Chúng ta

Mẹ là quê hương của con

Thứ tư, 9/11/2016 | 12:53 GMT+7

Mẹ làm bất cứ công việc nặng nhọc nào, miễn ra tiền để nuôi tôi ăn học. Nào là gánh gạch, cấy thuê, mò cua, bắt ốc. Quanh năm suốt tháng mẹ lam lũ như cánh còn lặn lội nuôi con.

Mẹ tôi sinh ra trong một làng quê nghèo vùng đồng bằng Bắc bộ. Ngay từ nhỏ mẹ tôi đã không biết mặt cha - một ông thầy bói mù tận mạn Thường Tín. Mẹ hay kể về bà ngoại. Bà ngoại có số phận như bao người phụ nữ khác trong thời chinh chiến, loạn lạc. Bà sinh ra trong thời chống Pháp, lấy chồng khi còn thủa con gái. Tiễn chồng ra đi vào nơi lửa khói, bà ở lại miền quê nghèo - nơi cái nghèo thấm đẫm vào cuộc sống như những giọt mồ hôi chực nhỏ trưa hè. Bà cả ngày quần quật làm thuê nuôi đứa con trai duy nhất. 15 năm sau tái giá làm vợ ba một ông thầy bói. Sau đó có thêm bác ruột và mẹ tôi. Chồng không đoái hoài nên vai bà thêm mỏi, lưng bà thêm còng vì nuôi 2 con thơ.

856b7d87318823-img-7134-1478578082.jpg

Ba năm sau tiễn con nối gót cha đi theo tiếng gọi của những người tha thiết với đất nước, dấn thân vào miền địa đầu sơn cước, sẵn sàng hiến dâng xương máu cho non sông, nguyện gửi tấm thân ngoài sa trường. Bác ra đi mong một ngày đất nước bình yên, để hai em thơ không còn giật mình giữa canh khuya lạnh vắng vì tiếng đạn bom dày xéo của quân thù. Ngày ra đi bác chưa từng cầm tay một người con gái. Để con mình vào nơi hòn tên, mũi đạn - nơi sự sống mong manh như ngọn đèn trước gió - nơi chỉ một lần siết cò súng, một tiếng đạn xé gió là một sinh linh chiến binh anh dũng nằm xuống nơi đất hoang, mộ nông…có người mẹ nào muốn? Ngày bác đầu quân, bà khóc bao nhiêu thì 3 năm sau - khi giấy báo tử bay qua những triền đồi in hằn vết đạn bom, bay trên những ruộng lúa khô cằn những nhọc nhằn, xuyên qua những miền quê nghèo ngập tràn lửa đạn…về đến bàn tay gầy gò của bà thì bà khóc nhiều hơn bấy nhiêu…

Xót xa, đau đớn, bạo bệnh, bà mất khi mẹ tôi chưa đầy 15 tuổi. Bác thứ hai đi lấy chồng, gia cảnh cũng bần hàn, khổ cực. Mẹ ở một mình cày cấy, làm thuê, chăn nuôi để nuôi mình và trả nợ số tiền vay chữa bệnh cho bà ngoại. Sinh ra là con nhà nghèo, mẹ chẳng nề hà bất cứ việc gì. Mẹ khuya sớm tảo tần, vất vả, một nắng hai sương trên cánh đồng làng. Bao nhiêu anh cảm mến nết chịu thương, chịu khó mà ngỏ ý nhưng mẹ đều khước từ. Chỉ đến khi gặp bố tôi - một người lính phục viên, hai người “phải duyên phải số” mà nên vợ, nên chồng. Bà nội tôi là người nanh nọc, khinh người, độc ác nhất trong làng. Bà khinh tất cả những ai nghèo khó, ăn mặc rách rưới hơn bà. Bà ghét mẹ lắm vì mẹ nghèo, lại mang một đống nợ, nhưng bố tôi yêu mẹ nên quyết tâm cưới. Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Cưới xong bố đi xây dựng thủy điện Sông Đà, lâu lâu mới về thăm mẹ. Có lẽ vì đi biền biệt nên 7 năm sau mẹ mới có tôi. 7 năm đó là 7 năm khổ sở nhất trong cuộc đời mẹ. 365 ngày đều như vắt chanh, ngày nào 5h sáng bà nội cũng chạy đến đập cửa chửi:

- Đồ nghèo mạt rệp. Đồ cây độc không trái, gái độc không con. Mày không có con thì bỏ con tao đi để nó lấy đứa khác.

Đi đến đâu bà cũng rêu rao nó là đứa nghèo hèn, không con, không cái. Đến khi mẹ mang thai tôi thì bà sinh nghi tôi không phải con bố. Có lần khi tôi 6 tháng tuổi, bà bế tôi ra đường chơi. Có người trêu:

- Ôi, sao thằng này giống ông Bằng hàng xóm thế?

Ba máu sáu cơn nổi lên. Bà chạy ầm ầm về nhà mẹ tôi và… ném tôi đánh đùng xuống giường. Tôi khóc ngằn ngặt. Mẹ tưởng tôi chết. Hôm đó mẹ và bà cãi nhau to. Bà tuyên bố từ mặt mẹ tôi. Bà mắng mẹ là lăng loàn, mất nết, hư hỗn…

Vài tháng sau, có lần chị hàng xóm bế tôi đi chơi qua nhà bà. Thấy bà đang ăn mì, tôi nói:

- Măm măm..

Chị hàng xóm bế vào bảo:

- Bà ơi, cho thằng Hiếu ăn mới chứ nó nhìn bà bảo "măm măm".

Bà quay ngoắt mặt đi và nói:

- Tao không thừa cơm cho cái loại con ngoài giá thú ăn. Mày bế nó đi đi!

Những chuyện đại loại như vậy, nói chung vô khối. Tôi lớn lên trong sự ghẻ lạnh của dòng họ nội. Chả ai quan tâm đến tôi. Cũng may bố tôi vẫn yêu thương mẹ con tôi vô ngần. Đi làm xa được đồng nào là nhặt nhạnh, chắt chiu gửi về nuôi con. Sau này, khi đã thử ADN và xác nhận tôi là con bố thì tình cảm của tôi dành cho họ nội, cũng như họ nội dành cho tôi vẫn thế - nhạt thếch như nước ốc.

Sau này dòng họ nội vào Nam hết. Có vài lần tôi công tác trong Nam, ghé vào thăm bà và cố gắng làm thân. Tôi bóp vai bà và nịnh:

- Bà ơi, bà phải cố gắng giữ gìn sức khỏe còn ban phước lành cho con, cho cháu bà ạ…

- Uh, thế nhà tao ở quê thế nào?

- Dạ, nhà cửa vẫn tốt ạ. Thỉnh thoảng mẹ cháu vẫn sang quét dọn.

- Thỉnh thoảng? Tao bảo nhà mày sang quét dọn thường xuyên cơ mà? Sao mày bảo thỉnh thoảng? Mẹ mày là loại lười chảy thây, tao lạ gì. Thế này hỏng hết nhà tao chứ còn à?

Rồi bà chửi. Bà chửi như chưa bao giờ được chửi. Bà chửi như cơn giông bão mùa hạ, vần vũ, sầm sập, ầm ầm, tối đen trời đất. Bà xỉa xói, chì chiết, lôi những chuyện từ ngày xưa ra nói. Bà chửi đứa cháu đích tôn ngay khi vừa gặp sau cả chục năm trời xa cách. Tôi ngồi lặng thinh nghe. Thỉnh thoảng khi bà quay mặt ra đường chửi, tôi mỉm cười lặng lẽ. Tôi nén buồn, nén tiếng thở dài, nén cả sự uất ức khi tất cả đang hòa quyện lại, chỉ muốn vỡ tung trong lồng ngực. Lát sau khi đến giờ cơm trưa, cô Lan giục bà ăn cơm. Tôi xin phép ra về. Tôi thênh thang bước đi, để lại sau lưng tiếng chửi vẫn còn văng vẳng, để lại sau lưng cả một trời nỗ lực để cố quên chuyện xưa…rồi tự nhiên tôi thấy nản, tôi lắc đầu chịu thua. Buồn làm gì, chán làm chi, giận đời, hận người cũng đến thế thôi. Tôi hiểu ra rằng, khi người ta ghét mình, thì thở thôi người ta cũng ghét.

Tôi còn cơ cực thế thì ngày xưa, mẹ tôi khổ hơn gấp cả nghìn lần. Nhưng có lẽ sống trong khổ cực, vất vả từ bé nên rèn luyện cho mẹ một tính chịu đựng phi thường. Mẹ bỏ ngoài tai tất cả gièm pha, chêm chọc, bịa đặt của thiên hạ. Niềm vui duy nhất của mẹ là tôi. Niềm hạnh phúc của mẹ là được ôm ấp, che chở, chăm nom cho tôi. Mẹ tôi chưa bao giờ khóc vì ai ngoài tôi. Có lần tôi còn bé, bị sốt, dứt khoát bám lấy mẹ. Ngoài sân đang phơi thóc thì cơn mưa ầm ầm kéo đến. Mẹ bỏ cả sân thóc để chăm tôi. Kệ cho thóc ướt, mặc cho thóc trôi rào rào ra cống. Mẹ dỗ dành, ru tôi ngủ. Với mẹ, tôi quý giá hơn mọi thứ trên đời này. Mẹ hay nựng:

- Mẹ yêu còn nhất trên đời đấy. Cả thúng vàng mẹ cũng không đổi đâu!

Mẹ làm bất cứ công việc nặng nhọc nào, miễn ra tiền để nuôi tôi ăn học. Nào là gánh gạch, cấy thuê, mò cua, bắt ốc. Quanh năm suốt tháng mẹ lam lũ như cánh còn lặn lội nuôi con.

Mẹ đi đâu cũng kiếm quà cho tôi. Khi mẹ mang về quả ổi, khi mẹ mang về nắm bỏng, khi là con muồm muỗm nướng ăn rất ngon làm quà. Mẹ thường nhìn tôi chơi đùa, đá bóng quanh sân và cười. Có lẽ vào lúc đó, bao mệt mỏi, nhọc nhằn của mẹ đều tan biến hết.

Hai mẹ con cứ vò võ với nhau quanh năm suốt tháng mà chả bao giờ buồn. Mẹ dạy tôi học chữ, mẹ dạy tôi hát, mẹ dạy tôi đối nhân xử thế, mẹ dạy tôi thành người.

Vào mùa gặt, mẹ bảo tôi đi mua đá pha nước chanh. Mẹ pha xong vừa xoa đầu tôi, nhìn tôi uống nước chanh đá vừa nói:

- Ở quê khổ chưa con ơi? Cố mà học, sau này thoát ly cho đỡ khổ.

Tôi ngủ với mẹ đến hết cấp 2 mới ra ngủ riêng. Đêm nào cũng rúc vào mẹ, hít hà hương thơm dịu ngọt của mẹ, rồi ngủ say trong vòng tay mẹ tự lúc nào không biết.

Mẹ là người có tấm lòng thương cảm, nhân hậu, hay giúp đỡ người khác. Có những người hôm trước nói xấu mình, hại mình, hôm sau đến khóc lóc nhờ vả, vay mượn, mẹ lại mủi lòng cho vay. Dù rằng người đời vay dễ, trả khó. Mẹ tâm niệm:

- Kệ con ạ, mình sống có trời chứng giám. Mẹ làm phúc thật nhiều cho con gặp may mắn.

Mà tôi gặp nhiều may mắn thật. Tôi đi xem ở đâu họ cũng nói "mẹ cậu ăn ở phúc lộc lắm, nên giờ cậu gặp may".

Cả cuộc đời vất vả lo lắng, chăm chút cho tôi, giờ mẹ tôi lại tất bật chăm cháu nội. Mẹ hay nựng cháu:

- Ngày xưa bố mày suốt ngày bám lấy bà, bây giờ thì đến thằng bé này.

Đã từ rất lâu tôi không còn mơ ước gì cho bản thân, vì tất cả mọi thứ đối với tôi đều rất tốt đẹp. Tôi chỉ ước mẹ tôi mãi mạnh khỏe, vui vẻ, sống thảnh thơi, nhàn tản. Tôi ước chiều nào về cũng được nhìn thấy mẹ cười. Tôi ước ngày nào cũng được ăn cơm mẹ nấu. Tôi ước có mẹ đi cùng với tôi suốt cả đời này. Mẹ tôi là tất cả. Mẹ là thế giới của tôi. Mẹ là quê hương của tôi. Mẹ là nơi chốn bình yên nhất cho tôi về nương náu…

Bài viết này tham dự cuộc thi “Bàn tay mẹ - Bờ vai cha - Ước mơ con bay xa” dành cho CBNV FPT Software và người thân. Bài dự thi được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như ảnh, thơ hoặc văn xuôi…

Sau gần một tháng phát động, BTC đã nhận về hơn 160 tác phẩm dự thi. Các tác giả đoạt giải sẽ được trao thưởng trong sự kiện Ngày Phụ huynh FPT Software 2016 diễn ra tại Hà Nội ngày 19/11, Đà Nẵng 25/11 và TP HCM 18/12.

Bùi Quang Hiếu

Ý kiến

()