Chúng ta

Mạng Trí tuệ Việt Nam

Thứ tư, 29/11/2017 | 09:19 GMT+7

Những năm 1990, mạng Novell Netware là một môn đặc biệt sang trọng ở Việt Nam. Nhiều bậc đàn anh chỉ cần "luyện tít" việc cài đặt mạng Netware mà đã lập nên những sự nghiệp lớn.

Năm 1994, tôi và anh Khánh Văn tình cờ tranh nhau đọc một cuốn sách bí kíp về lập trình truyền tin bằng giao thức IPX/SPX của Novell do anh Nguyễn Thành Nam đi Hong Kong mua về.

Đi kèm theo sách có vài đoạn chương trình minh họa, tôi và anh Văn đều cố gõ nhập hết vào máy tính. Ví dụ khá lằng nhằng, cơ bản là mình có hiểu gì đâu. Chương trình do anh Văn nhập vào không chạy. Về sau tôi phát hiện anh Văn gõ nhầm vài chữ. 

Công dụng đầu tiên của chương trình truyền tin IPX/SPX của tôi là giúp anh Phạm Thế Hùng (TGĐ FTN) kiểm tra dây mạng Netware đứt ở đâu. Khi đó, FPT dùng mạng Netware chạy dây BNC rất hay đứt nên chương trình khá hữu dụng..

20160725142825-truong-dinh-anh-6898-1511

Anh Trương Đình Anh - "cha đẻ" của mạng Trí tuệ Việt Nam. Ảnh: S.T.

Sau đó, tôi viết thêm được mấy đoạn mã lệnh Assembler để biến chương trình truyền tin thành thường trú (TSR) trong bộ nhớ và làm được một tính năng tương tự như Remote Desktop ngày nay - cho phép các cấp trên kiểm tra xem cái gì đang hiện trên màn hình máy tính của nhân viên - một phần trong Hệ thống kiểm tra Login của Hệ Quản lý ngân hàng SIBA. 

Phần Hệ thống và quản lý menu này do tôi viết được tất cả nhà phát triển ứng dụng ở FPT như anh Phan Quốc Khánh, anh Lê Quốc Hữu, anh Nguyễn Khắc Thành, chị Vũ Mai Hương, chị Nguyễn Tú Huyền… trọng dụng, thậm chí sau này đã lọt ra ngoài và được nhiều công ty khác dùng cho các chương trình quản lý của họ. Khi mua hàng ở Siêu thị số 9 Láng Hạ, tôi thấy chương trình quản lý tính tiền siêu thị ở đó vẫn còn dùng phần mềm của mình. 

Thấy môn truyền tin ngon ăn, tôi cùng các cộng sự - anh Dương Dũng Triều (nay là PTGĐ FPT), anh Nguyễn Đắc Việt Dũng (Chủ tịch Sendo.vn) xây dựng thương hiệu mới: BCS (Business Communication Service) mà anh em hay gọi đùa là “bao cao su”. 

Anh Khánh Văn bèn nộp đơn xin đi học. Giờ đây anh đã là Tiến sĩ, là học trò duy nhất của anh Bùi Quang Ngọc (TGĐ FPT) nối được chí thầy. 

Mạng Intranet đầu tiên của Việt Nam mang tên Trí tuệ Việt Nam - TTVN được coi là đặt nền móng cho sự phát triển của Internet tại Việt Nam.

Tôi thực sự biết ơn anh Nam, anh Lê Quang Tiến (thành viên Hội đồng Sáng lập FPT), những người đã bỏ rất nhiều thời gian và tâm huyết để sưu tầm truyện cười mà nhờ chúng, FPT Mail trở nên nổi tiếng. Sự tò mò khiến những người cho đến bấy giờ chưa từng sử dụng máy tính như chú Đào Vinh (nguyên Trưởng ban Đảm bảo Chất lượng FPT, hiện đã nghỉ hưu) cũng đành phải luyện bàn phím. 

Môn BCS được rất nhiều ngân hàng như VID Public, MayBank, BIDV… sử dụng để truyền tải thông tin giữa các chi nhánh. 

Phần mềm Mạng thông tin diện rộng do chúng tôi xây dựng cho Ngân hàng BIDV bằng BCS được ngân hàng thuê với giá 2.500 USD/tháng. Sau khi tôi rời khỏi FSS (Xí nghiệp Giải pháp Phần mềm FPT), các anh bên đó còn thu được tiền thuê thêm mấy năm nữa, cho đến khi anh Nam thấy lương tâm cắn rứt và đã tặng lại cho ngân hàng. 

Trên cơ sở BCS, chúng tôi xây dựng FPT Mail. Anh Nam tổ chức hai nhóm thực hiện độc lập do tôi và anh Khánh Văn đứng đầu. 

Nhóm anh Văn làm trên môi trường Windows, viết bằng Visual Basic. Nhóm của tôi làm trên môi trường Novell Netware, viết bằng C dịch ra NLM (Netware Loadable Module). 

Do nhóm của chúng tôi kiểm soát công nghệ nền mà anh Văn buộc phải sử dụng nên cuối cùng do nhiều trục trặc cố ý và không cố ý, phần mềm của chúng tôi viết được chọn để chính thức sử dụng cho toàn FPT vào năm 1996 - khi mà FPT bung ra nhiều văn phòng và nhu cầu trao đổi thông tin trở nên bức xúc.

Đó chính là tiền thân của mạng Trí tuệ Việt Nam.

Sự nổi tiếng của mạng Trí tuệ Việt Nam thời đó cũng gắn liền với nhiều sự cố đau đầu mà chúng tôi phải hứng chịu. Ở Hà Nội, chúng tôi bị kiểm điểm vì tổ chức sự kiện “Đêm hội Trí tuệ Việt Nam” làm tắc nghẽn toàn bộ giao thông ở khu vực Láng Hạ. Ở Sài Gòn, chúng tôi bị sự cố “con rùa bò qua lăng Lê Nin”… 

Tôi vào Sài Gòn, hiếm khi được anh Hoàng Minh Châu (thành viên Hội đồng Sáng lập FPT), anh Nguyễn Minh Sơn (nguyên PTGĐ FPT IS) nở nụ cười thân thiện vì suốt ngày các anh đi giải quyết vấn đề của Trí Tuệ Việt Nam.

Trương Đình Anh

(Trích "FOX tự hào có anh")

Kể từ thời điểm Việt Nam chính thức kết nối với thế giới qua World Wide Web - 19/11/1997, Internet đã làm thay đổi sâu sắc đời sống sinh hoạt và thói quen của người dân. Đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có hạ tầng Internet, viễn thông hiện đại phủ khắp lãnh thổ. Những ý tưởng kinh doanh mới lạ, táo bạo và quyết liệt của FPT ngay từ khi tham gia thị trường đã góp phần xóa bỏ thế độc quyền về Internet và viễn thông trong nước, trở thành một trong những nhà cung cấp mang lại nhiều lợi ích và dịch vụ giá trị gia tăng cho người dùng nhất.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam (1997-2017) và hướng tới 30 năm thành lập Tập đoàn FPT (1988-2018), Chungta.vn trích đăng các bài viết từ thời sơ khai của mạng Trí tuệ Việt Nam đến khi trở thành nhà cung cấp “Mọi dịch vụ trên một kết nối” của FPT.

Ý kiến

()