Chúng ta

Sao lại thế được?

Thứ ba, 27/11/2012 | 10:22 GMT+7

"Bất kỳ lúc nào bạn cũng nên cảm ơn cuộc sống vì mình còn đang hít thở" - Câu nói này nghe thật nhàm tai và sáo rỗng, cho đến khi bạn đang chán đời vì những điều vụn vặt và đột nhiên được đặt cạnh một người mới phát hiện ra mình mắc bệnh hiểm nghèo.

Họ thì sắp lâm nguy, còn bạn thì đáng chết luôn đi vì những dằn vặt nhảm nhí của mình.

Kể ra thì nói câu trên sáo rỗng cũng chẳng sai. Chẳng ai hiểu tường tận nỗi buồn của người khác. Chẳng ai biết tận cùng tâm trạng người khác. Cho đến khi chính họ gặp tình cảnh đó.

Cái mà chúng ta thường xúc động, thương cảm, hay khóc lóc, chỉ là thói giả định. Nỗi cảm thông sâu sắc đến đâu, phụ thuộc vào khả năng giả định cao chừng nào. Có hai kiểu giả định. Đặt ta vào vị trí của họ và tưởng tượng ra tình cảnh bi đát để rồi tự bản thân làm mình xúc động. Hoặc, ta giả định đến những mất mát lớn nhất mà người gánh chịu là ta, như ta mất đi họ chẳng hạn, và ta cũng tự xúc động vì mất mát đó.

Câu chuyện cổ tích tốt nhất sẽ là, ngay khi tự thức tỉnh mình và biết quý trọng hiện tại của bản thân, thì người thức tỉnh ta kia đồng thời cũng khỏi bệnh, thoát khỏi tình trạng hiểm nghèo, hoặc bất ngờ "chẳng sao nữa lại còn rất vui". Happy ending đến y như Doremon có bánh rán ăn còn Nobita cưới được Xuka.

Nhưng chẳng bao giờ có câu chuyện cổ tích nào cả.

Và cái đáng ghét nhất là cơn bất bình: "Sao lại có thể thế được?" Khi mà những nhân vật chính đã luôn cố gắng, đã rất nhẫn nại và đã nỗ lực nhiều hơn có thể, chỉ để "thật bình thường và hạnh phúc" thì happy ending mãi vẫn mất hút còn phù thủy với quái vật thì cứ vui chơi nhảy múa hăng say xung quanh.

Điều duy nhất mà những nhân vật bị happy ending mất trí bỏ quên có thể làm với nhau, đấy là: "Sẽ không sao đâu!" và "Cố lên nhé!" hoặc vài câu chuyện lạc quan tếu vui vui.

"Sao lại có thể thế được?".

Thu Nga

Hãy chia sẻ những ý kiến, suy nghĩ của bạn với chuyên mục Góc nhìn tại hòm thư: chungta@fpt.com.vn.

Ý kiến

()