Chúng ta

Thang máy chốn văn phòng

Thứ ba, 25/4/2017 | 16:39 GMT+7

“Trời ơi! Để tôi ra khỏi rồi các người hãy vào", tôi như muốn gào lên khi thang máy tầng trệt vừa mở lập tức có đến 3 người chen vào.

Họ đã đứng dàn hàng ngang ngay cửa từ trước đó. Họ như những tay đầu gấu chuyên đòi nợ thuê đang đợi con mồi. Tôi đã kịp trấn tĩnh bởi có gào lên cũng chả tác dụng gì. Và tôi kịp nhận ra một trong 3 người đó là người phụ trách đào tạo của một công ty thành viên. Dường như anh ấy nhận thấy nét mặt thất thần đầy ngạc nhiên của tôi. 

Dù làm ở tầng cao nhất của tòa nhà Tân Thuận (quận 7, TP HCM) nhưng 99% những lần di chuyển của tôi, cả đi lẫn về, là bằng thang bộ. Hiếm lắm mới dùng thang máy, ví như những dịp sự kiện phải lên xuống nhiều. Sáng nay, do đầu giờ phải khoác máy khá nặng đi sự kiện, thấy thang trống xuống tầng trệt đón người đi làm lên giờ cao điểm nên tôi mới chọn thang máy. Nhưng cảm xúc thật tồi tệ về văn minh nơi công cộng.

Quay lại nhóm đồng nghiệp kia, họ có hai điểm sai. Thứ nhất là đứng dàn hàng ngang trước thang máy trong khi quy tắc là họ đứng bên phải, nơi có bảng điều khiển thang. Nếu bên trong đông người, họ chỉ cần giữ nút gọi, thang máy cũng không di chuyển được nếu bạn chưa buông nút ấy ra. Và cái sai tiếp theo là họ phải đợi người cuối cùng trong thang ra (sáng nay có mình tôi) rồi hãy bước vào.

Sau khi xong việc, buổi chiều, tôi chia sẻ câu chuyện trên trang cá nhân. Nhân dịp, hàng loạt bức xúc của các đồng nghiệp cũng được dịp ‘tố’. Đại diện Ban quản lý toà nhà còn cho rằng cần phải mở lớp về văn minh công sở. Là người có dịp đi rất nhiều toà nhà FPT, tôi nghĩ đó là câu chuyện chung, không chỉ là văn hoá sử dụng thang máy.

Những quy tắc văn minh công cộng dùng để ứng xử với nhau và chỉ cần chệch hướng, người khác có thể sẽ đánh giá bạn. Chỉ riêng đi thang máy đã có một chuỗi quy tắc: đứng đợi, vào trước - sau, quản lý bảng điều khiển, giữ yên lặng, di chuyển khi có người bên trong đi ra…Văn hóa sử dụng thang máy không có gì to tát, chỉ là một chút ý thức.

Nhưng như một đồng nghiệp bình luận, đây là thực trạng chung bởi trước đây không có trường lớp nào dạy những kỹ năng này. Đúng thế, tôi cũng chưa từng được học; và tất nhiên tôi cũng hành xử hồn nhiên kiểu “mình thích thì mình làm thôi”. Tôi biết quy tắc này, và nhiều hơn thế, là nhờ thời gian làm biên dịch sách cho First News - công ty cũ. Nhớ nhất là cuốn The Essential 55: An Award-Winning Educator's Rules For Discovering the Successful Student in Every Child của ông thầy Ron Clack với hàng loạt kỹ năng mới mẻ, hiện đại.

Quay lại chuyện ban đầu. Có người chất vấn tại sao tôi không góp ý riêng từng người mà lại chia sẻ câu chuyện trên trang cá nhân. Tôi cho rằng đây là thực trạng chung chứ không phải câu chuyện cá biệt. Bằng chứng là nếu bạn đang làm việc tại toà nhà Cầu Giấy, Tân Thuận hay F-Town, bất kỳ lúc nào đứng từ xa quan sát thang máy cũng có thể bắt gặp hình ảnh này. Nếu muốn trải nghiệm cảm giác của tôi, hãy đi thang máy từ trên xuống tầng trệt trong giờ cao điểm để cửa thang mở ra và nhìn thấy nguyên đội bóng đang xếp hàng trước cửa trực chờ nhào vô.

Tôi muốn nêu vấn đề rộng hơn, không chỉ dừng lại ở văn hoá thang máy, mà là văn minh công sở: từ việc gửi xe; di chuyển cầu thang, cả thang máy lẫn thang bộ; trong nhà vệ sinh, nơi canteen và trong mỗi văn phòng. Hai năm gần đây, các đồng nghiệp thỉnh thoảng thấy tôi chia sẻ hình ảnh về văn minh công sở của tòa nhà Tân Thuận hay F-Town, tất nhiên đa phần là ảnh chưa đẹp. Nhưng trong máy của tôi còn lưu nhiều hơn những gì đã đăng. Tôi có cảm giác trải nghiệm của mình ngày càng tệ hơn về văn minh công sở. Đáng buồn hơn khi FPT đang trong hành trình toàn cầu hóa mạnh mẽ. Không chỉ có khách hàng, đối tác ra vào các tòa nhà, giờ đây chúng ta có rất nhiều đồng nghiệp là người nước ngoài.

FPT liên tục có các khóa học chuyên sâu, nhưng còn thiếu phần văn minh công sở. Vậy nhà F có thể làm gì để cải thiện. Theo tôi, có hai cách. Đầu tiên là bổ sung vào chương trình tân binh. Kế đến, hiện thang máy trong các tòa nhà đều có màn hình quảng cáo. FPT có thể làm các video sinh động chiếu liên tục trên đó sẽ tác động trực tiếp và nhanh nhất đến người dùng. Hay cách đơn giản là hãy hỏi Google!

Đi thang máy không đơn giản chỉ là bước vào, bấm chọn tầng, ung dung rút điện thoại tự sướng rồi chờ đến khi thang mở và bước ra. Thang máy xuất phát từ phương Tây, và cách sử dụng nó như một nét văn hóa. Hơn thế, văn hóa sử dụng thang máy như là thước đo văn minh ứng xử của mỗi người trong xã hội.

Nguyên Văn

Ý kiến

()