Chúng ta

Sinh viên ĐH FPT dùng trí tuệ nhân tạo phát triển thương mại điện tử

Thứ năm, 20/9/2018 | 18:01 GMT+7

Sử dụng trí tuệ nhân tạo vào việc xây dựng website thương mại là đề tài nghiên cứu mà nhóm sinh viên Đại học FPT thực hiện với hy vọng thay đổi hành vi của cả người mua và người bán hàng.

Để bắt kịp xu hướng công nghệ của tương lai, Đại học FPT đã chú trọng đến việc phát triển ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) và khuyến khích sinh viên phần mềm tham gia nghiên cứu lĩnh vực này. Và AI đã trở thành niềm cảm hứng cho đề tài tốt nghiệp của nhóm sinh viên Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Education) gồm 5 sinh viên năm cuối ngành Kỹ thuật phần mềm là Hoàng Trung Kiên, Ngô Hoàng Lan, Phạm Nguyễn Hoàng Dũng, Nguyễn Việt Hùng và Nguyễn Văn Sơn

Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ Thông tin, tính đến năm 2017, Việt Nam có 50,05 triệu người dùng internet chiếm 53% dân số. Trong đó, 58% số người truy cập Internet đã từng mua hàng trực tuyến. Có thể thấy, thương mại điện tử đang dần thay đổi hành vi của cả người mua và người bán hàng. Tuy nhiên, hầu hết các website được xây dựng dựa trên mô hình nước ngoài như Mỹ, Nhật… nên vẫn còn những hạn chế so với thói quen mua sắm của Việt Nam.

sinh-vien-fpt-ai-1-4811-1537431768.jpg

Nhóm sinh viên FE xây dựng website thương mại điện tử với ứng dụng AI. Ảnh: NVCC.

Điều này là động lực để nhóm nảy ra ý tưởng xây dựng một trang thương mại điện tử dành cho người Việt. Ý tưởng của đề tài này đã được nhóm tập trung phát triển dựa trên những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo.

Theo phân tích của nhóm khi bắt tay xây dựng website, khách hàng A thường xuyên mua mặt hàng số 1. Khách hàng B cũng hay mua mặt hàng số 1 và còn mua thêm mặt hàng số 2. Thói quen mua sắm của những khách hàng này có sự tương quan với nhau thì rất có thể khách hàng A cũng thích mua mặt hàng số 2.

Để thực hiện đề tài, nhóm đã đi thu thập dữ liệu thực tế từ các cửa hàng tại chợ vải Ninh Hiệp - khu chợ đầu mối về vải lớn nhất miền Bắc. Ngoài ra, các bạn còn tận dụng kiến thức thực tế trong thời gian làm việc ở Nhật Bản để hiểu thêm về thị trường và thói quen mua sắm của người Nhật, từ đó rút kinh nghiệm cho việc nghiên cứu thị trường Việt Nam.

Bằng việc thu thập hơn 25.000 dữ liệu hành vi mua sắm có thật, xử lý thông qua các thuật toán phức tạp, website có thể gửi gợi ý “những hàng hóa có thể bạn thích” đến cá nhân khách hàng qua email và tin nhắn Facebook. Ngoài ra, với những nhà bán lẻ, theo dõi xu hướng mua sắm của khách hàng cũng là một cách để đưa ra chiến lược marketing và bán hàng hiệu quả. Website cung cấp báo cáo hàng tháng và giúp khởi tạo chiến dịch marketing với chi phí chỉ từ 0 đồng.

sinh-vien-fpt-ai-2-6938-1537431768.jpg

Sinh viên Nguyễn Văn Sơn chia sẻ từng có thời gian làm việc ở Nhật, trải nghiệm ở môi trường nước ngoài.

“Các thành viên trong nhóm từng gặp khó khăn trong giai đoạn đầu do thiếu kiến thức, dẫn đến việc phải quyết định giữa tiếp tục nghiên cứu sản phẩm hay đổi hướng. Với quy mô một đồ án tốt nghiệp, sản phẩm này được đánh giá có ý tưởng tốt và khá nhanh nhạy trong việc nắm bắt các công nghệ mới”, thành viên Nguyễn Văn Sơn chia sẻ. Cũng theo nhóm, với đặc trưng thị trường Việt Nam, nhiều cửa hàng nhỏ lẻ, không chuyên về Marketing, website này sẽ rất thuận tiện và hữu ích với họ.

Sau nhiều tháng tìm hiểu những kiến thức mới như: machine learning (học máy) với sự giúp đỡ, hỗ trợ từ giảng viên Đại học FPT, đề tài đã chính thức trở thành hiện thực. Cảm hứng từ AI được nhóm đưa vào sản phẩm này thông qua việc xử lý các thuật toán để phỏng đoán xu hướng mua sắm của khách hàng thông qua những thông tin nhập vào như thời gian, tần suất, mặt hàng thường mua…

Tuy nhiên, theo nhận định của các giảng viên kỹ thuật phần mềm ĐH FPT, việc xử lý thuật toán của nhóm mới dừng lại ở machine learning - một lĩnh vực nhỏ nên chưa khiến yếu tố AI thể hiện rõ ràng và vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Trong đó có việc chưa tính những yếu tố ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của khách hàng như giới tính, độ tuổi… khiến kết quả đưa ra cho một số mặt hàng như thời trang bị giảm độ chính xác. Việc phải nhập liệu thông tin khách hàng bằng tay cũng gây tốn thời gian và công sức.

Hiện này, AI và làn sóng của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã được ứng dụng rộng rãi ở nhiều mặt trong đời sống. Những dự án như Giao thông thông minh, xe tự lái của FPT hay những xu hướng đào tạo đang bám sát bước chuyển của công nghệ của Đại học FPT đã và đang thể hiện khả năng nắm bắt tốt thách thức. Nắm bắt và vận dụng AI sẽ giúp sinh viên có được hành trang kiến thức và kỹ năng công nghệ phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện đại.

Trong năm 2018. Đại học FPT đã quyết định bổ sung ngành “Trí tuệ nhân tạo” vào chương trình đào tạo của mình. Sinh viên chuyên ngành này sẽ được trang bị nền tảng kiến thức rộng lớn trong lĩnh vực khoa học máy tính bao gồm: cơ sở toán học, vật lý, điện tử, cấu trúc máy tính, hệ điều hành, ngôn ngữ lập trình phần mềm, dữ liệu, giải thuật.

Sinh viên sẽ được nghiên cứu và thực tập các hướng chuyên sâu trong chuyên ngành Khoa học máy tính thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo như hệ chuyên gia, tương tác người - máy và ứng dụng trong các môi trường như hệ đa phương tiện; xử lý hình ảnh, âm thanh; phân tích dữ liệu lớn…

Trần Vũ

Ý kiến

()