Chúng ta

Nghèo từ tư duy hệ thống

Thứ hai, 7/4/2014 | 10:20 GMT+7

Nhiều lãnh đạo Việt Nam thường vỗ ngực tự hào: Việt Nam có thể nghèo nhưng chúng ta vẫn luôn đạt được nhiều thành tích cao trong các kỳ thi. Nhưng nhắc đến điều đó, phải lật lại vấn đề: “Vì sao giỏi mà vẫn nghèo?”.
> Phụ huynh muốn đổi mới giáo dục / Khác biệt giữa giáo dục Việt Nam và Mỹ

Hồi tôi còn ngồi ở 48 Vạn Bảo (Hà Nội), mỗi lần nhìn sang bên sân trường quốc tế Singapore, thấy học sinh bên đó toàn được chơi. Hầu như chả có lúc nào là vắng tiếng học sinh chơi ngoài sân. Những ngày lễ như Giáng sinh, không phải là thầy cô hay “phủi” ở ngoài về diễn, mà chính là các em học sinh tự đánh đàn, múa hát. Về khoản này, học sinh của các trường Việt Nam “đứt phựt”.

Kể chuyện này với một người bạn đang sống ở nước ngoài, anh chia sẻ: “Điểm khác biệt lớn nhất giữa học ở nước ngoài với Việt Nam chính là cách tư duy để giải quyết vấn đề. Ở các cấp phổ thông, nhà trường không cần học sinh phải học nhiều nhưng đủ và lần lượt. Tức là sau A thì phải đến B. Dù có thi hay không thi thì vẫn phải học đầy đủ. Thành ra, khi gặp vấn đề gì đó, ngay lập tức, anh sẽ phải tư duy tìm nguồn gốc vấn đề ở đâu, liên kết với những gì và hướng giải quyết ra sao. Đến khi học đại học, sinh viên sẽ gần như phải tự nghiên cứu và tìm lời giải cho các đề bài mà giảng viên đưa ra. Hơn nữa, kiến thức chỉ là 50%, phần còn lại chính là thời gian tự học, rèn luyện các kỹ năng sống”.

Vẫn chuyện học ở nước ngoài, ông anh tôi đang sống ở Canada kể chuyện học hành của hai đứa con. Ban đầu thì thấy học dễ thật. Toán lớp 4 ở bên đó chỉ ngang với toán lớp 2 của bên mình. Nhưng càng về sau mới thấy cách học của người Việt thường “chết” khi ra nước ngoài. Ở Việt Nam, thầy cô cho học theo đề cương. Thành ra, những gì thi thì học sinh được học rất kỹ. Ngoài đề thi thì tắc tị.

Tôi vẫn nhớ kỷ niệm khi anh bạn tôi, đã từng được giải quốc gia Toán, mất 20 phút để giải được một bài toán lớp 5. Trong khi cũng bài đó, nếu để một học sinh lớp 5 bình thường thì giải mất 30 giây. Vì sao lại thế? Đơn giản là vì anh bạn tôi không biết dạng bài đó. Có thầy giáo còn nói thẳng với tôi trong một cuộc họp về giáo dục: “Giờ có rất ít học sinh giỏi thực sự mà học sinh giỏi bây giờ là ai nhớ được nhiều dạng bài hơn thôi. Biết dạng thì giải được. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn mà vẫn đỗ đại học - đó mới là học sinh giỏi thực sự”.

Trên các mặt báo luôn nhắc tới việc Việt Nam xếp trên rất nhiều nước có nền giáo dục phát triển trong kỳ thi khảo sát đánh giá kiến thức và kỹ năng của học sinh lứa tuổi 15 trên thế giới (PISA). Thoạt nghe thì tưởng tin vui nhưng khi báo chí nước ngoài phanh phui ra việc Việt Nam ôn luyện món này từ hai năm trước thì chả còn ai thấy vui nữa.

Rồi đến những chuyện hài ra nước mắt, là nghịch lý thấy hằng ngày ở Việt Nam: Học sinh học kiến thức hàn lâm, cao siêu nhưng ra chợ vẫn phải dùng máy tính trong khi người bán rau, không bằng cấp lại tính nhẩm nhoay nhoáy. Những bài văn ngô nghê kiểu “nhà em có nuôi một ông nội” đã thành truyện cười có thật. Những kiến thức lịch sử, văn học kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia trong các bài thi đại học xuất hiện ngày càng nhiều...

Những nhà quản lý giáo dục thì vẫn loay hoay, năm nào cũng cải cách nhưng “mèo lại hoàn mèo”. Ngay từ gốc rễ, các thầy đã không dạy trò cách tư duy, giải quyết vấn đề mà chỉ chăm chăm làm sao ra được kết quả. Thành ra đến khi lớn, con trẻ vẫn giữ thói quen mạnh ai nấy sống, thực dụng.

Và hệ quả tất yếu: Càng cải tiến thì càng… lùi.

  Bùi Minh Tuấn

Ý kiến

()