Chúng ta

Sử ký FPT: Cắm cờ FPT ở cực Bắc Lũng Cú

Chủ nhật, 7/7/2013 | 08:00 GMT+7

Đáp chuyến bay chiều đến Nội Bài khi trời vừa sẩm tối, ba thanh niên trẻ vai mang balô tiếp tục cuốc bộ thêm ba cây số để đợi bắt chuyến xe muộn thẳng tiến đến Hà Giang.
> Sử ký FPT: Chuyện về một cái biển tên đường phố / Người thách thức kỷ lục viết sử ký với 40 bài

Hơn 4 tiếng đồng hồ ngồi đợi xe ngoài đường, tâm trạng bồn chồn nhưng không hề mỏi mệt, chỉ mong sáng mai khi thức giấc, đôi chân được chạm vào mảnh đất thân yêu nơi địa đầu Tổ quốc, được mang lá cờ FPT lên đỉnh núi cao vẫy vùng trong biển gió.

a

Cột cờ cực Bắc Lũng Cú.

"Bốn cực một đỉnh" là cụm từ mà những "chân đi" không ai là không biết, chinh phục bốn điểm cực Đông, Tây, Nam, Bắc và nóc nhà Đông Dương Phanxipăng. Trong đó, cột mốc cực Bắc Lũng Cú trên đỉnh Long Sơn là cung đường đã làm say đắm hàng ngàn trái tim Việt, đã đến, đã đi, và chắc chắn sẽ có một ngày quay trở lại. Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh hay Sủng Là, Sà Phìn, Mã Pì Lèng, Sơn Vĩ, Du Gìa ... là những cái tên thân thuộc đủ sức mạnh để vẫy gọi nỗi nhớ thành những chuyến đi.

Theo đường 4C với hành trình dài hơn 160 km nối liền từ thành phố Hà Giang qua thị trấn Mèo Vạc, chúng tôi đến Đồng Văn. Hai chiếc xe máy chạy bon bon trên con đường mang tên Hạnh Phúc. Càng đi dần càng lên cao, địa hình càng hiểm trở. Con đường vắt vẻo các sườn núi đi qua địa danh cổng trời, núi đôi Quản Bạ... nhìn xuống phía dưới thấy đường như sợi chỉ trắng chạy trên nền đá xám xịt.

Nhiều đoạn thấy cả xe và người bồng bềnh trên mây. Đường dài và quanh co, những khúc cua cùi chỏ liên tiếp nhau trên những con dốc hiểm bên bờ vực thẳm khiến cho những tay lái cừ khôi nhất cũng có thể nể phục. Vượt qua được nhiều ngọn núi, nhiều khúc cua, nhưng vẫn có lúc lạc tay lái, xe tôi lướt nghiêng ôm mình theo đoạn cua tay áo, một cua, hai cua, ba cua, bốn cua, năm cua nối tiếp nhau...

Chúng tôi bỗng xe loạng choạng trước khúc cua thứ sáu, trước mặt là vực thẳm, trong tích tắc chúng tôi buộc lòng đổ người cho xe rạp xuống mặt đất, chân chống cọ xát vào mặt đường tóe lửa. Xe và người đổ ầm một tiếng vang dội cả núi đồi, cả người và xe vẫn trườn đi theo quán tính, lao xuống gần mép vực, may mắn vướng vào một thân cây nên chúng tôi đã không phải rơi xuống vực thẳm mà bên dưới toàn đá nhọn. Nơi khúc cua " lịch sử" ấy vẫn còn in dấu một vết xước dài mà có lẽ sau này tôi quay trở lại vẫn thấy kỷ niệm " hào hùng " ở nơi đó. Kế tiếp không lâu sau là chiếc xe của người bạn đồng hành, đổ dốc băng băng rồi bỗng nhiên một khúc cua tay áo quật ngang khiến xe đâm thẳng vào vách núi. Chúng tôi vẫn đứng dậy, kéo xe lên và đi tiếp đoạn đường 160 km mất đến 9 tiếng, là con gái nhưng những vết xước trên da thịt đó chẳng hề hấn gì.

Điểm nhấn của đường Hạnh Phúc là đèo Mã Pí Lèng với cung đèo hiểm trở dài khoảng 20 km nằm trên một đỉnh núi thuộc cao nguyên Đồng Văn có độ cao gần 2.000 m so với mặt biển . Đèo Mã Pí Lèng được mệnh danh là một trong "tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía Bắc Việt Nam. Theo lời giải thích của người dân địa phương, Mã Pí Lèng hiểu nôm na nơi dốc cao đến mức ngựa đi qua phải ngã và tắt thở. Đỉnh Mã Pí Lèng thuộc 3 xã: Pải Lủng, Pả Vi, Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồm đá vôi, đá phiến ánh, đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 426 triệu năm, bao gồm trong đó nhiều vết trượt và vết nứt do các hoạt động tạo núi gây ra. Cảnh quan khu vực này lởm chởm đá dựng, trong đó vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi. Nhìn xuống vực sâu, con sông Nho Quế chỉ bé như một cổ tay.

Sông Nho Quế xanh trong uốn lượn, như một sợi chỉ xanh mỏng manh vắt ngang qua hai ngọn núi, vẻ đẹp của nó đã làm say đắm biết bao nhiêu tâm hồn, như cô gái nhỏ muốn níu chân để chẳng ai nỡ lòng bước ra đi. Vết xẻ đôi triền núi chính là hẻm Tu sản sâu hàng nghìn mét, sông vẫn cao hơn mực nước biển tới 1.500 m. Lắm ghềnh đá thế nhưng chảy qua cầu Tràng Hương, sông lại êm đềm, quanh quanh men chân núi, chung lo cho cuộc sống của người Mông, người Giáy hai bờ.

"...Ngày xưa, ngày mà quả núi vẫn còn vẹn nguyên, nước chạy từ trên núi xuống bị ứ lại bên kia quả núi. Bên này chưa có dòng sông, đất đá nứt nẻ khô cằn, cây cối trơ trụi, mùa hè rang cháy cả ngọn gió đi qua.

Một hôm thần Sông nhờ thần Núi nằm dịch sang một bên để nước sông chảy qua tưới mát cho dãy núi khô hạn, Thần Núi giả vờ không nghe thấy cứ nằm ì một chỗ, thần Sông bèn tâu lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng lệnh cho thần Núi nằm dịch sang một bên.

Thần Núi giả vờ ngủ không nghe thấy lệnh của Ngọc Hoàng. Từ mùa đông đến mùa hè thần Núi vẫn ngủ, từ mùa hè đến mùa đông thần Núi vẫn ngủ...

Vào một đêm mưa gió, mưa to lắm, trời tối lắm, sấm sét thi nhau cắt màn đêm. Rồi một tiếng nổ làm rung chuyển cả đất trời, ánh sáng phát ra chói loà, màn đêm như bị băm nát thành nước. Thần Sét rút lưỡi gươm lên. Thần Núi vỡ ra làm đôi.
Dòng nước bị ứ lại lâu ngày xối qua ào ào. Nước chảy thành dòng lớn, thành sông, sông Nho Quế bây giờ. Nước đi đến đâu cây cỏ xanh tốt đến đấy, những sườn núi cháy khô, héo úa qua một đêm đã mướt xanh màu ngọc...".

Câu chuyện cổ đã đi sâu vào trong tiềm thức của những con người bản địa, họ đã sinh ra, đã sống, đã lớn lên bên dòng Nho Quế huyền thoại.

Từ trên đỉnh muốn xuống đến mặt nước của sông phải mất cả ngày đường. Trên đỉnh đèo, tỉnh Hà Giang đã đặt một bia đá khắc ghi công lao của những người làm nên con đường lịch sử với chú thích “Riêng đèo Mã Pí Lèng công nhân đã treo mình 11 tháng để mở đường”... Hòa trong sắc màu bàng bạc của nắng, mây và gió trời, chúng tôi sờ vào phiến đá tím nhạt mà cảm nhận thấy trong huyết quản như đang sục sôi.

Và trên "Tượng đài Địa chất", những bản nhỏ người Mông bám chặt vào đá, cần mẫn tạo sự sống cho đời và làm nên một vùng đất với đặc sản chè Shan, mật ong, rượu ngô, đào phai, hoa lê và món thắng cố trong buổi chợ phiên cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc: Mông, Lô Lô... Mỗi du khách đi xa hàng ngàn cây số đến Mã Pí Lèng mới thấy mình nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ và càng cảm phục sự trường tồn của các dân tộc Việt Nam sinh sống trên mảnh đất biên cương địa đầu Tổ quốc.

Nói về con đường huyền thoại mang tên "Con đường hạnh phúc". Đường Hạnh phúc - con đường của gian khổ, hy sinh, của cả hoa và máu; là huyền thoại về sức trẻ của thanh niên 16 dân tộc thuộc các tỉnh Cao-Bắc-Lạng-Hà-Tuyên-Thái và Nam Định, Hải Dương trong suốt 8 năm lao động thủ công quên mình với trên 2 triệu ngày công. Riêng ở dốc Mã Pí Lèng - nóc nhà của vùng cao nguyên đá, công nhân đã treo mình 11 tháng để mở đường.

Không một phương tiện lao động cơ giới, chỉ sức người và mìn phá đá, anh em trong “Đội cơ dũng” gồm những người ưu tú nhất, sẵn sàng hy sinh; ngày ngày họ như những con “mối dách” treo mình trên các vách đá cao hàng trăm mét trước vực sông Nho Quế mà đục đá, khoan lỗ nhét mìn. Khoan đến đâu, phá đá đến đó, từng cm đường hình thành để vượt qua con dốc dài hơn 10 km vào huyện Mèo Vạc. Có người đã hy sinh không toàn thân xác bởi đá rơi, trượt chân, người chết vì sốt ác tính, bởi bọn thổ phỉ…

Rời Cao nguyên đá Đồng Văn, đi giữa sự hùng vĩ của thiên nhiên, trùng trùng đá và núi, cảm nhận về sự phi thường của con người. Tôi nghĩ về câu chuyện của chàng trai xứ Lạng tình nguyện lên mở đường Hạnh Phúc. Anh hy sinh ngày 8/8/1961 do sốt rét ác tính.

Trước khi mất, người thanh niên vẫn tỉnh táo chia tay từng anh em trong tổ và dặn dò: "Tôi sẽ nằm mãi mãi bên vệ đường Đồng Văn. Mai này đường Hạnh phúc mở xong, anh chị em lại về quê hương xứ Lạng. Có còn ai nhớ tôi không? Tôi sẽ nhớ mọi người lắm đấy".

Một hành trình dài nhưng chẳng lấy đi của chúng tôi lòng nhiệt huyết, càng đi, càng hăng say, càng đắm đuối bởi cảnh sắc nao lòng, đẹp hơn tranh thủy mặc của từng tấc đất Hà Giang. Thấp thoáng lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa điệp trùng, chúng tôi không giấu được nỗi vui sướng, hét lên và cười sang sảng cả núi rừng.

Gửi vội chiếc xe máy tại chân cột cờ, tôi lấy thêm khăn để quấn vào cổ vì nơi đây còn rét hơn cái gió lạnh hơn 10 độ trên suốt quãng đường đi, chinh phục tiếp 389 bậc thang trong cái rét và tình trạng thiếu oxy trầm trọng, thở hồng hộc, ừng bước từng bước chúng tôi dìu nhau lên, đến khi chạm tay vào bệ cờ có tám mặt phù điêu bằng đá xanh mang họa tiết trống Đồng Đông Sơn, sống mũi cay cay một nỗi xúc động dâng trào, khoác trên mình chiếc áo đỏ sao vàng, tôi tung lá cờ FPT trắng bay phần phật giữa bầu trời lộng gió...

Mặt mũi xanh mét, môi tím tái run bầng bật vì lạnh, chúng tôi tiếp tục leo 140 bậc thang xoắn ốc cuối cùng để đến với lá cờ thiêng liêng 54 mét vuông tượng trưng cho 54 dân tộc anh em hiên ngang qua bao năm tháng. Đứng trên đỉnh cột cờ Lũng Cú - trên đỉnh vinh quang, giữa đất trời Việt Nam, giữa không gian bao la tĩnh mặc trên độ cáo 1700 m, chúng tôi cất tiếng hát vang lời bài Quốc ca hùng tráng. Những vị cựu chiến binh xung quanh đó cũng lặng lẽ đứng nghiêm, giơ tay chào và hát theo. Giây phút ấy, một cảm xúc dâng trào như lời ngàn xưa vọng về, cả Tổ quốc đang sừng sững trong tim...

Chia tay đỉnh Lũng Cú, chúng tôi lặng lẽ bước theo vòng xoáy của bậc thang sắt xuôi xuống phía dưới. Hôm nay đây, tôi đã ở giữa TP HCM phồn hoa, chuyến đi đã kết thúc được 3 tháng nhưng cứ ngỡ rằng nó vừa mơi hôm qua. Ở Lũng Cú, lá cờ Tổ quốc đang tung bay vẫn là môt lời hiệu triệu, nơi đang nuôi dưỡng trái tim tôi, để rồi nhất định sẽ có một ngày, tôi trở về nơi ấy...

Nguyễn Lan Uyên

"Cắm cờ FPT ở cực Bắc Lũng Cú" là bài viết cho "Cuộc thi sử ký 25 năm" của chị Nguyễn Lan Uyên, FPT Online. Đây cũng là bài viết tiêu biểu nhất tuần ở đơn vị này. Từ ngày 14/6, Chúng ta sẽ liên tục đăng tải những bài viết hay, tiêu biểu và xuất sắc ở các đơn vị để giới thiệu cùng bạn đọc.


 

Ý kiến

()