Chúng ta

'Chỉ ra nước ngoài mới đạt mức tăng trưởng cao'

Thứ năm, 29/12/2016 | 17:54 GMT+7

‘Chỉ có ra nước ngoài thì mới đạt mức tăng trưởng 30% trở lên vì thị trường phần mềm sáng tạo thế giới rất rộng, vấn đề là bạn có niềm tin, có quyết tâm không. Cơ hội và thành công chỉ đến với những người dũng cảm", Chủ tịch FPT nhấn mạnh.

Chia sẻ tại buổi toạ đàm Doanh nghiệp ICT vươn ra thế giới diễn ra ngày 28/12, do Câu lạc bộ nhà báo ICT Press tổ chức tại Hà Nội, anh Bình rút ruột kể về quyết định “toàn cầu hoá” khi mà chẳng hiểu thế nào là toàn cầu hoá. “19 năm trước, khi FPT kỷ niệm 10 năm thành lập đã quyết định toàn cầu hóa, làm băng-rôn to đỏ treo từ tầng 4 đến tầng 1, viết là toàn cầu hóa, dù thực ra chẳng hiểu thế nào là toàn cầu hóa”, Chủ tịch FPT trải lòng.

ictpress-1-1482974775270-3995-1483001447

"Cơ hội đến từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ xu hướng IoT cho phép mọi công ty nhỏ của Việt Nam có thể tham dự, thay vì quan niệm trước đây phải công ty trên 50 người mới tính chuyện ra nước ngoài", Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhận định. Ảnh: ICT Press.

Anh Bình cho hay, động lực ra quốc tế của FPT được thôi thúc bởi lời khuyên của một tham tán của Sứ quán Nhật, với lời mách: FPT nên sang thị trường Ấn Độ. Khi đó, người FPT học theo Infosys, TATA. Thậm chí, ông Phó Chủ tịch TATA gần như cầm tay chỉ việc, từ tuyển nhân viên đến thi cử, chất lượng.

“Đến hôm nay, năng lực Việt Nam được khẳng định. Ngoài chuyện cạnh tranh trực tiếp với TATA, Infosys, về xếp hạng, riêng FPT ở Nhật cũng được xếp top dưới 50. Nếu cộng cả FPT, riêng mảng xuất khẩu phần mềm so với Ấn Độ ở Top 15”, Chủ tịch FPT hào hứng và thông tin, hồi tháng 11, doanh thu của FPT Software đã cán mốc 200 triệu USD.

Theo người đứng đầu FPT, điểm đáng tiếc là doanh nghiệp Việt không có niềm tin bởi từng có nhiều người nói rằng ra nước ngoài là chém gió. Thậm chí, quản lý các công ty trong ngành đã rất cẩn trọng và tâm niệm thôi cứ kệ những người tiên phong thử, nếu họ thành công thì mình sẽ làm, còn không thành công thì một mình họ chết.

“Khi hỏi về tốc độ tăng trưởng ở một số doanh nghiệp CNTT, có nơi nói 5%, 10% có nơi 30%, thậm chí 300%. "Tôi hỏi, mức 5% có phải bạn vẫn ở Việt Nam, còn mức 30% là từng đưa sản phẩm ra nước ngoài đúng không. Chỉ có ra nước ngoài thì mới đạt mức tăng trưởng lớn như vậy vì thị trường phần mềm sáng tạo thế giới rất rộng, vấn đề là bạn có niềm tin, có quyết tâm không. Cơ hội và thành công chỉ đến với những người dũng cảm", Chủ tịch FPT nhấn mạnh.

Đề cập đến start-up Việt đang vươn ra thị trường nước ngoài, anh Bình cho hay, công thức chung hiện tại là “phải mạo hiểm, quyết tâm và gạt qua nỗi sợ hãi trước những khách hàng biết quá nhiều”.

Đồng quan điểm, TGĐ Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chính việc nghèo hơn, thiếu thốn hơn các đối thủ đã tạo ra khát khao lớn hơn và mang lại thành công cho Viettel khi tiến ra thị trường nước ngoài.

"Đối với chúng tôi, những gì được xem là dở tệ nhất của người Việt Nam khi ra nước ngoài lại chính là thế mạnh. Nghèo là thứ khiến chúng ta tự ti nhất từ trước đến nay, nhưng chúng tôi coi nghèo cũng chính là một thế mạnh. Viettel thành công ở nước ngoài chính vì nghèo. Các đối thủ của chúng tôi tới từ cường quốc như Anh, Mỹ, Pháp, Na Uy...

Viettel nghèo nhất về mọi phương diện: sinh ra ở một nước nghèo, vốn ít. Nhưng nghèo chính là sức mạnh vì từ đó, chúng ta có khát khao lớn hơn. Ngoài ra, vì nghèo nên khi làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng cố gắng bỏ ra chi phí thấp nhất.

ictpress-3-1482974775276-8200-1483001447

Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khi bị đẩy vào thế khó, vào "chỗ chết" thì người Việt Nam mới bứt phá. Ảnh: ICTPress.

Không có kỷ luật cũng là một điểm yếu khác của người Việt Nam. "Tuy nhiên, từ đó yếu tố linh hoạt được đẩy lên cao tối đa", ông Hùng cho hay.

Ông Hùng so sánh, một công ty Mỹ nếu muốn xâm nhập thị trường như Haiti ở châu Phi sẽ phải mất một năm để làm quen từ văn hóa, ngôn ngữ, cách ăn uống, sinh hoạt, trong khi người Việt Nam sang những thị trường này xây dựng bộ máy từ bàn tay trắng. "Tôi đem máy bay thả hắn xuống. Hắn phải tự lo mọi vấn đề dù không biết tiếng. 6 tháng sau quay lại, tôi bất ngờ thấy hắn chỉ huy 100 người bản địa, nói tiếng bản địa", ông Hùng kể câu chuyện về một nhân viên của mình và khẳng định đó chính là sức mạnh của người Việt Nam.

"Trong trường hợp này, những người 'pro' (chuyên nghiệp) nhất cũng không làm được. 'Pro' chỉ tốt khi nằm trong một tổ chức ổn định, còn mình là tổ chức khởi tạo. Thế giới biến động nhanh tới mức không thể lường trước, linh hoạt chính là điểm mạnh của người Việt Nam", ông Hùng nói.

Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn ra nước ngoài, ông Hùng cho rằng các doanh nghiệp không nên đóng khuôn một công thức thành công nào cả, cũng đừng quá chú trọng đến vấn đề kỹ thuật hay công nghệ.

"Điểm mấu chốt là xác định nhu cầu và giải quyết nhu cầu. Chỉ cần một sản phẩm nhỏ nào đấy nhưng xuất sắc, chúng ta hoàn toàn có thể đi ra thế giới. Xuất sắc nghe thì kinh khủng nhưng thực ra rất đơn giản, chỉ cần chúng ta phục vụ đúng khách hàng", ông Hùng chia sẻ. "Đừng quá chú trọng việc nghiên cứu thị trường. Hãy làm cho mình thỏa mãn. Mình có nỗi đau và giải quyết được thì xã hội cũng sẽ có lợi”.

>> FPT Software là quán quân công ty IT về văn hóa doanh nghiệp

Chi Vy

Ý kiến

()