Chúng ta

'Tôi muốn tiết mục của FPT Telecom đạt giải cao hơn'

Thứ bảy, 17/9/2016 | 18:39 GMT+7

"Cá nhân tôi rất thích tiết mục của FPT Telecom. Tôi muốn tiết mục này có giải cao hơn, ví dụ giải Nhì. Diễn viên đóng rất đạt, mang phong cách châm biến, hài hước, đậm chất truyền thống STCo", anh Hoàng Việt Hà, COO FPT, cho hay.

Hội diễn 13/9 Hà Nội được mệnh danh dài nhất lịch sử FPT đã khép lại với nhiều dư âm. Các tiết mục năm nay được cải biên mới lạ theo phong cách tuồng, chèo, cải lương và được thổi hồn bởi nhiều diễn viên trẻ tiềm năng. Trong đó, có đến 4 vở diễn được đánh giá là đặc sắc và ấn tượng như "Lữ Bố hí Điêu Thuyền" của FH2O, "Thạch Sanh tân truyện" của FPT Trading, "Tiết Giao đoạt ngọc" của FPT IS và "Ai làm Thị Mầu có bầu" của FPT Telecom.

e2.jpg

Vai Hòa Đốp của chị Mai Thanh Vân mang lại nhiều tiếng cười. Ảnh: Anh Tuấn.

Tuy các giải thưởng đã được Ban Giám khảo lựa chọn nhưng xung quanh đó vẫn còn những băn khoăn, thắc mắc. Như việc tiết mục đạt giải Nhì quá hàn lâm và thiếu tiếng cười hay vở chèo của FPT Trading xứng đáng có giải cao hơn là đồng giải Khuyến khích... Trong đó, vở diễn của nhà Cáo cũng được cho là có thể đạt giải cao hơn nữa. Tiết mục này gây ấn tượng mạnh với những nhân vật kinh điển trong tích chèo cổ được lồng ghép với hình ảnh các lãnh đạo FPT đã mang lại nhiều tiếng cười sảng khoái cho khán giả. Dàn diễn viên thể hiện thầy Phán Cao, thầy Đồ Khắc, thầy Bói Hoàng, mụ Hòa Đốp hay Lý Ngóc đều mang đậm dấu ấn STCo của nhà F.

Kịch bản được anh Đinh Tiến Dũng, GĐ Sáng tạo Truyền hình FPT, người có thâm niên trong các mùa Hội diễn STCo, thai nghén ý tưởng, chắp bút và hoàn thành trong suốt thời gian tập luyện. Thậm chí, ngay trước ngày tổng duyệt, kịch bản vẫn có sự thay đổi một số lời thoại nhằm mang lại cho khán giả một tiết mục giàu ý nghĩa, thông điệp rõ ràng và vẫn tinh gọn, đủ chất STCo. Có thể nói, kịch bản quyết định rất lớn đến thành công của vở diễn này. 

Với phong cách châm biếm hài hước, thâm thúy nhưng không phô, anh đã lồng gắn được những câu chuyện, thông điệp về FPT ngày nay mà vẫn giữ được cấu tứ của tích Chèo gốc - tích Việc làng trong vở Quan âm Thị Kính. Vở diễn đã thể hiện được sự kết hợp hài hòa giữa loại hình nghệ thuật truyền thống với nội dung hiện đại. Bởi vậy, tiết mục này đã được Ban Giám khảo đánh giá cao và trao giải Kịch bản xuất sắc nhất trong Hội diễn.

Không chỉ có kịch bản làm nên thành công của vở diễn mà dàn diễn viên đồng đều của nhà Cáo đã mang lại dấu ấn đậm nét cho tiết mục này. Chị Mai Thanh Vân, Ban Truyền thông FPT Telecom, được giao phụ trách tiết mục tham gia Hội diễn. Lúc đầu, chị không tránh khỏi cảm giác lo lắng bởi Chèo là một bộ môn nghệ thuật khó, phải mất tới 3 buổi mới có thể chốt xong danh sách diễn viên. Vì một số bạn trong đội Chèo đồng thời phải tham gia đồng diễn Hội thao nên cả nhóm phải tranh thủ tập luyện hoàn toàn vào các buổi trưa để chiều tối các bạn còn tập diễu hành. Nhiều hôm vừa ăn vừa thoại để kịp thời gian, việc tập luyện càng vất vả hơn gấp bội.

"So với những buổi tập đầu tiên, đêm diễn vừa qua, tôi thấy các bạn trẻ đã nỗ lực gấp 3,4 lần khi lần đầu lên sân khấu lớn. Đặc biệt, có một kỷ niệm vui, khi tổng duyệt xong, Lê Thanh Liêm (vai thầy Đồ Khắc) phải đi cà nhắc vì bị giãn dây chằng do sáng chạy Hội thao đã làm chúng tôi lo sốt vó, may thay bạn vẫn cố gắng hoàn thành tốt vai diễn", chị Vân nhớ lại.

e3.jpg

Ba diễn viên mới của FPT Telecom (từ trái sang): Lê Thanh Liêm, Nguyễn Minh Hiệp, Lê Hoàng Tùng. Ảnh: Anh Tuấn.

Do thể loại Chèo thực sự thách thức trong khi dàn diễn viên của nhà Cáo năm nay đều là những “tân binh” nên các anh chị đã tin tưởng giao vai Mẹ Đốp cho chị Mai Thanh Vân để cùng tương tác và tung hứng với thành viên trong đội. Từng có thời gian tiếp xúc với môi trường nghệ thuật truyền thống nên khi nhận vai, chị vừa háo hức vừa lo. Háo hức bởi tình yêu với môn nghệ thuật này nhưng lại lo không thể hoàn thành trọn vẹn vai diễn như mình mong muốn. Đáp lại sự cố gắng của chị là vai diễn đã rất tròn trịa, khán giả có mặt đều rất ấn tượng với mẹ Hòa Đốp vừa đáo để, chua ngoa, vừa dí dỏm, đáng yêu. Đây là nhân vật tạo ra nhiều tiếng cười nhất và góp phần dẫn dắt vở diễn của nhà Cáo thành công hơn.

Ngoài các diễn viên gạo cội như Mai Thanh Vân, Đinh Tiến Dũng, năm nay, nhà Cáo cũng đưa lên sân khấu STCo những gương mặt mới. Trong đó, Nguyễn Minh Hiệp, Ban Truyền thông, với vai thầy bói Hoàng, đã tạo được dấu ấn tốt với khán giả. Nhân vật này có tính cách rất nổi bật nên thử thách của Hiệp là phải làm sao để tái hiện hình ảnh một ông già “đanh đá” có phần hơi ngoa ngoắt. Tuy thầy bói Hoàng bị mù nhưng lại là người phụ trách công việc điều hành, “soi đường chỉ lối” cho cả làng. Chính cái “tréo ngoe” đó làm nên sự thú vị cho nhân vật. Ngoài ra, ông già này cũng rất chua ngoa nên Hiệp còn bị khản tiếng trong quá trình tập vì phải gào thét rất nhiều.

Để lột tả hình ành thầy bói mù, lúc đầu đạo diễn cho Hiệp đeo kính râm để đỡ phải diễn mắt vì làm vậy rất khó. "Nhưng trước đêm diễn hai ngày, mẹ Hòa Đốp không cho tôi đeo kính, mà nói sẽ hóa trang như phiên bản gốc. Tôi lại phải lên Youtube xem các nghệ sĩ làm như thế nào. Lúc đứng trên sân khấu chỉ sợ đang cao hứng diễn mà mở mắt ra thao láo nhìn khán giả thì hỏng bét. May mà chuyện đó đã không xảy ra. Vai diễn khá thành công".

Dù đây là lần đầu tiên diễn chèo nhưng Hiệp nhập vai khá nhanh, chỉ gặp khó khăn khi đài từ theo kiểu chèo thì phải luyện tập nhiều hơn. "Vui nhất là sau khi hóa trang xong, tôi không thể ngờ là nhân vật của mình trông lại… kinh như thế. Sau hôm đó ảnh dìm hàng tôi tràn ngập Facebook. Tuy nhiên, phản hồi của khán giả, những người đồng nghiệp đến xem chương trình về nhân vật tôi đóng khá tốt nên tôi cũng cảm thấy rất vui", Hiệp tâm sự.

Lê Hoàng Tùng, Ban Nhân sự FPT Telecom, cũng là gương mặt mới lần đầu tiên đứng trên sân khấu 13/9 với vai thầy Phán Cao. Sau một thời gian ngắn tập luyện, dưới sự hướng dẫn của anh Đinh Tiến Dũng cùng sự góp ý của các bạn diễn, phần diễn của Tùng cũng trau chuốt hơn. "Trong vai ông thầy bị câm, lời thoại có đôi chút đặc biệt. Để ú ớ giả câm cũng khá là khó, cứ mỗi lần tôi ú… lên là mọi người lại buồn cười, không khí tập luyện rất vui. Tuy nhiên do "u u" nhiều nên khá là đau miệng", Tùng cười cho hay.

Dù là "lần đầu làm chuyện ấy” nhưng tâm lý của Tùng cũng khá thoải mái, hưng phấn, xen chút hồi hộp. Tâm lý phấn khích và thích thú trong lần đầu lên sân khấu lớn khiến anh hăm hở chờ đến phần trình diễn của đội nhà. "Thế nhưng do "cháy" chương trình, tiết mục của FPT Telecom diễn ra khá muộn, hàng ghế khán giả cũng thưa hơn, tôi rất lo lắng vì sợ rằng hiệu ứng có phần nào giảm xuống. Nhưng cũng khá may mắn là vở chèo đã gây được tiếng cười kéo theo những tràng pháo tay của khán giả", anh bày tỏ.

Gương mặt có kinh nghiệm hơn một chút là Lê Thanh Liêm, Telesales miền Bắc, với hai năm tham dự cả Hội thao và Hội diễn. Khi làm việc, Liêm được coi là người lạnh lùng và khó tính nhưng khi tham gia văn nghệ lại khá tăng động, nói nhiều và hài hước, thích pha trò cho mọi người cười. "13/9 có thể coi là khoảng thời gian tôi mong đợi nhất trong năm. Qua mỗi lần tham gia, tôi càng hiểu và yêu văn hóa FPT hơn. Mỗi lần biểu diễn là một lần cảm xúc thăng hoa, sung sướng đến “dựng tóc gáy, sởn da gà” và hừng hực nhiệt huyết. Dù địa điểm tập khá xa nhà và nơi làm việc lại hay tắc đường nên nhiều khi tập xong về nhà là mệt rã người, chỉ kịp tắm giặt và lăn ra ngủ. Nhưng chỉ cần được đóng góp cho thành công chung của đội là lại quên hết mọi mệt mỏi".

Vai diễn của Liêm lần này là thầy Đồ Khắc - người già nhất trong tứ trụ của làng. Các thầy này không ưa nhau, hay soi mói, cạnh khóe. Thầy Đồ lại là người hay chữ, hiểu biết, thích dạy người ta nhưng không thích người khác dạy mình nên thường có những câu nói cùn gây cười. Thử thách của Liêm là phải hóa thân sao cho giống một cụ già nặng tai, mắt kém, đức cao vọng trọng, chau chuốt từ dáng đi, cử chỉ, lời nói... và anh đã nhập vai rất đạt.

Vốn là gương mặt kỳ cựu trên sân khấu lại sở hữu giọng hát hay nên chị Nguyễn Thị Hương Giang, Văn phòng FPT Telecom, đã hóa thân khá tốt vào nhân vật Thị Mầu. Bài hát "Đoàn FPT" được chế theo lối ru con đậm phong cách chèo đã mang lại nhiều bất ngờ thú vị cho khán giả.

e4.jpg

Thị Mầu Nguyễn Thị Hương Giang với giọng hát ấn tượng góp phần làm vở chèo thêm hoàn hảo. Ảnh: Anh Tuấn.

Với sự nỗ lực đó của các diễn viên, hầu hết người tham dự đêm Hội diễn đều dành những tình cảm ưu ái, đánh giá tốt cho tiết mục này của nhà Cáo. "Kịch bản của FPT Telecom rất chặt chẽ, các tuyến nhân vật ra vào hợp lý. Nội dung thâm thuý, sâu sắc. Diễn viên đóng rất đạt, đặc biệt là thầy bói Hoàng mù diễn xuất rất duyên. Tuy nhiên, vì diễn gần cuối, khán giả vắng nên có thể các bạn diễn có tâm lý chưa tốt nên không "phê" bằng lúc tổng duyệt", anh Lê Đình Lộc, Trưởng Ban Văn hóa Đoàn thể FPT, cho hay.

Nhạc sĩ trương Quý Hải, thành viên Ban Giám khảo, cũng đánh giá cao tiết mục của nhà Cáo bởi kịch bản nổi trội, chặt chẽ, các tình tiết gây cười đều gắn bó với những câu chuyện tại FPT nên cả người trong và người ngoài FPT Telecom đều hiểu được. Anh cho rằng, nếu tiết mục này và tiết mục "Thạch Sanh tân truyện" của FPT Trading được trình diễn ngay đầu tiên thì chưa biết kết quả sẽ thế nào.

Chung nhận định, anh Hoàng Việt Hà, COO FPT, cho hay: "Cá nhân tôi rất thích tiết mục này. Tôi muốn tiết mục này có giải cao hơn, ví dụ giải Nhì. Diễn viên đóng rất đạt, mang phong cách châm biến, hài hước, đậm chất truyền thống STCo".

"FPT Telecom luôn là đơn vị tôi trông chờ sẽ có tiết mục ấn tượng bởi đội này có cây viết kịch bản và khả năng diễn xuất tốt là anh Đinh Tiến Dũng. Và đúng như kỳ vọng, đây là tiết mục tôi cảm thấy rất thích. Kịch bản tuy không quá độc đáo, mới mẻ nhưng có rất nhiều lời thoại hài hước. Đặc biệt là khả năng diễn xuất của anh Dũng và các thành viên khiến cho khán giả thấy thú vị và thư giãn", Nguyễn Thu Quỳnh, FPT Retail, cảm nhận.

Lặn lội hàng trăm cây số lên Hà Nội để xem các đồng nghiệp của mình biểu diễn, anh Phạm Ngọc Duy, FPT Telecom Hà Nam, rất ấn tượng với tiết mục của đội nhà: "Ngay từ cái tên cũng đã gây nên sự tò mò, hài hước cho khán giả. Các diễn viên cây nhà lá vườn nhưng diễn xuất rất tự nhiên, chuyên nghiệp, tạo nên nhiều tiếng cười cho khán giả. Kịch bản được làm mới phù hợp với không khí Hội diễn và những gì đang diễn ra ở FPT. Mẹ Đốp Hòa diễn rất đạt, vừa chua ngoa vừa dí dỏm, anh Đinh Tiến Dũng diễn tưng tửng và rất duyên. Nhưng tiếc cho đội nhà vì diễn sau mấy tiết mục khá dài nên tâm trạng của khán giả và Ban Giám khảo đã mệt mỏi. Do đó, có thể kết quả không được như mong đợi".

Như vậy, dù kịch bản xuất sắc, dàn diễn viên từ gạo cội đến mới đều diễn tốt, có nhiều sáng tạo và câu thoại gây cười nhưng tiết mục của FPT Telecom đã không đạt được hiệu ứng cao. "Tôi có một chút tiếc nuối bởi đội nhà diễn khá muộn khi mà khán giả đã về hơn nửa khiến cho tâm lý và cảm xúc của cả đội cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Do vậy, tôi tiếc là chưa thể mang lại một tiết mục xuất sắc hơn. Ở mọi cuộc thi đều nên tôn trọng quyết định của Ban Giám khảo, điều quan trọng nhất là chúng tôi đã nhận được tình cảm và ghi nhận từ các anh chị em đồng nghiệp, đó là điều đáng quý nhất", chị Mai Thanh Vân bày tỏ.

>> 'Hội diễn dài nhưng vẫn thăng hoa'

Tử Quyên

Ý kiến

()