Chúng ta

Phòng bệnh trong ngày nắng nóng

Thứ tư, 2/5/2012 | 14:09 GMT+7

Vào những ngày nắng nóng cao điểm, cơ thể con người khó thích ứng với thời tiết khắc nghiệt nên rất dễ bị ốm.

Bác sĩ Cao Thúy Tạo, Phòng Y tế FPT, chia sẻ một số bệnh thường gặp và cách phòng chống trong những ngày nắng nóng cao điểm.

Bác sĩ Tạo cho biết, khi nhiệt độ cao, có hai bệnh dễ mắc nhất là say nắng và say nóng.

Với người phải làm việc ngoài trời, không có trang thiết bị bảo hộ đầy đủ hoặc người đi ngoài trời vào buổi trưa khi nhiệt độ lên tới 41-42 độ C mà không có trang phục chống nắng sẽ dễ bị say nắng. Khi bị say nắng, người bệnh sẽ có triệu trứng sốt, mặt đỏ gay gắt, mạch nhanh và bị xỉu đi.

Người lao động làm việc trong nhà nhưng nhiệt độ môi trường cao hơn nhiệt độ cơ thể cũng dẫn đến hiện tượng mất nước, choáng, mạch nhanh và ngất xỉu. Đây là triệu chứng của hiện tượng say nóng.

Ngoài ra, trong đợt nắng nóng cao điểm, nhiều người còn mắc một số chứng bệnh về da, hô hấp và tiêu hóa.

Mùa hè, nhiều người có thói quen uống nước đá, ăn thức ăn mát vì vậy rất dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa. Ngoài ra, đi nắng nhiều, da không được che chắn sẽ dẫn đến mất lớp da bên ngoài, bị sạm cháy gần như dạng bỏng.

Bệnh hô hấp như cảm lạnh, viêm họng, khản tiếng… cũng dễ bị mắc khi cơ thể bị thay đổi đột ngột từ nóng (ngoài trời) vào trong nhà (có điều hòa).

a

Bác sĩ tạo đang kê đơn thuốc cho trường hợp mắc bệnh về hô hấp. Ảnh: Lưu Vân.

Theo bác sĩ Tạo, trong những ngày nắng nóng, dù ngồi trong nhà có quạt hay đi ngoài đường, nhiều người vẫn đổ nhiều mồ hôi. Mồ hôi thoát ra ngoài nhiều chính là lượng nước từ cơ thể bài tiết ra. Vì vậy, lượng mồ hôi càng nhiều thì cơ thể càng dễ bị mất nước. Vì vậy, cần phải chống mất nước cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước. Với một người bình thường, lượng nước được đưa vào cơ thể khoảng 2.500 ml nước/ngày, trong đó nước uống khoảng 1.000-1.500 ml. Nước thải ra ngoài cũng khoảng 2.500 ml bao gồm nước tiểu 1.000-1.500 ml, bốc hơi qua da 250-600 ml...

"Một lưu ý nữa cần ghi nhớ để phòng mất nước trong ngày hè đó là hãy luôn mang theo theo nước bên mình, liên tục uống từng ít một chứ đừng để khi khát mới uống", bác sĩ Tạo hướng dẫn và cho biết thêm, những người đi đường xa, nên mang theo nước và uống từng chút một khi thấy ra mồ hôi. Sự bổ sung này tốt hơn nhiều so với việc khát nước và uống cả lít nước một lúc.

Khi nước từ cơ thể bốc hơi qua da do đổ mồ hôi, nó không chỉ là nước thông thường mà gồm cả muối, khoáng, đường… Đó là lý do khi mất nước nhiều, nếu chỉ uống nước lọc, cơ thể không dễ dàng hồi phục.

Vì thế, sau mỗi buổi đi nắng về, nếu thấy mồ hôi ra quá nhiều, người mệt mỏi, tốt nhất nên pha Oresol với nước sôi để nguội theo đúng tỷ lệ để uống. Bạn có thể uống nước chanh tươi với một nhúm muối cũng giúp cơ thể lấy lại sức nhanh chóng.

Trong thời tiết nắng nóng, tốt nhất nên ở trong phòng, dùng điều hòa nhiệt độ hoặc quạt thoáng, mặc quần áo rộng rãi, thấm mồ hôi. Nếu buộc phải ra ngoài vào thời điểm nắng gắt, bạn nhớ mang theo khẩu trang dày che trước mặt, kín gáy, đeo kính râm và áo chống nắng để đảm bảo phần da tiếp xúc với nắng là ít nhất. Bạn lưu ý không nên mặc quần áo có màu sắc sặc sỡ như xanh đỏ để tránh hấp thụ nhiệt.

Trong những ngày này, mọi người cũng cần chú ý sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột. Ví dụ, vừa đi ngoài nắng về thì không vào ngay phòng điều hòa. Hãy mở cửa phòng, đứng khoảng 1 phút để cái nóng hầm hập trong người thích nghi dần với sự mát lạnh bên trong rồi mới bước vào phòng. Nhiệt độ trong phòng nên điều chỉnh ở 25-28 độ C và trong phòng nên có quạt thông gió để đảm bảo môi trường trong phòng thoáng khí, tránh tình trạng phòng quá kín, cảm giác không khí mát nhưng có thể tích trữ vi khuẩn, virus gây bệnh. Buổi sáng, khi nhiệt độ còn thấp ên mở cửa phòng cho thoáng khí.

Mới 8h nhưng nắng đã gay gắt vì vậy hãy cố gắng đưa con đến trường, đi làm trước 8h và đón con về khi nắng chiều đã dịu bớt.

Dễ tổn thương nhất trong ngày nắng nóng cao điểm là người già, trẻ em. Khi nhiệt độ tăng cao, người già rất khó thích ứng kịp vì “trung tâm điều nhiệt” không còn nhạy cảm nên việc điều chỉnh thân nhiệt không kịp thời. Đồng thời, “trung tâm báo khát” ở người già cũng hoạt động kém đi, nên cơ thể bị thiếu nước nhưng không cảm thấy khát, không kịp thời bổ sung nước cho cơ thể.

Vì thế, con cháu hãy luôn nhớ để nhắc nhở các cụ uống nước, bổ sung các loại thức ăn mềm, loãng, nhiều nước như cháo, bún... Việc bổ sung đủ nước sẽ giúp các cụ khỏe khoắn, tỉnh táo, hoạt bát hơn.

Riêng với trẻ em, nhiều người quan niệm do bé đã uống nhiều sữa, ăn cháo, nước hoa quả nên rất ít khi nhớ cho bé uống nước, mà trẻ thường chỉ được nhấp một tí nước để tráng miệng sau bữa ăn.

Trên thực tế, nhu cầu nước ở trẻ rất cao. Đối với lứa tuổi mẫu giáo từ 3-5 tuổi, tối thiểu nên cho uống 1.000 ml nước và 500 ml sữa/ngày, lứa tuổi tiểu học là 1.500 ml nước/ngày.

Lưu ý, không nên cho trẻ uống nước ngọt có ga, nước qua chế biến công nghiệp có nhiều đường, khiến các cháu càng biếng ăn. Các phụ huynh nên cho con uống chủ yếu là nước hoa quả tươi, nước rau, nước lọc…

Theo thống kê của Phòng Y tế FPT, vào mùa hè, người FPT hay mắc các chứng bệnh về rối loạn tiêu hóa do ăn uống không hợp vệ sinh, hay uống nước đá không sạch. Chứng bệnh viêm họng, viêm mũi và viêm thanh quản, viêm phế quản "shock nhiệt" cũng gặp khá nhiều do sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngoài trời và trong nhà có điều hòa nhiệt độ. Với các bệnh say nóng, say nắng, người FPT ít bị hơn do hầu hết làm việc trong môi trường công sở.

Lưu Vân

Ý kiến

()