Chúng ta

Thầy giáo U70 hút hồn sinh viên nhờ khả năng chơi 5 nhạc cụ

Thứ hai, 28/9/2015 | 15:17 GMT+7

Không chỉ là giảng viên Công nghệ thông tin tâm huyết, thầy Phan Đăng Cầu, ĐH FPT, còn là một nghệ sĩ đa tài, biểu diễn nhiều nhạc cụ một lúc. 

Nhiều thế hệ sinh viên Đại học FPT dù đang học hay đã ra trường, đều biết đến và bày tỏ tình cảm mến yêu với thầy giáo Phan Đăng Cầu, giảng viên Công nghệ thông tin của trường. Ở tuổi ngoài 60, thầy Cầu vẫn thật trẻ trung, sôi nổi khi nói về âm nhạc và nghiệp nhà giáo.

Tay chơi cùng lúc cả guitar, mandolin, hoặc accordeon, miệng thổi sáo, harmonica, thầy Cầu thả hồn mình theo giai điệu một bản nhạc nổi tiếng khiến khán giả, chủ yếu là sinh viên và đồng nghiệp lặng đi vì xúc động xen lẫn ngưỡng mộ… Âm nhạc là sở thích, đam mê của thầy gần như suốt cả cuộc đời. Tiếng sáo, tiếng đàn đã trở thành một đặc điểm nhận dạng khó quên của thầy trong mắt biết bao thế hệ sinh viên FPT.

“Tôi thích âm nhạc từ nhỏ, thích và tự mày mò học chơi như một bản năng mà thôi”, thầy Cầu chia sẻ.

Thầy kể, hồi nhỏ nhà nghèo, phải giúp bố mẹ chăn trâu, cắt cỏ. Trong lúc lang thang với con trâu khắp các bờ ruộng, cậu học trò nghèo tự kiếm vật liệu làm sáo, chế ra những cây đàn “trẻ con” để chơi cho đỡ buồn, dần dần thành “mê say” lúc nào không biết.

caupd2-8809-1443408279.jpg

Lớn lên, thầy được sang Hungary du học. Cuộc sống ở trời Âu có điều kiện hơn giúp thầy có cơ hội học chơi các nhạc cụ như: accordion, guitar, mandolin… “Mình chủ yếu tự học, mục tiêu đơn giản là giải trí nên cứ rảnh rỗi thì tập chơi, cứ thế một cách tự nhiên, mình nắm được cách chơi và chơi nhạc bằng bản năng”, thầy Cầu kể.

Tự học cũng chính là phương châm thầy áp dụng trong cuộc đời: Học để trau dồi kiến thức, chuyên môn, ngoại ngữ, học để hoàn thiện chính mình trong bất cứ lĩnh vực nào, cứ cần cù, đam mê để đi mãi con đường mà mình đã chọn.

Sau này, khi trở về Việt Nam, trong hành trang của thầy Cầu ngoài sách vở còn có những cây đàn. “Bởi tiếng đàn đã đi cùng tôi qua những năm tháng vất vả gian khó nhất thời thơ ấu, thanh niên. Đó còn là niềm vui vô tận cho tôi mỗi khi mệt mỏi trong công việc, cuộc sống”, thầy tâm sự.

Tuy nhiên, khi về nước, cuộc sống nhiều khó khăn, bận rộn không cho thầy có thời gian để chơi đàn thường xuyên. Thầy ngưng đàn, ngưng sáo trong nhiều năm. “Mãi đến năm 2003, trong một lần tình cờ nghe được giai điệu sáo bài "Quê hương", tôi bỗng thấy xúc động kỳ lạ. Tôi nhớ lại mình từng thổi sáo mê say như thế nào và bắt đầu mua sáo, mua đàn, chơi lại từ đó”.

Theo thầy Cầu, từ khi về công tác tại Đại học FPT, thầy mới có nhiều dịp chơi sáo, chơi đàn, phát huy mạnh hơn khả năng âm nhạc của mình vì FPT có môi trường văn hóa rộng mở, đa dạng. Thầy thường chơi nhạc cho đồng nghiệp và sinh viên nghe trong giờ giải lao, trong các sự kiện của trường và hạnh phúc khi tiếng đàn, sáo của mình được đón nhận.

“Thỉnh thoảng, tôi được mời đến biểu diễn nhạc tại các quán cà phê. Tôi cứ lặng lẽ đi thôi, chẳng ngờ đôi khi có sinh viên đón đầu được thông tin, đến quán đợi để nghe, xem mình biểu diễn. Những lúc đó cảm thấy thật hạnh phúc và ấm áp”, thầy Cầu cho hay.

Giảng viên ĐH FPT Phan Đăng Cầu biểu diễn "Diễm xưa" bằng các loại nhạc cụ:

Theo VnExpress

Ý kiến

()