Chúng ta

Chủ tịch FPT IS: 'Tôi mơ giấc mơ về hợp đồng 100 triệu USD'

Chủ nhật, 27/9/2015 | 09:29 GMT+7

Ngay trong giờ phút vui mừng giành được hợp đồng lịch sử tại Bangladesh, "thuyền trưởng" FPT IS Đỗ Cao Bảo tiếp tục mơ về một đỉnh cao mới - hợp đồng 100 triệu USD. Theo anh, điều này sẽ hiện thực và "trong tầm tay với" hơn giấc mơ về hợp đồng vài chục triệu USD đặt ra 7 năm trước đó.

IMG-0002_1443086383_1443086394.jpg

Sau IVAS, Chủ tịch FPT IS tiếp tục mơ giấc mơ về gói thầu trị giá 100 triệu USD. 

Chúng ta có cuộc trò chuyện với anh Đỗ Cao Bảo về gói thầu kỷ lục, kế hoạch và dự định của FPT IS trong công cuộc toàn cầu hóa.

- Cách đây 7 năm, thời điểm FPT IS trúng thầu kỷ lục cho ngành Thuế Việt Nam, anh đã nói đến giấc mơ làm tổng thầu ở nước ngoài, với giá trị lên tới hàng chục triệu USD. Đến nay, giấc mơ ấy trở thành hiện thực ở một quốc gia khác, với giải pháp đã thành công ở Việt Nam. Cảm xúc của anh thế nào?

- Giấc mơ và khát vọng trở thành hiện thực thì với bất cứ ai khi ấy đều ở trạng thái lâng lâng, sung sướng và tràn ngập hạnh phúc. Tối ngày 16/9, hợp đồng chính thức được ký kết nhưng chúng ta đã nhận được tin thắng thầu vào lúc 11h đêm ngày 22/8. Ngay sau khi nhận được tin, chúc mừng nhau xong, Trần Phong Lãm, TGĐ IS FPS, nói: "Làm sao mà ngủ được nhỉ, phải đi đâu đó ngồi với nhau uống chén rượu mừng chứ!". Thế là chúng tôi gần 20 người cùng nhau chạy đến quán ăn đêm của Khách sạn Hà Nội, ngồi với nhau để chia sẻ và nhân lên niềm vui.

Ngay trong giờ phút ấy, tôi lại tiếp tục một giấc mơ khác: Giấc mơ hợp đồng 100 triệu USD, mà giấc mơ này có vẻ còn hiện thực hơn giấc mơ hợp đồng mấy chục triệu USD cách đây 7 năm.

- Theo anh, đâu là những lý do tiên quyết giúp FPT IS giành được hợp đồng?

- Vượt qua 5 nhà thầu quốc tế đến từ những quốc gia phát triển, có nước thuộc Top G7, FPT IS đã hội tụ được rất nhiều yếu tố để có thể chiến thắng tại thầu IVAS lần này.

Trước tiên phải kể đến khát vọng toàn cầu hóa, đưa trí tuệ Việt Nam ra đấu trường quốc tế ngày càng mãnh liệt. Khát vọng này đang lan tỏa mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo cho đến từng chuyên gia, cán bộ và cả những khách hàng, đối tác thân thiết của FPT IS. Bên cạnh đó là nền tảng năng lực, bao gồm tri thức, hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm triển khai đang ngày càng được tích lũy dày hơn trong hơn 20 năm sát cánh cùng ngành Thuế và Bộ Tài chính Việt Nam; Sự tin cậy của các đối tác thân thiết, được xây dựng qua nhiều năm hợp tác uy tín với đơn vị. Trong thầu IVAS này, SAP đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc giới thiệu và hỗ trợ FPT IS suốt quá trình đấu thầu.

Ngoài những yếu tố trên, không thể không nhắc đến sự nỗ lực và tập trung cao độ của toàn thể đội ngũ làm hồ sơ thầu, các chuyên gia tư vấn, anh em onsite tại thị trường, các ban chức năng cũng như sự tham gia trực tiếp, sâu sát của lãnh đạo các FPT ISx. Đơn vị đưa ra được giải pháp không chỉ tốt mà còn phù hợp với thực tế và yêu cầu của khách hàng, đồng thời bỏ giá thầu cạnh tranh. Đó là rất nhiều lý do giúp FPT IS giành được hợp đồng lịch sử.

IMG-0083-JPG_1443086268_1443086297_14430

Chủ tịch FPT IS Đỗ Cao Bảo (đứng giữa) trong lễ ký kết hợp đồng lịch sử.

- Để đạt được gói thầu này, 50 CBNV đến từ các đơn vị FPT IS FPS, FPT Global... đã trực tiếp tham gia đánh trận trong hơn hai năm. Anh có thể chia sẻ thêm về quãng thời gian đó?

- Trong suốt hai năm, kể từ khi được giới thiệu bởi SAP và tham gia đấu thầu lần đầu, toàn bộ đội dự án đã rất nỗ lực để vừa nghiên cứu, viết hồ sơ thầu để đưa ra giải pháp tốt nhất, vừa tìm kiếm, đàm phán với các nhà cung cấp tại địa phương, để có được giá tốt và đảm bảo chất lượng khi triển khai. 

Khi thầu mở giai đoạn một, FPT IS phải đối mặt với 14 đối thủ tham gia mua thầu. Tuy nhiên, đề bài đặt ra mang tính ước lệ, thiếu rõ ràng. Ban lãnh đạo FPT IS nhận định khả năng khách hàng có thể phải hủy thầu nên đã đưa ra phương án chuyển hướng tập trung vào giai đoạn chào thầu sau.

Đúng như dự đoán, thầu giai đoạn một bị hủy và mở lại giai đoạn 2 với đề bài rõ ràng hơn, quy mô mở rộng hơn. Lúc này, toàn thể đội làm thầu dồn tổng lực vào để xây dựng giải pháp tốt nhất, phù hợp nhất, không hề thua kém các đối thủ quốc tế. Cùng với đó là công cuộc đàm phán căng thẳng, làm việc chi tiết với các nhà thầu địa phương. Vượt qua rất nhiều trở ngại về khác biệt văn hóa, thông lệ, sự thay đổi liên tục của khách hàng, Ban lãnh đạo FPT IS cùng toàn thể đội làm thầu cuối cùng đã hoàn thành hồ sơ thầu và giành chiến thắng.

- Nhận được tin thắng thầu kỷ lục, rất nhiều lời chúc mừng gửi đến nhưng cũng không ít lo ngại về sự thành công của IVAS khi đi vào triển khai. Cá nhân anh có tin tưởng vào năng lực của FPT IS khi thực hiện dự án này?

-  Với những yếu tố hội tụ đã giúp FPT IS thắng thầu như đã chia sẻ ở trên, cùng với những gì FPT IS đang thể hiện tại các dự án khác ở nước ngoài, tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng thành công của dự án. Cả hai dự án triệu đô lớn là Hệ thống quản lý ngân sách và kho quỹ cho Chính phủ Hoàng gia Campuchia (FMIS trị giá xấp xỉ 10 triệu USD) và Hệ thống Thuế thu nhập cho Tổng cục Thuế Bangladesh (BITAX trị giá 6,6 triệu USD), FPT IS đều đang triển khai tốt, đạt được các mốc thời gian, đạt được yêu cầu chất lượng và đã hoặc đang chuẩn bị go live trong thời gian tới.

- Dự án IVAS thành công sẽ mang lại những lợi ích gì cho ngành Thuế của Bangladesh, thưa anh?

- IVAS thành công sẽ giúp Tổng cục Thuế và Chính phủ Bangladesh quản lý số hóa thuế gián thu từ khâu đăng ký, khai báo cho đến thu thuế, thanh tra, giám sát, đi cùng với đó là các công cụ tổng hợp, phân tích, hỗ trợ ra quyết định. Từ đó, IVAS hoàn thiện sẽ góp phần giúp Chính phủ Bangladesh thực hiện kế hoạch nâng số tiền thu thuế VAT từ 4,5 tỷ USD (chiếm 3,7% GDP) năm 2014 lên 8 tỷ USD  (4,5% GDP) vào năm 2020, đóng góp thêm vào ngân sách quốc gia Bangladesh.

- Có người nói, thầu FMIS ở Campuchia là bước tiến nhưng IVAS mới là cuộc nhảy vọt của FPT IS trên con đường toàn cầu hóa. Anh bình luận thế nào về nhận định này?

- Về giá trị thì IVAS đúng là bước nhày vọt của FPT IS vì nó gấp hơn 3 lần FMIS, nhưng về hệ thống CNTT đôi khi giá trị hợp đồng không phải là tất cả. FMIS là hệ thống cấp phát ngân sách và kho bạc của một quốc gia, IVAS là hệ thống thuế VAT của một quốc gia (chỉ là một sắc thuế trong hơn chục sắc thuế khác nhau). Trên phương diện quốc gia thì bài toán FMIS có quy mô và tầm quan trọng cao hơn bài toàn thuế VAT. Tất nhiên còn một yếu tố nữa là dân số của Bangladesh là 156 triệu dân còn dân số của Campuchia chỉ có 17 triệu dân.

- Năm 2008, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng gọi dự án hệ thống quản lý Thuế VAT mà FPT IS triển khai là nhiệm vụ quốc gia. Vậy với dự án kỷ lục này, anh đặt cho FPT IS thực hiện nhiệm vụ và sứ mệnh gì?

- Ngay trong tối 16/9, trong bữa tối tại căn hộ cho thuê của đội dự án Income Tax, tôi có nói với toàn thể các bạn FPT IS có mặt ở Dhaka rằng: Chúng ta phải thấy tự hào vì chúng ta là những người đã xây dựng nên hệ thống CNTT lớn nhất Bangladesh cũng như lớn nhất Việt Nam. Vinh dự này không phải ai cũng có. Chúng ta phải triển khai thành công. Chúng ta cần tiếp tục duy trì khát vọng toàn cầu hóa, khát vọng mang trí tuệ Việt ra thế giới. Nhất định chúng ta sẽ thắng nhiều thầu lớn hơn nữa.

- Anh từng chia sẻ rằng dự án IVAS là quả ngọt tích lũy được của FPT IS sau gần 20 năm sát cánh cùng Bộ Tài chính và ngành Thuế Việt Nam. Vậy trong 20 năm ấy, FPT IS đã triển khai những dự án nổi bật nào và tích lũy được kinh nghiệm ra sao?

- Nhìn lại lịch sử, Bộ Tài chính và Ngành Thuế không chỉ là khách hàng mà thực sự còn là những người truyền lửa, trao cơ hội học hỏi, tích lũy kinh nghiệm cho FPT IS. Từ những giải pháp nhỏ lẻ cho ngành thuế ban đầu cho các sắc thuế như thuế nông nghiệp, thuế công thương, thuế VAT, thuế nhà đất cho đến thuế thu nhập cá nhân và thuế tích hợp, FPT IS đều được trao cơ hội để nghiên cứu, triển khai. Bên cạnh đó là những dự án triển khai cho Kho bạc, giải quyết các bài toán về kế toán, liên kho bạc, thanh toán tập trung, kế toán nội ngành. Với Hải Quan, FPT IS triển khai hệ thống thông quan điện tử, sản phẩm VNACCS/VCIS. Với Bộ Tài chính đó là dự án Hệ thống quản lý ngân sách và kho bạc - TABMIS.

Nhờ có những dự án đó mà FPT IS xây dựng được một đội ngũ từ chuyên gia kỹ thuật, phát triển ứng dụng cho đến các quản trị dự án am hiểu nghiệp vụ thuế, hải quan, kho bạc, thành thạo các giải pháp của hãng và linh hoạt trong phối hợp với khách hàng.

- Thành công ở Campuchia và Bangladesh là hai dấu ấn trong mảng tài chính công. Vậy với những mảng viễn thông, ngân hàng…, FPT IS có kế hoạch gì để đẩy mạnh toàn cầu hóa?

- Bên cạnh các dự án về Cấp phát ngân sách - Kho bạc và Thuế, hiện tại FPT IS đang dự thầu và chuẩn bị dự thầu nhiều dự án trong lĩnh vực ERP, Điện, Năng lượng, Cấp thoát nước, Giao thông, Viễn thông, Ngân hàng… Tôi hy vọng rằng trong thời gian tới chúng ta tiếp tục có thêm nhiều tin thắng thầu.

- Ngoài Bangladesh, dự định những thị trường quốc tế nào sẽ tiếp tục được FPT IS chinh phục trong thời gian tới?

- Hiện tại, ngoài Bangladesh, FPT IS tham gia những cơ hội đấu thầu tại nhiều quốc gia như Philippines, Senegal, Sri Lanka, Pakistan, Nepal, Campuchia, Lào, Myanmar. Kinh doanh không thể nói trước nhưng tôi tin tưởng thời gian tới, FPT IS và FPT sẽ còn tiếp tục đón nhận những tin vui từ nước ngoài.

- FPT IS đang kỳ vọng doanh thu từ toàn cầu hóa sẽ đóng góp cho FPT khoảng 200 triệu USD. Với những kết quả hiện tại, anh nghĩ là đến khi nào FPT IS sẽ chinh phục được kết quả đó? 

- Kinh doanh có rất nhiều yếu tố bất ngờ: cả thuận lợi lẫn khó khăn, nên rất khó nói chắc chắn được điều gì. Chỉ biết rằng hiện các dự án/thầu FPT IS đang theo đuổi ở thị trường Global có giá trị lên đến 800 triệu USD. Trong chiến lược kinh doanh của FPT IS thì mục tiêu doanh thu Toàn cầu hóa năm 2018 là 200 triệu USD.

Dự án IVAS dự kiến được FPT IS triển khai trong vòng 12 tháng và bảo hành, bảo trì trong 5 năm tiếp theo. Các kỹ sư công nghệ của FPT IS sẽ triển khai toàn bộ giải pháp phần mềm, hạ tầng và dịch vụ quản lý cho hơn 320 cơ quan thuế địa phương của cơ quan thuế Bangladesh. Từ trước đến nay, do hạn chế ứng dụng CNTT nên việc quản lý thuế gián thu trong đó có thuế VAT của Chính phủ Bangladesh gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu đúng, thu đủ thuế, tổng hợp thống kê số liệu.

Dự kiến khi IVAS đi vào hoạt động sẽ giúp cơ quan Thuế quản lý số hóa thuế gián thu từ khâu đăng ký, khai báo cho đến thu thuế, thanh tra, giám sát, đi cùng với đó là các công cụ tổng hợp, phân tích, hỗ trợ ra quyết định. Đồng thời hỗ trợ Chính phủ Bangladesh áp dụng Luật thuế VAT mới vào năm 2016. Nhờ đó, IVAS sẽ góp phần giúp chính phủ nước này thực hiện kế hoạch nâng số tiền thu thuế VAT từ 4,5 tỷ USD (chiếm 3,7% GDP) năm 2014 lên 8 tỷ USD (4,5% GDP) vào năm 2020.

Bình Nguyên thực hiện

Ý kiến

()