Chúng ta

‘Chỉ cần biết đọc tài liệu sẽ làm được ô tô tự hành’

Thứ năm, 1/11/2018 | 21:35 GMT+7

Anh Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng FUNiX, đã chia sẻ bài học của mình khi mới tiếp xúc với công nghệ Automotive (xe tự hành) cho các sinh viên trường Đại học FPT đang có ý định tham gia Cuộc đua số.

Mở đầu buổi gặp gỡ của Ban tổ chức cuộc thi với sinh viên tại Hòa Lạc, anh Nam đã kể câu chuyện về FPT Software thời điểm năm 2007, lúc anh đang lãnh đạo công ty này. Khi đó nhà Phần mềm tiếp cận khách hàng đầu tiên về ngành Automotive Programming. Sau bao đợt đánh giá của các đầu mối, từ CEO đến CTO, HR… Cuối cùng công ty bạn cử ông kỹ sư sang chọn người. Sau cuộc phỏng vấn với đội quân tinh nhuệ nhất của FPT Software thời bấy giờ, ông kỹ sư bày tỏ sự lo ngại khi cho rằng nhân sự của nhà F không đáp ứng được yêu cầu.

Tuy nhiên, người vẫn phải tuyển. Cuối cùng ông kỹ sư hỏi anh Nam: “Các anh có biết đọc tài liệu không”. “Biết”, CEO Nguyễn Thành Nam khẳng định chắc nịch. Vậy là đội ngũ gần 200 người lao vào nghiên cứu mọi tài liệu về lĩnh vực mới mẻ này. Những con người ấy giờ đây đều là những kỹ sư làm trong các công ty hàng đầu về phần mềm cho ô tô như Hitachi, Nissan, Toyota…

Case study này chứng minh rằng không phải khả năng của chúng ta hạn chế mà chúng ta chưa thực sự đầu tư đủ công sức, Hiệu trưởng FUNiX chia sẻ.

Đề thi Cuộc đua số được nâng cấp theo từng năm. Số lượng thử thách nhiều hơn với độ khó cao hơn so với năm trước. Điều này cũng khiến nhiều sinh viên ngại ngần khi đăng ký thi. Trong buổi gặp mặt, đa phần các câu hỏi của sinh viên Đại học FPT đưa ra đều liên quan đến vấn đề làm quen với phần mềm mới được áp dụng trong đề thi năm nay.

CHT-6510-3408-1541071157.png

Theo anh Nam. trong thời đại công nghệ thay đổi từng ngày, việc cập nhật kiến thức mới qua tài liệu là việc làm thường xuyên của mỗi sinh viên.

Lê Huy Nam Anh, đội trưởng Win Win Spiral – Á quân Cuộc đua số mùa 2, cho rằng đề thi năm trước không giới hạn các đội phải lập trình theo một quy chuẩn cố định. Nhưng năm nay với việc đưa vào phần mềm ROS (một hệ điều hành mã nguồn mở tích hợp cho robot), thí sinh có thể sẽ phải sử dụng những ngôn ngữ lập trình không phải là thế mạnh của mình. Đây là một khó khăn lớn cần phải vượt qua.

Tuy nhiên, theo anh Lê Ngọc Tuấn, Trưởng phòng IoT – Ban Công nghệ FPT, Ban tổ chức thường xuyên đăng tải các tài liệu và video hướng dẫn trên để các sinh viên làm quen với công nghệ mới. “Nếu chăm chỉ đọc và xem tài liệu, mọi sinh viên CNTT đều có thể lập trình một cách cơ bản cho xe tự hành chỉ trong vài phút”, anh Tuấn khẳng định. Mọi thông tin sẽ được cập nhật thường xuyên trên fanpage Cuộc đua số.

Cuộc đua số mùa 2018-2019 được chính thức khởi động ngày 11/10 với sự đồng tổ chức của VTV. Trong lần thứ 3 tổ chức, đề thi cũng được nâng cao hơn so với năm trước. Cụ thể, tại vòng chung kết, các đội thi sẽ phải lập trình để xe chạy được theo làn đường trong điều kiện ánh sáng thay đổi; tránh được vỉa hè; khoanh vùng, xác định và tránh được vật cản (với hình dáng bất kỳ) xuất hiện trên đường, tự động phân tích loại vật cản đâm được hay không đâm được để từ đó ra quyết định di chuyển; nhận dạng và hành động được theo biển báo giao thông.

Để đáp ứng với các bài toán công nghệ ngày càng nâng cao đó, tại cuộc thi năm nay, FPT cũng nâng cấp phiên bản mô hình xe tự hành lên tỷ lệ 1/7 với động cơ mạnh mẽ hơn, khung xe chắc chắn tích hợp hệ thống giảm sóc. Điều này khiến chiếc xe đua có thể đạt tốc độ tối đa cao hơn nhưng cũng đặt ra các bài toán phức tạp hơn để điều khiển xe hoạt động chính xác. Bảng mạch chủ được nâng cấp chuyên để xử lý đồ họa và trí tuệ nhân tạo, camera có khả năng chuyển động và góc nhìn mở rộng…

Đặc biệt, tại trận chung kết, ngoài 6 đội xuất sắc của các trường đại học của Việt Nam còn có sự tham gia của 2 đến 4 đội thi đến từ các đại học trong khu vực châu Á. Top 4 đội xuất sắc sẽ được thực tập (với mức lương tối thiểu 5 triệu đồng/tháng) và cùng giải quyết các bài toán công nghệ mới nhất tại Ban Công nghệ Tập đoàn FPT.

Cuộc đua số 2018-2019 sẽ được tổ chức ở cả 3 khu vực: Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.

Các mốc quan trọng của Cuộc đua số 2018-2019:

  • Nhận hồ sơ đăng ký: từ 11/10-5/11/2018
  • Vòng sơ khảo (15/11-15/12/2018): BTC sẽ tổ chức 10 trận sơ loại để tìm kiếm ra tối đa 20 đội xuất sắc đại diện cho các trường vào vòng chung khảo.
  • Vòng bán kết (1/3/2019-31/3/2019): BTC sẽ tổ chức 2 trận thi đấu để tìm ra tối thiểu 6 đội xuất sắc nhất đại diện cho các trường đại học ở Việt Nam vào trận chung kết.
  • Vòng chung kết (20/4/2019-25/5/2019):

Trận chung kết diễn ra trong thời gian trên yêu cầu các đội thi sẽ phải lập trình để xe chạy được theo làn đường trong điều kiện ánh sáng thay đổi; tránh được vỉa hè; khoanh vùng, xác định và tránh được vật cản (với hình dáng bất kỳ) xuất hiện trên đường, tự động phân tích loại vật cản đâm được hay không đâm được để từ đó ra quyết định di chuyển; nhận dạng và hành động được theo biển báo giao thông.

Nguyễn Thắng

Ý kiến

()