Chúng ta

Trạng nguyên FPT 2013: ‘Hãy suy nghĩ tích cực, hành động cụ thể’

Thứ bảy, 14/5/2016 | 20:55 GMT+7

“Chúng ta còn rất trẻ để nói chuyện thành công hay thất bại. Không nên loanh quanh tìm đáp án cho những câu hỏi đó mà hãy suy nghĩ tích cực, hành động cụ thể, các bạn sẽ có những thu lượm hữu ích hơn cho bản thân”, anh Đỗ Văn Giang, Trạng nguyên FPT 2013, chia sẻ với CBNV trong ‘72h trải nghiệm’.

Trong buổi Open Talk "72h trải nghiệm" ngày 14/5, anh Đỗ Văn Giang, Trạng nguyên FPT 2013, GĐ Kinh doanh khu vực Đông Bắc Bộ, F9, FPT Trading, đã có những chia sẻ thú vị xoay quanh câu chuyện thành công thất bại, kinh nghiệm, cách làm việc, ứng xử và cơ hội của người trẻ ở FPT.

Là người đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại tập đoàn, với anh, thành công ở FPT đơn giản chính là cơ hội được trải nghiệm nhiều vị trí công việc như kinh doanh, phân tích kinh doanh, lên kế hoạch chiến lược... để trau dồi, hoàn thiện bản thân. Càng làm nhiều, càng quan hệ với khách hàng, lãnh đạo, đồng nghiệp càng được mở mang kiến thức, tích lũy được nhiều kinh nghiệm hữu ích.

“Động lực để gắn bó với FPT trong 3 năm đầu chính là giá trị văn hóa độc đáo, 3 đến 5 năm sau là thu nhập và lâu dài chính là cơ hội trải nghiệm nhiều vị trí để học hỏi”, anh nói.

IMG-2777-JPG_1463231882.jpg

Hôm nay (ngày 14/5), gần 60 học viên đã được nghe những chia sẻ hữu ích của Trạng nguyên FPT 2013 trong chương trình “72h trải nghiệm” số thứ hai tại ĐH FPT Hòa Lạc (Hà Nội).

Trạng nguyên FPT cho rằng, cá nhân anh chưa được gọi là người thành công để có thể chia sẻ bí quyết cho người khác nhưng từ những trải nghiệm của bản thân khi gắn bó với FPT, anh hy vọng có thể đem lại cho CBNV những điều giá trị để rút ngắn thời gian "ném đá dò đường". Theo anh, với các tân binh hoặc CBNV mới gắn bó với FPT 2-3 năm có thể  vẫn đang suy nghĩ mọi thứ phức tạp nhưng thực ra bí quyết lại nằm ở sự đơn giản. Như việc truyền lửa, nếu nói theo kiểu “chém gió”, động lực của người nghe sẽ cháy lên được một lúc rồi tắt. Chỉ có những giá trị đơn giản mới cháy âm ỉ và lâu dài.

“Nếu cách đây 2 năm, các bạn gặp tôi sẽ thấy một người hoàn toàn khác, thường nói những điều hơi 'đao to búa lớn' nhưng bây giờ tôi ngày càng suy nghĩ mọi việc giản đơn hơn. Tôi nghiệm thấy, càng làm nhiều, học nhiều, trải nghiệm nhiều, mọi thứ đều trở về những điều đơn giản và cơ bản”, anh tâm niệm.

Khi tiếp cận một vấn đề, theo anh, mỗi người nên đi lần lượt từ "nghe" đến "nghĩ" rồi "chiêm nghiệm" và cuối cùng là “ngộ” để tìm ra chân lý cho bản thân. Khi ở trong một môi trường công ty như FPT, mỗi người đều có những mối quan hệ, do đó, mỗi cá nhân nên có định hướng về thái độ, hành động và kết quả với mối quan hệ đó.

“Chúng ta nên có thái độ đam mê, thích thú, niềm tin và sự tích cực. Kinh nghiệm của tôi là luôn nhìn vào mặt tích cực, lúc ấy sẽ tìm ra giải pháp. Nếu nghĩ tiêu cực sẽ dễ dàng bỏ cuộc, bế tắc và dẫn đến chán nản, thất bại. Khi nhìn ra được những mặt tốt, mỗi người cần vạch ra những bước hành động cụ thể. Ý tưởng trên thế giới luôn rất nhiều, nhiều người nghĩ được ý tưởng nhưng quan trọng chúng ta có làm hay không để biến nó thành hiện thực”, anh nói.

Anh cũng nhấn mạnh, khi có vấn đề hoặc ý tưởng, mỗi người nên cố gắng tìm được nguyên nhân cốt lõi, đề ra giải pháp, hành động, từ đó có những đánh giá, đúc rút riêng cho bản thân. Trong giao tiếp nên lắng nghe, phân tích thông tin và đặt câu hỏi, hiểu cốt lõi vấn đề, trao đổi dựa trên nguyên tắc cho và nhận, nhìn nhiều chiều và đặt mình vào vị trí người khác. 

IMG-2810-JPG_1463231943.jpg

Anh Giang đại diện trao chứng chỉ cho tân binh sau buổi giao lưu.

Từ đó, Trạng nguyên FPT cho rằng, mỗi người nên cố gắng vượt qua giới hạn của mình mỗi ngày, không nên loanh quanh tìm câu hỏi bài học thất bại hay thành công mà quan trọng là có suy nghĩ tích cực và hành động cụ thể. Khi nói tiêu cực không ai muốn nghe, dễ chùn bước và bế tắc. Suy nghĩ tích cực giúp chúng ta sáng suốt, biết cách tìm ra giải pháp và truyền lửa cho người khác. 

“Trong bối cảnh thị trường Nokia khó khăn, thị phần giảm sâu, đội quân F9 vẫn không bi quan mà luôn nỗ lực tìm mọi cách đóng góp lợi nhuận cho công ty. Chúng tôi tăng cường mọi hành động tốt nhất có thể như bán háng tồn kho, quan hệ khách hàng, đào tạo nhân viên... để đạt được mục tiêu”, anh nói.

Ngoài ra, trong buổi giao lưu, anh Giang cũng dành nhiều thời gian chia sẻ bí quyết để trở thành Trạng nguyên FPT, giải đáp các thắc mắc của tân binh về vấn đề truyền lửa, cơ hội thăng tiến, thành công thất bại... Trả lời băn khoăn của Lương Hương, FPT Telecom, về bản chất việc cho và nhận giữa sếp và nhân viên, anh Giang cho rằng, mọi thứ không công bằng tuyệt đối nhưng luôn có những giá trị chung. Dù sếp ghi nhận hay không, nếu chúng ta thực sự muốn gắn bó với công ty vẫn sẽ nhìn thấy những mặt tích cực để lựa chọn và hành động. 

Sau hơn 2 giờ giao lưu, anh Giang đã đại diện trao giấy chứng nhận "72h trải nghiệm" và các giải thưởng cho gần 60 thành viên tham dự chương trình, khép lại chương trình thứ hai của năm 2016. Trước đó, trong ngày 12 và 13/5, CBNV đã được thử sức các game vận động, 13 thử thách đồng đội, mật thư khám phá FPT, thi đấu thể thao bóng đá, bóng sọt và trải nghiệm văn hóa STCo.

"72h trải nghiệm" do Trường Đào tạo Cán bộ FPT (FCU) tổ chức, chính thức ra mắt năm 2015 với đối tượng chính là tân binh FPT. Sau thành công của 10 số ở khắp ba miền, phiên bản “72h trải nghiệm” năm 2016 mở rộng cho toàn thể thành viên FPT. Người tham gia chỉ cần là người FPT có hợp đồng chính thức và chưa từng tham dự các số trước đó. Số đầu tiên của chương trình năm 2016 đã diễn ra vào tháng 3 tại Hà Nội và TP HCM.

Tử Quyên

Ý kiến

()