Chúng ta

Nếu đẹp hết sẽ chẳng phải Hà Nội

Thứ bảy, 10/1/2015 | 12:01 GMT+7

Thủ đô trong tôi từng đẹp đẽ vô cùng. Nhưng tôi lại thấy yêu cái khuyết của nơi này. Bởi nhờ nó mà để người ta nhớ: Đấy là Hà Nội.

Tôi biết Hà Nội bằng những hình ảnh đẹp đẽ từ báo chí. Những khung cảnh lung linh ở Hồ Gươm (dân địa phương hay gọi là Bờ Hồ), vẻ cổ kính trong phố cổ.... Rồi những nét duyên từ thời lịch sử của một cụ già nghìn năm tuổi qua sách giáo khoa như các buổi gặp lịch sử giữa các nguyên thủ, nơi vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt an giấc nghìn thu... Và hơn nữa là chuẩn mực về một người Hà Nội "chuẩn": Thanh lịch. Đấy, một chàng trai hai mươi cộng chỉ biết bấy nhiêu về thành phố hòa bình.

Ra Hà Nội ngay cái chớm đông xứ Bắc, chàng thanh niên miền Nam lần đầu đặt chân đến đất này trong sự bỡ ngỡ xen tò mò về người đàn bà lớn tuổi này. Nhiều người bảo, ra Hà Nội thì nên chọn mùa thu trời sẽ đẹp nhất. Nhưng tôi lại thích cảm nhận "điểm yếu" của thành phố này. Tôi thích cái "sốc" nhiệt đầu tiên khi bước khỏi máy bay, cơn gió tạt vào mặt - một cảm giác thật đã!

Vẫn như một thói quen, tôi vẫn chọn đi phương tiện công cộng khi đến một nơi lạ lẫm để thấy cái cách người ta ứng xử với nhau. Thanh niên miền Nam đã chết lặng trước vẻ dịu dàng ban đầu của cô tiếp viên. Nhưng sau lại ớn lạnh với cái cách mà người phụ nữ quát. Nhưng cũng cảm thông được vì chắc cô ấy mệt. Yên tâm ngồi trên xe được một lát thì lại đau tim bởi cú xoay vô lăng điên đảo giữa nội thành Hà Nội mà cứ ngỡ đang ở vùng quê nào đó!

Tôi lơ ngơ xuống đại ở một con đường gì đó ở Cầu Giấy - hình như đường cũng tên Cầu Giấy, đã dặn tiếp viên nhưng chắc cô ấy quên. Lơ ngơ, lật mò Google Maps nhưng nó trở nên vô tác dụng với kẻ chẳng biết gì về cái xứ này. Chọn xe ôm vậy! Ngồi đằng sau cậu sinh viên làm thêm bằng nghề này (nghe bảo thế), anh ta líu lo đủ chuyện. Mà chỉ toàn thấy một loạt cảnh báo: Người Nam ra đấy cẩn thận kẻo bị "chém", hàng họ cũng coi chừng kẻo mất...

Sau thấy các chị trong ban cứ tự tin qua băng qua đường, tay rủng rẻng túi xách, tay bấm điện thoại thoăn thoắt mà chẳng ngại chị, tự nhiên thấy Hà Nội này ngộ thật! Quan sát nhiều hơn, thấy người ngoài đấy họ thản thiên, chứ như Sài Gòn, chắc là một đi không trở lại. "Ôi cứ tự nhiên đi!", câu nói của một ông anh đồng nghiệp làm tôi nhớ hoài cái "lạ" này của đất nghìn năm.

Do chuyến đi cũng ngắn nên tôi chưa có dịp đi hết những thắng cảnh nổi tiếng của xứ này. Đi được phố cổ thì thấy khu này chẳng khác gì sự hòa trộn giữa chợ đêm Bến Thành và phố tây Bùi Viện của TP HCM. Có khác chăng là cái cách họ mời chào, đối xử với khách hàng. Ở Sài Gòn, bạn sẽ nghe được tiếng rao mời cực kỳ ngọt. Còn tại đây, với riêng tôi, nó còn chưa nhiệt lắm thì phải! Hay cái cách mà người ta hỏi han khách ăn gì cũng tương tự. Cái nhạt tanh đầy phũ phàng.

Đặc biệt, theo lời kể của một chị ở tờ báo nọ, ở Hà Nội - nếu bạn là nam - thì sẽ khó có thể được một người khác nhấc hộ xe. Điều này khác hẳn với thành phố phương Nam, khách hàng không phân biệt nam - nữ đều được chăm sóc "tận răng". Nhân chuyện nói về xe cộ, tôi đã chết khiếp khi băng từ đường dọc Hồ Gươm sang khu phố cổ. Nhưng bù lại, cái cảm giác cầm lái ở Hà Nội thật sự bạn nên thử, nó rất phiêu!

Bù lại những điểm nổi tiếng ở khu trung tâm, tôi được về với vùng đất mà cách đây vài năm vẫn là một tỉnh giáp ranh Thủ đô. Được ngắm và hít cái bụi mịt mù của con đường có tuyến đường sắt trên cao đang thành hình. Chắc tôi sẽ không bao giờ quên cái cảm giác đi dưới cái gầm sắt nặng trịch kia. Rồi được cảm nhận và thay đổi hoàn toàn định kiến trước đây về một gia đình miền Bắc.

Rời trung tâm Hà Nội xa hơn, tôi cảm nhận được văn hóa làng xã trên con đường ven đê với một bên là nhà cửa san sát, một bên là đồng ruộng thẳng tắp. Chỉ có đi như thế, chàng trai ấy mới hiểu tình láng giềng ở nơi đây cũng ấm áp đúng kiểu nông thôn Việt Nam; chứ không xa cách như thành thị mà cả Sài Gòn và Hà Nội đều mắc. Tự nhiên nhắc, tôi lại muốn đi lại con đường đê kia để thử cái cảm giác tê cóng, môi răng vả vào nhau.

Hà Nội ngày nay có thể đã không còn trọn vẹn như ngày xưa. Kẻ Chợ tập hợp từ khắp muôn phương, sinh sống, làm việc ở đây. Hà Nội đã không còn thuần túy là Hà Nội của ngày trước. Thủ đô bây giờ là sự chan hòa giữa nhiều khách thể, cùng chung sống và tạo nên văn hóa Hà Nội mới.

Cảm ơn người anh nọ và gia đình đã giúp tôi hiểu về gia đình Hà Nội. Cảm ơn những người bạn lần đầu gặp mà nhiệt như quen từ lâu. Cảm ơn Hà Nội đã cho tôi biết yêu xứ này.

Nguyễn Hoàng Anh Khoa

Ý kiến

()