Chúng ta

'Tin tưởng' là chỉ số cao nhất trong khảo sát độ gắn kết nhân viên

Thứ ba, 5/4/2016 | 12:01 GMT+7

Khảo sát đo độ gắn kết nhân viên FPT năm 2015 cho thấy, CBNV dành tới 4,4 điểm (trên thang điểm 5) cho chỉ số Tin tưởng và 4,3 điểm cho chỉ số Tự hào về tập đoàn.

Điểm khác biệt trong khảo sát độ gắn kết nhân viên FPT (ESS) năm 2015 chính là việc sử dụng hệ thống 24 câu hỏi mới dựa trên mô hình học hỏi của nước ngoài. Mô hình mới kế thừa từ 14 câu hỏi của Gallup mà FPT đã sử dụng các năm trước đây, có bổ sung một số câu hỏi cho phù hợp thực tế của FPT và từng đơn vị trong giai đoạn hiện tại. 

Mô hình mới chia làm 6 nhóm yếu tố gồm: Tự hào về công ty; Đội ngũ; Chế độ đãi ngộ; Cơ hội phát triển; Công việc và Văn hóa/giá trị, cho phép có thông tin từ những vấn đề cụ thể của từng bộ phận, từng công ty đang gặp phải. 

Mức độ gắn kết nhân viên với công ty là một chỉ số quan trọng nhằm giúp Ban lãnh đạo công ty có những điều chỉnh phù hợp trong chiến lược phát triển.

Mức độ gắn kết nhân viên với công ty là một chỉ số quan trọng nhằm giúp Ban lãnh đạo có những điều chỉnh phù hợp trong chiến lược phát triển.

Sau hơn 3 tháng triển khai, Ban Nhân sự FPT vừa công bố kết quả chương trình. Theo đó, chỉ số gắn kết của người FPT năm 2015 là 4,05 điểm (tính trên thang điểm 5), vượt 0,3 điểm so với chuẩn của quốc tế là 3,75 điểm (mức tốt). Năm 2014, chỉ số này đạt 3,94 điểm (tính trên thang điểm 5) với 4 nhóm yếu tố: Nhu cầu cơ bản; Đội ngũ; Cơ hội phát triển; Công việc.

Ba yếu tố nổi bật được CBNV đánh giá cao trong khảo sát lần này là Tự hào về công ty - 4,3 điểm; Đội ngũ - 4,15 điểm và Văn hóa đoàn thể - 4,1 điểm. Các yếu tố còn lại đều đạt từ 3,75 điểm trở lên và tăng so với năm 2014.

Theo anh Nguyễn Khánh Tiệp, Trường phòng Chính sách và dự án FHR, dựa theo bộ câu hỏi, có hai chỉ số quan trọng là Tin tưởng (tin tưởng vào sự phát triển; tin tưởng và tôn trọng đội ngũ lãnh đạo - Trust Index) và Tự hào (sẵn sàng cống hiến nhiều hơn, sẵn sàng giới thiệu bạn bè, người thân vào làm việc tại công ty - Love index) đều được đánh giá ở mức cao nhất. Cụ thể, Trust Index đạt 4,4 điểm và Love Index đạt 4,3 điểm. 

"Tự hào và có niềm tin vào sự phát triển của công ty trong tương lai cùng đội ngũ lãnh đạo cấp cao, từ đó CBNV sẵn sàng cống hiến nhiều hơn cho FPT ngoài cả phạm vi công việc", anh Tiệp chia sẻ kết quả khảo sát.

Ở yếu tố Đội ngũ (gồm Lãnh đạo cấp cao công ty, Quản lý trực tiếp và Đồng nghiệp), CBNV cho điểm cao - 4,15 điểm. Trong đó có một số ý kiến nhận xét phổ biến: "Tôi được học hỏi từ các lãnh đạo"; "Được cán bộ quản lý quan tâm đến công việc và đời sống (ngoài công việc)"; "Đồng nghiệp chân thành, cởi mở, giúp đỡ nhau".

Nếu chia theo giới tính, CBNV nam có chỉ số gắn kết cao hơn nữ với 4,07 điểm, trong khi CBNV nữ là 4,03 điểm. Chỉ số này ở sếp và nhân viên tương đương nhau, đều đạt 4,05 điểm. 

Ngoài báo cáo chung, Ban Nhân sự FPT sẽ gửi báo cáo chi tiết cho các đơn vị trước ngày 8/4. Từ kết quả khảo sát này, các đơn vị có thể xác định điểm mạnh yếu để có những cải tiến phù hợp.

Đo độ gắn kết (EES) được FPT triển khai từ năm 2008. Đối tượng tham gia là CBNV ký hợp đồng lao động chính thức với công ty. Trong kỳ ESS 2015, FHR đã gửi đi 23.316 e-mail mời tham gia khảo sát. Sau một tuần phát động (từ ngày 7 đến 15/12/2015), số người trả lời khảo sát là 13.112 người, tương đương với tỷ lệ 56%. FPT Telecom, FPT Softwware và FPT Retail là ba đơn vị có CBNV tham gia đông nhất, lần lượt là 4.833 người, 3.225 người và 1.639 người. Khảo sát được thực hiện online.

Những năm trước, dựa theo bộ câu hỏi cũ, các nhóm yếu tố được đánh giá cao gồm "môi trường làm việc", "sự hài lòng", "nhu cầu cơ bản" và "team work". Đo độ gắn kết năm 2014 có sự tham gia của 6.772 CBNV. Điểm tổng kết trung bình đo độ gắn kết nhân viên toàn FPT trong năm 2014 được 3,94, tương đương kết quả đánh giá năm 2012. 

EES là một trong những công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp xác định được những điểm mạnh, điểm yếu trong chính sách và môi trường làm việc. Đồng thời cũng là cơ sở để doanh nghiệp đánh giá sự hòa hợp (điểm cân bằng) giữa mục tiêu của công ty với mục tiêu của mỗi cá nhân. Dựa vào kết quả này, lãnh đạo các đơn vị có thể định hướng phát triển và ban hành các chính sách quản lý nhân sự, phát triển văn hóa phù hợp, nhắm riêng vào từng đối tượng cụ thể - nhóm đối tượng có chỉ số gắn kết chưa cao. Thông thường phải mất nhiều năm để có thể thấy rõ tác động từ các chương trình hành động của công ty nhằm cải thiện độ gắn kết của nhân viên.

Tiểu Thanh

Ý kiến

()