Chúng ta

Vàng giả, vàng thật

Thứ ba, 17/3/2015 | 14:58 GMT+7

Hồi cấp 3 đi học, thầy giáo tôi - thầy Phong ở trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) - là người nổi tiếng nghiêm khắc ở trường. 

Trong bất kỳ giai thoại nào về những thầy cô “hắc xì dầu” nhất trường, đều có tên thầy. Và trong một buổi sinh hoạt lớp, thầy có giải thích cho chúng tôi lý do vì sao thầy nghiêm khắc với học sinh. Thầy bảo: “Bố mẹ các em mất rất nhiều công sức để nuôi dạy các em, cũng giống như việc tích cóp cả đời để mua vàng. Nếu thầy không nghiêm khắc dạy thì sau này các em không nên người. Khi đó, bố mẹ các em sẽ rất buồn vì mua phải vàng giả”.

Bài học này của thầy, dù đã ra trường nhiều năm, tôi vẫn không quên và cố gắng học tập, lao động tốt để bố mẹ tôi không buồn vì “mua phải vàng giả”. Và chắc chắn, bất kỳ bậc sinh thành nào cũng có mong muốn như vậy.

Trong nhiều năm qua, các phương tiện truyền thông đăng tải thông tin về việc đổi mới, cải cách giáo dục. Nhưng có vẻ càng cải tiến thì càng… lùi vì học sinh càng ngày càng phải đi học thêm nhiều. Kiến thức được học nhiều nhưng các kỹ năng sống lại chẳng có. Và đã từng có chuyên gia nhận định: “Giáo dục Việt Nam đang đi ngược với thế giới”. Tại sao vậy?

Tôi cho rằng, việc chuyên gia kia nhận định khá là "shock" nhưng thật. Vì tư duy của người làm quản lý giáo dục đang bị đi vào lối mòn và càng đi thì càng giống lạc vào mê cung.

Nếu ai đó có điều kiện tìm hiểu chương trình học của các học sinh trường quốc tế tại Việt Nam sẽ thấy nặng hơn chương trình học của Việt Nam khá nhiều nhưng những kiến thức học lại rất thực tế. Ngay từ lớp học cấp dưới, các em học sinh đã được rèn luyện cách tư duy, giải quyết vấn đề. Thầy cô giáo là người hướng dẫn, gợi ý các phương án để học sinh tìm được phương án tối ưu.

Ngoài những giờ học trên lớp, học sinh được làm các thí nghiệm, tự đọc sách, tìm hiểu kiến thức xung quanh trong các buổi học ngoại khóa. Mỗi học sinh phải học chơi một nhạc cụ và người đánh giá kết quả là các bạn trong lớp (khác với Việt Nam là cô giáo đánh giá). Liệu có bao nhiêu sinh viên đại học có thể viết được một bài luận (essay) dài hơn 20 trang tiếng Việt mà không copy của người khác? Không nhiều. Nhưng một học sinh lớp 9 của trường quốc tế đã “nuốt ngon lành” bài essay dài hơn 20 trang và hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Ở nước ngoài, đến 18 tuổi, thanh niên sẽ có xu hướng rời xa sự bao bọc của bố mẹ một cách chủ động. Họ tự đi kiếm việc làm thêm để trang trải học phí và cuộc sống riêng của mình, thay vì phụ thuộc vào gia đình. Dù thành công hay thất bại thì họ cũng hoàn toàn chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Tại sao vậy? Phải chăng cách mà những người quản lý giáo dục tư duy đã hình thành nên cách tư duy, giải quyết vấn đề của chính mình.

Người Tây thích học theo kiểu: “Tại sao lại thế? Dùng công cụ đó như thế nào?”. Người Ta thích học theo kiểu: “Học cái gì?”, “Dốt đến đâu học lâu cũng biết”.

Người Tây thích giải quyết vấn đề bằng năng lực cá nhân và trí tuệ tập thể. Người Ta thích giải quyết vấn đề bằng mối quan hệ với “anh này, chú kia”.

Người Tây thích sáng tạo và tôn trọng những ý tưởng mới. Người Ta không thích sáng tạo và thích làm theo những gì có sẵn.

Người Tây thích vàng thật, có thể nhìn không đẹp nhưng giá trị. Người Ta, hình như thích vàng giả nhưng trông long lanh, mong manh và dễ vỡ.

Tuấn Bùi

Ý kiến

()