Chúng ta

Lỗi của sự hồn nhiên?

Thứ năm, 14/1/2016 | 09:10 GMT+7

Những bộ phim với các pha tình cảm lãng mạn, nóng bỏng, những trò chơi bắn giết đẫm máu ghê người, những ca từ không trong sáng sẽ đến được với trẻ con không khi người lớn chịu khó để ý, lắng nghe và định hướng cho con em mình? Có người nói với tôi rằng: “Tụi nó còn nhỏ, có hiểu gì đâu, kệ đi”. Xin lỗi trẻ con biết hết đấy. 

Có lần tôi dẫn em gái đi chơi cùng trường tiểu học, trên đường đi, anh hướng dẫn viên bày một số trò chơi quen thuộc để làm nóng không khí trên xe. Đến phần thi hát, sẽ rất bình thường nếu bọn trẻ hát những ca khúc của tuổi học trò. Nhưng điều đặc biệt ở đây, 90% các bài hát đều là các ca khúc dành cho người lớn với những lời yêu đương mặn nồng, tha thiết hay oán trách, khóc than! Có một điều làm tôi ấn tượng hơn về anh chàng hướng dẫn viên đó là khi một em chuẩn bị hát ca khúc thiếu nhi thì anh bảo: “Thôi, hát bài người lớn mới vui”!

Nhiều người hay nói với tôi, trẻ con bây giờ ranh ma quá, chúng chửi tục nhiều, yêu đương sớm,... Có người đổ lỗi cho thời đại, người lại bảo trường học không giáo dục tốt. Cá nhân tôi nghĩ thời đại hoàn toàn vô hại. Mỗi thời đại chúng ta luôn có những thứ được và mất. Vậy thời đại có lỗi khi các em sớm được tiếp cận với tiếng nước ngoài, sớm có khóa học kỹ năng mềm, những thứ khác giúp các em phát triển toàn diện? Rõ ràng vô lý. Còn trường học, các em có thể học thêm điều gì khi mỗi ngày trên lưng đã gồng bao nhiêu cuốn sách, bao nhiêu tiết học và bận phải thi đua thành tích với những trường bạn? Cái đó là một vấn đề khác và lớn lao hơn rồi. Còn lỗi ở đây là của người lớn, những người hằng ngày tưởng chừng như rất quan tâm đến các em. Người mà ngày ngày chăm cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ, người trên lớp giảng cho các em từng bài học và cả những người đi bên cạnh các em.

Đừng tưởng những chuyện nhỏ nhặt chẳng là gì. Nó chính là gốc rễ của vấn đề. Những bộ phim với các pha tình cảm lãng mạn - nóng bỏng, những trò chơi bắn giết đẫm máu ghê người, những ca từ không trong sáng hay những thứ không phù hợp khác sẽ đến được với các em không khi người lớn chịu khó để ý, lắng nghe và định hướng cho con em mình? Có người nói với tôi rằng: “Tụi nó còn nhỏ, có hiểu gì đâu, kệ đi”. Xin lỗi trẻ con biết hết đấy, chỉ có điều biết không có nghĩa là chúng hiểu hết. Chính vì vậy, sự hồn nhiên, ngây thơ đôi khi lại dẫn dắt các em đến những suy nghĩ có phần sai lệch và áp dụng cho chính mình.

Như trong câu chuyện tôi kể, khi học sinh theo thói quen hát những ca khúc người lớn, các thầy cô trên xe bình thản đón nhận nó với một thái độ rất thích thú và hân hoan. Các thầy cô không cố ý, họ vui thích vì nhìn thấy các học trò của mình cười rộn rã nhưng vô tình lại dẫn lối và bật đèn xanh cho các em biết rằng mình được đón nhận khi hát những ca khúc này.

Đúng là trẻ con có sự mộc mạc, hồn nhiên, trong trẻo mà người lớn không bao giờ có được. Vì vậy đừng để bản năng trẻ con khiến những thứ quá khổ vẫn ngày ngày dung nạp vào các em bằng đúng một cách tự nhiên và ngây thơ nhất. Người lớn ơi, tác động hay không tác động thì sự hồn nhiên nó vẫn như thế, vấn đề là nó sẽ bị rẽ theo chiều hướng nào thôi. Tuổi thơ và sự hồn nhiên hoàn toàn không có lỗi. Lỗi ở người lớn với những suy nghĩ hồn nhiên quá trớn.

>> Khi phụ nữ chọn ở nhà

Trương Yến Nhi

Ý kiến

()