Chúng ta

Đóng đồ

Thứ hai, 14/1/2013 | 18:07 GMT+7

Tôi ghét đóng đồ nhưng vẫn yêu công việc này ở một điểm duy nhất. Bạn vẫn có dịp đóng đồ nghĩa là còn đủ tự do để di chuyển.

Công việc cô đơn

Tôi không biết mỗi người thường cùng đóng đồ với bao nhiêu người khác cho mỗi chuyến đi, còn tôi toàn làm một mình. Chính xác là tôi luôn cố gắng chọn lúc chỉ có một mình để xếp đồ vào vali.

Bạn biết đấy, công cuộc dỡ đồ ra khỏi chỗ "trú ngụ" quen thuộc hoặc quá quen thuộc của nó là điều gì đó hơi ngậm ngùi, lưu luyến và nhẫn tâm nữa. Tôi luôn nghĩ quen thuộc và ổn định có những giá trị riêng, mà mỗi khi bị lấy mất đi, người ta đều cần sám hối.

Đau buồn

Vì mỗi lần di chuyển là một lần chia tay và nói chào tạm biệt.

Có biết bao nhiêu lần bạn nói tạm biệt và không bao giờ gặp lại nữa? Tạm biệt đôi khi đồng nghĩa với vĩnh biệt. Tôi không cố gắng theo chủ nghĩa bi quan, nhưng đó là điều tôi nghĩ đến mỗi khi đóng đồ: “Biết bao giờ mới lại trở lại nơi này. Hay là không bao giờ nữa…”.

Đòi hỏi nhiều sức lực

Những khi cặm cụi làm công việc buồn chán và tẻ nhạt, đơn giản là nhặt cái này, dỡ cái kia, xếp tất cả vào một chỗ rồi ngồi lên nắp vali và bặm môi đóng khóa. Trong khi đó đầu óc vẫn còn lang bang giữa đi và ở, bạn biết mình cần nhiều hơn là một sức nặng để nén được nắp vali.

Ngay khi vừa xếp xong đồ vào vali và gói ghém gần như hoàn chỉnh hành lý, tôi pha cho mình một cốc café vì thèm mùi café cho tỉnh táo và không chìm xuống với mớ suy nghĩ vớ vẩn tiêu cực nào đó.

Sám hối và hủy bỏ quyết định

Thật thế. Những chiếc áo và váy đầu tiên được gập nhét vào vali mang tên từa tựa nhau: “Đi. Thôi, ở lại đây, không đi nữa đâu. Đi. Thôi không đi! Đi. Thôi…”. Kiểu vậy đấy. Cho đến khi bạn lắc đầu thật mạnh và mím môi giằng hết đống áo váy ra khỏi tủ và nhanh chóng hết sức xếp vào vali, bạn mới tạm thời dứt bỏ tâm lý không đi nữa.

Rồi bạn chuyển sang tâm trạng sám hối. À không, chỉ có tôi chuyển sang tâm trạng này thôi. Chẳng lần nào đi hay về tôi mang tâm trạng thanh thản nhẹ nhõm. Ví dụ như mỗi lần đi khỏi nhà, tôi đều cảm giác còn lâu lắm mới được gặp từ bà đến bố mẹ anh chị và thấy rất có lỗi vì không ở gần mọi người.

Đôi khi chỉ ước mình cứ ở một mình, để đi hay ở không phiền phức cho người khác.

Nói đi nói lại, tôi ghét đóng đồ nhưng tôi yêu nó ở một điểm. Khi vẫn có cơ hội đóng đồ nghĩa là bạn còn đủ tự do để di chuyển.

Đây là lý do duy nhất mà bỏ qua tất cả cô đơn, đau buồn, kiệt sức và sám hối, tôi mong mình có thêm nhiều lần đóng đồ khác.

Thu Nga

Hãy chia sẻ những ý kiến, suy nghĩ của bạn với chuyên mục Góc nhìn tại hòm thư: chungta@fpt.com.vn.

Ý kiến

()