách tốt hơn.

le-cong-nhuong-1509500515633.jpg

Đại biểu Lê Công Nhường.

Ông cho biết, tiền điện tử đang trở thành chủ đề rất nóng trong giới tài chính nói riêng và đời sống xã hội nói chung nên cần hoàn thiện khung pháp lý để xử lý và quản lý các loại tài sản ảo, tiền ảo và tiền điện tử.

Trong thông báo ngày 26/10, anh Lê Trường Tùng, Chủ tịch ĐH FPT, cho biết trường "chấp nhận cho sinh viên nộp học phí bằng Bitcoin, trước mắt áp dụng cho sinh viên ngoại". 

"Xuất phát từ thực tế chính sách quản lý ngoại hối/ngoại tệ ở các nước châu Phi đang rất chặt, nhiều gia đình muốn gửi tiền sang đóng học phí cho con đang theo học tại ĐH FPT nhưng không gửi được. Để khắc phục tình hình, ĐH FPT đưa ra phương án là gia đình các sinh viên này có thể mua Bitcoin bên đó rồi gửi sang tài khoản của con ở Việt Nam. Sau đó, sinh viên các nước châu Phi đến cây ATM Bitcoin rút và trả tiền cho ĐH FPT. Cũng có một phương án khác là các sinh viên đó có thể chuyển Bitcoin trực tiếp tới tài khoản của ĐH FPT và nhà trường sẽ tiến hành các phương án cấp học bổng cho những sinh viên đó", Chủ tịch ĐH FPT lý giải.

Ngay khi thông tin được công bố trên mạng xã hội đã gây sự chú ý và tranh luận. Nhiều ý kiến ủng hộ khi cho rằng Bitcoin là một sản phẩm công nghệ và ĐH FPT có một bước đột phá mới. Bên cạnh đó, một lượng ý kiến bày tỏ lo ngại việc cho phép sử dụng Bitcoin để nộp học phí có thể do đây là đồng tiền "ảo", chưa có quy định quản lý của Nhà nước hoặc tác động tiêu cực đến sinh viên vì có thể khiến sinh viên "đầu tư mạo hiểm"…

Người đứng đầu ĐH FPT cho rằng, Bitcoin là một sản phẩm công nghệ. Nhà trường muốn thử nghiệm thu học phí, sử dụng đồng Bitcoin như một dạng giao dịch của Cách mạng công nghiệp 4.0. Là một trường đại học đào tạo về công nghệ, đơn vị thấy rất nên tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm những vấn đề mới mẻ của công nghệ, gắn nó với thực tiễn cuộc sống, điều mà hoàn toàn có thể xảy ra trong thời đại 4.0...

Vài năm trở lại đây, một số trường đại học và cao đẳng danh tiếng trên thế giới đã chấp nhận cho học sinh thanh toán học phí bằng loại tiền Bitcoin như: Trường mầm non tư nhân Montessori tại New York, Trường Lucerne University of Applied Sciences and Arts (Thụy Sĩ), University Business School ESMT Berlin, các trường đại học ở Brazil chấp nhận Bitcoin, lắp đặt ATM ở khuôn viên trường...

Trong khi có nhiều nghi ngại về đồng tiền này thì giá Bitcoin vẫn tiếp tục tăng và đạt mức kỷ lục mới là 6.063 USD/Bitcoin vào ngày 20/10. Theo số liệu ngày 26/10, tỷ giá Bitcoin đứng ở mức 5.471,57 USD/Bitcoin - giảm khoảng 200 USD so với phiên ngày 25/10. Trước đó, Bitcoin rớt xuống mức thấp 5.374,60 USD trước khi hồi phục lên hơn 5.700 USD. Sự sụt giảm này chủ yếu là do sự kiện "phân chia cứng" (Hard fork) đã xảy ra hôm 23/10.

Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số được phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở. Bitcoin xuất hiện và được phân chia hoàn toàn tự động dựa trên các thuật toán và ai cũng có thể sở hữu thông qua việc giải mã các phương trình toán học và đưa ra đáp án, hay còn gọi là "đào".

Khái niệm "đào" trên thực tế là việc Bitcoin được cấp tới các máy tính để trả công cho việc chúng tham gia vào hoạt động xác minh giao dịch và ghi chúng vào một cuốn sổ cái (blockchain). Cuốn sổ này được phân tán trong mạng ngang hàng và sử dụng Bitcoin là đơn vị kế toán. Bitcoin cũng không phải là một đơn vị cụ thể, nó có thể được chia nhỏ hơn nữa tới 100 triệu đơn vị nhỏ hơn gọi là Satoshi, được đặt tên theo người sáng lập.

Là một hệ thống phân cấp, Bitcoin không có bên thứ ba nào đứng ra làm trung gian điều khiển. Thao tác "đào" cũng chính là việc giúp xác nhận giao dịch từ người này qua người kia, cũng như ngăn chặn hành vi gian lận giao dịch cùng lúc với nhiều người.

Người dùng lưu trữ Bitcoin thông qua ví Bitcoin, là một địa chỉ dài khoảng 27-34 chữ số, dùng để nhận và gửi nó. Không ai biết địa chỉ này gắn với cá nhân nào, tạo nên tính bảo mật đặc trưng của đồng tiền ảo này. Mỗi người có thể tạo nên vô số địa chỉ mà không cần trùng lặp và có thể gửi nhận nhanh chóng bằng máy tính hay ứng dụng trên điện thoại.

>> Hội thảo 'Bitcoin và tiền điện tử' cùng FSB

Dương Việt Anh

Ý kiến

()