Chúng ta

Thoát ly

Thứ tư, 27/4/2016 | 08:26 GMT+7

Chẳng hiểu sao, lo lắng của tiến sĩ Phạm Chi Lan: "Đi định cư ở nước ngoài cả, đất nước này ai xây dựng đây", lại thành chủ đề của câu chuyện bên bàn nhậu. Trước đó ít ngày, đại biểu Quốc Hội Trương Trọng Nghĩa cũng phát biểu: “Tại sao trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân giỏi muốn bỏ nước ra đi?”.

Nhân dịp có bố ngoài quê vào chơi, bạn tôi mời mấy đứa thân đến nhậu, cầy tơ với rượu đế. Cụ ông tên là Phạm Văn Sang, năm nay đã 87 tuổi, nhưng vẫn còn khỏe mạnh, nhậu vô tư, không kém gì đám con cháu.

Chẳng hiểu sao, lo lắng của tiến sĩ Phạm Chi Lan: "Đi định cư ở nước ngoài cả, đất nước này ai xây dựng đây", lại thành chủ đề của câu chuyện bên bàn nhậu. Trước đó ít ngày, đại biểu Quốc Hội Trương Trọng Nghĩa cũng phát biểu: “Tại sao trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân giỏi muốn bỏ nước ra đi?”.

Một đứa bạn vốn là giáo viên dạy quản trị kinh doanh đã nhanh chóng giới hạn chủ đề thảo luận bằng ba nhân vật cụ thể, là những người thuộc tầng lớp tinh hoa của đất nước, nói ra ai cũng biết.

1. Nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn.

2. Giáo sư vật lý Đàm Thanh Sơn.

3. Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu.

Với các câu hỏi:

- Vì sao họ không về nước làm việc?

- Họ có yêu nước không?

- Những cánh chim đầu đàn không về nước, ai sẽ xây dựng nền âm nhạc Việt Nam, ai sẽ xây dựng ngành vật lý Việt Nam, ai sẽ xây dựng ngành toán học Việt Nam?

Cuộc thảo luận diễn ra khá sôi nổi với các ý kiến trái chiều.

Đa số các ý kiến cho rằng "họ tuy là những nhân vật tài năng xuất chúng, nhưng ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân, không quan tâm gì đến đất nước".

Một số ý kiến khác vẫn dành niềm tin cho các tinh hoa đất nước. "Tôi đọc các bài viết của giáo sư Ngô Bảo Châu. Tôi thấy giáo sư là người yêu nước. Giáo sư là người sinh ra trong chiến tranh, nên chắc không phải người chạy trốn đất nước vì an ninh an toàn của bản thân. Dù được đất nước chào đón và cam kết tạo điều kiện làm việc tốt, nhưng có thể, giáo sư biết mình cũng chưa giúp gì được nhiều cho nền toán học Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Ngược lại, từ nước ngoài, giáo sư có thể giúp được nhiều hơn cho công tác nghiên cứu và đào tạo trong nước"...

Cụ ông Phạm Văn Sang ngồi nhâm nhi, lắng nghe con cháu tranh luận. Tới hồi gay cấn, ông mới vuốt chòm râu thưa, có ý kiến tham gia:

- Chuyện nước ông không biết thế nào, chứ chuyện làng thì ông rõ. Nhà ai có con cháu thoát ly được, là cả họ mừng.

- Vì sao vậy?

- Làng ông đất chật người đông. Đi bớt người nào là nhà cửa rộng ra được chừng ấy. Những người còn lại cũng có nhiều ruộng vườn hơn để tăng gia.

- Nhưng thanh niên thoát ly hết thì việc làng ai lo?

- Ôi giời, con chị nó đi con dì nó lớn. Ở làng ông, cái gì cũng thiếu, chỉ không thiếu người thôi.

- Nhưng người đi thoát ly toàn người tài giỏi?

- Không giỏi làm sao thoát ly được? Ông có vẻ ngạc nhiên hỏi lại.

- Họ không quay về thì sao?

- Họ có quê hương, họ không quay về, thì bản thân họ thiệt thòi, chứ còn sao nữa.

Cả đám há hốc mồm, nửa tiếng sau vẫn chưa ngậm lại được, vì nghĩ lại, tất cả chúng tôi đều là những đứa thoát ly từ làng quê năm xưa!

Ôi, tưởng tiến sĩ Phạm Chi Lan nói chuyện thiên hạ, hóa ra là nói chuyện của chính mình.

Hoàng Minh Châu

Ý kiến

()