sáng mùa hè năm trước, ông Nguyễn Thanh Hồng, 69 tuổi, ở ấp Thạnh Lộc, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ, bị đột quỵ. Xe cứu thương chạy đến chân cầu Mương Gỗ 1, cách nhà/ông Hồng 100 m, phải dừng lại. Cây cầu ván gỗ dài hơn 10 m, ọp ẹp và chắp vá được gia cố bằng những sợi thép mỏng manh, chỉ đủ tải trọng cho một chiếc xe máy đi qua. Bên kia bờ kênh, xe cứu thương nháy đèn loạn xạ. Ở bờ bên này, người nhà lo lắng làm sao đưa ông Hồng đến viện kịp thời.

Sáu người đàn ông mạnh khoẻ rón rén khiêng chiếc băng-ca qua cây cầu gỗ mỏng, đưa ông Hồng đến chiếc xe cứu thương đang đợi sẵn. Cây cầu 20 năm tuổi rung bần bật khi đoàn người bước đi. Trong lúc vô thức ấy, ông Hồng không hề biết rằng, ranh giới sinh tử chỉ bằng đúng chiều dài cây cầu Mương Gỗ mình vẫn đi hằng ngày.

Một năm sau ngày ông Hồng gặp tai biến, cây cầu Mương Gỗ 1 vẫn giữ nguyên hiện trạng. Dẫn chị Trương Thanh Thanh, Chủ tịch Quỹ Hy Vọng (Hope), đi dọc cây cầu, chú Lê Văn Sĩ, người cùng ấp với ông Hồng, chỉ vào từng thanh gỗ đã rơi rớt, từng mấy miếng vá bằng lốp xe trên mặt cầu, rồi thở dài.

Những cây cầu xuống cấp, ọp ẹp như Mương Gỗ 1 là hình ảnh không hiếm gặp ở Cần Thơ - thủ phủ của Đồng bằng Sông Cửu Long - nơi có đến 158 sông, kênh, rạch này. Từ khi sinh ra đến lúc mất đi, cầu tre “lắt lẻo”, cầu gỗ gập ghềnh đã gắn liền với cuộc đời người dân sông nước xứ miệt vườn.

“Tôi đã chờ cả đời để đi trên cây cầu bê tông”, ông Nguyễn Hùng Em, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, Cần Thơ, tâm sự. Cầu Xáng Cụt, con đường đi lại hằng ngày của lão nông 70 tuổi và bà con ở xóm, được dựng bằng gỗ, với bề ngang khoảng 1 m, không có thành cầu che chắn và hầu như chỉ dùng để đi bộ. Cả xóm nghèo không đủ tiền để xây một cây cầu bê tông tươm tất. 15 năm qua, dù đã được sửa 2-3 lần, cầu Xáng Cụt vẫn là những ván gỗ được ghép lại với nhau, chênh vênh trên dòng kênh, oằn mình đưa nông sản của bà con đi giao thương, đưa người đi viện.

Chi phí vài trăm triệu đồng để xây cầu là “bất khả thi” đối với những vùng thuần nông. Anh Nguyễn Thành Đạt, Chủ tịch UBND xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, đượm buồn: Người dân địa phương mong mỏi có được cây cầu khang trang để xe ô tô có thể vào đến tận nơi. Chính quyền địa phương cũng thành lập ban vận động để tạo nguồn kinh phí nhưng chưa đủ.

Hai thập kỷ, 4 thế hệ người ở Thạnh Lộc cứ mong đợi ngậm ngùi như thế, cho đến khi được Quỹ Hy vọng hỗ trợ kinh phí xây cầu. “Viễn cảnh xe ô tô về tận nhà giờ sắp thành hiện thực”, anh Thành phấn khởi.

Từ khi biết sẽ có cầu bê tông được xây mới trên dòng kênh Mương Gỗ, ông Hồng vui lắm. Ngày đầu tháng 6, ông dậy thật sớm, lật đật chống ba-toong đi xem lễ khởi công cầu Hy Vọng số 25, do Ngân hàng Bắc Á và Quỹ Hy Vọng tài trợ. Suốt chương trình, cụ ông 70 tuổi chỉ móm mém cười. Ông nói với người hàng xóm khiêng mình qua cầu đúng một năm trước: “Tôi mừng quá chú ơi”.

Trong lễ khởi công cầu hôm ấy, hàng trăm hộ gia đình ở ấp Thạnh Lộc đều vui như ông Hồng. “Nghe chính quyền nói có Quỹ Hy Vọng hỗ trợ, tôi mừng rơi nước mắt. Bà con trong vùng ao ước cây cầu từ lâu rồi, mừng lắm, mong chờ lắm”, chú Sĩ xúc động nắm tay chị Trương Thanh Thanh.

Cũng hôm ấy, ở cách Thạnh Lộc 20 km, ông Nguyễn Hùng Em đi bắt tay từng người, khi cây cầu bê tông Xáng Cụt (cầu Hy Vọng số 21) được khánh thành. "Tôi mừng phát điên luôn. Tôi sung sướng lắm", lão nông cười nói không ngớt.

rên đường đi xuống Cần Thơ dự lễ khởi công và khánh thành 10 cây cầu mới, Nguyễn Tiến Danh, Giám đốc dự án của Quỹ Hy Vọng, nhận được tin nhắn. Đó là những bức ảnh chụp đội thi công cầu. Trong những gương mặt xuất hiện trên ảnh, anh nhận ra những người quen. Họ chính là người đã bắt tay anh khi khởi công xây cầu hơn một tháng trước.

Từ ngày khởi công cây cầu do Quỹ Hy Vọng tài trợ, chú Trần Bá Hiền, Lân Thạnh, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, lúc nào cũng bận rộn. Không đi vận động bà con đóng góp thì chú lại trực tiếp ra công trường xây cầu. “Huy động người dễ à, vì nó là chuyện từ thiện”, chú Hiền bảo.

Như chú Hiền, ròng rã hơn một tháng, cánh đàn ông ở Lân Thạnh đều đặn ngày hai buổi, đi vận chuyển vật liệu, đổ bê tông xây cầu. Trong khi đó, phụ nữ lo cơm nước, hậu cần hỗ trợ. Khi nắng chưa rát, mưa chưa đổ bất chợt thì trên công trường đầy ắp tiếng nói cười. Mọi người nói về cây cầu mới, nói chuyện thời sự. “Mừng quá chứ, cây cầu lớn hơn, rộng hơn, cứng hơn. Cầu xong rồi thì tuyến đường ra Thốt Nốt sẽ thông”.

Công trường ở Lân Thạnh đã sôi nổi nhưng còn chưa rộn ràng bằng cầu Hy Vọng số 19 (kênh Xẻo Cao) bắc qua phường Thạnh Hòa (quận Thốt Nốt). “Có lúc gần 200 người tham gia xây cầu. Mọi người chuyền tay từng xô bê tông”, cô Nguyễn Thị Ngọc Định, Chủ tịch Hội phụ nữ, hồ hởi kể.

Các hộ gia đình trong khu vực đã cùng nhau chung sức "của ít lòng nhiều" để góp phần hoàn thiện cây cầu, trong đó có gia đình đóng góp 20 triệu đồng. Ngoài ra, bà con địa phương cũng bỏ ra hơn 450 ngày công lao động để hoàn thiện.

Với anh Danh, việc góp của, góp công của nhân dân chứng tỏ một điều rằng mọi người ủng hộ dự án xây cầu “Nâng bước em đến trường” của Quỹ Hy Vọng. “Chúng tôi quyết thực hiện cây cầu đầu tiên với một tâm thế rất vững”, anh Danh cho hay. Một cây cầu Hy Vọng được xây từ 3 nguồn kinh phí: 50% từ Quỹ trong khi 50% còn lại từ địa phương và vận động từ cộng đồng.

Cách làm đó được anh Danh rút ra từ quá trình xây 200 cây cầu trong dự án từ thiện cá nhân của mình ở Đồng Tháp và Bến Tre từ năm 2016. Anh hiểu rằng, để một cây cầu thành hình, phải đáp ứng đủ 3 tiêu chí: nơi đó thật sự cần, cầu phải đủ rộng (tối thiểu 3,5 m) để đáp ứng cho nhu cầu phát triển sau này, và phải có cam kết đối ứng 50% của địa phương.

“Chúng tôi làm vì mục tiêu chung của của địa phương và cam kết chất lượng chứ không phải chicác khoản chi phí khác ngoài thực tế nên nhân dân rất ủng hộ và đồng hành”, anh Danh chia sẻ.

Hầu như cuối tuần nào anh Danh cũng đi tỉnh. Đi nhiều, gặp nhiều, bởi anh tâm niệm, với những chương trình mang tính dài hơi và nguồn vốn đối ứng nhiều như “Nâng bước em đến trường’” thì “cần chỉn chu hơn các chương trình thiện nguyện khác”.

Với cách làm đó, anh đã kêu gọi được nhiều nguồn tài trợ về cho Quỹ. VINASA, Ngân hàng Bắc Á, Quỹ vì Tầm vóc Việt… đều chọn Hy Vọng để cùng chung sức xây những nhịp cầu cho bà con Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong lễ khánh thành cầu hôm ấy, anh Danh có nhiều cảm xúc. Hạnh phúc khi chứng kiến ông Lê Văn Bửng, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, “vui hết sẩy”. “Cuộc đời tôi có thể không còn đi trên cây cầu mới này bao năm nữa nhưng nó là tài sản mà con cháu tôi sẽ đi lâu dài về sau", lão nông nghẹn ngào nói và nhìn chăm chú vào trụ cầu gỗ cũ đã được thay thế một cột bê tông lớn trên cây cầu mang tên Hy Vọng. Anh vui khi những đôi tay lam lũ nắm chặt tay mình. Khi ấy, anh biết rằng, con đường thiện nguyện trải qua gần 4 thập kỷ của mình sẽ không có điểm dừng, bởi “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình".

ô Hồ Ngọc Hà, ở Thạnh Mỹ, Cần Thơ, có thói quen nhảy xuống xe đạp, dắt bộ khi bánh trước gần chạm cây cầu Trí Nhân bắc qua con kênh Cái Sắn. “Tôi chưa bao giờ dám đạp xe trên cầu”.

Những thanh gỗ mỏng cũ mòn vẹt và thủng lỗ chỗ là nỗi kinh hoàng của cô Hà mỗi khi qua cây cầu tạm. Người phụ nữ trạc tứ tuần của ấp Lân Quới 1 bảo chỉ khi ngồi phía sau xe máy mới dám qua cầu dù mỗi lần như vậy tim cô cũng dập dềnh theo nhịp rung của cầu. “Sợ lắm. Cầu cũ như răng bà già ấy. Mơ ước của người dân ấp tôi là có 2 cây cầu mới nhưng chờ mấy mươi năm”.

Cách Thạnh Mỹ khoảng 40 km, ông Võ Văn Sĩ (Tám Sĩ), gần 60 tuổi, kể, ấp Thạnh Lộc, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, thường xuyên xảy ra tai nạn trên cây cầu ván đóng đinh. Cầu do ông và bà con trong ấp dựng cách đây hơn chục năm, rộng khoảng 2 m, chênh vênh và trơn trượt sau mỗi lần mưa.

“Trước ở cây cầu này tai nạn dữ lắm luôn. Có người bị té từ trên cầu xuống, bể xương bánh chè, đi bệnh viện mất hàng chục triệu đồng". Rồi có mấy người nữa, đi bán hàng đêm khuya qua cầu bị đổ hết cả bánh với rau xuống mương. Rồi ông nghe phong thanh người ta nói: “Mấy người từ thiện không có ai nên thân, bắc cầu thì làm cho đàng hoàng tử tế, chứ cầu mà tai nạn coi sao được”. Ông Tám nghĩ “họ chửi mình cũng đúng”, nhưng ông chưa biết tính sao.

Anh Huỳnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Cần Thơ, cũng không biết tính sao với trăn trở của bà con ở tỉnh. Nhiều năm qua, anh Nguyên thực hiện phong trào vận động tuổi trẻ tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở Cần Thơ. Đi khảo sát nhiều, anh đau lòng khi thành phố vẫn còn rất nhiều cây cầu (cả cầu ván và bê tông) xuống cấp. Đa số cầu đó lại nằm gần trường học, chợ, khu vực đông dân cư.

Chính quyền địa phương đã nỗ lực phối hợp với Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố vận động các Mạnh Thường Quân, huy động nguồn lực tại chỗ kết hợp nguồn ngân sách được cấp hằng năm để sửa chữa, xây dựng mới các cầu, tuyến đường. Nhưng anh Nguyên bảo điều đó “chưa đáp ứng kịp yêu cầu”.

Rồi anh Nguyên gặp lại chị Thanh và anh Danh, sau 5 năm làm chung chương trình vì cộng đồng cho tuổi trẻ thành phố Cần Thơ. Nghe giới thiệu chương trình hỗ trợ xây cầu tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, anh đã biết mình phải làm gì.

Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố mạnh dạn đề xuất và cam kết sẽ phối hợp triển khai dự án xây cầu "Nâng bước em đến trường" phù hợp để giải quyết bài toán trên. Chính quyền và nhân dân các địa phương sẵn sàng đối ứng và phối hợp để thực hiện. Và trên hết, qua việc kết hợp từ các năm trước, anh Nguyên tin tưởng vào “phương pháp làm việc rõ ràng, minh bạch và chuyên nghiệp của FPT”.

Thế là, anh cùng cộng sự, đại diện Quỹ Hy Vọng và đia phương khảo sát từng cây cầu cụ thể. Cuối tuần, thậm chí cả những ngày nghỉ lễ, Tết cứ có thời gian là mọi người lại đi.

Di chuyển nhiều nhưng anh tâm sự “bao mệt mỏi tan biến” khi thấy những cây cầu hoàn thành vượt tiến độ, nguồn kinh phí đối ứng vận động vượt chỉ tiêu, huy động được sự đóng góp công sức của nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, chăm chút cho cây cầu và hơn hết chính là nụ cười của chính bà con khi khánh thành cầu.

Trước là cầu ván ọp ẹp, giờ mới có cầu bê tông, bà con ở ấp Thạnh Lộc ai cũng mừng. Họ nói với ông Sĩ: “Chú Tám ơi, hết khổ rồi”. Cả mấy ngày trước khi khánh thành cây cầu, ông Tám không ăn không ngủ được. Trong bữa cơm chay đãi khách, ông đi loanh quanh nhìn người ta ăn và cụng ly. Ông bảo: “Không ngồi xuống được, tôi vui quá”. “Bà con hết khổ, hết tai nạn thì đời tôi ấm áp rồi”.

Niềm hạnh phúc của những người như ông Sĩ chính là sự khích lệ cho những thanh niên như Nguyên tiếp tục nỗ lực. “100 cây cầu không chỉ là khát vọng của chị Thanh, anh Danh hay Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Cần Thơ. Nó đã trở thành khát vọng của nhân dân các địa phương. Và chúng tôi đang cùng nhau thực hiện khát vọng đó”.

Hành trình của Quỹ Hy Vọng sẽ rất dài và Huỳnh Thái Nguyên cam kết sẽ đồng hành với Quỹ ở những dự án cộng đồng sắp tới, trong tư cách là người lãnh đạo tổ chức của thanh niên và cả tư cách cá nhân.

ô Năm Hy Vọng đâu rồi?”, ông Nguyễn Văn Thả, hỏi từng đoàn khách đến lễ khởi công cầuTám Ấp (cầu Hy Vọng 30). Lão nông 73 tuổi không biết tên chính xác của người phụ nữ mà ông và bà con ở ấp Thạnh Lợi, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, đều mong mỏi gặp. Ông chỉ biết bà là niềm “hy vọng” của người dân ở ấp này.

Từ sáng sớm, ông cùng bạn đồng niên đã ra khu khởi công cầu để chờ “cô Năm Hy Vọng” đến. Thật ra ông cũng không biết phải nói gì. Ông chỉ muốn bắt tay bà để tỏ lòng biết ơn khi đã mang về cho vùng quê còn “thiếu đủ thứ” này một sinh kế mới.

Cuộc gặp gỡ giữa “Cô Năm Hy Vọng” và lão nông ấp Thạnh Lộc diễn ra rất ngắn. Hai người chỉ kịp vỗ vào vai nhau. Những điều họ muốn nói chỉ gói gọn trong một-nụ-cười. Đó là nụ cười triân và nụ cười của tình yêu thương đã được lan tỏa.

Khắp các xã Trung Hưng, Trung Thạnh, Thới An… ở huyện Cờ Đỏ này đều có những nụ cười như thế, từ khi “Cô Năm Hy Vọng” ghé qua.

Mong muốn xây cầu của “Cô Năm Hy Vọng” - Trương Thanh Thanh - bắt đầu từ 12 năm trước, sau khi chứng kiến sự cố nghiêm trọng nhất trong ngành cầu đường Việt Nam. 7h55, ngày 26/9/2007, niềm khát khao của hàng triệu người Đồng Bằng Cửu Long - cầu Cần Thơ - bị sập hai nhịp cầu dẫn cao khoảng 30 m giữa ba trụ cầu đang xây dựng ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, kéo theo giàn giáo cùng nhiều công nhân, kỹ sư xuống đất.

5 phút sau sự cố, VnExpress đã có thông tin trên báo. Chị Thanh bàng hoàng đọc từng dòng tin. Ngay ngày hôm sau, chị cùng đoàn FPT xuống thăm những gia đình bị nạn. Các gia đình nằm dọc trên một con kênh nhưng đoàn phải đi rất xa mới tới thăm được địa chỉ cần thiết vì mấy km mới có một cây cầu.

Hình ảnh ấy ám ảnh trong đầu chị Thanh. “Nếu các anh đã ngã xuống cho nhịp cầu của đất nước thì chúng ta hãy chung tay xây những nhịp cầu để nâng bước các con anh đến trường”, chị phát động trong FPT.

Sau vài ngày, FPT quyên góp được số tiền đủ để xây 2 câu cầu. Số tiền lúc đó chỉ là vài chục triệu đồng nhưng lại là niềm vui vô tận của bà con ở nơi trụ cầu Cần Thơ sập. “Tại sao việc nhỏ thế này lại mang niềm vui lớn như vậy?”, chị cứ băn khoăn mãi.

Rồi ngày 25/5/2010, trên VnExpress xuất hiện dòng tin và những tấm ảnh đầu tiên ghi lại cảnh đu dây vượt sông của người dân đôi bờ Pôkô, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Chị Thanh lặng người đi. “Liệu mình có thể xây cầu được không?”, chị hỏi các công sự. “Chị cứ hô hào, bọn em ủng hộ”, mọi người đáp. Với sự kêu gọi của chị, các lãnh đạo FPT đã quyên góp được 800 triệu đồng, cùng với hơn 2 tỷ đồng của độc giả VnExpress cùng xây cầu qua sông Pôkô.

Chị nhờ anh Hoàng Nam Tiến (Chủ tịch FPT Software) đi khảo sát địa điểm xây cầu ở Kon Tum. Trong chuyến thực địa, anh Tiến phát hiện, khu vực người dân đu dây qua sông chỉ có 56 hộ, chi phí xây cầu khoảng 100 triệu đồng. Nhưng cách đó vài km, gần 1.300 người dân tại xã Đăk Ang, đang mong ngóng một cây cầu kiên cố.

Bằng sự xúc động của mình, anh Tiến ủng hộ luôn 100 triệu đồng xây cây cầu vững chãi thay thế cho sợi cáp mỏng manh mà bà con dùng để vượt sông. Cây cầu còn lại được chọn xây ở xã Đăk Ang, dài 120 m, rộng 1,2-1,5 m, với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng là quyên góp của người FPT và độc giả VnExpress.

Hai sự kiện đó là nhân duyên để chương trình “Nâng bước em đến trường” được triển khai, khi Quỹ Hope ra đời vào năm 2018.

Thật ra, khi có Quỹ Hope, chị Thanh cũng chưa biết phải làm gì. Trong một sự kiện của quỹ Thiện nguyện quốc tế do bà Tôn Nữ Thị Ninh chủ trì, chị nghe nguyên TBT báo Phụ nữ TP HCM Nguyễn Thế Thanh chia sẻ rằng: Ở nhiều vùng quê có những cây cầu chi phí xây dựng chỉ 300 triệu đồng được hoạch toán thành cả tỷ đồng. Nhưng người dân chờ mãi chẳng thấy hình hài cây cầu đó xuất hiện.

Chị quay sang hỏi cộng sự thân thiết trong các hoạt động thiện nguyện - Nguyễn Tiến Danh: “Mình có thể giúp người dân xây cầu được không?”. Anh Danh tự tin khẳng định: “Chị muốn có bao nhiêu cầu cũng có cơ chế để làm”. Thế là chị bắt đầu xây cầu, với khát vọng là xây “100 cây cầu” trong 2 năm.

Mơ ước của chị đã được nhiều người chung tay ủng hộ. Bắt đầu từ mối quan hệ cá nhân của chị và anh Danh, sau là các tổ chức, doanh nghiệp như Ngân hàng Bắc Á, VINASA, Quỹ Vì tầm vóc Việt… tìm đến Quỹ để cùng chung tay xây những cây cầu cho người dân nghèo. Trong 7 tháng, Quỹ Hy Vọng đã khởi công được gần 40 cây cầu ở nhiều huyện tại Cần Thơ, An Giang.

Cứ mỗi cuối tuần, “cô Năm Hy Vọng” lại rong ruổi về miền Tây để xây cầu. “Chân chưa yếu lắm, tim vẫn còn đang đập thì mình cứ làm nhanh một chút”, chị tâm niệm. Và chị tin rằng, sau mình sẽ có nhiều người FPT, nhiều doanh nghiệp khác cùng “chung tay làm điều tử tế”.

Chỉ nghĩ đến đó thôi chị đã thấy hạnh phúc quá lớn.